#bringthekafeback: Lời nhắn gửi từ Đào Chi Anh

Những ngày vừa qua, chúng tôi bắt gặp Chi Anh và đội ngũ của mình bắt đầu một chiến dịch gọi vốn cộng động với hashtag #bringthekafeback, với nỗ lực tái sinh một không gian cộng đồng thân thuộc cho giới trẻ Việt, và đặc biệt là những ‘KAfe lovers’. Một lần nữa, chúng tôi tìm đến Đào Chi Anh để tìm hiểu vì sao cô lại quyết tâm mang The KAfe trở lại.

Hao Tran
#bringthekafeback: Lời nhắn gửi từ Đào Chi Anh

Từ những ngày đầu tiên trong công cuộc tìm kiếm câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ Millennials và Gen Z Việt, chúng tôi đã trò chuyện cùng Đào Chi Anh, lúc bấy giờ là người sáng lập chuỗi The KAfe, mô hình cafe concept từng gây tiếng vang một thời. Hai năm trôi qua với rất nhiều thay đổi, thế nhưng tình yêu với The KAfe trong cô và các ‘KAfe lovers’ thì vẫn vậy.

Những ngày vừa qua, chúng tôi bắt gặp Chi Anh và đội ngũ của mình bắt đầu một chiến dịch gọi vốn cộng đồng với hashtag #bringthekafeback, với nỗ lực tái sinh một không gian cộng đồng thân thuộc cho giới trẻ Việt, và đặc biệt là những ‘KAfe lovers’.

Một lần nữa, chúng tôi tìm đến Đào Chi Anh để tìm hiểu vì sao cô lại quyết tâm mang The KAfe trở lại.

Đào Chi Anh, người sáng lập chuỗi The KAfe, mô hình cafe concept từng gây tiếng vang một thời.Tại sao chị lại bắt đầu nỗ lực xây dựng lại ngôi nhà mới cho ‘KAfe lovers’? Mô tả một ‘KAfe lover’ điển hình.

Suốt 3 năm qua, tôi đã luôn kỳ vọng sẽ có một mô hình tương tự như The KAfe xuất hiện tại thị trường Hà Nội, để tôi và những người gọi là ‘KAfe lovers’ có một nơi để lui tới thường xuyên. Một nơi với những món ăn sáng tạo và không gian sôi động nhằm kết nối những con người đồng điệu, nhưng, vẫn không làm họ… “thủng ví”.

Tuy nhiên, ước mơ đó lại không bao giờ trở thành hiện thực. Thay vào đó là sự xuất hiện của vô vàn các quán lẩu Thái, món nướng Hàn Quốc, lẩu Hồng Kông, đồ ăn Nhật Bản… tiếp đến là cơn sốt trà sữa. Mọi thứ hầu như chỉ xoay vần, không có sự phát triển tại Hà Nội cũng như các thành phố lớn trong cả nước.

Tuy đã từng thề sẽ không bao giờ quay lại với ngành F&B nữa, nhưng tôi và đội ngũ của mình vẫn thường nhận được những câu hỏi vô vọng như: Tại sao người ta không làm những điều mới mẻ nữa? Tại sao các doanh nghiệp lại chỉ quan tâm đến lợi nhuận? Tại sao lại an toàn, khuôn mẫu và mờ nhạt đến vậy? Và tại sao số ít nhà hàng dám thử những điều mới lạ thì đều xa tầm với của đại đa số giới trẻ Việt Nam? Mức giá cao ngất ngưỡng chỉ phù hợp với người nước ngoài hoặc giới thượng lưu trở lên mà thôi.

Cùng với đó là rất nhiều tin nhắn của các bạn trẻ đã lớn lên cùng The KAfe, hay còn gọi thân thương là ‘KAfe lovers’. 3-4 năm trước, họ là các bạn học sinh phổ thông, sinh viên hoặc mới ra trường đi làm, bây giờ ai cũng đều có sự nghiệp riêng cả rồi. Thế nhưng họ vẫn chia sẻ với tôi rằng The KAfe là một phần ký ức không thể quên bởi nó như một ngôi nhà lưu giữ những khoảnh khắc, tình bạn đáng nhớ của họ.

Một số khác lại kể rằng họ vẫn nhớ hương vị của những món ăn tại The KAfe ngày ấy, như bread pudding, ragu pasta, waffles sốt rượu vang,… Và đến tận thời điểm này, thiếu đi sự hiện diện của The KAfe, họ vẫn cảm thấy trống vắng một thứ gì đó gắn liền với ký ức của mình. Nếu bạn gõ tìm hashtag #thekafe, bạn sẽ hiểu tôi đang nói gì.

“Gần đây, tôi quyết định mở lời hỏi những người đang theo dõi mình trên mạng xã hội hãy chia sẻ về những ký ức và câu chuyện của họ tại KAfe, đơn giản chỉ để mọi người có dịp tìm về quá khứ cùng nhau.”Một số khách hàng chia sẻ rằng họ thậm chí còn tìm đến những địa điểm The KAfe hồi đấy tại Điện Biên Phủ và các con đường trong Hà Nội để hồi tưởng về những ngày xưa cũ. Tôi cũng luôn mang cảm giác thương nhớ đó, chỉ có điều tôi không dám quay về những nơi cũ nữa, vì nó chứa đựng quá nhiều kỷ niệm, cả vui lẫn buồn.

Gần đây, tôi quyết định mở lời hỏi những người đang theo dõi mình trên mạng xã hội hãy chia sẻ về những ký ức và câu chuyện của họ tại KAfe, đơn giản chỉ để mọi người có dịp tìm về quá khứ cùng nhau. Và bất ngờ thay, có rất nhiều câu chuyện đổ về. Tôi đã đọc và lưu lại từng câu chuyện, cảm giác thật sự hãnh diện vì được trở thành một phần kỷ niệm giữa những người trẻ với nhau.

Một số người gặp lại bạn cũ lâu năm tại The KAfe. Một số người dẫn bố mẹ đến đây ăn vì không gian này dễ chịu, phù hợp với nhiều thế hệ. Nhiều người đến đây đơn giản vì thích đồ ăn, thức uống ở đây. Có nhiều người còn ngỏ ý muốn học một vài công thức món ăn tại The KAfe, vì họ quá nhớ nó. Họ bảo nó gần giống với cảm giác nhớ món canh mà bà và mẹ thường làm ở nhà. Và cũng có những bạn được truyền cảm hứng từ The KAfe và quyết định khởi nghiệp. Họ nói với tôi rằng ghé thăm The KAfe khiến họ nhận ra rằng một ngày nào đó họ cũng có thể giới thiệu những sáng tạo của mình đến thế giới.

Tất cả những câu chuyện như thế thôi thúc tôi với ý tưởng #bringthekafeback, nhưng không phải với mô hình doanh nghiệp hay cà phê chuỗi. Tôi vẫn giữ quan điểm sẽ không bao giờ phát triển mô hình chuỗi nữa, nó mang đến quá nhiều gánh nặng tài chính và thỏa hiệp.

Thay vào đó, tôi muốn xây dựng một nền tảng để các bạn trẻ Việt có thể tìm kiếm những thứ mà họ đang tìm kiếm, trở thành bất kỳ ai họ muốn, khám phá những hương vị mới của thế giới, và được đối xử với tất cả tình yêu và sự tôn trọng mà họ đáng nhận được.

Họ có thể ăn uống, làm việc, trò chuyện, chia sẻ và đọc sách, hoặc làm bất cứ điều gì mà họ muốn tại quán cà phê này. Tôi muốn họ cảm thấy được chào đón và an toàn khi sống thật với bản thân mình, bởi vì họ luôn được yêu thương và ủng hộ.

Theo chị, các bạn trẻ Việt có tư tưởng hiện đại, cởi mở đang trông chờ điều gì ở thị trường F&B hiện nay? Và hơn thế, họ đang hy vọng về một tương lai như thế nào cho xã hội hiện nay?

Tôi may mắn có dịp trò chuyện với các bạn trẻ hằng ngày, thông qua mạng xã hội, vlog, và blog cá nhân. Kể cả đội ngũ của tôi cũng toàn người trẻ. Thế nên tôi nghĩ điều mà các bạn trông đợi ở thị trường F&B là một sự thay đổi nhằm mang lại những điều mới mẻ, thú vị, đậm chất trải nghiệm văn hoá, hội nhập nhưng vẫn kết nối mật thiết đến đời sống của họ, kể cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ẩm thực chưa bao giờ đơn giản chỉ là đồ ăn thức uống hay một phương tiện nuôi sống con người. Ẩm thực là một phần của nguồn cội, nó phản ánh rõ nét văn hoá và quan điểm của chúng ta với thế giới.Ẩm thực chưa bao giờ đơn giản chỉ là đồ ăn thức uống hay một phương tiện nuôi sống con người. Ẩm thực là một phần của nguồn cội, nó phản ánh rõ nét văn hoá và quan điểm của chúng ta với thế giới. Nó kể câu chuyện về chúng ta, về gia đình và những mối quan hệ. Thông qua ẩm thực, chúng ta có thể truyền tải nét cá nhân của mình, về phong cách ẩm thực và nấu nướng mà mình theo đuổi, và thậm chí là quan điểm của mình về sự bền vững của môi trường. Liệu bạn có tự hỏi quán ăn bạn ghé trưa nay có đang tham gia vào sự phát triển bền vững hay không?

Tôi nghĩ đó là những điều quan trọng đối với người trẻ Việt hiện nay. Và những điều nói trên chưa hiện diện ở khoảng 80% chuỗi cửa hàng ẩm thực tại Việt Nam. Đó là lý do vì sao thị trường F&B chưa tạo được dấu ấn. Vẫn cứ là câu hỏi “hôm nay ăn gì?” nhưng thiếu mất sự hào hứng.

Còn về xã hội ư? Tôi chỉ có thể nói rằng họ cũng đang chờ sự thay đổi, nơi mà mỗi người chúng ta được tự do thể hiện bản thân, nhưng vẫn có thể hòa nhập vào cộng đồng. Doanh nghiệp hoạt động trách nhiệm hơn. Và những mối quan ngại của người tiêu dùng được cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Tất cả những điều này đóng góp vào một tương lai tốt đẹp hơn cho xã hội.

Tại sao ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt trở nên ý thức hơn về các vấn đề xã hội?

Tôi nghĩ là do càng ngày các bạn càng muốn kiểm soát những thứ đang diễn ra xung quanh mình hơn. Đó có thể là môi trường, thay đổi khí hậu, ô nhiễm, định hướng giới tính, hoặc đơn giản là vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc có quá nhiều lựa chọn (hoặc thiếu lựa chọn) cho tương lai của chính mình.

Hơn bao giờ hết, chúng ta muốn được hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, vì không phải ai cũng nhận được sự đồng hành từ gia đình và những người dẫn dắt. Hơn bao giờ hết, chúng ta muốn được bày tỏ quan điểm và sự sáng tạo của mình, vì với mạng xã hội, điều đó dễ dàng hơn bao giờ hết.

Hơn bao giờ hết, người trẻ Việt không còn dễ dàng bị tổn thương bởi những tội lỗi bị chôn vùi nữa vì họ biết sử dụng tiếng nói của mình. Đó là lý do vì sao các tổ chức, doanh nghiệp chú trọng hơn vào phản hồi của họ trên mạng xã hội. Và tôi tin rằng có nhiều người khác cũng đang lắng nghe họ nói. Vì vậy, chúng ta, đại diện của lớp trẻ Việt, phải ngày càng nâng cao nhận thức xã hội. Vì tất cả những gì chúng ta suy nghĩ, cảm nhận, tiếng nói và hành động của chúng ta đều có thể được nghe thấy. Hãy sử dụng chúng để đấu tranh cho những điều tốt đẹp, tích cực để cải thiện nơi mà chúng ta đang sinh sống.

“Chúng tôi là những người yêu ẩm thực, luôn khao khát tạo ra những hương vị và trải nghiệm ẩm thực mới cho tất cả mọi người, bất kể giàu nghèo.”Theo chị, tại sao kể từ sau The KAfe, không có mô hình F&B nào ở Hà Nội có thể để lại dấu ấn sâu đậm như The KAfe?

Tôi chỉ nghĩ rằng bởi vì không có bất cứ một nhóm người trẻ nào giống với chúng tôi ở Hà Nội, có sự đa dạng về văn hóa và xuất xứ, tất cả đều cố gắng tạo ra một cái gì đó tại Việt Nam. Trên hết, chúng tôi là những người yêu ẩm thực, luôn khao khát tạo ra những hương vị và trải nghiệm ẩm thực mới cho tất cả mọi người, bất kể giàu nghèo. Đó là lý do tại sao chúng tôi làm điều này và làm điều này cùng với The KAfe, luôn luôn duy trì sự cởi mở mặc dù tiêu tốn nhiều chi phí vận hành và công sức. Tôi nghĩ, đó chính là điểm kém thu hút với nhiều chủ đầu tư ngành F&B, bởi những yếu tố đặc thù như giá thành cao, cần đầu tư nhiều công sức phát triển và duy trì chất lượng, lợi nhuận thấp, lâu hoàn vốn và khó mở rộng mô hình….

Ngôi nhà mới dành cho ‘KAfe lovers’ sẽ trông như thế nào?

Tôi muốn nhà mới cho ‘KAfe lovers’ phải ấm cúng, cởi mở và chân thực. Không cần phải được trang trí bằng những xu hướng nội thất hợp thời để thu hút sự chú ý, hay khiến cho họ cảm giác mình mang một đẳng cấp nào đó. Chỉ cần là một căn nhà ấm cúng, sáng sủa và thoải mái, nơi mọi người có thể tận hưởng những bữa ăn tươi sạch mang hương vị của cả phương Đông và phương Tây.

Đây sẽ là nơi để họ tụ họp bất kể xuất thân, có những cuộc trò chuyện ý nghĩa, cũng như tương tác để khiến họ cảm thấy mình thuộc về nơi này. Đồng thời, nơi đây cũng nên có không gian chung cho những khóa học, các buổi nói chuyện, triển lãm, câu lạc bộ sách hay bất cứ thứ gì có thể trưng bày, chia sẻ và bàn luận để cùng mang những giá trị thiết thực đến cho mọi người.

“Nhà mới cho ‘KAfe lovers’ phải ấm cúng, cởi mở và chân thực. Không cần phải được trang trí bằng những xu hướng nội thất hợp thời để thu hút sự chú ý, hay khiến cho họ cảm giác mình mang một đẳng cấp nào đó.”Từ trải nghiệm xây dựng The KAfe, chị có thể chia sẻ một vài bài học của mình cho các bạn trẻ Việt?

  • Bạn sẽ tạo được tác động cụ thể, chỉ cần bạn tin vào một giá trị nào đó, và dám đưa nó ra cho cả thế giới – một giá trị thậm chí chưa ai từng nghĩ đến. Miễn là bạn chân thật với những giá trị ban đầu của mình và mọi người sẽ trân trọng điều này. The KAfe đã và mãi độc nhất chính bởi vì tôi và nhóm đã từ chối những gì không phản ánh đúng nhiệt huyết và giá trị cốt lõi của chúng tôi. Ngay khi tôi chấp nhận thỏa hiệp với những mục tiêu và sự can thiệp từ các nhà đầu tư thì mọi thứ bắt đầu sụp đổ. Đó chính là bài học lớn nhất cho cả tôi và bất cứ ai đang muốn xây dựng một thương hiệu cho riêng mình.
  • Đừng cố gắng sao chép từ bất kỳ ai. Điều này không khác gì nỗ lực đi vào nhà hàng, sao chép một công thức nấu ăn và cho rằng nó sẽ phù hợp với tất cả mọi người. Sự cải tiến chỉ xuất hiện cùng với niềm cảm hứng bạn thu nhặt được từ những gì bạn nhìn thấy. Khi đó, ta phải luôn tìm về với những niềm tin cốt lõi. Từ đó, trước khi thử nghiệm một mô hình mới, bạn cần hỏi bản thân rằng tại sao bạn muốn phục vụ khách hàng. Hãy thật tập trung vào một tệp khách hàng cụ thể và cố gắng mang lại cho họ những giá trị tốt nhất. Nó hiệu quả hơn là cố gắng chạy theo những gì mà một thương hiệu khác đã và đang làm tốt.
  • Biết lúc nào nên từ bỏ. Điều này tôi học được khi đưa ra quyết định khai tử The KAfe. Bạn cần là đã đến lúc khi mà cảm giác gắn kết với mô hình này không còn nữa. Đây [F&B] là một thị trường cạnh tranh và hoàn toàn không có chỗ cho một CEO rầu rĩ đang ngày qua ngày nhìn con tàu của mình chìm dần mà vô phương cứu chữa. Hãy từ bỏ, để bạn có thể bắt đầu lại từ đầu. Hãy từ bỏ, để bạn có thể mang đến sự thay đổi tích cực một lần nữa. Hãy từ bỏ, để bạn có thể làm tốt hơn lần tới. Hãy từ bỏ, vì bạn còn rất nhiều thời gian. Đừng bao giờ quên những điều đó. Từ bỏ là chuyện bình thường, thất bại cũng thế, quan trọng là đừng bao giờ ngừng cố gắng.

Xem thêm:

[Bài viết] How I Manage: CEO Nguyễn Hải Ninh và hành trình quảng bá chất lượng cà phê Việt

[Bài viết] How I Manage: Linh Thái và những chiến lược thập kỷ


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục