04 Thg 06, 2019Sáng TạoÂm Nhạc

BUDX Ho Chi Minh City: Tiếp lửa cho “subculture” tại Việt Nam cùng những người tiên phong

Cùng Vietcetera tóm tắt lại một số hoạt động đã diễn ra tại BUDX Ho Chi Minh City, qua lời chia sẻ của nghệ sĩ graffiti Danny Daos, đại diện của hip hop Việt - nghệ sĩ Rhymastic, và Touliver, người anh cả của SpaceSpeakers hay còn được biết đến với biệt danh “phù thủy tiết tấu".

Vietcetera
BUDX Ho Chi Minh City: Tiếp lửa cho “subculture” tại Việt Nam cùng những người tiên phong

BUDX là chuỗi hoạt động toàn cầu được tổ chức bởi nhãn hàng Budweiser nhằm mục đích tôn vinh và truyền cảm hứng cho các tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc, văn hóa, và thời trang. Xuyên suốt khuôn khổ sự kiện này là hàng loạt các bữa tiệc âm nhạc, và giao lưu trực tiếp, hội thảo văn hoá. Tháng 5 này, Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự là một trong 7 thành phố trên toàn cầu được chọn để tổ chức BUDX.

Diễn ra trong vòng ba ngày 28-29-30/05, BUDX Ho Chi Minh City đã quy tụ thành công hàng loạt các tên tuổi nghệ sĩ underground xuất sắc nhất tại Việt Nam cũng như trong khu vực và trên thế giới. Họ là đại diện cho những làn sóng tiểu văn hóa hiện đại (subculture) đang chảy ngày một xiết, có thể kể đến như: âm nhạc điện tử EDM, nghệ thuật Graffiti, thời trang đường phố streetwear Việt, và Drag Queen Centro Team,…

Có thể nói BUDX Ho Chi Minh City là dịp để giới trẻ Việt có cơ hội được tiếp cận những tiểu văn hóa đang lên, mở ra cho họ những góc nhìn mới mẻ, cũng như mang đến kinh nghiệm và nguồn cảm hứng quý báu để từ đó họ có thể tự tin hơn trên hành trình khẳng định tên tuổi và tài năng của chính mình.

Sau những buổi thảo luận tương tác cùng MC Thùy Minh, Vietcetera đã có dịp được gặp gỡ riêng 3 trong số các đại diện để được trò chuyện sâu hơn về những lĩnh vực mà họ đang theo đuổi.

Họ là ai? Đã tiếp cận với lĩnh vực này như thế nào và ở lại với nó bao lâu? Họ học được gì sau những đổi thay? Và quan trọng hơn hết, là họ – với tư cách những người tiên phong – đã, đang và sẽ góp phần định hình cộng đồng của mình như thế nào?

Cùng chúng tôi lắng nghe những chia sẻ của nghệ sĩ Graffiti Danny Daos, đại diện của hip-hop Việt – nghệ sĩ Rhymastic, và Touliver, người anh cả của SpaceSpeakers hay còn được biết đến với biệt danh “phù thủy tiết tấu”. Hy vọng sau khi hoàn thành bài đọc, bạn tìm được cảm hứng sáng tạo cho riêng mình.

Danny Daos: Nghệ thuật Graffiti, tự do và sợ hãi

Graffiti (nghệ thuật vẽ tranh đường phố) ra đời vào những năm 70s tại thành phố New York, Mỹ. Mãi đến đầu những năm 2000, bộ môn này mới du nhập vào Việt Nam, khởi điểm tại Hà Nội và dần lan tỏa sang các thành phố khác.

Tuy nhiên, vì là phong trào tự phát bởi những cộng đồng nhỏ, riêng lẻ, Graffiti Việt không được định hình rõ ràng về mặt thẩm mỹ, và chưa ai định hình được chất Việt trong Graffiti.

“Mọi thứ diễn ra một cách tự do và phóng khoáng. Có lẽ vì thế mà sự hỗn loạn lại chính là một điểm đặc trưng của Graffiti Việt, cho đến tận hôm nay,” nghệ sĩ Danny Daos nhận định.

Danny Daos bắt đầu biết đến nghệ thuật Graffiti từ những năm cấp Hai, thông qua một MV ca nhạc nước ngoài. Lúc bấy giờ, hình ảnh một bức tường được tô vẽ đầy màu sắc mê hoặc anh, một thời gian sau, anh biết nó được gọi là Graffiti.

“Trước đó, mình cũng có vẽ vời, nhưng Graffiti là một cái gì đó hoàn toàn khác những thứ mà mình từng vẽ qua,” Danny cho biết, “không đơn thuần chỉ là cây bút, tờ giấy, Graffiti là cả một trải nghiệm – việc bạn đứng trước một bức tường lớn hơn bản thân bạn, và cầm bình sơn xịt lên. Nó đòi hỏi nhiều kỹ thuật.”

“Graffiti còn là sự đan xen giữa cảm giác tự do và sợ hãi. Khi bạn tự tiện “vẽ bậy” lên tường nhà ai đó, và bị họ rượt chạy, nhưng vẫn ngoan cố quay lại hoàn thành bức vẽ của mình,” anh cười nói.

“Thế nhưng cái gì cũng có sự tốt xấu và những mâu thuẫn song hành với nhau. Graffiti cũng vậy. Ranh giới giữa khao khát thể hiện cái tôi của người nghệ sĩ và những ganh đua, đấu đá là rất mong manh. Ngày xưa người ta đánh nhau, còn bây giờ người ta lên mạng đôi co với nhau. Vậy nên dù phóng khoáng đến đâu cũng cần phải có những luật lệ nhất định.

Ví dụ như khi vẽ đè lên trên tác phẩm của người khác, bạn phải che phủ toàn bộ bức tranh cũ, đó cũng là cách thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với người vẽ trước,” Danny nói về những quy luật bất thành văn của Graffiti.

Theo Danny chia sẻ, tuy ngày càng có nhiều người trẻ tham gia vào cộng đồng, Graffiti Việt vẫn còn “thoi thóp”. “Nếu bạn xem Graffiti là một hình thức nghệ thuật thì sẽ rất khó sống với nó. Nghệ sĩ Graffiti trên thế giới may mắn, vì họ có cơ hội để tiến sâu trong sự nghiệp, để đưa tác phẩm của mình trưng bày ở bảo tàng, phòng triển lãm, và được tôn trọng.”

“Sự may mắn đó, những người ở đây vẫn đang đi tìm. Mình cũng đang đi tìm, nhưng mình tin rằng, khi mình hoạt động một cách nghiêm túc, thì sẽ càng có nhiều người công nhận hơn, không chỉ là người trong giới nghệ thuật, mà còn có các nghệ sĩ, những người bạn và đối tượng trung niên. Trách nhiệm của mình là ở đây để giữ lửa, để những người trẻ còn đến tham gia với mình!” Danny khép lời.

Rhymastic: Đưa hip-hop lên “lầu cao”

“Nếu vào năm 2006, bối cảnh hip-hop ở Việt Nam được ví như “một đứa trẻ được cho một món đồ chơi lạ”, thì hôm nay hip-hop Việt đang ở thời kỳ đỉnh cao nhất từ trước đến nay,” rapper, nhạc sĩ, kiêm nhà sản xuất âm nhạc Rhymastic tự hào chia sẻ.

Anh cho biết, thành quả này chính là nhờ vào sự cộng hưởng tuyệt vời giữa những cá nhân trong cộng đồng. Họ là những người anh em luôn nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau từ những ngày đầu chập chững làm nhạc. Họ là những khán giả trung thành, luôn trân trọng và ủng hộ hết mình cho thể loại nhạc vốn kén người nghe này.

Xuất thân là một cậu sinh viên ngành Kiến trúc, để trở thành gương mặt đại diện cho giới underground Việt Nam, Rhymastic (Vũ Đức Thiện) đã phải trải qua một hành trình dài tự định nghĩa, mày mò và luyện tập không ngừng nghỉ. Theo định nghĩa của Rhymastic, “Rap là một thể loại âm nhạc phản chiếu sự tự do, cái tôi và cuộc sống đời thường một cách chân thật. Đó là lý do các rapper luôn phải tự viết lời cho mình.”

May mắn sở hữu một tâm hồn tự do và nhìn thấy được nét đẹp của văn học Việt, Rhymastic cho rằng đó chính là những lợi thế giúp anh trở thành một rapper được mọi người công nhận. Vì ngoài kỹ thuật gieo vần, một bản rap ấn tượng còn đòi hỏi khả năng sử dụng từ ngữ của người nghệ sĩ, tiêu biểu nhất là chơi chữ và ẩn dụ.

Tuy từ nhỏ đã được ông nội dạy làm thơ, nhưng đối với anh, “Đó chỉ là một lợi thế nhỏ, vì cách gieo vần của rap khó hơn nhiều. Nếu trong thơ chỉ cần gieo vần một chữ trong một câu, thì trong rap sẽ gieo từ hai cho đến hơn mười chữ trong một câu. Vì thế cách duy nhất để trở nên thành thạo là luyện tập cách nhẩm trong đầu hằng ngày, hằng giờ như một thói quen.”

Ngoài ra, với khả năng cảm nhạc và tiếp thu nhanh, Rhymastic luôn biết cách khoác lên những ca khúc rap của mình bằng nhiều thể loại nhạc như Funk, Dubstep, Trap… nhằm tạo nên các xu hướng đa dạng, góp phần đưa nhạc Việt chuyển mình theo hướng hiện đại hơn.

Theo anh dự đoán, Hip hop Việt trong những năm tới sẽ không còn xoay quanh chủ đề tình yêu nữa mà sẽ tập trung lột tả nhiều hơn về những nội dung mang tính cộng đồng. Ca từ cũng sẽ được kết hợp với giai điệu phiêu và nhẹ nhàng hơn. Với Rhymastic, những cá tính như Suboi, Đen Vâu, Da LAB… là ‘át chủ bài’ trong việc lan tỏa làn sóng đó bởi họ có những góc nhìn và cách trình bày vô cùng đa dạng.

Touliver: Hành trình đi tìm chất riêng của một ‘phù thủy tiết tấu’

Nhắc đến Touliver, không khó để người trẻ hình dung ngay đến chất nhạc điện tử với giai điệu bắt tai nhưng rất riêng của anh. “Chất riêng là yếu tố bắt buộc và sống còn của người nghệ sĩ. Bạn có thể có cùng công cụ, cùng bản nhạc mẫu (sample), nhưng cá tính và cách xử lý sẽ tạo nên ‘cái tôi’ của người nghệ sĩ.”

“Tôi yêu những ca khúc trữ tình xưa của Việt Nam. Cho nên màu sắc âm nhạc của tôi là sự pha trộn giữa nét trữ tình, man mác buồn của những bài ca bất hủ cùng tiết tấu hiện đại của dòng nhạc điện tử, thêm vào đó là những hòa thanh mang nét đặc trưng của mình,” Touliver định nghĩa cá tính âm nhạc mà anh đã mất hơn 5 năm để tìm ra.

“Tôi vốn không bao giờ lập một chiến lược cụ thể nào cho mình hay cho sản phẩm. Với tôi, cách duy trì được chất riêng chỉ đơn giản là tập trung làm những gì mình thích, tuyệt nhiên không so đo hay e ngại với bất kỳ ai.”

Thế nhưng sự khác biệt của Touliver không đơn thuần bộc lộ qua những tác phẩm âm nhạc, mà nó còn nằm ở tính cách và cách làm việc của anh.

“Người làm sáng tạo nên thiết kế một thời gian biểu cho mình để cân bằng giữa công việc và sức khỏe,” anh kể, “Lúc trẻ, tôi làm việc vào ban đêm bởi sự yên tĩnh, nhưng bây giờ tôi thường bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng. Đó là khoảng thời gian đầu óc tôi tỉnh táo, sảng khoái nhất. Ngoài ra, một bí quyết để duy trì cảm hứng sáng tạo khác là rời khỏi ghế làm việc và chơi thể thao.”

Đối với Touliver, để thành công, có đam mê thôi vẫn chưa đủ, người trẻ phải làm việc thực sự nghiêm túc và có cái nhìn thực tế, cũng như chủ động trong mọi quyết định. “Để đạt mục đích, chúng ta phải chủ động làm mọi thứ, không ai tự tìm đến để giúp mình cả. Tuy nhiên, tôi có một quy tắc là cho phép bản thân được thử sức trong 5 lần. Sau 5 lần đã thử nếu vẫn không đạt được thành quả thì hãy từ bỏ để bắt tay làm những việc khác.”

Xem thêm:
[Bài viết] Dòng nhạc indie: Khám phá âm nhạc đa sắc màu cùng năm nghệ sĩ indie Việt
[Bài viết] 4s đảo giữa dòng nước lạnh cùng Cá Hồi Hoang


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục