Buồn vào mùa lễ hội thì có gì sai?
Cứ đến mùa Giáng Sinh là tôi chỉ muốn ngủ cho qua ngày. Càng cố ép mình hòa vào không khí náo nhiệt của ngày lễ, tôi lại càng buồn bã, trống vắng và cô đơn.
Cứ đến mùa Giáng Sinh là tôi chỉ muốn ngủ cho qua ngày.
Càng cố ép mình hòa vào không khí náo nhiệt của ngày lễ, tôi lại càng buồn bã, trống vắng và cô đơn.
Tiến sĩ Judith Orloff, tác giả cuốn “Rèn luyện thành một Người thấu cảm” (Thriving as an Empath) từng chỉ ra rằng “Tự huyễn hoặc bản thân bằng những cảm xúc hạnh phúc miễn cưỡng chỉ càng làm chúng ta buồn chán, thất vọng và cô đơn hơn.”
Thật ra, cảm thấy buồn rã rời giữa mùa lễ hội chẳng có gì quá bất thường cả. Nhất là vào những ngày cuối năm với cảm giác lạc lõng giữa đám đông, và cơn gió se lạnh thổi qua ví tiền trống rỗng. Trong điều kiện như thế, những ngày lễ càng trở thành chất xúc tác khiến ta buồn hơn.
Thậm chí, cảm xúc như vậy còn chẳng phải điều gì mới mẻ. Bởi ngay từ năm 1985, một bài báo đã từng đề cập: “Chính những trông mong thiếu thực tế của chúng ta vào các ngày lễ là nguyên nhân của nỗi buồn kiểu này.”
Những ngày lễ cuối năm là dịp để mọi người sum vầy cùng nhau bên bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, chỉ cần một điều vụn vặt, chẳng hạn như bầu trời hơi u ám, hoặc lầm tưởng rằng “ai cũng đang vui vẻ ngoại trừ mình” thôi là đã có thể khiến bạn trật nhịp sinh học và đánh gục bạn rồi.
Nhưng đừng tuyệt vọng như thế. Nếu bạn đang có một mùa lễ hội đáng quên, thử làm một số điều sau đây có thể giúp bạn thấy khá hơn nhiều đấy!
Thật ra không ai có một mùa lễ “hoàn hảo” cả
Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi phải đi đâu đó cùng một người bạn hoặc một nhóm bạn, thì đừng cố gượng ép. Một là hãy từ chối khéo léo, hai là đề xuất một hoạt động khác để mọi người đều vui.
Nếu bạn vô tình lướt Instagram và thấy một người bạn khoe khoang về kỳ nghỉ lễ tuyệt vời trong khi bạn thì chẳng có gì, đừng ngần ngại tắt thông báo của người đó đi.
Chính cảm giác sợ bị bỏ lỡ (FOMO) đã thôi thúc bạn cập nhật thông tin của bạn bè, để rồi cảm thấy chán chường vào kỳ nghỉ lễ. Nhưng nên nhớ rằng mạng xã hội không phải đời thật, đừng quá bận tâm về những diễn biến ảo trên đó. Thật ra, những ngày lễ chẳng khác nào một “bộ lọc ảnh” (filter) lung linh khổng lồ mà người ta phủ lên những bức ảnh cuộc sống cả.
Theo Tiến sĩ Orloff, nhiều người muốn cả thế giới này nghĩ rằng họ đang cực kỳ hạnh phúc, vì thế họ luôn xuất hiện với nụ cười rạng rỡ đầy năng lượng. Thế nhưng, càng cố thể hiện thì càng khó cảm nhận được niềm vui chân thật.
Thêm nữa, nếu bạn không tránh được buổi họp mặt với những người mình không muốn gặp, Tiến sĩ Orloff khuyên rằng bạn chỉ nên góp mặt trong một khoảng thời gian ngắn. Trước khi gặp mọi người, hãy tự xác định trước câu hỏi hoặc chủ đề nào dễ khiến bạn “chạnh lòng”. Đó có thể là về cân nặng, về gia đình, hoặc chuyện tình cảm. Từ đó chuẩn bị trước tinh thần hoặc cách ứng phó phù hợp, tránh bất ngờ và bối rối khi bị người khác “đâm trúng chỗ đau”.
Tự tạo hạnh phúc cho mình
Theo Gretchen Rubin, tác giả quyển sách “Bản kế hoạch hạnh phúc”, chỉ khi nhận thức được nguyên nhân của nỗi buồn thì bạn mới có thể tìm thấy niềm vui. Bạn hoàn toàn có thể lợi dụng chính cảm xúc tiêu cực đó để tìm ra cách xoa dịu tâm trạng. Trước hết, thử thẳng thắn hỏi bản thân: “Cứ cho là mình không thể tránh được những cảm xúc tiêu cực này đi, có cách nào trong khả năng có thể giúp mình cảm thấy đỡ hơn không?”
Chẳng hạn, nếu bạn biết mình không thể hòa nhập vào những buổi tiệc với toàn gương mặt lạ lẫm? Đơn giản thôi, tự bạn đứng ra tổ chức và mời bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, hoặc rủ nhau đi du lịch vài ngày. Đừng cảm thấy áp lực trong kỳ nghỉ lễ mà hãy xem đó là dịp để bạn kết nối với bạn bè và gia đình. Nếu bạn không hứng thú với các hoạt động cuối năm theo kiểu truyền thống (tiệc tùng, tặng quà,…) thì thử viết ra 5 điều mà bạn ấp ủ và thực hiện nó trong khoảng thời gian này xem sao. Bằng những cách này, kỳ nghỉ lễ sẽ trở nên ý nghĩa với bạn hơn nhiều đấy!
“Qua quá trình nghiên cứu, tôi nhận ra rằng càng xác định cụ thể nguyên nhân của những cảm xúc tiêu cực đó thì bạn sẽ càng dễ tìm ra cách giải quyết hiệu quả nhất.” Rubin cho biết.
Nghiên cứu từ tập san khoa học Nature Communications chỉ ra rằng, các hoạt động “chia ngọt sẻ bùi” có thể kích hoạt não bộ giải phóng một số chất hóa học giúp bạn cảm thấy vui vẻ. Vì thế, không chỉ người được bạn giúp đỡ có được một ngày hạnh phúc mà cả chính bạn cũng vậy. Hãy thử tham gia các buổi quyên góp, nấu cơm từ thiện vào dịp lễ cuối năm, biết đâu trong quá trình đó bạn sẽ bất ngờ tìm thấy những cảm xúc lạc quan thì sao. Hoặc chỉ đơn giản là mời đứa bạn thân một bữa cũng đã đủ cho một niềm vui nho nhỏ rồi
Tự tìm cho mình một “gia đình” phù hợp
Lane Moore, tác giả của quyển sách nổi tiếng về sự cô đơn “Cách ở một mình” (How to be Alone) từng khẳng định, khoảng thời gian cô đơn vào mùa lễ hội có thể còn nặng nề hơn cảm giác cô độc hàng ngày. Đặc biệt là đối với những người sống xa nhà, nó khiến nỗi cô đơn càng chồng chất khi ta nhớ về gia đình, về người thân nơi xa. Nếu bạn tủi thân khi thấy gia đình người khác đang sum vầy, hãy nhớ rằng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, những gia đình trông bên ngoài hoàn hảo đến mấy thì cũng có những bất đồng bên trong. Nghĩa là, họ cũng có những nỗi buồn như bạn mà thôi.
Một thân một mình trong mùa lễ hội không có nghĩa là bạn không thể tìm kiếm hỗ trợ về mặt tinh thần nào khác. Bạn vẫn có thể tự tạo ra một gia đình riêng, có thể là trên mạng xã hội chẳng hạn, để chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ và xem họ như là người thân của mình.
Với Lane Moore, bà thường tâm sự cảm giác cô đơn mùa lễ hội của mình trên Twitter, và bất ngờ là đã có rất nhiều người nhắn tin bày tỏ sự đồng cảm. Đôi khi cách tốt nhất để loại bỏ cảm giác cô đơn là hãy chia sẻ nỗi cô đơn ấy.
Lane Moore cho rằng “Điểm mấu chốt ở đây là nắm được mình thật sự cần gì. Muốn vậy thì bạn phải tập quan tâm đến nhu cầu và cảm nhận của bản thân nhiều hơn chứ đừng mặc kệ chúng quá thường xuyên.”
Tiến sĩ Orloff đề cập đến trải nghiệm tuyệt vời “JOMO” (niềm vui của việc bỏ lỡ), một thuật ngữ trái ngược với “FOMO” (nỗi sợ bị bỏ lỡ), nghĩa là bạn không để bản thân bị chi phối bởi nguồn năng lượng tiêu cực từ người khác. Tự nhủ rằng bỏ lỡ điều gì đó là một chuyện hết sức bình thường, cứ bình tĩnh ghi nhận và hài lòng với hiện tại. Có thể tự thưởng cho mình một tô phở bò nóng hổi, thêm một ly cà phê trứng thơm nồng càng tốt. Sau tất cả, tự yêu lấy bản thân mới là chiếc vé đảm bảo đưa bạn đến với bến bờ hạnh phúc.
Chỉ đơn thuần là nỗi buồn, hay còn điều gì hơn thế?
Buồn chán thông thường hoàn toàn khác với trầm cảm. Theo Sanam Hafeez, nhà tâm lý học thần kinh nghiên cứu tại Đại học Columbia, những người chỉ cảm thấy buồn chán thông thường vẫn có thể tự nhắc nhở bản thân rằng, những cảm xúc đau buồn, bị xa lánh hay cô độc rồi cũng sẽ lắng xuống một khi họ trở lại nhịp sống thường nhật. “Khi trở lại làm việc, niềm vui miễn cưỡng của họ sẽ kết thúc.” Sanam Hafeez nói.
Trong khi đó, người bị trầm cảm sẽ có những hành vi tự hủy hoại bản thân để che giấu nỗi đau khổ bên trong, chẳng hạn lạm dụng bia rượu, chất gây nghiện, cờ bạc, và sa ngã vào lối sống buông thả. Hơn nữa, trầm cảm có thể kèm theo cảm giác vô vọng, thậm chí chối bỏ tình cảnh hiện tại của bản thân.
Dù có là bệnh lý trầm cảm hay chỉ là cảm giác buồn tủi vào mùa lễ hội—hay theo Tiến sĩ Hafeez gọi là “nỗi buồn theo mùa”—thì bạn đều nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, hoặc đăng ký trị liệu nếu cần thiết.
Đôi khi sẽ có một vài vấn đề bất khả kháng, chẳng hạn như các bác sĩ hoặc các dịch vụ trị liệu sức khoẻ tinh thần đều đang nghỉ lễ, dẫn đến việc điều trị bị trì hoãn. Trong trường hợp đó, bạn có thể sử dụng các ứng dụng sức khoẻ như Health Through Breath, Secret of Happiness, Depression CBT Self-Help Guide, N.I.H. Depression Information và Fitness Builder để được hỗ trợ tạm thời. Bạn cũng có thể tìm đến những nguồn thông tin hữu ích như cộng đồng A Crazy Mind, hoặc tham dự một hội nhóm để kết bạn với những người có cùng tâm trạng, suy nghĩ.
Tuy nhiên, nếu bạn đang gặp khủng hoảng tâm lý, hoặc có ý nghĩ quá tiêu cực, đừng ngần ngại liên hệ bác sĩ tâm lý hoặc gọi cho những người mà bạn tin tưởng nhất để trò chuyện. Bình tĩnh lại và cho bản thân thời gian chia sẻ với một người bạn, một nhóm hỗ trợ để cảm thấy thoải mái hơn.
Bài viết này được thực hiện bởi Marissa Miller trên The New York Times, được chuyển ngữ bởi Huệ Chi.
Xem thêm:
[Bài viết] Tự nhiên bị hỏi cân, chê béo, chê gầy, chê xấu thì phản ứng thế nào?[Bài viết] Bạn đang sống bận rộn hay bận rộn để sống?