“Cà khịa” và lăng nhục: Khi ranh giới trở nên mờ nhạt

Bạn có chắc rằng trò đùa của mình không làm đau người khác?
Vũ Hoàng Long (Người Kể Chuyện)
Ranh giới giữa "cà khịa" và lăng nhục rất mong manh. | Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Ranh giới giữa "cà khịa" và lăng nhục rất mong manh. | Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Gần đây, nhiều cơ quan báo chí chính thống gọi những tin bài có tính chất châm biếm, mỉa mai các hiện tượng xã hội đang được công chúng quan tâm là “cà khịa”. Thực tế, “cà khịa” không phải một trào lưu xuất phát từ các cơ quan báo chí, mà đã là một “hot trend” trên mạng xã hội từ năm 2019.

Học theo hot trend của gen Z, một số báo nhận được phản ứng tích cực từ công chúng trẻ. Bên cạnh đó, những phản biện xã hội cho rằng nhiều trò đùa đã đi quá giới hạn cũng nhiều vô kể.

Nắm trong tay quyền lực "mềm" quan trọng, những cơ quan truyền thông lớn nên xử lý nội dung của mình như thế nào? Liệu có giới hạn nào cho những màn "cà khịa" của truyền thông?

Nhìn lại phóng sự gây tranh cãi của VTV

Phóng sự Nỗi sợ mùa dịch của VTV24 mới ra cách đây ít ngày đã gây ra bao tranh cãi giữa công chúng. Trong phút quá đà, MC Trần Ngọc còn công khai bảo vệ BTC Sơn Lâm bằng cách viết những lời khiếm nhã trên Facebook: “Tôi không thích các thành phần ốc chô”.

Nhờ vụ “cà khịa” này, lý thuyết não ba ngôi (triune brain theory) của nhà khoa học thần kinh người Mỹ Paul MacLean được người Việt Nam bàn tán rầm rộ. Về cơ bản, lý thuyết này cho rằng não người được chia thành ba lớp phức tạp dần từ trong ra ngoài, thể hiện quá trình tiến hoá từ động vật thành người.

Theo thứ tự, lớp não thuộc phức hệ bò sát khiến cơ thể đối diện với nỗi sợ bằng hành động một cách bản năng, vô điều kiện. Lớp não thuộc phức hệ thú cổ xưa phản ứng với nỗi sợ bằng cảm xúc. Lớp não “tiến hoá nhất” - phức hệ thú tân kỳ (hay não người) cho ta tư duy trừu tượng về những mối nguy có thể có trong tương lai.

Trong phóng sự của mình, VTV24 đã dùng lý thuyết này để "cà khịa" những người người dân vi phạm quy tắc phòng dịch. Tuy vậy, lý thuyết này của MacLean đã bị chứng minh là sai lầm từ những năm 70 của thế kỷ trước. Nhưng cho đến nay, não ba ngôi vẫn được sử dụng phổ biến trong các tác phẩm ngụy khoa học.

Tại sao phóng sự gây tranh cãi?

Trong 10 điều Quy định đạo đức người làm báo, điều thứ 4 viết: “Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.”

Quy định đạo đức nêu trên khiến tôi nghĩ tới những trò “cà khịa” quá trớn, không nên có trong phóng sự của VTV. Đặc biệt là những trò đùa không mấy thiện cảm nhắm vào những người dân vi phạm giãn cách xã hội.

Họ đã chịu mức xử phạt được quy định trong luật pháp, điều đó rất công bằng trong thời điểm cả nước chống dịch. Điều không công bằng đấy là hình ảnh của họ bị bêu lên trong những pha “cà khịa” trên sóng, và họ phải hứng chịu cơn bão căm ghét từ cộng đồng mạng.

“Cà khịa” đúng là khi kiểm soát được ảnh hưởng tiêu cực của thông điệp

Làm việc cho những cơ quan báo chí chính thống, quyền lực truyền thông của người tạo thông điệp là rất lớn. Một cách mặc định, người làm báo chính thống được công chúng cho là nói thật và nói đúng. Vì vậy, quy trình làm báo phải nghiêm cẩn, không tạo ra sai sót quá thường xuyên, đồng thời có độ nhạy cảm chính trị cao.

Nhà triết học truyền thông người Canada Marshall McLuhan từng tuyên bố, “Kênh truyền chính là thông điệp (The medium is the message)”. Đối với ông, nhiều kênh có quyền lực rất lớn trong việc tác động vào quá trình tiếp nhận thông điệp của khán giả.

Giả dụ, người ta chưa cần xét đến nội dung thông điệp, thì việc thông điệp đó được tạo ra bởi nhà đài quốc gia cũng đủ khiến người xem mặc định trong đầu rằng “đây là thông tin đúng”.

Hãy thử nghĩ xem, nếu một kênh truyền lớn tạo ra một thông điệp không rõ ràng, gây hiểu lầm trong công chúng, có thể để lại hậu quả lớn thế nào? Chắc hẳn có người vẫn nhớ vụ việc nhiều báo chính thống đưa tin nước mắm truyền thống có nồng độ asen vượt ngưỡng cho phép, khiến doanh nghiệp sản xuất loại nước chấm này điêu đứng.

Muốn cà khịa cho đúng, cho hay, người làm báo nên ngẫm lại ý nghĩa cao cả của hoạt động báo chí.

Vì sao giải trí hóa tin tức đang là xu hướng?

Có một sự thật đó là thế cờ giữa truyền thông cũ và truyền thông mới đã ngã ngũ, với lợi thế nghiêng về những “top trending” của YouTube và “popular post” của Facebook. Để sống sót trong môi trường thông tin khắc nghiệt, nhiều đơn vị không có lựa chọn nào khác ngoài “giải trí hoá” nội dung của mình.

Xu thế xã hội hoá báo chí và giải trí hoá tin tức đã trở thành tất yếu. Nhờ đó, thế hệ người làm báo trẻ tuổi được áp dụng sự sáng tạo về cả hình thức và nội dung trong các tác phẩm của mình.

Kết quả là, về hình thức, chúng ta thấy nhiều tin được dựng với phong cách có phần giống với video trên TikTok. Ngôn từ người làm tin sử dụng cũng gần gũi với những cách nói vui vẻ, đùa cợt của người trẻ hơn. “Nhà tôi ba đời”, “Thời tới cản không kịp”, “đu trend”, “trà xanh”... là những cụm từ hay xuất hiện trên sóng.

Tuy vậy, nội dung thì không được đổi mới nhiều như hình thức khi vẫn còn tư duy có phần lạc hậu và thiếu khách quan. Đơn cử như, BTV Việt Hoàng của VTV24 đã từng so sánh việc phụ nữ đánh ghen với bản năng tranh giành bạn tình trong thế giới động vật. Hay gần đây nhất, BTV Sơn Lâm đã mượn một lý thuyết thần kinh học lỗi thời để ví von người dân ra đường mùa dịch với bò sát và thú.

Vậy giá trị cốt lõi nào không thể thỏa hiệp?

Báo chí, ở Việt Nam và ở mọi nơi trên thế giới, đều hướng đến những giá trị công bằng và bác ái trong xã hội. Lợi ích của người dân được đặt lên hàng đầu. Thậm chí, báo chí cần đấu tranh với bất công, chứ không được tạo ra bất công.

Thông điệp báo chí cần coi trọng tính thượng tôn của pháp luật và quyền con người. Vì thế, người viết cần hết sức cân nhắc xem những gì mình đưa lên mặt báo có gây tổn hại tới đời sống của những người có liên quan, có gây chia rẽ trong xã hội.

“Tinh thần nhân văn” được nêu trong điều 4 của Quy định đạo đức người làm báo thể hiện ở việc báo chí làm tròn nhiệm vụ trở thành nền tảng cho các đối thoại xã hội lành mạnh. Độc giả, các tổ chức, các lãnh đạo và các cây bút cùng bàn luận về các vấn đề dân sinh, xã hội trong sự nhận thức về quyền lợi và cả nghĩa vụ của mình.

Quyền lợi thì ta đã đều biết, nhưng về nghĩa vụ, chúng ta phải hiểu về luật pháp, trước khi “cà khịa” và sử dụng những kỹ thuật ngôn từ để tiếng nói của mình to và vang hơn.

Người tham gia truyền thông cần nắm vững điều gì?

Bình luận về sự việc ví não người vi phạm với “não bò sát”, “não thú”, luật sư Diệp Năng Bình đã trả lời Báo giao thông rằng: “Việc xử lý phải tuân theo các quy định. Các cơ quan báo chí khi thực hiện nhiệm vụ của mình cần cẩn trọng, không dùng lời nói, hành động có tính chất miệt thị, sỉ nhục dẫn đến hậu quả là người bị hại bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm”.

Vị luật sư đã nhắc đến quy định “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình” tại khoản 1 và 3 điều 32 Bộ luật Dân sự 2015. Cùng bộ luật đó, điều 34 còn nêu rõ:

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Là một độc giả truyền thông, ta cần trang bị kỹ năng gì?

Trong một thời đại thừa mứa thông tin, độc giả truyền thông cần chuẩn bị cho mình các kỹ năng chọn lọc thông tin. Đặc biệt giữa lúc xã hội lâm vào cơn khủng hoảng Covid-19, chúng ta cần nói không với những thông điệp có tính chất thù ghét, chia rẽ xã hội. Nhưng trò “cà khịa” vô duyên cũng nên bị quay lưng, nếu như chúng kéo ta ra khỏi sự đoàn kết.

Ba thập kỷ về trước, nhà nghiên cứu văn hoá Stuart Hall đã sáng tạo nên một phương pháp phân tích thông điệp truyền thông. Điểm khác biệt của phương pháp này đối với các hình thức tri tạo truyền thông (media literacy) khác là, nó không chỉ ra tính đúng sai của thông điệp, mà sâu hơn, nhìn thấy những hàm nghĩa có tính chất định kiến ẩn dưới thông điệp.

Để nâng cao kỹ năng phản biện thông điệp, Hall hướng chúng ta tới việc trả lời 5 câu hỏi:

[1] Ai là người tạo ra thông điệp?

[2] Thông điệp được tạo ra nhắm đến ai?

[3] Thông điệp được tạo ra trong hoàn cảnh nào?

[4] Thông điệp được tạo ra nhằm mục đích gì?

[5] Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt từ thông điệp?

Là một độc giả truyền thông, một cư dân mạng thông thái, chúng ta hãy biết ngập ngừng, rồi đánh giá tỉ mỉ một thông điệp. Hãy tôn trọng tính chất hướng tới lòng bác ái của báo chí, thay vì cổ vũ những pha “cà khịa” thiếu tế nhị.

Kết

Tôi đồng ý rằng việc thay đổi ngôn ngữ chính luận sao cho phù hợp với thị hiếu của phần đa công chúng là điều tốt nên làm. Để thông tin thực sự có tính “đại chúng”, thông điệp báo chí phải bình dân, gọn ghẽ, để độc giả không có kiến thức chuyên môn cũng hiểu được.

Song, một khi thông tin đến với nhiều người hơn, ảnh hưởng của nó tới công chúng và cả nhân vật truyền thông cũng là rất lớn. Vì vậy, trước khi “hỉ hả” khi thông điệp “viral”, người làm báo cũng nên lường trước xem thông điệp của mình có vô tình làm đau ai hay không.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục