Các đơn vị thiết kế kiến trúc bền vững hàng đầu Việt Nam

Giữa xu hướng kiến trúc hiện đại, vẫn tồn tại những công trình kiến trúc xanh, được tạo ra bởi các văn phòng thiết kế bền vững dẫn dầu tại Việt Nam.

Rosie-Ân Hồ
Các đơn vị thiết kế kiến trúc bền vững hàng đầu Việt Nam

Từ khi chính thức mở cửa tại trung tâm Sài Gòn vào tháng 12 năm 2019, UNIQLO không chỉ đem về những lựa chọn quần áo thường nhật với giá cả phải chăng, cửa hàng này còn mang đến tiếng nói riêng của nó.

UNIQLO đã tìm đến công ty Vo Trong Nghia Architects của nhà thiết kế Võ Trọng Nghĩa để phục dựng một thiết kế nhiều tầng có sẵn, sử dụng tre làm vật liệu chủ chốt để truyền tải những quan điểm về môi trường của nhãn hàng thời trang này. 

Tại Việt Nam, Võ Trọng Nghĩa là một trong những nhà kiến trúc sư tiên phong với tinh thần kiến trúc bền vững. Từ những ứng dụng của anh, phong trào kết hợp các yếu tố từ thiên nhiên và những vật liệu xây dựng truyền thống vào các dự án đô thị đã trở nên vô cùng thịnh hành khắp đất nước. 

Giữa những công ty kiến trúc Việt Nam đã và đang kết hợp xu hướng này vào các thiết kế của mình, nhiều công ty trở trên nổi bật hơn hẳn nhờ cam kết đảm bảo chú trọng tính bền vững. Sau đây là những cái tên nổi bật trong làng kiến trúc Việt.

G8A Architecture & Urban Planning

Là cầu nối giữa thiết kế Á – Âu, đội ngũ của công ty G8A tại Hà Nội, Sài Gòn, Singapore và Geneva đã truyền tải thành công phong cách của mình vào từng dự án. 

Tại Sài Gòn, cộng đồng startup chắc chắn sẽ quen thuộc với dự án Jungle Station mà G8A thiết kế cho Toong Coworking Space. Từng là một nhà máy in lớn, khu vực này giờ đây đã được G8A biến đổi thành không gian xanh thoáng đãng, mang đậm tính nhiệt đới với “Green Connector”. 

Jungle Station có hẳn một vườn thực vật được thiết kế ngay dưới giếng trời trung tâm của khu vực working station. Những chậu cây cảnh, các loại xương rồng, dây leo và thảo mộc được trồng dọc theo cấu trúc tòa nhà. Xung quanh khu vực là bàn làm việc và các khu văn phòng.

Ở Hà Nội, dự án mới được hoàn thiện cho OpenAsia Group đã đặt ra tiêu chuẩn vàng cho việc thiết kế các văn phòng bền vững và thân thiện với môi trường. Tòa nhà văn phòng The Bridge được thiết kế với sảnh chính thoáng và rộng, cùng mặt lưới thép với tác dụng lọc ánh nắng mặt trời. Cây xanh ở mặt hông tòa nhà giúp tạo bóng mát và cảm giác gần gũi với thiên nhiên.

Phía sau tòa nhà là không gian mở theo chiều dọc, giúp tòa nhà trở nên thông thoáng và tận dụng ánh sáng tự nhiên một cách hiệu quả nhất, đồng thời tách mình ra khỏi những ồn ào xung quanh của trung tâm Hà Nội.  

Vo Trong Nghia Architects (VTN Architects)

Được tờ The New York Times ưu ái gọi là là người thúc đẩy giới hạn và nhìn xa trông rộng, Võ Trọng Nghĩa thành lập công ty thiết kế cùng tên tại Việt Nam vào năm 2006. Kể từ ngày đó, văn phòng thiết kế đã mang vật liệu tre vào các dự án đô thị, truyền cảm hứng thiết kế xanh cho nhiều nhà thiết kế trẻ ở Việt Nam và nhận được rất nhiều lời tán dương từ cộng đồng kiến trúc.

Đội ngũ VTN chú trọng việc kết hợp thiền định vào lối sống và cách làm việc, với thói quen thiền mỗi ngày. Cách sống này được truyền cảm hứng từ chính kinh nghiệm cá nhân của người sáng lập. Bản thân anh Võ Trọng Nghĩa cũng đã thực hành thiền từ năm 2012 và đã dành vài năm tại một ngôi chùa ở Myanmar.

Với tâm huyết trong việc sáng tạo nên một kiểu kiến trúc có thể dung hòa các yếu tố của thời hiện đại, nhà thiết kế luôn tìm cách khai thác những vật liệu đơn giản và ứng dụng các kỹ thuật xây dựng thông dụng bản xứ. 

Trong những dự án của VTN, cây xanh không chỉ được dùng để trang trí mà còn là một phần quan trọng trong kiến trúc. Chúng phối hợp với các yếu tố khác của tòa nhà và mang nhiều tầm ảnh hưởng khác nhau như chống ngập, che bớt nắng và lọc giảm tiếng ồn cũng như khói bụi ở các thành thị. 

H&P Architects (HPA)

Được sáng lập vào năm 2009 bởi Đoàn Thanh Hà và Trần Ngọc Phương, công ty H&P Architects (HPA) ở Hà Nội nhìn nhận sứ mệnh và trách nhiệm của họ là tạo ra những không gian an toàn và dưỡng dục cho cộng đồng.

Khi làm việc ở những khu vực thiên tai, hay những vùng núi xa xôi hẻo lánh, và ở những vùng thị thành hay nông thôn kém phát triển, HPA chủ động kết nối với chủ nhà và những dân cư tương lai, đồng thời tại cơ hội việc làm cho những người bản địa trong quá trình xây dựng. 

Phương châm làm việc bảo vệ cộng đồng thiểu số được thể hiện rõ trong những dự án như Brick Cave (Nhà Hang Gạch) ở Hà Nội. Giữa khu vực đang được đô thị hóa liên tục với những tòa nhà giống hệt nhau, Brick Cave trở nên nổi bật và có điểm nhấn hơn hẳn. 

Với hai lớp tường gạch nối nhau: lớp tường ngoài như một màn lọc tiếng ồn, khói bụi và mang ánh sáng tự nhiên đến căn nhà. Khoảng không bên trong được lắp đầy bằng cây cảnh, giúp toàn thể toà nhà trông như một thực thể sống, tạo cảm giác vừa riêng tư lại vừa hoà hợp môi trường xung quanh. 

Tropical Space 

Đúng như tên gọi của nó, tất cả các dự án của Tropical Space dường như chỉ tập trung vào một thứ: thiên nhiên.

Nguyễn Hải Long và Trần Ngũ Ngôn là hai nhà thiết kế đứng sau những dự án thành công như Terra Cotta Studio và Termitary House. Năm 2018, trong một buổi phỏng vấn với Vietcetera cả hai đã tóm tắt sứ mệnh của công ty: “Giấc mơ lớn nhất của chúng tôi là có thể truyền cảm hứng cho nhiều người, khẳng định rằng họ có thể sống một cách đơn giản hơn, chỉ dùng vừa đủ chứ không dùng nhiều hơn thứ mình cần. Chúng tôi biết rằng mình có thể truyền tải thông điệp này thông qua các thiết kế kiến trúc và các nguyên liệu được lựa chọn, từ đó họ có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống của mình.” 

Long An House là một thiết kế thể hiện phương châm của của Tropical Space một cách hoàn hảo. Những bức tường tổ ong và bố cục nhà được thiết kế để đón những luồng gió khác nhau mỗi mùa, giúp căn nhà lúc nào cũng thông thoáng. Sân trước được lát bởi gạch đất sét với khả năng hấp thụ mưa và làm giảm nhiệt trên bề mặt – những cách giải quyết vấn đề đơn giản mà hiệu quả. 

Yếu tố “vừa đủ” cũng được áp dụng cho những bức tường trong kiến trúc của tòa nhà. Lấy ý tưởng từ nhà Việt Nam truyền thống với sự liên kết giữa các phòng chức năng, các nhà thiết kế đã tạo nên không gian mở để liên thông trong và ngoài nhà. Mục đích chính đó là để người ở có thể thoải mái di chuyển xung quanh nhà mà không có cảm giác mình bị gò bó bởi các bức tường ngăn cách.

Mia Design Studio

MIA Design Studio có khả năng kết hợp cây xanh vào các tòa nhà một cách vô cùng dễ dàng. Tự nhận là tín đồ của kiến trúc hiện đại, đặc biệt nhấn mạnh vào sự tối giản trong thiết kế, MIA hòa hợp các yếu tố trong và bên ngoài nhà thành một tổng thể hoàn chỉnh và thông suốt. Các kiến trúc của họ đều chú trọng đến vườn, cảnh quan quanh nhà và tận dụng tối ưu điều kiện khí hậu.  

Một trong những dự án gần đây nhất của Mia là Sky House. Giữa những ngôi nhà cao tầng san sát, Sky House nổi bật với những khung trống được phủ đầy cây xanh giúp tô điểm cho tòa nhà. Các kiến trúc sư đã chia tòa nhà làm hai phần. Một phần hoàn toàn dành cho thiên nhiên, với không gian thoáng mát, giúp cây xanh được đón nhận nắng trời. Phần còn lại được chia thành những khu sinh hoạt có kích thước phù hợp, kèm nhiều tiện ích cho gia đình. 

Kết nối giữa hai không gian là các cây to mọc xuyên qua những ô trống giữa các tầng lầu và lên đến tầng thượng. Giữa phòng ngủ và cây xanh là một cánh cửa kính đẩy để vừa tận dụng ánh sáng, vừa ngắm sự thay đổi của thiên nhiên ngay từ chính ô cửa của nhà mình. 

a21studio

The Chapel là một dự án cộng đồng ở Sài Gòn với kích thước 200m2, năm 2014 đã xuất sắc nhận được giải Tòa Kiến Trúc Của Năm do World Architecture Festival (WAF) tổ chức. Nhờ đó mà cái tên A21studio tại Sài Gòn bắt đầu nhận được sự quan tâm từ bạn bè năm châu. 

A21studio đã gây ấn tượng với ban giám khảo nhờ cách sử dụng những nguyên liệu tái chế và vải màu một cách tài tình. Tòa nhà được nhận xét là “một dự án nhỏ nhưng lại mang tầm ảnh hưởng lớn”, là nơi “màu sắc và ánh sáng được sử dụng để mang đến cảm giác an yên, nhà thiết kế đã tìm được chất thơ từ những vật liệu thô mộc”. 

Kể từ đó, studio thiết kế đã phát triển một trong cách riêng: sử dụng tối giản các nguyên vật liệu để tạo nên hiệu ứng tối đa nhất, dung hòa yếu tố lịch sử và hiện đại, đồng thời không ngừng tìm cách tái chế vật liệu và biến tấu bối cảnh xung quanh. 

Dễ thấy nhất trong phong cách của A21Studio là tiệm cafe The Bloom trên đường Thi Sách tại Sài Gòn. Với một số dự án khác, như tòa nhà mang đầy tính sáng tạo Ladeu tại Nha Trang lại sử dụng các vật liệu đột phá như đá hoa cương, các thanh cốt thép hay tấm kim loại.

Ảnh bìa: Archdaily.com

Xem thêm:
[Bài viết] Kiến trúc bền vững: Những công trình “xanh” tại Việt Nam
[Bài viết] Đi tìm chút cảm hứng với Instagram của 5 nhiếp ảnh gia thời trang Việt


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục