CEO Apple đến Việt Nam: Thị trường tiềm năng mới cho gã khổng lồ công nghệ Mỹ?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Từ ngày 15-16/4, CEO của Apple là Tim Cook cùng phái đoàn 7 người đã có chuyến thăm Hà Nội. Ông cho biết mục đích trong chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam là để gặp gỡ các nhà sáng tạo, lập trình viên và tham quan trường học.
Cũng trong sáng 15/4, Apple cũng thông báo tăng cường cam kết với Việt Nam. Hãng sẽ tập trung vào nâng các khoản chi cho nhà cung cấp, đồng thời triển khai dự án hỗ trợ nước sạch cho các trường học tại Hòa Bình mà hãng hợp tác với tổ chức nước sạch toàn cầu Gravity Water.
2. Tim Cook đi đâu, làm gì trong 2 ngày ở Việt Nam?
Dù lịch trình chỉ kéo dài trong 2 ngày ngắn ngủi, CEO Apple đã gặp gỡ một số nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung và lập trình viên, đồng thời thăm và làm việc tại một trường học địa phương.
Cụ thể, ngay khi vừa đặt chân xuống Hà Nội, ông đã có buổi cafe cùng mẹ con ca sĩ Mỹ Linh - Mỹ Anh. Tiếp đó, ông đi dạo hồ Hoàn Kiếm cùng KOL công nghệ Duy Thẩm và cùng anh sáng tạo nội dung với chế độ Cinematic trên iPhone 15 Pro. Đầu giờ chiều, ông tiếp tục gặp gỡ một số nhà phát triển ứng dụng và đạo diễn Phương Vũ của Antiantiart.
“Họ (đội ngũ Antiantiart) chỉ cho tôi cách dùng iPhone, iPad và Mac để đưa bất cứ thứ gì từ trí tưởng tượng vào cuộc sống”, CEO Apple chia sẻ. Cuối ngày, ông trò chuyện cùng Suboi, VietMax và các nghệ sĩ hiphop Việt Nam về vai trò các sản phẩm của Apple trong sản xuất âm nhạc.
Sang ngày 16/4, Tim Cook cùng vlogger Giang Ơi và Trị Nguyễn đến dự giờ tiết học sử dụng tablet tại một trường phổ thông ở Hà Nội. Sau đó, ông có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính trước khi trở lại Mỹ vào buổi chiều cùng ngày.
Như vậy là trong hai ngày ở Việt Nam, CEO Apple đã có tổng cộng 6 cuộc gặp gỡ với nhiều người nổi tiếng đến từ các lĩnh vực khác nhau, và kết thúc bằng cuộc gặp với Chính phủ.
3. Việt Nam đang có vai trò thế nào với Apple?
Trong hơn một năm qua, Apple khá ưu ái thị trường Việt Nam khi liên tục giới thiệu các sản phẩm mới. Điển hình phải kể đến Apple Store Online được mở tháng 5/2023, và dịch vụ thanh toán Apple Pay được kích hoạt cho các thẻ ngân hàng Việt Nam từ tháng 8/2023.
Công ty cũng tuyển dụng kỹ sư ngôn ngữ Siri trong lĩnh vực học máy và AI để hỗ trợ thị trường Việt Nam. Vậy Việt Nam đang có vai trò thế nào trong mắt gã khổng lồ công nghệ Mỹ?
Theo CNBC, Apple đang tìm cách tăng doanh số bán hàng tại các thị trường mới. Đây là thời điểm thử thách với hãng, bởi theo thông tin do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) công bố, số iPhone xuất xưởng trên toàn cầu trong quý I/2024 đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, Apple cũng phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt đến từ các thị trường trọng điểm như Trung Quốc. Ngoài ra, do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc, Apple phải đa dạng hóa việc lắp ráp sản phẩm của mình bên ngoài đất nước này.
Theo báo Nikkei đưa tin vào tháng 12/2023, Apple đang chuyển một số nguồn lực kỹ thuật then chốt trong sản xuất iPad sang Việt Nam. Hiện tại Việt Nam cũng tham gia vào quy trình phát triển và sản xuất MacBook, iPad và Apple Watch.
“Việt Nam quan trọng với Apple không chỉ vì lượng người hâm mộ ngày càng tăng ở đây, mà còn vì ngành công nghiệp đang ngăn chặn rủi ro bằng cách đa dạng hóa hoạt động bên ngoài Trung Quốc”, ông Bryan Ma, Phó Chủ tịch đơn vị nghiên cứu thiết bị khách hàng tại IDC nhận định.
Việt Nam cũng có vị trí chiến lược trong vận chuyển toàn cầu khi là thành viên của ASEAN, và nằm gần các trụ sở chuỗi cung ứng hiện có của Apple như Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Bên cạnh đó, xuất khẩu chiếm phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, giúp chúng ta hưởng lợi rất nhiều khi các công ty công nghệ tiến hành “đa dạng hóa” bên ngoài Trung Quốc.
4. Một chiếc iPhone được sản xuất ở bao nhiêu nước?
Hiện nay iPhone là “vật bất ly thân” với nhiều người. Tuy nhiên ít ai biết rằng, việc sản xuất một chiếc iPhone nhỏ bé lại đòi hỏi chuỗi cung ứng trải dài hàng chục quốc gia. Mỗi linh kiện của iPhone dường như được sản xuất ở một nước, trước khi được chuyển đến lắp ráp hoàn chỉnh tại một nước khác.
Theo diễn đàn Android Authority, phần lớn màn hình iPhone được sản xuất tại Hàn Quốc, trong khi bộ nhớ flash và DRAM có thể đến từ nhà máy Kioxia ở Nhật Bản. Tấm kính Gorilla Glass bảo vệ màn hình có thể đến từ nhà máy Corning ở Mỹ, Đài Loan hoặc Nhật Bản. Con chip A17 Pro được thiết kế ở California, nhưng do công ty bán dẫn TSMC của Đài Loan sản xuất. Và còn một loạt các linh kiện khác được sản xuất ở Đông Nam Á nữa.
Đến công đoạn lắp ráp, trước đây hầu hết iPhone được lắp ráp tại các nhà máy do Tập đoàn Foxconn điều hành tại Trung Quốc. Tuy nhiên Apple đang chuyển dần công nghệ sản xuất iPad, Macbook và Apple Watch sang Ấn Độ và Việt Nam. Do đó, điều tương tự có thể sớm xảy ra với iPhone, và Trung Quốc không còn “độc quyền” trong việc lắp ráp chiếc điện thoại này nữa.
5. Đôi điều thú vị về người dùng Apple tại Việt Nam?
Có lẽ chúng ta không còn lạ gì về mức độ “chịu chơi” của người Việt, khi cứ mỗi lần iPhone lên đời là người ta lại xếp hàng dài ở các shop đồ điện tử. Theo thống kê của Counterpoint Research, hơn 35,000 chiếc iPhone 15 đã được bán ra chỉ trong ngày "mở hàng" đầu tiên của chiếc điện thoại này tại Việt Nam vào tháng 9/2023.
Người Việt cũng chi hơn nghìn tỷ USD để sở hữu chiếc điện thoại này. Đây có lẽ cũng là lý do Apple đạt doanh thu 89.5 tỷ USD tại thị trường Việt Nam, mức kỷ lục trong quý IV/2023 của hãng trên toàn cầu.
Cũng theo Counterpoint Research, trong 67 triệu người dùng smartphone tại Việt Nam hiện nay có tới gần 30 triệu người dùng iPhone. Dòng điện thoại chủ lực của Apple cũng đang đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng thị phần smartphone tại Việt Nam, sau Oppo và Samsung.
Như vậy với lượng fan hâm mộ “khủng” ngày một tăng theo thời gian, kèm theo các yếu tố thuận lợi về kinh tế và địa chính trị, thì việc Apple chuyển dần một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam là điều hoàn toàn dễ hiểu.