Cherophobia - Nỗi ác cảm với hạnh phúc và lý do chúng ta không thể “enjoy cái moment này”

Những trải nghiệm hạnh phúc không phải lúc nào cũng được đón nhận với thái độ tích cực.
Hiệp Hưng Nguyễn
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

Đã bao giờ bạn trải qua một niềm hạnh phúc, nhưng tâm trí lại lo âu về những điều tồi tệ chưa? Thay vì “enjoy cái moment này,” chúng ta rùng mình khi tưởng tượng ra những viễn cảnh u ám có thể xảy đến.

Chúng ta thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy mọi thứ “quá ổn.” Công việc đang tiến triển thuận lợi. Các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh. Không có cơn khủng hoảng tâm lý nào diễn ra. Mọi thứ đều ổn. Điều này thật tệ, bạn nghĩ. Thảm họa chắc chắn đang lẩn khuất ở đâu đó!

Một nghịch lý “dở khóc dở cười” khi những khoảnh khắc hân hoan lại đi kèm với ám ảnh về tương lai đen tối. “Mọi thứ quá tốt để là sự thực” - ta hoài nghi. Liệu có cách lý giải nào cho hiện tượng trớ trêu này?

Cherophobia - Nỗi ác cảm với hạnh phúc là gì?

Từ góc độ tâm lý học, nỗi ác cảm với hạnh phúc, hay cherophobia, là trạng thái lo lắng và bất an khi ai đó trải nghiệm cảm giác hạnh phúc. Những người có nỗi sợ này thường không thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui. Họ thường xuyên cảm thấy lo âu khi những điều tốt đẹp diễn ra. Tâm trí họ bị ám ảnh bởi những viễn cảnh tồi tệ có thể xảy đến.

Trong cuốn sách “Sự liều lĩnh vĩ đại,” tác giả Brené Brown liệt kê những chia sẻ của một nhóm người về kỷ niệm tổn thương nhất của họ. Bất ngờ thay, kết quả thu về lại chứa đựng vô vàn khoảnh khắc tưởng chừng luôn ngập tràn niềm vui: ngắm nhìn lũ trẻ ngủ say, dành thời gian bên bố mẹ, nhận được công việc yêu thích,...

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, cherophobia có thể khiến nhiều cá nhân tìm cách tránh né cảm giác hạnh phúc. Họ từ chối những lời chúc tụng, các buổi tiệc tùng hay những dịp vui vẻ cùng gia đình và bạn bè. Họ tìm cách kìm nén những niềm vui, hoặc thậm chí ép buộc bản thân nghĩ về những điều tiêu cực. Tất cả nhằm mục đích không để bản thân cảm thấy quá hạnh phúc.

Giải thích cho nỗi ác cảm trớ trêu này, nhà tâm lý học Carla Marie Manly cho rằng lo âu là một phản ứng sơ khai được lập trình trong bộ não. Phản ứng sợ hãi của bộ não diễn ra rất nhanh và không phải lúc nào nó cũng có thể phân biệt giữa cảm giác phấn khích và hoảng sợ.

Vì vậy, khi một trải nghiệm tích cực diễn ra, cơ thể chúng ta cũng có thể cảm thấy như khi trải qua một cơn hoảng loạn.

Sự bất an không chỉ là hiện tượng sinh học

Nỗi ác cảm với hạnh phúc không chỉ là phản ứng sinh học của bộ não, mà còn liên quan mật thiết đến niềm tin của từng người. Văn hóa tác động mạnh mẽ đến thái độ của cá nhân với trải nghiệm hạnh phúc, bao gồm cả việc tránh né hoặc bài trừ cảm giác tích cực.

Theo hai nhà nghiên cứu Mohen Joshanloo và Dan Weijers, tồn tại một niềm tin phổ biến về nỗi ác cảm với hạnh phúc, đó là “biển lặng là dấu hiệu của bão lớn.” Quan niệm này hàm ý rằng những trải nghiệm hân hoan thường đi kèm với nỗi buồn và bất hạnh. Chúng ta cũng rất quen thuộc với câu nói “cái gì cũng có mặt trái của nó,” rằng trong cái tốt có cái xấu và trong hạnh phúc hẳn phải có đau khổ.

Triết gia Joel Kupperman cảnh báo rằng hạnh phúc tột độ có thể gây ra hậu quả tiêu cực vì nó khiến người ta trở nên bất cẩn, dẫn đến những kết cục thảm khốc. Niềm tin này khiến nhiều người lo ngại bản thân sẽ chìm đắm trong niềm vui, dẫn tới mất kiểm soát hành vi và nhận thức.

Ngoài ra, truyền thông đại chúng cũng đang khiến cho các viễn cảnh u ám trở nên tồi tệ hơn. Những tin tức giật gân, gây shock liên tục được sản xuất và tiêu thụ. Chúng ta sống với cảm giác bất ổn và sự không chắc chắn, gắn chặt với vô vàn sự kiện khủng khiếp như tai nạn, thảm họa thiên nhiên,... Tâm trí ta tích trữ hàng tá những tưởng tượng tiêu cực và chúng ngay lập tức được kích hoạt khi ta trải qua cảm giác phấn chấn.

Để niềm vui được trọn vẹn

Nỗi ác cảm với hạnh phúc không phải vấn đề với tất cả mọi người. Tuy nhiên, nếu cherophobia gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống, bao gồm sức khỏe tâm lý, chất lượng giấc ngủ, khả năng điều chỉnh cảm xúc, ta sẽ cần đến những giải pháp triệt để.

Tự trấn an bản thân

Trong những khoảnh khắc chúng ta phấn khích, nỗi bất an giống như một “báo động giả” từ bộ não. Khi tâm trí hình dung về những viễn cảnh tăm tối, hãy trấn an bản thân rằng đó là một phản ứng sinh học bình thường của cơ thể. Chúng ta có thể hít thở sâu, hoặc vận động nhẹ để giúp cơ thể bình tĩnh và giải tỏa cảm giác căng thẳng.

Trong trường hợp này, những viễn cảnh tồi tệ giống như lời nhắc nhở về giá trị của khoảnh khắc hạnh phúc. Đó là một dấu hiệu để chúng ta thêm biết ơn và trân trọng những niềm vui mà ta có trong cuộc đời.

Đối diện với nỗi ám ảnh

Nỗi lo âu là phản ứng khi bộ não cảm thấy có vấn đề không ổn. Đó có thể là “báo động giả,” nhưng cũng có thể xuất phát từ vấn đề thực sự. Chúng ta sẽ cần bình tĩnh suy xét xem nguồn cơn của sự bất an ấy đến từ đâu. Ví dụ như nhận được công việc yêu thích là một trải nghiệm hạnh phúc, nhưng cũng đi kèm với nỗi lo âu về việc bản thân sẽ không làm tốt, hoặc môi trường làm việc không phù hợp.

Thay vì phớt lờ cảm giác lo âu, ta nên trực tiếp giải quyết những vấn đề gây căng thẳng. Khi xác định được chính xác nguồn cơn của sự lo âu, ta có thể nỗ lực giải quyết chúng để “toàn tâm toàn ý” tận hưởng niềm vui.

Tìm đến chuyên gia tâm lý

Dù không được liệt vào là một trong những hội chứng rối loạn tâm lý trong DSM-5 (cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần), một số chuyên gia y tế vẫn phân loại cherophobia là một dạng rối loạn lo âu.

Nếu cảm giác bất an xảy ra liên tục và kéo dài, hãy cân nhắc việc tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Họ sẽ giúp chúng ta có được những thông tin và phương pháp cần thiết để giải quyết vấn đề một cách có hệ thống.

Tham gia tư vấn và trị liệu tâm lý không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đây là một nỗ lực cần thiết để tất cả có thể tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục