Chuck Palahniuk: Viết không ra thì mau đứng dậy

Một nhà văn cấp tiến như Chuck Palahniuk sẽ vượt qua tình trạng "bí" như thế nào?
Lê Nghĩa
Chuck Palahniuk "Fight Club". | Nguồn; The Guardian

Chuck Palahniuk "Fight Club". | Nguồn; The Guardian

Đối với những người viết, hẳn bạn đã từng trải qua cảm giác "quằn quại" khi vừa mất "hứng" viết, vừa cảm thấy bồn chồn, khó chịu vì lương tâm làm nghề cắn rứt. Đây là lúc mà chúng ta dễ nghi ngờ bản thân và chán nản nhất. Vậy một nhà văn lão luyện như Chuck Palahniuk nhìn nhận việc này như thế nào?

Charles “Chuck” Palahniuk là một tiểu thuyết gia/cây bút tự do người Mỹ. Tác phẩm được nhắc đến nhiều nhất của ông là Fight Club, đây là tác phẩm đã được đạo diễn David Fincher chuyển thể thành một bộ phim đầy ấn tượng cùng tên.

Ngoài Fight Club, Chuck còn được biết đến với nhiều tác phẩm khác vì trường phái hài đen (dark comedy) với lối viết tối giản, sử dụng nhiều động từ thay vì tính từ và có cảm giác giống văn nói hơn văn viết. Dù tối giản, nhưng ý tưởng đằng sau ngôn ngữ văn học của Chuck luôn mang sự cấp tiến trong những thông điệp mạnh mẽ, có lúc còn phá bỏ các chuẩn mực xã hội.

Đừng gắng gượng, thứ gì tới sẽ tới

Theo chia sẻ của Chuck trong một buổi workshop, ông chỉ viết khi nào một ý tưởng quá hay xuất hiện và “đòi” ông phải viết xuống, trước khi nó biến mất. Trái với phương pháp của nhiều nhà văn nổi tiếng khác (như Stephen King hay Haruki Murakami), Chuck không tin vào việc xây dựng một thời gian biểu nhất định cho việc viết, hay gắng gượng viết dù mất hứng.

Nói một cách đơn giản, theo lời của Chuck là:

‘Rặn’ không ra thì đứng dậy cho nhanh. Hãy ra ngoài kia, ăn gì đó, sống cuộc đời của mình, rồi thứ gì tới cũng sẽ tới.

Chuck cũng khuyên rằng, khi bạn cảm thấy không muốn viết, có thể đặt đồng hồ đếm ngược 1 tiếng đồng hồ (nửa tiếng cũng được), sau đó ngồi xuống và viết cho tới khi chuông reo.

Nếu lúc này bạn vẫn chán viết, thì bạn được quyền thảnh thơi tìm niềm vui mới trong một tiếng sau đó. Thế nhưng, thường thì tới khi chuông reo, bạn đã chìm quá sâu vào việc viết và thích thú tới mức không muốn bỏ đi.

Nếu không dùng báo thức, bạn có thể đem đồ cho vào máy giặt, và dùng thời gian chờ giặt đồ để làm việc. Việc thay thế việc viết (vốn rất “tốn não”) bằng những việc đơn giản như rửa chén giặt đồ sẽ cho bạn thời gian nghỉ ngơi, và đó cũng là lúc ý tưởng mới, những insights (trong ngữ cảnh này có thể được hiểu là “sự vỡ lẽ”) mới sẽ xuất hiện.

Đánh máy có thể không tốt cho sự sáng tạo

Trong một podcast cùng Joe Rogan, Chuck chia sẻ ông là một người thích vận động và giao tiếp, vì vậy khá sợ những lúc phải ngồi xuống trước màn hình máy tính, và tách mình ra khỏi thế giới. Thế nhưng việc đánh máy là không thể tránh khỏi với một người viết, vì vậy Chuck có cách để làm việc đánh máy trở nên bớt nhàm chán.

Một trong những cách để Chuck tìm cảm hứng là nói chuyện với người khác, ông thích cầm theo giấy bút và viết xuống những điều thú vị mà người khác nói , ngay vào lúc ông nghe được. Đến khi phải dùng đến máy tính thì việc đánh máy lúc này vui hơn rất nhiều, vì đây trở thành một hình thức để lưu trữ, chế biến những thứ hay ho mà ông đã viết xuống trước đó.

Chuck cũng thích soạn thảo bằng bút và giấy hơn đánh máy, thứ nhất vì tính tức thời của nó, thứ hai là ông cảm thấy những nét viết nguệch ngoạc trên giấy làm cho chữ nghĩa không bị “quan trọng hóa” quá mức.

Theo ông, khi những nét chữ đẹp đẽ, ngăn nắp, theo font Times New Roman xuất hiện trên màn hình, nó làm cho những ý tưởng của mình trở nên quá giống một cuốn sách hoàn chỉnh, quá quý giá và chúng ta dễ bị đe dọa bởi chuyện này. Việc viết trên một tờ giấy có lẽ sẽ mang lại một cảm giác bớt gò bó hơn với những người viết có gu giống Chuck.

Và điều quan trọng nhất: hãy viết thứ mà BẠN muốn đọc.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục