Chuyện chưa biết về dầu gội hóa học ta dùng hằng ngày

Sản phẩm làm đẹp luôn có hai mặt, kể cả những thứ quen thuộc với chúng ta như dầu gội đầu. Liệu rằng đây là cứu tinh cho mái tóc hay lại vô tình khiến tóc bị tổn hại nhiều hơn?
Minh Trang
Dầu gội hóa học ảnh hưởng thế nào đến mái tóc chúng ta?| Nguồn: RealSimple

Dầu gội hóa học ảnh hưởng thế nào đến mái tóc chúng ta?| Nguồn: RealSimple

Thuở sơ khai, hầu hết các sản phẩm làm đẹp mà chúng ta sử dụng ngày nay đều có nguồn gốc từ thiên nhiên. 1500 năm trước Công nguyên, các thợ làm mỹ phẩm người Ai Cập thu hoạch thực vật để chiết lấy tinh dầu, sau đó kết hợp dầu động vật, dầu thực vật cùng muối kiềm để tạo ra một sản phẩm tương tự xà phòng được dùng để chăm sóc da và tóc.

Thời điểm hiện tại, dầu gội đầu (shampoo – có nghĩa là massage) mang lại cho loài người một ngành công nghiệp lên đến 31 tỷ USD (tính riêng 2021). Tuy nhiên, khác với ý nghĩa ban đầu là nuôi dưỡng da đầu từ thiên nhiên, dầu gội hóa học ngày nay vẫn luôn vướng vào nhiều tranh cãi về độ an toàn.

Thậm chí khi lên các diễn đàn về làm đẹp, bạn cũng có thể bắt gặp nhiều bình luận về việc dùng dầu gội làm khô tóc, rụng tóc, gây gầu hoặc thậm chí là viêm da. Vậy điều gì đã xảy ra để khiến một sản phẩm được tạo ra để cưng chiều mái tóc lại có tác dụng ngược như vậy?

Lịch sử của dầu gội đầu hoá học

Khái niệm dầu gội đầu hóa học lại là một sản phẩm có tuổi đời khá trẻ. Năm 1927, nhà hóa học người Đức Hans Schwarzkopf giới thiệu với công chúng một trong những loại dầu gội dạng lỏng đầu tiên. Trước đây, người dân thường gội đầu bằng bột với nước, và phải một đến hai tuần mới gội một lần. Phát minh của Hans với dầu gội dạng lỏng giúp việc gội đầu trở nên đơn giản hơn.

Cho đến năm 1930, tiến sĩ John Breck mới giới thiệu một trong những loại dầu gội đầu đầu tiên đến Mỹ và phát triển một trong những loại dầu gội cân bằng độ pH đầu tiên. Chai dầu gội hóa học tiếp tục được cải tiến vào năm 1946 khi có thêm thành phần hoạt động bề mặt giúp làm sạch da đầu hơn.

Những cột mốc thời gian kế tiếp trong các thập niên 1960, 1970, 1980, dầu gội hóa học tiếp tục được cải tiến qua việc bổ sung các chất như polyme, silicon, để tạo cảm giác mềm mượt, óng ả hơn cho tóc trong và cả sau khi gội đầu.

Công dụng đi liền với mặt trái

Các sản phẩm liên quan đến việc làm sạch, tẩy rửa đều có những mặt trái đi kèm với công dụng của nó. Hóa chất làm sạch luôn bị lên án là “dọn dẹp” luôn cả những thứ vốn có vai trò tích cực với cơ thể. Đơn cử như thành phần Sulfate có trong dầu gội.

Bên cạnh việc làm sạch da đầu, liều lượng sulfate cao cũng có thể rửa trôi hết các bã nhờn tự nhiên có vai trò làm ẩm cho da đầu. Điều này dẫn đến việc bạn sẽ có cảm giác đầu rất sạch khi vừa gội xong nhưng nhanh chóng rơi vào hai trường hợp. Da đầu bị đổ dầu nhiều hơn để bù vào lượng dầu bị mất mát quá nhiều. Thứ hai là da đầu trở nên khô hơn, bong tróc khó chịu.

Ngoài ra, các thành phần như Natri clorua (duy trì độ đặc cho sản phẩm) có thể khiến da đầu nhạy cảm, dễ rụng tóc. Thành phần silicone giúp tóc bạn có cảm giác bóng mượt, thực tế lại dễ khiến tóc trở nên nặng nề, mềm nhũn và thiếu sức sống. Nhiều hoá chất khác như hương liệu, phẩm màu nhân tạo, parabens, triclosan, v.v. có trong dầu gội cũng được cho là có khả năng gây ảnh hưởng xấu không chỉ đến tóc, mà còn là sức khoẻ của người dùng.

Điều đáng quan ngại là sản xuất dầu gội lại rất dễ. Hiện tại, có rất nhiều nơi gia công dầu gội với giá tiền chỉ vài chục nghìn một kilôgam. Nguyên liệu cho các loại sản phẩm này thường không được đảm bảo, quy trình sản xuất thô sơ nhưng lại được bày bán khắp nơi với những lời quảng cáo đầy mời gọi như dầu gội “handmade,” dầu gội thảo dược gia truyền…

Có phải chúng ta chưa biết cách gội đầu?

Bên cạnh thành phần hóa học không an toàn, chính người dùng cũng có lỗi trong việc sử dụng dầu gội và gây hại cho tóc. Trong suy nghĩ nhiều người, dầu gội chỉ đơn giản là sản phẩm làm sạch, một thứ dễ dùng mà không cần quan ngại nhiều. Thế nhưng, bạn hãy nhớ rằng các sản phẩm để chăm sóc tóc đều cần sự cẩn trọng. Vậy chúng ta đã sai ở đâu?

Gội đầu quá nhiều khiến tóc… bẩn hơn!

Gội đầu với tần suất mỗi ngày một lần sẽ khiến lớp dầu tự nhiên trên da đầu và tóc mất đi. Điều này khiến da đầu bị mất cân bằng, dễ gây rụng tóc. Đồng thời khiến da đầu tiết quá nhiều dầu để bù nước gây bết tóc, nguy cơ viêm nhiễm tăng lên.

Đặc biệt, nếu bạn còn làm khô tóc bằng máy sấy nóng thì đây quả thật là một “combo hủy diệt” tóc nhanh chóng. Tóc dù khỏe đến mấy rồi cũng trở nên yếu ớt và bạn lại thắc mắc vì sao càng gội đầu thì tóc lại càng tệ hơn.

Tổn thương da đầu do đổ dầu gội trực tiếp

Nhiều người vẫn còn thói quen đổ dầu gội trực tiếp lên tóc, thay vì tạo bọt ở tay trước. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng lượng hóa chất có trong dầu gội cần được làm loãng trước với nước. Nếu bạn sử dụng trực tiếp ngay trên da đầu, các hóa chất sẽ tập trung ở vùng da này và khiến da chịu nhiều hư tổn hơn.

Phân bổ không đều lượng dầu gội trên tóc

Một thói quen khác nhiều người thường làm là dùng dầu gội từ gốc đến ngọn. Phần tóc gần da đầu là phần tóc trẻ nhất và tiết nhiều dầu, ngược lại phần đuôi tóc là phần tóc già nhất và thường khô, mỏng manh nhất. Nếu bạn sử dụng quá nhiều dầu gội ở phần ngọn tóc, sẽ khiến chúng bị khô, xoăn, thậm chí có thể làm bết tóc.

Để dầu gội đầu phát huy đúng công năng của chúng

Không ít người đã quay lại với việc nấu vỏ bưởi và bồ kết để gội đầu. Họ sẵn sàng trở lại cách gội đầu sơ khai nhất để hạn chế tối đa dầu gội hóa học. Thế nhưng cuộc sống bận rộn này, mấy ai đủ thời gian để tỉ mỉ như thế. Đến cuối cùng, người tiêu dùng vẫn phải tìm cách để cân bằng giữa mặt tích cực và tiêu cực mà dầu gội hóa học có thể gây ra. Và một trong những lời khuyên đầu tiên là học về sản phẩm.

“Biết người biết ta”

Dành thời gian tìm hiểu các loại dầu gội và công dụng của chúng. Điều này sẽ giúp giải quyết nhu cầu của bạn hơn là tạo ra vấn đề. Đơn cử như có những dầu gội bổ sung chất dưỡng ẩm cho những da đầu hay bị khô. Nhưng nếu bạn lại mua nhầm sang dầu gội siêu làm sạch, siêu mát thì hậu quả thật khó lường. Và tất nhiên là bạn nên né những thành phần có hại cho tóc được liệt kê ở phía trên.

Ngoài ra, bạn cũng nên để ý loại sữa rửa mặt mình đang dùng. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng trong sữa rửa mặt có thể chứa nhiều chất gây kết dính tóc và da đầu như: silicones, resins hay các thành phần làm bóng da. Những chất này có thể khiến bạn bị gàu vùng chân tóc gần trán hay tóc mai.

Thử dùng dầu gội dành cho em bé

Nếu tóc bạn đã rơi vào trạng thái quá nhạy cảm, hãy thử các loại dầu gội cho em bé. Đây là những sản phẩm đơn giản và dễ dùng, ít gây ra các phản ứng tiêu cực cho tóc. Tất nhiên về hiệu quả làm sạch hay dưỡng sẽ không thể bằng với sản phẩm dành cho người lớn. Tuy nhiên, đôi lúc mái tóc của chúng ta lại cần được chăm nom như một đứa trẻ.

Tạm thời "thờ ơ" với ngọn tóc

Chúng ta thường vuốt ve ngọn tóc và chà rửa chúng vì nghĩ rằng đó là nơi tiếp xúc khói bụi nhiều nhất. Thế nhưng, da đầu mới là nơi cần làm sạch hơn vì chân tóc thường nhiều dầu nhất.

Ngược lại, phần ngọn tóc sẽ dễ bị mất nước dẫn đến khô tóc nếu gội quá lâu. Vì vậy, cách để dầu gội phát huy tốt nhất là bạn hãy tập trung nhiều hơn vào việc làm sạch da đầu. Còn phần ngọn chỉ nên gội nhẹ nhàng và xả lại bằng nước ấm là được.

Khi hiểu về mái tóc và cả chai dầu gội đang dùng, bạn có thể gặt hái được kết quả tốt hơn sau mỗi lần gội. Làm đẹp và chăm sóc cơ thể luôn là quá trình tìm kiếm sự cân bằng, phù hợp. Vì vậy, bạn nên nhớ là dù là liệu pháp thiên nhiên hay hóa học, nếu dùng không đúng cách cũng khó tránh khỏi những tác dụng không mong muốn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục