Cinéma Du Look - Bạn có thích những bộ phim đẹp?
Một làn sóng điện ảnh chỉ quan trọng cái đẹp, nội dung có cũng được, không có cũng không sao?
Bạn có bao giờ bắt gặp bản thân đang đắm chìm vào những thước phim đẹp đến nao lòng? Bạn có phải là một khán giả xem phim với phương châm “đẹp là được”?
Nếu câu trả lời cho những câu hỏi trên là có, chào mừng đến với một làn sóng điện ảnh mà tại đó, cái đẹp luôn là chỉ tiêu hàng đầu. Xin giới thiệu với các bạn, thế giới đầy tính mỹ thuật của Cinéma Du Look.
1. Cinéma Du Look là gì?
Cinéma Du Look là một phong trào điện ảnh chú trọng tính mỹ thuật trong từng khung hình và không quan trọng nội dung, ý nghĩa trong phim.
Với những ai muốn khám phá các bộ phim có chất lượng hình ảnh đầy tính nghệ thuật hơn là nội dung cuốn hút thì không thể bỏ qua làn sóng điện ảnh này.
2. Cinéma Du Look bắt nguồn từ đâu?
Vào đầu thập niên 80, những con người trẻ tuổi của Pháp dần cảm thấy bị ruồng bỏ. Họ cho rằng chế độ chính trị của nước Pháp đã không còn đại diện cho họ. Vì vậy, các nhà làm phim bắt đầu rời khỏi trào lưu chủ nghĩa hiện thực của nền điện ảnh Pháp vào các năm 70s và tạo nên làn sóng mới “Cinéma Du Look”.
Người mở đầu cho làn sóng Cinéma Du Look là Jean-Jacques Beineix với bộ phim Diva (1981) của ông.
Bộ phim Diva là sự kết hợp của chất thơ mộng từ chủ nghĩa hiện thực thi ca (Poetic Realism) và những phương pháp làm phim độc đáo của Làn sóng mới (French New Wave). Lấy cảm hứng từ những làn sóng điện ảnh trước, Đạo diễn Jean-Jacques Beineix đã sử dụng các mảng màu và ánh sáng mãnh liệt để tạo nên những khung hình độc đáo, duy mỹ và đôi khi là xa rời thực tế.
3. Vì sao làn sóng này phổ biến?
Cinéma Du Look nổi tiếng với phong cách làm phim như MV và quảng cáo, với các hình ảnh, góc quay thiếu vắng ý nghĩa và đề cao việc tâng bốc hình ảnh đẹp và bắt mắt. Đồng thời, nhiều cảnh được quay như thể đang quảng cáo một sản phẩm nào đó.
Phong cách làm phim ấn tượng này cho phép những nhà làm phim trẻ bộc lộ bản thân. Họ có thể thật sự đem đến những góc nhìn riêng biệt đầy táo bạo, thơ mộng, ảo diệu. Vẻ đẹp trong mỗi khuôn hình như một bức tranh với sự pha trộn của màu sắc đặc sắc, giai điệu và góc quay.
4. Những khung hình đầy thẩm mỹ nhưng thiếu vắng nội dung
Với việc chính trị xã hội Pháp giai đoạn thập niên 80s xuất hiện những sự biến đổi, con người vẫn chưa sẵn sàng để thích nghi.
Vì thế, các bộ phim của làn sóng này thường có nội dung xoay quanh những mảng màu u tối và cam chịu, phẫn uất của con người thời đó. Những câu chuyện thường nói về “Tuổi trẻ bị ruồng bỏ trong môi trường đô thị xa lạ”, đến các mối tình không thể nào đến được với nhau, cùng các hình ảnh chủ đề tiêu cực về cảnh sát và chính phủ.
Đặc điểm độc đáo của Cinéma Du Look là chú trọng vào việc thể hiện phong cách bản thân, nhấn mạnh hình ảnh nhiều hơn nội dung, giá trị thông điệp đem lại.
Cũng vì những lựa chọn phá cách ấy, làn sóng Cinéma Du Look cũng bị chỉ trích khá nhiều bởi các nhà phê bình. Họ cho rằng làn sóng cố tình hy sinh nội dung và chiều sâu của phim thay cho chất thẩm mỹ ở bề mặt hình ảnh. Điều đó khiến cho nhiều phim trong làn sóng này được cho là thiếu ý nghĩa và bài học.
Những bộ phim trong thời gian về sau, tuy vẫn có ảnh hưởng lớn bởi làn sóng này, chúng đã có nội dung và thông điệp sáng rõ hơn. Điển hình là Leos Carax (đạo diễn của Mauvais Sang) đã trở lại và gây tiếng vang lớn với Holy Motors (2012).
Mặc dù nhận nhiều ý kiến trái chiều, chúng ta không thể phủ nhận giá trị mà Cinéma Du Look đã đem lại. Một giai đoạn lịch sử điện ảnh Pháp mà các phim đều đẹp ấn tượng trong từng khuôn hình. Những góc máy và màu sắc mới lạ ra đời, đánh dấu cho một làn sóng đã đưa người xem một trải nghiệm điện ảnh ‘’thực sự’’ với những trực quan hình ảnh vô cùng đẹp dù vô nghĩa.
Những ví dụ trên màn ảnh:
- Diva (1981)
- Boy Meets Girl (1984)
- Subway (1985)
- Mauvais Sang (1986)
- Nikita (1990)
- Leon The Professional (1994)