Có phải “cái tôi lớn” lúc nào cũng không tốt?
Bạn nghĩ thế nào nếu được nhận xét là “có cái tôi lớn”?
- “Cháu có cái tôi lớn quá, sau này phải biết kiềm chế lại, nếu không sẽ khó tồn tại lắm.”
- “Tui hiểu là cái tôi của bà lớn, nhưng nhiều khi phải hạ mình xuống bà ạ”.
- “Không phải lúc nào con cũng nên thể hiện mình đâu”.
Đó là một vài trong số những lời khuyên tôi nhận được từ năm 18 tuổi đến nay. Phải thú nhận rằng, đã có lúc tôi coi chúng như một sự tấn công cá nhân. Và có lẽ không riêng gì tôi mà đối với nhiều người, “cái tôi to” là một lời nhận xét mang hàm nghĩa tiêu cực.
Nhưng theo thầy Minh Niệm, cái tôi (ego) không tốt và cũng không xấu, nó chỉ đơn giản là một cơ chế sinh học tồn tại trong mỗi người. Chúng ta đều có cái tôi dễ thương và cái tôi không mấy dễ thương. Cái tôi dễ thương thể hiện khi ta mang năng lượng tích cực, tâm trạng tốt và muốn truyền tải đến người khác; trong khi đó, cái tôi không dễ thương bộc phát trong những ngày tâm trạng tối tăm, cơ thể mệt mỏi vì gặp chuyện không như ý.
Vậy làm sao để hạn chế cái phần “dễ ghét”, cho cái tôi của ta ngày một dễ thương hơn? Cùng bóc tách sâu hơn về bản chất của nó, tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Cái tôi để làm gì?”.
Cái tôi là gì và nó hình thành như thế nào?
“Cái tôi” là một tập hợp tất cả nhu cầu mỗi người. Chuyên gia tâm lý Abraham Maslow đã tổng hợp chúng thành chiếc tháp 5 tầng mà hầu hết chúng ta đều biết, bao gồm nhu cầu sinh lý, an toàn, tình cảm, được kính trọng và thể hiện bản thân.
Thực tế từ giây phút chúng ta biết tên mình, ta đã nhận thức được mình là một cá thể riêng biệt, không giống với bất cứ ai trên đời. Ta khác với anh chị em ruột dù có cùng bố mẹ. Ta khác với các bạn cùng lớp dù học cùng thầy cô, cùng chương trình.
Đặc biệt nếu một đứa trẻ sớm được đưa lên các tầng cao của tháp Maslow, nó sẽ có cái tôi lớn hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Nói cách khác, khi đứa trẻ sớm được công nhận là xinh đẹp hay giỏi giang, nó sẽ được tiếp một liều dopamine khổng lồ. Điều này dẫn đến hiểu lầm rằng bản thân là cá thể đặc biệt, mà mọi người phải chú ý đến.
Dù vậy theo thầy Minh Niệm, đây là sự hiểu lầm mà mọi đứa trẻ đều phải trải qua. Thậm chí trong những năm tháng đầu đời, nó còn đóng vai trò như lớp màng bảo vệ đứa trẻ mong manh trước những đắng cay của cuộc sống. Thế nên việc bố mẹ khen trẻ xinh đẹp, ngoan ngoãn là điều hoàn toàn dễ hiểu, thậm chí góp phần quan trọng giúp đứa trẻ có tuổi thơ hạnh phúc.
Khi đứa trẻ lớn dần, lớp màng đó cũng sẽ rách theo. Bởi trong quá trình trưởng thành, nhân sinh quan chúng ta thay đổi theo trải nghiệm cuộc sống. Đến năm 17-18 tuổi, chúng ta lại có nhu cầu phát triển cái tôi mạnh mẽ khi được “độc lập” khỏi bố mẹ. Đây là lúc ta hình thành những lớp màng khác để bảo vệ bản thân, cũng chính là những cái tôi mới.
Cái tôi thay đổi thế nào theo thời gian?
Suốt quá trình trưởng thành, chúng ta đều sẽ “bầm dập” với cái tôi của mình rất nhiều lần. Khi cái tôi của những năm tháng ấu thơ vẫn còn đó, bạn dễ hiểu lầm rằng mình có thể một mình “cân” những việc lớn. Và phải làm một mình, vì không ai có khả năng “cân” được như mình cả. Nó cũng khiến bạn luôn cho rằng mình đúng, từ đó lấn át ý kiến người khác.
Điều này có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có trong các mối quan hệ hàng ngày. Vì vậy, ta cần học cách kiềm chế cái tôi và biết hạ nó xuống khi cần. Đây cũng là một bước giúp bạn nâng cao trí thông minh cảm xúc (EQ) của mình.
Chẳng hạn trong cuộc họp, bạn và đồng nghiệp bất đồng ý kiến với nhau. Thay vì cãi cố để đồng nghiệp chịu thua, bạn bình tĩnh lắng nghe quan điểm của họ, rồi từ tốn nói về quan điểm của mình. Thay vì phủ nhận đồng nghiệp, bạn ghi nhận quan điểm của họ, song không nhất thiết phải đồng ý. Cách này giúp cả hai bạn tránh một cuộc cãi vã không đáng có.
Con người vốn là động vật xã hội. Vì vậy chúng ta không thể tồn tại đơn độc, mà phải biết nương tựa vào nhau mà sống. Chính trong quá trình học cách sống hòa hợp với người khác, ta tìm ra sự độc lập để chăm sóc cho cái tôi của riêng mình. Cái tôi của bạn không biến mất, mà nó hòa vào thế giới xung quanh, giúp bạn đồng hành cùng với họ.
Mọi vật trên thế gian cũng đều tương tác lẫn nhau theo cách như vậy, dù bạn có nhận thấy hay không. Chẳng hạn bạn làm một podcast sẽ có hàng triệu người nghe, dù bạn không nhìn thấy họ. Và phải có người nghe thì podcast của bạn mới thành công.
Cũng theo thầy Minh Niệm, bản thân mỗi người đã là một sự tổng hòa từ nhiều yếu tố, chứ không có yếu tố nào “thuộc về” riêng họ. Bạn có thể có năng khiếu về một bộ môn, nhưng để bồi đắp nó thành tài năng, bạn cần được người có chuyên môn chỉ đường, dẫn lối. Không có họ, năng khiếu của bạn cũng sẽ mai một chứ không thể thành tài.
Làm sao để có cái tôi dễ thương trong những lúc “dễ ghét”?
Khi cuộc đời “nở hoa”, thì việc thuần dưỡng cái tôi khá dễ dàng. Chúng ta hòa đồng với người khác, nhiệt tình giúp đỡ họ khi cần, thậm chí cho họ một đôi tai lắng nghe hay một bờ vai để tựa vào là ta đã trở nên dễ thương hơn rất nhiều.
Nhưng khi tâm trạng không tốt, não bộ sẽ tự động quay trở về “chế độ trẻ em” - nơi những phần tăm tối nhất trong cái tôi của con người bộc phát. Ta trở nên ái kỷ, hờn dỗi người khác và căm ghét cả thế giới.
Trong những lúc này, bạn có thể cho mình một khoảng lặng, ngồi im và không làm gì cả (có thể uống một cốc nước hoặc trà nóng). Cố gắng ghi nhận tất cả những suy nghĩ và cảm xúc đi qua bạn lúc này.
Theo thầy Minh Niệm, cách này giúp bạn “thấy” được những phiền não của mình và ghi nhận chúng. Việc chấp nhận cả những khoảng tối trong cái tôi của mình là bước đầu tiên giúp bạn thay đổi chúng. Điều này đặc biệt quan trọng khi có biến cố xảy ra, bởi lúc này ngân sách cơ thể bạn cạn kiệt, không còn đủ ý chí để “gồng” lên, để sống trong cái tôi dễ thương.
Khi đã qua bước ghi nhận, bạn có thể tự vấn mình với những câu hỏi như:
- Hôm nay mình có lỡ nói gì làm tổn thương ai không?
- Mình phản ứng như vậy có thái quá không?
- Có lời nói nào mình rút lại được không? Có cách nói nào dễ nghe hơn không?
Với mỗi câu hỏi, bạn ghi xuống giấy những chiêm nghiệm của mình. Một lần nữa, khi “thấy” được dòng suy nghĩ của mình từ điểm nhìn bên ngoài, bạn sẽ nhìn nhận chúng khách quan hơn và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Về khía cạnh nào đó, những lúc cuộc đời tăm tối cũng là cơ hội cho bạn nhìn lại mình, quan sát và học lại từ đời sống, từ đó thiết lập lại cái tôi.
Chúng ta có thể không có cái tôi không?
Để trả lời câu hỏi này, hãy hình dung tình huống sau: Bạn là thầy giáo hướng dẫn học trò học bài, song dạy mãi mà học trò không hiểu. Bạn có bực mình không?
Nếu không bực mình thì một là bạn nói dối, hai là bạn là thánh. Sự bực mình đó chính là một phần cái tôi của bạn.
Là con người, chẳng ai đạt tới trạng thái “zero ego” cả. Chính thầy Minh Niệm cũng thừa nhận đã có lúc bực với học trò của mình. Vì vậy mà thầy cũng đôi lúc đối xử khác nhau với từng học trò, song không lên án hay buộc tội họ, và nhanh chóng tìm ra giải pháp cân bằng lại.
Điều quan trọng hơn cả là thầy nhận thức được khát khao lớn hơn của bản thân mình, là truyền dạy những giáo lý Phật giáo cho học trò - điều có thể mang tới cho họ sự thanh thản, an nhiên trong tâm hồn. Chúng ta cũng có thể áp dụng bài học này: Một khi xác định được mục tiêu hay lý tưởng lớn của cuộc đời, ta sẽ tìm ra cách chăm sóc cái tôi, để dung hòa nó được với mọi người xung quanh.
Ta không thể làm việc lớn một mình, mà phải có sự phối hợp từ cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nếu thiên thời và địa lợi là yếu tố mà ta hay gọi là “duyên” hay “gặp thời” khó đoán biết trước được, thì nhân hòa lại là cái ta có thể bồi đắp thông qua việc thuần dưỡng cái tôi của chính mình.
“Cái tôi lớn” dường như là nhận xét mang hàm nghĩa tiêu cực với hầu hết chúng ta. Tuy nhiên về bản chất, cái tôi chính là tổng hòa nhu cầu của mỗi người. Nó là một phần tất yếu trong chúng ta, và nó luôn tồn tại hai mặt đối lập: cái tôi dễ thương và cái tôi không dễ thương. Vậy cái tôi tồn tại để làm gì, và làm sao để hạn chế cái phần “không dễ thương” trong nó?
Tập 4 của podcast Bạn Thân - Bản Thân đã sẵn sàng đồng hành cùng bạn tìm ra câu trả lời. Cùng lắng nghe những lời chia sẻ từ host Thùy Minh và thầy Minh Niệm nhé.