Công Phượng sang Nhật đá bóng nhưng lại được khen “pha cà phê rất ngon”

“Hỏi Công Phượng đá ở đâu, Công Phượng chỉ tay vào tủ lạnh, đá sạch ở trong đó nhiều lắm.” Bởi lẽ anh nào có được đá chính.
Tuấn Anh
Nguồn: Yokohama FC; Facebook

Nguồn: Yokohama FC; Facebook

1. Meme Công Phượng pha cà phê là gì?

Trước đây, cái tên Công Phượng từng nhiều lần “tràn ngập” các trang mạng xã hội. Đó là vào năm 2015, khi chàng trai xứ Nghệ đạt danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam với CLB Hoàng Anh Gia Lai. Hay vào năm 2018, khi anh cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup và trở thành Á quân của giải U-23 châu Á.

Công Phượng trong vài tuần qua lại trở thành từ khóa được bàn tán sôi nổi trên mạng. Nhưng không phải bàn tán về kỹ năng túc cầu của anh, mà về khả năng pha cà phê, nấu ăn, phục vụ bàn…

2. Nguồn gốc của meme Công Phượng pha cà phê?

Ngày 14/9, Công Phượng đạt thỏa thuận với CLB Nhật Bản Yokohama FC để rời đội bóng trước thời hạn hợp đồng, khép lại 2 mùa giải “chinh chiến” tại xứ sở hoa anh đào.

Trong lời chia tay của đội bóng dành cho tiền đạo sinh năm 1995, Yokohama FC viết rằng: “Công Phượng, người đã sát cánh cùng chúng tôi trong khoảng một năm rưỡi, sẽ rời đội bóng. Các cầu thủ đều yêu quý tính cách của Công Phượng, và sẽ rất nhớ mùi cà phê thơm lừng mà anh từng pha trong phòng thay đồ.”

Đầu năm nay, Công Phượng cũng được CLB Yokohama lựa chọn làm gương mặt đại diện cho những sản phẩm về cà phê trong thương hiệu đồ gia dụng “Route to Dream” của đội bóng. Những sản phẩm được Công Phượng và Yokohama FC đồng sản xuất bao gồm ly nước, tạp dề, lót cốc,...

Thông cáo của Yokohama FC về chuỗi sản phẩm nói rằng: “Công Phượng rất thích cà phê và cũng là một thợ pha chế (barista) có trình độ. Trong mùa giải 2024, Công Phượng được chú ý khi tự pha cà phê cho các đồng đội.”

3. Vì sao meme này nổi tiếng?

Ngoài câu chuyện pha cà phê, những hình ảnh meme của Công Phượng còn ngụ ý rằng về mặt chuyên môn, chàng cầu thủ này đã không thành công tại Yokohama FC.

Trong hai mùa giải, tiền đạo từng được báo chí phương Tây mệnh danh là “Messi Việt Nam” chỉ ra sân vỏn vẹn 3 lần, thi đấu tổng cộng 85 phút. Thành tích cá nhân không có bàn thắng hay kiến tạo mà chỉ là một chiếc thẻ vàng.

Thông số này khiêm tốn hơn rất nhiều những cái tên nổi bật khác của bóng đá Việt Nam từng thi đấu ở nước ngoài trong thời gian gần đây như Quang Hải (Pau FC - Pháp) hay Văn Hậu (SC Heerenveen - Hà Lan) - vốn đã không được đánh giá là những chuyến “xuất ngoại” quá thành công.

Nó cũng khép lại hành trình chinh chiến “buồn nhiều hơn vui” của một cầu thủ từng coi là viên ngọc sáng giá bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Không chỉ ở Yokohama FC, Công Phượng trước đây cũng từng nhạt nhòa trong màu áo của Mito Hollyhock (Nhật Bản), Incheon United (Hàn Quốc), và Sint Truidense (Bỉ).

Các cầu thủ Việt Nam vốn gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn đi thi đấu cho các CLB nước ngoài. Vẫn tồn tại một cách biệt lớn giữa trình độ của cầu thủ Việt Nam và các đồng cấp quốc tế, chưa kể bất lợi về ngoại hình cũng khiến cầu thủ nước ta khó thích nghi với lối đá trọng thể lực của nhiều quốc gia phương Tây.

Song nhìn vào hành trình của Công Phượng, ta nhìn thấy sự đáng tiếc nhiều hơn là đáng trách, đáng chê cười. Việc chàng tiền đạo sẵn lòng xuất ngoại tới bốn lần dù sao vẫn cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của anh.

Những hình ảnh meme về Công Phượng có thể buồn cười, nhưng cũng thể hiện sự thất vọng và khắt khe (đôi khi quá mức) của các fan bóng đá, trong số đó nhiều người mặc định cho rằng cầu thủ Việt Nam chắc chắn sẽ thất bại tại nước ngoài vì “chưa đủ tầm”.

4. Một số biến thể meme Công Phượng


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục