Curnon: Tại sao không oanh tạc?
5 năm đầu tiên được xem là giai đoạn sống còn đối với một startup, đặc biệt là những startup chinh phục những thị trường cạnh tranh như thị trường bán lẻ. Ấy vậy mà Curnon đã đi được hơn 80% chặng đường đầu tiên, và đang dần khẳng định thực lực của mình trong ngành hàng đồng hồ và phụ kiện thời trang.
Là một startup do người trẻ sáng lập, vận hành bằng sức trẻ, mang đến các phụ kiện thời trang cho người trẻ, câu chuyện của Curnon từ những ngày đầu thành lập đã mang đậm tinh thần “oanh tạc" - một trong 6 giá trị cốt lõi mà thương hiệu theo đuổi.
Curnon /cơ-nần/: Tại sao không?
Ra mắt trên thị trường vào năm 2016, Curnon bắt đầu với hoài bão lấp đầy phân khúc còn trống trên thị trường đồng hồ, đó là phân khúc tầm trung, với kiểu dáng thời trang, đảm bảo chất lượng và giá thành phải chăng. Trước khi được biết đến rộng rãi nhờ vào hiệu ứng truyền thông từ chương trình Shark Tank 2018, hai đồng sáng lập viên là Quang Thái và Anh Đức cũng đã đạt được một số thành tích nhất định cho Curnon.
Trong vòng hơn 1 năm kể từ ngày thành lập, Curnon cho ra mắt 33 mẫu thiết kế, tốc độ tung sản phẩm mới là 2 tuần/sản phẩm, 3 cửa hàng ở Hà Nội, và một trang thương mại điện tử. Hơn 2,000 chiếc đồng hồ đã được bán ra. Với những con số biết nói, hai nhà sáng lập trẻ đề nghị được đầu tư 5 tỷ để đổi lấy 15%.
Khi bị các Shark hỏi khó liệu doanh thu 4,2 tỷ, sau khi trừ hết các chi phí sản xuất và vận hành, có đủ để trả lương cho nhà sáng lập chưa? Hai nhà sáng lập chỉ thành thật: “Bọn em chưa! Làm startup nên thời điểm này bọn em ưu tiên sự phát triển nhanh chóng, miễn là công ty thu đủ doanh số để chi trả cho chi phí hoạt động.”
Sau hơn 17 phút thuyết trình với các Shark (đã chỉnh sửa khi phát sóng), với quyết tâm cao độ và tầm nhìn chiến lược của mình, hai nhà sáng lập Curnon đã gọi thành công 3 tỷ đồng cho 20% cổ phần và 2 tỷ đồng là khoản vay chuyển đổi với chiết khấu 25%. Gần 3 năm kể từ ngày đó, Curnon đã và đang phát triển đúng với những gì mà họ cam kết.
Ngoài các thiết kế đồng hồ ngày một đa dạng hoá, Curnon còn phát triển các dòng phụ kiện thời trang khác như nhẫn, vòng tay. Đi kèm với sự phát triển về mặt sản phẩm là traffic vào website Curnon tăng 10 lần, doanh số tăng gấp 7 lần, và đội ngũ nhân sự tăng gấp 10.
Kể cả trong thời điểm khó khăn của năm 2020, đội ngũ trẻ này vẫn không ngừng tiến về phía trước. Đúng như câu nói mà nhà sáng lập Curnon yêu thích, đến từ tác giả Robert Collier: “Tội làm trái với quy luật tự nhiên duy nhất không-thể-tha-thứ là đứng im và không chịu thay đổi.”
Xây dựng brand love, theo cách ‘tại sao không?’
Không chỉ chú trọng về sản phẩm và dịch vụ, Curnon còn đề cao thông điệp mà mình truyền tải đến khách hàng, đa phần là những bạn trẻ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z. Xuất phát từ chính tên gọi của mình (Curnon trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "Why not?"), mọi hoạt động, mọi câu chuyện truyền thông của Curnon đều xoay quanh thông điệp rất... “Tại sao không?”
Trong thời điểm cả thế giới bất định vì đại dịch, Curnon nhắn nhủ bạn không cần phải ra ngoài theo đuổi đam mê, bởi đam mê luôn ở trong mỗi người. Nếu bạn ở nhà, đam mê cũng sẽ ở nhà với bạn. Ở nhà vẫn đam mê, tại sao không?
Vào ngày sinh nhật lần thứ 3 của mình, thay vì những lời chúc, Curnon bày tỏ với cả thế giới hành trình mình đã qua, những áp lực mà đội ngũ trẻ trải qua, những lần làm sai, những lần vấp ngã. Rất thành thật, tại sao không?
Nếu chưa từng nghe đến Long&Short, tôi gợi ý bạn hãy một lần ghé thăm trang blog này, được xây dựng bởi chính đội ngũ Curnon. Ở đó, bạn sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng đến từ những cá tính riêng biệt, với xuất phát điểm khác nhau, trên hành trình khác nhau. Curnon chọn họ, vì tiếng nói của họ đại diện cho sức trẻ, cho những suy nghĩ táo bạo, và những cách làm rất khác.
Trở về trên các nền tảng mạng xã hội của Curnon, bạn cũng sẽ bắt gặp những thông điệp rất hiện đại, những thử thách dí dỏm, thỉnh thoảng còn có sự tham gia từ chính đội ngũ và nhà sáng lập thương hiệu. Đơn cử như dịp Cá tháng tư vừa qua, Curnon “thả nhẹ" chiếc đồng hồ Không Kim, với những định nghĩa táo bạo:
- Không kim, tức là không có giới hạn về mặt thời gian, để bạn thoả sức làm những việc mình muốn.
- Không kim, tức là không bao giờ hết “pin", để bạn luôn tràn đầy nhiệt huyết, theo đuổi tận cùng hoài bão.
- Không kim, tức là không còn áp lực về mặt thời gian, bạn có trong tay mọi thì giờ trên đời.
Dĩ nhiên, chiếc đồng hồ không kim nhận được hơn 500 đơn đặt hàng này hoàn toàn là giả lập, nhưng với lượng tương tác để lại trên bài đăng, những câu đùa, những lời trách móc khi bị lừa, đủ để minh chứng độ gắn kết mà một thương hiệu có thể xây dựng với khách hàng.
Lời kết
Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy, thị trường đồng hồ Việt Nam có tổng giá trị khoảng 750 triệu USD, tuy nhiên, vẫn chưa có thương hiệu nào đủ sức chiếm trên mức 20% thị phần.
Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường đồng hồ tại Việt Nam phân mảnh. Đầu tiên là sự phân cấp giữa đồng hồ thời trang (giá thành thấp đến trung bình) và đồng hồ thông thường (giá thành từ tầm trung đến cao cấp), đa số chiếm ưu thế bởi các thương hiệu nước ngoài. Đồng thời, thực trạng hàng nhái tràn lan gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình lựa chọn. Vì thế mà niềm tin của khách hàng dành cho sản phẩm chính hãng chưa cao.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất cập kể trên, Curnon - với định vị thương hiệu nội địa, thiết kế thời trang, chất lượng tốt và giá thành tầm trung - sẽ là một trong những cái tên đáng để dõi theo trong thời gian sắp tới. Hy vọng Curnon cũng sẽ lập được những thành tích đáng tự hào trong thị trường đồng hồ, tương tự như cách mà các thương hiệu giày Việt Nam đã làm được những năm gần đây.
20% thị phần và hơn thế nữa, cho một thương hiệu đồng hồ Việt. Tại sao không?