Cyber S: Sân chơi sáng tạo cho gen Z về an toàn mạng

Tin giả, đánh cắp thông tin, lừa đảo, bắt nạt trên mạng… có làm bạn bối rối khi online? Và nếu vậy, phải làm sao?
Lê Lang
Nguồn: iStock.

Nguồn: iStock.

Khi được hỏi, vật bất ly thân của bạn trong đại dịch Covid-19 là gì? Đa số gen Z đều có chung câu trả lời: thiết bị kết nối Internet như điện thoại thông minh, laptop. Trong thời kỳ giãn cách, chúng ta học tập, làm việc, cập nhật tin tức, giải trí bằng… trực tuyến.

Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ chúng ta chứng kiến nhiều mối nguy cơ trên mạng như tin giả, đánh cắp thông tin, lừa đảo, bắt nạt trên mạng.

Nếu là độc giả thường xuyên của Vietcetera, hẳn bạn đã biết và gặp ít nhất một lần các kiểu tin giả trong đời. Bạn cũng đã cài đặt các ứng dụng bảo mật để lướt web không âu lo. Thậm chí, bạn quyết tâm áp dụng triệt để phương pháp digital detox (thanh lọc công nghệ).

Tuy nhiên, để chủ động tiến vào không gian mạng an toàn và sáng tạo, gen Z cần nhiều hơn thế. Vietcetera giới thiệu tới các bạn một sân chơi sáng tạo cho gen Z về an toàn mạng có tên: Cyber S - Thế hệ S.

Cyber S - Thế hệ S: An toàn và bình đẳng trên không gian mạng được UN Women (thuộc Liên Hợp Quốc), CSDS Việt Nam và CEDLink phối hợp tổ chức. Cuộc thi giúp nâng cao nhận biết của gen Z về an toàn trong không gian mạng và bình đẳng giới. Thí sinh còn được đưa ra tiếng nói của mình tới cộng đồng, truyền cảm hứng về một không gian mạng an toàn, lành mạnh và bình đẳng.

Trong thời gian từ tháng 09-11/2021, ban tổ chức sẽ tìm ra 50 cá nhân xuất sắc để tham gia khóa huấn luyện cùng các chuyên gia, tự tay thực hiện dự án của mình và có cơ hội nhận về giải thưởng tổng trị giá lên đến 70 triệu đồng.

CyberS cũng mở ra chương trình đào tạo phát triển kỹ năng toàn diện (kiến thức về giới, an toàn trên không gian mạng, truyền thông), nhằm hoàn thiện dự án của các thí sinh tham dự.

Đây là cơ hội giúp các thí sinh tăng cường kết nối, cùng nhau xây dựng một cộng đồng vững mạnh, góp phần tích cực về việc bảo vệ an toàn và thúc đẩy bình đẳng giới trong không gian mạng.

Các tác phẩm dự thi có thể được thực hiện ở nhiều định dạng: Phim ngắn, hoạt hình; Video hoặc chuỗi video; Bài viết, hình ảnh, hình vẽ; Âm nhạc, rap (có thể dựng thành MV hoặc không); Các sản phẩm truyền thông (flyer, brochure…) và truyền tải được thông điệp của cuộc thi.

Bà Vũ Phương Ly, Chuyên gia cao cấp của UN Women cho biết: “Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc học tập, làm việc, giải trí và tham gia các hoạt động xã hội khác trên mạng Internet trở nên phổ biến."

“Bên cạnh những tiện ích, không gian mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về bạo lực giới, thiếu an toàn cho nhiều người sử dụng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết và kiến thức về an toàn và bình đẳng giới trên không gian mạng trở nên cần thiết hơn bao giờ.” bà Phương Ly chia sẻ thêm.

Ông Đôn Tuấn Phương, Giám đốc CSDS Việt Nam (Centre for Sustainable Development Studies - ​Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững) cho biết, Trung tâm luôn đề cao sứ mệnh trao quyền và hỗ trợ giới trẻ bằng cách cung cấp cơ hội và kĩ năng cần thiết để họ trở thành những tác nhân của sự thay đổi và phát triển bền vững trong cộng đồng.

Ông Đôn Tuấn Phương chia sẻ: “CSDS hy vọng có thể giúp các bạn trẻ cất lên tiếng nói, nâng cao nhận thức về vấn đề bình đẳng giới và an toàn trong không gian mạng. Đây cũng là cơ hội giúp các bạn trẻ tăng cường kết nối, xây dựng cộng đồng vững mạnh; góp phần bảo vệ an toàn và thúc đẩy bình đẳng giới.”

Được biết, sau khi trải qua 04 vòng thi (Hồ sơ, Đào tạo, Lựa chọn ý tưởng, Thực hiện), 03 sản phẩm xuất sắc sẽ được lựa chọn và công bố trong lễ trao giải vào ngày 05/12/2021 thông qua hỗ trợ tài chính và tư vấn chuyên môn để tiếp tục thực hiện sáng kiến.

Các dự án chiến thắng tại Vòng Chung kết của cuộc thi sẽ trở thành đại diện của Việt Nam tham dự Hội nghị Chuyên đề khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về an toàn và bình đẳng giới trên không gian mạng do UN Women tổ chức vào tháng 12/2021.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục