Đại học Harvard có “cửa sau” cho con nhà siêu giàu?

Khả năng cạnh tranh để vào Harvard hiện nay không chỉ đừng ở thành tích học tập, mà nhiều khi còn phụ thuộc vào việc gia đình của bạn có… giàu không.
Huỳnh Đức
Nguồn: Jessica Rinaldi/Reuters

Nguồn: Jessica Rinaldi/Reuters

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Tờ New York Post đưa tin, Đại học Harvard có “cửa sau” dành riêng cho con nhà giàu với thành tích học tập kém nổi bật. Những học sinh này sẽ được vào một danh sách mang tên Z-List và được khuyên nên đăng ký vào trường sau một năm gap year.

Thực chất, trường muốn biến con của giới siêu giàu trở thành những “bóng ma dữ liệu” - tức thành tích học tập kém nổi bật của họ không có trong báo cáo thống kê về sinh viên năm nhất.

Brian Taylor - quản lý của công ty tuyển sinh đại học Ivy Coach nói rõ hơn: “Nếu Harvard không muốn những sinh viên này gây ảnh hướng đến thứ hạng của mình trên các bảng xếp hạng đại học thế giới như US News và World Report, thì họ sẽ được nhận thông qua Z-list. Nói cách khác, các sinh viên này vốn còn chẳng đủ điều kiện được nhận vào học một cách tự lực.”

Một trường hợp điển hình được vào học Harvard qua Z-List là Jared Kushner - chồng của Ivanka Trump sau khi cha của anh quyên góp 2,5 triệu USD cho trường. Daniel Golden đã tiết lộ con đường đến Harvard của Jared Kushner vào năm 2006 trong tác phẩm The Price of Admission: How America's Ruling Class Buys Its Way into Elite Colleges.

Chỉ có khoảng 60 sinh viên có được một suất trong Z-List. Mỗi mùa tuyển sinh, họ nhận một lá thư có nội dung là “chúng tôi sẽ vui lòng xem xét việc nhập học của bạn sau một năm nữa.” Nói là xem xét nhưng thật ra họ đã được nhận vào trường rồi.

2. Cứ có tiền là vào được Z-list?

Đại học Harvard nổi tiếng với việc… tiếp nhận sinh viên con nhà giàu. Phân tích của Raj Chetty - Giáo sư kinh tế Harvard cho thấy, 67% sinh viên của trường đến từ nhóm 20% giàu nhất trong phân phối thu nhập. Ngược lại, chỉ có 4,5% đến từ 20% được phân bổ ở nhóm thu nhập bên dưới.

Harvard có nguồn tài trợ lớn nhất so với bất kỳ trường đại học nào trên thế giới (chạm ngưỡng 50,9 tỷ USD trong năm tài chính 2022). Nhưng nếu tin rằng Harvard sẽ mạo hiểm danh tiếng của mình mà nhận các khoản tài trợ để đưa học sinh vào Z-List một cách ồ ạt, thì bạn đã nhầm.

Tờ The Boston Globe nêu rõ, hầu hết các sinh viên nằm trong Z-List của Harvard đều có mối liên hệ chặt chẽ với trường. Họ hiếm khi là nhà tài trợ tay ngang. Cụ thể, những học sinh được chọn vào Z-List thường là những ứng cử viên kế thừa - con của cựu sinh viên có mức tài trợ lớn.

Và đối với những ứng viên Z-List không phải là “người thừa kế,” họ sẽ là con của những gia đình có tầm ảnh hưởng. Thậm chí là con của một tổng thống Mỹ cũng nên.

3. Harvard tiêu tiền học phí và đóng góp của phụ huynh ra sao?

Trong năm tài chính 2023, trường có bốn nguồn thu chính, ba trong số đó là: giáo dục hoặc học phí, nghiên cứu được tài trợ và hoạt động từ thiện cả ở quá khứ lẫn hiện tại.

Báo cáo tài chính của Harvard nêu rõ: “Doanh thu tạo ra mỗi năm từ việc giáo dục và nghiên cứu của chúng tôi không đủ để tài trợ cho toàn bộ hoạt động của trường. Do đó, trường phải dựa vào hoạt động từ thiện để lấp đầy khoảng trống còn lại.

Trong năm 2023, sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ trong quá khứ và hiện tại đã mang lại 45% doanh thu thông qua quà tặng sử dụng ngay hiện tại và thu nhập từ quỹ tặng. Điều này phản ánh sự hào phóng và niềm tin của các nhà tài trợ vào tác động rộng lớn mà giáo dục và nghiên cứu tại Harvard mang lại.”

Nguồn tài trợ này đã giúp Đại học Harvard đạt được sự xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu, duy trì chi phí học tập của sinh viên ở mức vừa phải, tuyển dụng và giữ chân được đội ngũ giảng viên giỏi, mang lại khả năng tiếp cận tốt hơn thông qua các gói hỗ trợ tài chính…

4. Ai vào Harvard cũng là siêu nhân học thuật?

Cây bút Tayo Bero viết trên tờ The Guardian (2021) rằng, chỉ có khoảng 54% học sinh da trắng được nhận vào Harvard có thành tích học tập xuất sắc. 43% sinh viên da trắng trúng tuyển vào Harvard là các sinh viên “phi học thuật.”

Họ được gọi là ALDC, tức là viết tắt của: Athletes (vận động viên); Legacies (sinh viên được ưu tiên tuyển vì có người thân từng học ở Harvard); Dean’s interest list (danh sách “quan tâm” của trưởng khoa đối với những phụ huynh quyên góp lớn cho trường); Children (con cái của cán bộ nhân viên Harvard).

Đáng nói, khả năng cạnh tranh để vào Harvard hiện nay không chỉ dựa trên sự ganh đua về thành tích học tập giữa các ứng viên, mà còn phụ thuộc vào việc cha mẹ hoặc ông bà có… quyên góp đủ nhiều cho trường hay không.

Chủng tộc cũng là một trong các yếu tố quyết định. Bởi theo một nghiên cứu, cơ hội vào Harvard của người da trắng lớn hơn gấp 7 lần, trong khi đó những học sinh người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á và người gốc Tây Ban Nha chỉ chiếm chưa đến 16% trong tổng số học sinh trong nhóm ALDC.

5. Các trường đại học ưu tú tại Mỹ đều ưu tiên con nhà giàu?

Không chỉ riêng gì Harvard, các trường đại học ưu tú từ lâu cũng có nhiều chính sách ưu tiên con cái của những gia đình siêu giàu. Tại các trường thuộc Ivy League, cứ sáu học sinh thì có một người cha mẹ nằm trong top 1% thu nhập.

Theo nghiên cứu của Opportunity Insights - một nhóm các nhà kinh tế nghiên cứu về bất bình đẳng tại Harvard, giữa những học sinh có cùng mức điểm, các trường đại học thường ưu tiên con của cựu sinh viên và vận động viên. “Đây là ví dụ rõ ràng nhất về cách các trường đại học ưu tú của Mỹ duy trì sự chuyển giao của cải và cơ hội giữa các thế hệ” - nghiên cứu chỉ ra.

Tuy nhiên, tờ The New York Times nhấn mạnh các sinh viên kế thừa, vận động viên và sinh viên trường tư thục không khá hơn những sinh viên khác sau khi tốt nghiệp đại học xét về thu nhập, tỷ lệ trúng tuyển lên cao học hoặc vào được các công ty hàng đầu.

Thực tế, họ còn thể hiện không tốt bằng so với những sinh viên thường - những người không nằm trong nhóm ALDC.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục