Đáng Tiền: Chi 50 triệu/năm cho Lego để vừa chơi, vừa… đầu tư tài chính
Với mỗi cá nhân, mảnh ghép Lego có thể mang nhiều vai trò khác nhau. Đó có thể là ký ức tuổi thơ, bài luyện tay khéo léo, nguồn cảm hứng sáng tạo hay chất liệu nghệ thuật.
Riêng tôi, Lego có ý nghĩa đặc biệt vì nó còn là người bạn tài chính.
Mọi chuyện bắt đầu rất tình cờ.
Tôi may mắn biết đến Lego lần đầu qua một món quà sinh nhật năm 10 tuổi (1998) và nhớ như in nó thuộc bộ sưu tập ‘Lego Adventures’ kể về hành trình phiêu lưu của nhân vật Johnny Thunder.
Từ dạo ấy, tôi mê mệt bộ môn này đến nỗi có bao nhiêu tiền quà vặt, cơ hội quà thưởng cho thành tích học tập, tôi đều chọn Lego. Và cứ thế trong nhiều năm, các bộ xếp hình ngập đầy từ phòng riêng đến phòng khách của gia đình.
Giai đoạn hạnh phúc này kéo dài đến năm tôi qua Mỹ học đại học. Phần vì bận học và làm thêm, phần vì để tiết kiệm chi phí sinh hoạt mà cũng đâu đó, có thể vì tôi thấy mình đã “già”.
Rồi một ngày, tôi vô tình gặp lại một bạn cũ trong hội chơi Lego lúc nhỏ và được biết đến BrickLink. Đây là một nền tảng giao dịch dành riêng cho Lego mang cách thức vận hành giống như sàn chứng khoán.
Cụ thể, giá trị những sản phẩm Lego (set/bộ, chi tiết lẻ hoặc mô hình nhân vật) từ cũ đến mới có trên “sàn” BrickLink sẽ thay đổi liên tục.
Chúng tuỳ thuộc vào số lượng sản phẩm được mua bán trong ngày/tuần, độ hiếm, nguồn cung-cầu hoặc giá bán niêm yết trên thị trường trong cùng thời điểm. Người bán cũng sẽ phải làm một số thao tác tương tự như giao dịch chứng khoán để có thể khớp lệnh và đạt được lãi suất giao dịch cao nhất.
Tôi chợt nhớ đến “kho tàng tuổi thơ” đang giữ kín trong kho và bắt đầu những giao dịch đầu tiên trên BrickLink.
Tuy có một số lúng túng vì chưa quen nhưng nhìn chung, các phi vụ đầu đều rất suôn sẻ. Tôi có lợi thế lớn vì những món Lego mang đi giao dịch đều có tuổi đời khá lâu, nhiều chi tiết và set bộ trở nên hiếm, giá bán cao hơn nhiều lần giá trị đầu. Có món tăng 4-5 lần (hàng đã dùng) hay thậm chí là 20 lần (thường là hàng nguyên tem).
Đơn cử như bộ ‘LEGO Adventurers Egypt Pharaoh's Forbidden Ruins’ phát hành năm 1998. Sản phẩm này vào thời điểm tôi được tặng có giá khoảng 2 triệu đồng, nay có giá hơn 8,5 triệu đồng (tương đương 370 USD) dù đã qua sử dụng. Nếu ở tình trạng nguyên tem, bộ Lego này thậm chí được định giá cao nhất vào khoảng 40 triệu đồng (tương đương 2 nghìn USD).
Và đây cũng là điểm khởi đầu những ngày tôi sống lại thú vui thuở bé.
Hiện tại, dù khá bận với công việc văn phòng, tôi vẫn thường dành thời gian rảnh săn tìm các mảnh/set Lego. Một là để giao dịch trên BrickLink. Hai là dùng cho việc sáng tạo các mẫu xếp mới - những tác phẩm mang tính sáng tạo cá nhân, phân biệt với những set phát hành sẵn từ Lego.
Theo tôi, chơi Lego ở thời điểm U40 chính là để thoả nguồn đam mê, vừa là cách thú vị gia tăng một phần thu nhập thụ động.
Ngoài ra, những kinh nghiệm giao dịch trên BrickLink còn giúp tôi khá nhiều trên sân chơi chứng khoán.
Lẽ hiển nhiên là ở môi trường đầu tư phức tạp như chứng khoán, tính thử thách và yêu cầu chuyên môn là cao hơn. Song, điều bất ngờ là những gì đúc kết từ việc quan sát tỷ giá và giao dịch trên BrickLink đã giúp tôi phần nào có trực giác đầu tư tốt, nhờ đó đưa ra các quyết định tốt hơn khi “chơi chứng”.
Có thể nói, mỗi năm tôi chi khoảng 40-50 triệu đồng cho việc mua sắm Lego và chưa bao giờ tôi thấy hối hận.
(Câu chuyện được chia sẻ từ K)