Đạo diễn Kevin Ko: “Incantation là một bộ phim cảnh báo bạn không nên xem tiếp”
Bắt đầu từ một ý tưởng được trình bày trong hội chợ dự án NAFF, bộ phim Incantation của đạo diễn Kevin Ko trở thành bộ phim kinh dị có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Đài Loan. Tác phẩm kinh dị này được Netflix công chiếu trên nền tảng sau đó và tiếp tục tạo ra một làn sóng chấn động trong cộng đồng người hâm mộ điện ảnh kinh dị.
Với cơ hội phỏng vấn đạo diễn Kevin Ko cùng diễn viên Thái Hoàn Yến (vai Lý Nhược Nam) và diễn viên Cao Anh Hiên (vai Khải Minh), cùng Vietcetera khám phá cách mà bộ phim đã sử dụng cốt truyện và kĩ thuật điện ảnh để “bỏ bùa” khán giả bằng thể loại found-footage.
*Bài viết có tiết lộ nhiều chi tiết quan trọng của Incantation
Một cốt truyện được tạo ra để phục vụ thể loại
6 năm trước, sau khi dám bước chân đến một địa đạo linh thiêng “tuyệt đối không được vào” của một ngôi làng nọ, Lý Nhược Nam dính phải một lời nguyền khiến cô buộc lòng phải đưa chính con gái của mình, Đóa Đóa vào mái ấm tình thương.
Bộ phim bắt đầu khi cô quay lại mái ấm tình thương sau 6 năm để đón Đóa Đóa trở về nhà. Tiếc nuối sau thời gian không ở bên cạnh con, cô quyết tâm quay lại thật nhiều video để lưu giữ kỉ niệm. Từ đó, những hiện tượng siêu nhiên xuất hiện, báo hiệu cho sự trở lại của một lời nguyền tưởng chừng như đã ngủ yên.
Incantation là một bộ phim thuộc thể loại found-footage, một nhánh nhỏ của phim kinh dị nơi những thước phim được thực hiện như được quay bởi chính những nhân vật trong phim. Chính vì tính chất đặc biệt này, các bộ phim found-footage có thể cho khán giả trải nghiệm những nỗi sợ, sự tuyệt vọng mà những nhân vật đang trải qua một cách rất hiệu quả.
Tuy nhiên, thể loại này cũng tồn tại những điểm yếu rất rõ ràng. Vì mỗi thước phim đều phải được quay bởi nhân vật, bộ phim cần phải hy sinh tính thẩm mỹ nhằm đạt được độ chân thực mà thể loại này hướng tới. Ngoài ra, với mỗi cảnh quay, khán giả cần phải hiểu được động cơ khiến cho nhân vật quay cảnh phim đó và cảm xúc mà nhân vật ấy đang trải qua.
“Cốt truyện xoay quanh bùa chú và tình mẹ con của Incantation ra đời để phục vụ cho hiệu ứng mà chúng tôi muốn thể loại found-footage đạt được trong bộ phim này.” Với một nguyên tắc sáng tạo bắt nguồn hoàn toàn từ thể loại đặc biệt này, đạo diễn Kevin Ko đã tận dụng điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của found-footage như thế nào?
“Tôi muốn làm ra bộ phim cảnh báo bạn không nên xem tiếp”
“Tôi quan niệm rằng sẽ có những thứ, những địa điểm mà chúng ta nên tránh xa, biết về chúng càng ít càng tốt. Vì thế, tôi muốn tạo ra một bộ phim tự cảnh báo với khán giả rằng họ không nên tiếp tục xem nó,” Kevin Ko nói về ý tưởng chủ đạo của Incantation. Để đạt được hiệu ứng này, bộ phim cần phải đạt được hai mục tiêu rất rõ ràng.
Đầu tiên, Incantation phải tạo ra một kết nối chặt chẽ giữa khán giả với nhân vật và cốt truyện. Một khi kết nối này đã hình thành, khán giả sẽ có hứng thú tìm hiểu về hai yếu tố này và những gì đã xảy ra với chúng. Thứ hai, sau khi đã thành công trong việc khiến khán giả tò mò, bộ phim cần phải khiến khán giả tin rằng họ có thể bị ảnh hưởng xấu trực tiếp khi tiếp tục xem bộ phim.
Cả hai mục tiêu này đều được Kevin Ko xử lý cực kì tài tình chỉ với một phân cảnh đầu tiên của Incantation. Câu hỏi “Bạn có tin vào những lời chúc phúc không?” được Lý Nhược Nam đưa ra cho chính khán giả ngay từ giây đầu tiên của bộ phim, lập tức đưa ra một thông điệp rằng cô biết bạn đang coi những thước phim do cô tạo ra.
Lựa chọn cho nhân vật phá bỏ bức tường thứ 4 và nói chuyện trực tiếp với khán giả không phải là một kĩ thuật hiếm gặp trong những bộ phim found-footage. Khi Lý Nhược Nam nói chuyện trực tiếp với khán giả, nhân vật này ngay lập tức khiến khán giả tò mò về cô và câu chuyện mà cô muốn kể.
Trong Incantation, Lý Nhược Nam là nhân vật chủ động dẫn dắt cuộc trò chuyện bằng cách đưa ra những câu hỏi và ví dụ, thay vì bị động kêu cứu và cầu khẩn như những nhân vật trong các bộ phim cùng thể loại khác.
Lựa chọn cách kể chuyện này, Kevin Ko đã giúp khán giả xác định được một mối quan hệ cực kì rõ ràng với bộ phim: “Bạn đang xem một bộ phim được Lý Nhược Nam tạo ra dành riêng cho khán giả như bạn. Đây không phải một mối quan hệ một chiều, bạn không đang xem những gì xảy ra với nhân vật, thay vào đó nhân vật tạo ra bộ phim để bạn xem những gì xảy ra với họ.”
Điều này ngay lập tức phá bỏ “bức tường thứ 4” giữa khán giả và câu chuyện. Sự chủ động trong việc dẫn dắt của Lý Nhược Nam khiến cho bộ phim mang nặng tính “lây nhiễm” hơn, theo lời của đạo diễn Kevin Ko. Khán giả không có lựa chọn để bước vào thế giới của bộ phim hay không vì Lý Nhược Nam đã làm ra bộ phim này cho khán giả ngoài thế giới thật.
Phát tán lời nguyền, loại bỏ khuyết điểm của thể loại
Thuộc thể loại found-footage, nhưng Incantation lại nhìn không giống một bộ phim thuộc thể loại này.
Liên tục đan xen những cảnh quay giữa hiện tại và quá khứ, xen lẫn cùng sự dũng cảm có vẻ phi lý của Lý Nhược Nam khi cô liên tục cầm máy quay ghi lại rất chi tiết những sự việc đáng sợ mà cô đang trải qua thay vì chạy đi, Incantation thoạt nhìn có vẻ đã phạm phải rất nhiều điều cấm kỵ của thể loại này.
Tuy nhiên, cách kể chuyện này của Incantation lại trở nên hợp lý khi khán giả nhận ra câu chuyện mà Kevin Ko muốn kể. Incantation là một bộ phim được Lý Nhược Nam làm ra để lừa dối khán giả.
Để nghiệp chướng mà Đóa Đóa, đứa con gái 6 tuổi của cô, đang phải gánh chịu nhẹ đi, cô buộc lòng phải lừa dối khán giả vào việc niệm thần chú “Hỏa phật tu nhất, tâm tát mô mâu” để chia sẻ nghiệp chướng đó.
Chính vì mục đích này, bộ phim Incantation phải được thực hiện và cắt ghép chỉnh chu nhất có thể để khiến khán giả đồng cảm với Lý Nhược Nam và Đóa Đóa, từ đó chấp nhận niệm thần chú mà họ nghĩ rằng là một câu chúc phúc.
Cú plot twist của Incantation hiệu quả vì khán giả hiểu được vì sao Lý Nhược Nam lại có thể lừa dối họ như thế. Xuyên suốt bộ phim, ta thấy được tình thương khổng lồ mà cô dành cho Đóa Đóa. Hành động ích kỷ của nhân vật (phát tán lời nguyền) được giải thích (để bảo vệ con mình) nhưng không hề làm mất đi sức nặng của hành động này.
“Tôi mong sau khi xem phim, khán giả sẽ đặt ra câu hỏi rằng bản thân chúng ta nên đồng cảm với ai? Liệu chúng ta sẽ đồng cảm với Đóa Đóa, chấp nhận gánh chung nghiệp chướng? Hay tức giận khi bị lừa dối vì chúng ta đồng cảm với chính bản thân mình? Nhìn theo cách này hay cách khác, tôi nghĩ khoảng cách giữa lời nguyền và lời chúc phúc của bộ phim có lẽ nằm ở tình người.”
Một bước đi táo bạo đáng trân trọng
Incantation là một bộ phim có ý tưởng cực kì táo bạo và được xử lý một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đây không phải một bộ phim hoàn hảo.
Yếu tố tôn giáo và giáo phái của Incantation là một cơ hội bị bỏ lỡ khá đáng tiếc. Với tiềm năng xây dựng một thế giới phim và những màn hù dọa mang nặng tính châu Á, Incantation đáng tiếc thay lại lấy cảm hứng cho những màn hù dọa của mình từ những bộ phim kinh dị phương Tây như Conjuring, Exorcist, Lights Out,...
Những hình mẫu hù dọa vốn đã quá quen thuộc và rập khuôn khiến cho bộ phim không tạo ra được sự khác biệt cần có trong thị trường phim kinh dị vốn đang bão hòa.
Tuy đã không thể vượt ra khỏi khuôn mẫu của những cảnh hù dọa phương Tây, Incantation đã làm rất tốt trong việc làm mới và nâng tầm thể loại found-footage tưởng chừng như đã lỗi thời.
Incantation có lẽ là một trong những bộ phim kinh dị đầu tiên khiến cho khán giả hối hận khi xem xong không phải vì sự đáng sợ của phim, mà hối hận vì họ đã để bản thân tò mò xem hết bộ phim này, như cách mà Lý Nhược Nam đã đặt chân tới địa đạo dù đã nhiều lần bị ngăn cản.