12 Thg 12, 2024Sáng TạoÂm Nhạc

Đạo diễn sân khấu Dương Mai Việt Anh: Tôi muốn đưa phố phường Việt Nam ra thế giới

Với GENFest 2024, đạo diễn sân khấu Dương Mai Việt Anh tái hiện những nét đẹp đặc trưng nhất của phố phường Việt Nam, tạo ra những “con đường” nơi mỗi nghệ sĩ được tự do kể câu chuyện của mình.
Tuấn Anh
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

“Anh đã hồi phục hoàn toàn chưa?” Tôi hỏi vui đạo diễn sân khấu Dương Mai Việt Anh khi anh bước vào văn phòng của Vietcetera. “Chắc là vẫn chưa đâu,” anh cười. Hai ngày trước cuộc trò chuyện của chúng tôi, Việt Anh vẫn đang tất bật hoàn thành GENFest 2024 – một trong những lễ hội âm nhạc lớn nhất Việt Nam năm nay.

Anh đùa rằng: “Cảm giác giống như vừa chia tay người yêu vậy. Mình gắn bó sâu đậm suốt gần một năm, và bỗng mọi thứ kết thúc. Giờ anh vẫn chưa làm quen lại với cuộc sống bình thường.”

Dương Mai Việt Anh không còn là một cái tên xa lạ đối với ngành âm nhạc và giải trí của Việt Nam. Được người trong giới gọi vui là “Việt Anh Bom Tấn”, anh là đạo diễn đứng sau thành công của nhiều chương trình và nhạc hội đình đám như Gala WeChoice Awards 2023, The Grand Voyage, Heineken Countdown, Our Song 2024, Yên Concert,...

Với GENFest 2024 - có lẽ là một trong những dự án tham vọng nhất trong sự nghiệp của anh - Dương Mai Việt Anh tiếp tục khẳng định tầm nhìn sáng tạo của mình, mang đến một sân chơi đậm chất Việt, nơi từng nghệ sĩ được tự do kể câu chuyện riêng trên sân khấu của chính họ.

Điều gì đã đưa anh đến với GENfest 2024?

Cũng tình cờ, hôm qua anh lục lại tin nhắn với Trang - người đứng đầu MMusic, cũng là người đã “khai sinh” ra GENFest. Đó là vào ngày 12/5/2023. Ngay từ những cuộc hội thoại đầu tiên, anh nhận ra bản thân cùng chia sẻ với Trang một điều - đó là mong muốn tạo ra một sân chơi âm nhạc dành cho các nghệ sĩ Việt, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ.

Ở Việt Nam, không dễ để nghệ sĩ có một sân khấu hoàn toàn của riêng mình. Hầu hết những đại nhạc hội đều do các nhãn hàng tài trợ, với yếu tố branding ít nhiều chi phối thời lượng biểu diễn. Những sân khấu như vậy không thể hiện hết cá tính và cái tôi trong âm nhạc của nghệ sĩ. Và GENFest ra đời để mở ra những cơ hội.

Tinh thần cốt lõi của GENFest là: “Bạn hãy là bạn.” Tất cả nghệ sĩ đều có thể tự do sáng tạo, kể câu chuyện của mình mà không bị áp đặt bởi bất kỳ yêu cầu thương mại nào. Đó là sân khấu nơi mỗi nghệ sĩ thể hiện bản sắc âm nhạc của họ một cách trọn vẹn nhất. Và anh ở đó để đồng hành cùng họ.

Đây là thử thách đặc biệt lớn đối với MMusic - một đơn vị phân phối và phát hành âm nhạc, họ không có kinh nghiệm tổ chức lễ hội - nhưng họ có một ước mơ. Ban đầu, họ đã nghĩ tới phương án tìm kiếm những ê-kíp quốc tế. Nhưng sau cùng, Trang quyết định rằng đây là một festival của Việt Nam, phải được thực hiện bởi người Việt, dù có vất vả tới đâu. Và đó là lúc anh đến với dự án.

Anh có thể chia sẻ về những ý tưởng “đầu tiên nhất” về thiết kế sân khấu cho GENfest 2024?

Anh nghĩ nó sẽ khác đôi chút so với thành phẩm cuối cùng. GENFest có mục tiêu gốc là tạo ra sân khấu riêng cho nghệ sĩ, nên mỗi màn diễn được thiết kế dựa trên concept của từng người. Tuy nhiên, tinh thần chung vẫn mang đậm văn hóa và bản sắc Việt Nam.

Khi anh lần đầu được “bế” đi họp, chủ đề của GENFest 2024 là “Phố Trong Phố” đã được thông qua. Nhưng key visual (yếu tố hình ảnh chủ đạo) của concept - với hình dung ban đầu là những tòa cao ốc hiện đại - đối với anh chưa thực sự đại diện cho Việt Nam.

Với anh, đời sống và văn hóa của đường phố Việt Nam đa dạng và sống động hơn rất nhiều. Từ các quán nước vỉa hè, những trận tắc đường những ánh đèn, những góc phố hay đời sống sinh động xung quanh,... tất cả đều mang theo hơi thở của văn hóa Việt. Quan trọng là ta có dừng lại để nhìn chúng kỹ hơn, để tìm ra nét đẹp trong đấy không?

Là một người thường xuyên lang thang các nẻo đường, anh được truyền cảm hứng rất nhiều bởi phố phường Việt Nam. Với chủ đề “Phố Trong Phố”, anh muốn dựng những quán trà đá ghế nhựa, muốn thuê những ông chú cắt tóc vỉa hè tới dựng tiệm, muốn có những người khoác áo chống nắng, đội nón lá, hay mặc đồ đôn chề đứng “quẩy” ở khu vực trải nghiệm.

Cho tiết mục mở màn, anh đã tưởng tượng đưa hàng trăm chiếc xe máy lên sân khấu để tái hiện lại một cảnh tắc đường. Anh muốn mọi người thật sự cảm thấy họ đang sống trong những điều thú vị của đường phố Việt Nam.

Tất nhiên vì nhiều lý do, có những thứ đã phải tạm gác lại. Nhưng anh sẽ không từ bỏ những ý tưởng đó cho những lần GENfest tiếp theo.

Một trong những yếu tố nổi bật nhất của sân khấu GENfest là sự kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn và công nghệ. Anh đã kết hợp hai yếu tố này như thế nào?

Đó là kinh nghiệm và tầm nhìn. Sân khấu là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, từ âm nhạc, ánh sáng, nghệ sĩ biểu diễn, đạo cụ, biên đạo,... Kinh nghiệm cho anh khả năng xào nấu những yếu tố này, kết hợp chúng một cách nhuần nhuyễn để tạo ra một món ăn hấp dẫn với tất cả mọi người.

Và với kinh nghiệm, anh có thể chọn được những người mà anh biết sẽ làm tốt nhất, để cùng anh hiện thực hóa GENFest. Với 16 nghệ sĩ biểu diễn, GENFest có khoảng 10 team visual khác nhau cùng tham gia thực hiện, bao gồm những người top đầu của Việt Nam hiện tại. Từng đấy người, mà bọn anh vẫn ngắc ngoải với khối lượng công việc.

Một show thông thường mà anh thực hiện, anh thường dàn dựng khoảng 30 bài hát. Nhưng với GENFest 2024, con số lên tới 187. Đó thực sự là một khối lượng công việc khổng lồ. Vậy nên từ đầu, anh cần xác định tầm nhìn của mình, và tiếp cận đề bài này với sự chấp nhận rằng anh sẽ không thể làm kỹ lưỡng như thông thường. Vì vậy, cách tiếp cận của anh là làm sao để tổng thể chương trình được tốt nhất, dàn trải để không khiến bất cứ nghệ sĩ nào phải chịu thiệt thòi.

Vì khoảng thời gian để tổng duyệt của GENFest khá ngắn, anh đã lên kế hoạch kỹ lưỡng mọi thứ trước khi ra hiện trường. Từ yếu tố công năng nhỏ nhất, tới visual, ánh sáng, âm thanh, máy quay, biên đạo di chuyển sân khấu, tất cả đều nằm trong kịch bản của anh. Tập kịch bản của 16 nghệ sĩ, anh nghĩ phải dày hơn 100 trang. Đó là một công trình vĩ đại đối với cá nhân anh và toàn bộ ê-kíp.

Thời lượng và sự đa dạng của mỗi sân khấu của GENfest có phải một thử thách lớn đối với anh không?

Anh nghĩ đó là một thử thách lớn. Mỗi set diễn trong GENFest như một mini concert, và với 16 nghệ sĩ, khối lượng công việc của anh nhân lên 16 lần.

Trước tiên, anh phải gặp từng nghệ sĩ. Anh phải nhìn vào mắt họ, biết họ là ai, hiểu con người họ, cho họ biết anh ở đây để làm gì, rồi sau đó lắng nghe họ. Đến với GENFest lần này, họ muốn làm gì? Họ đang ấp ủ điều gì? Đó là những sự kết nối đầu tiên mà mỗi nghệ sĩ và một người đạo diễn cần có. Từ đó, anh và các nghệ sĩ mới có thể đi vào những câu hỏi chi tiết hơn, rằng các bạn ấy sẽ nhảy như thế nào, sẽ mặc trang phục gì, sẽ có những đạo cụ gì, sẽ được thiết kế ánh sáng ra sao,...

Sự đa dạng của GENFest lần này là thực sự lớn. Không phải ở mức độ cơ học, vì một sân khấu ngoài trời không thể biến đổi quá nhiều vì lý do an toàn. Nhưng là sự đa dạng về tinh thần. Tinh thần trong âm nhạc, tinh thần trong cái năng lượng mà từng người nghệ sĩ mang tới cho khán giả.

Thời lượng cũng là một sự đa dạng. Con số 45 phút là thời lượng bọn anh đặt ra ban đầu. Nhưng khi làm việc, nhiều nghệ sĩ nói với anh rằng: “Cho em hát thêm đi.” Anh nhớ rằng tlinh và Wxrdie là hai bạn có set diễn dài nhất - một bạn là 60 phút và một bạn là 50 phút. Mọi người đều rất tâm huyết, vậy thì ai nỡ từ chối các bạn ấy.

Ngược lại, sẽ có những nghệ sĩ có số lượng tác phẩm âm nhạc ít hơn. Đối với anh đó không phải vấn đề. Dù là 30 phút, 45 phút hay 60 phút, điều quan trọng là cảm giác của khán giả trong thời lượng đó.

Anh luôn đặt mình ở góc nhìn của khán giả. Bởi vì sau cùng, ngoài những yếu tố chuyên môn, đạo diễn một chương trình âm nhạc, đối với anh, là đạo diễn trải nghiệm của khán giả. Bất kể là giữa những bài hát hay trong tổng thể hai đêm diễn. Nó đều là những đường dây cảm xúc. Và công việc của anh là làm sao để cảm xúc của khán giả được trọn vẹn nhất.

Quá trình làm việc của anh với mỗi nghệ sĩ tại GENfest 2024 đã diễn ra như thế nào?

Mỗi nghệ sĩ đều là một “đề bài” rất riêng. Có những người hiểu rõ họ muốn gì cho sân khấu lần này, có người chỉ mang theo hành trang là những bản demo thú vị, và chưa có nhiều kinh nghiệm với một set diễn có thời lượng 45p.

Tùy từng trường hợp, anh sẽ lựa cách để “điền vào chỗ trống”. Nhưng quan điểm của anh vẫn luôn là ưu tiên tối đa ý tưởng của mỗi nghệ sĩ, và bằng kinh nghiệm của mình, anh ở đây để giúp các bạn tạo ra thế giới của riêng họ.

Nếu đây là một chương trình của riêng anh, thì anh sẽ “gia trưởng” hơn rất nhiều. Nhưng khi làm việc với nghệ sĩ, một trong những điều hạnh phúc nhất của anh trong nghề là khoảnh khắc thấy nghệ sĩ trên sân khấu – khi mà mọi cảm xúc giao thoa một cách hoàn hảo.

Vậy nên câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất anh luôn hỏi tất cả nghệ sĩ khi làm một chương trình cho họ là: “Bạn là ai, và bạn muốn nói điều gì?” Phần còn lại, anh sẽ dùng kinh nghiệm và khả năng của mình để trợ giúp.

Anh có thể chia sẻ một khoảnh khắc đáng nhớ nhất về sân khấu của GENfest không?

Anh có hai câu trả lời cho câu hỏi này, đó là hai màn trình diễn của Mono và Chi Pu.

Nói về khoảnh khắc của Mono. Là một đạo diễn sân khấu, anh hiếm khi có được những cảm xúc kinh ngạc hay ấn tượng như khán giả, do mọi thứ diễn ra đều đã nằm sẵn trong đầu anh. Nhưng tại GENFest, khi Mono nhìn thẳng vào máy quay và biểu diễn ca khúc Waiting For You, đối với anh nó diễn ra như một thước phim vậy.

Trước đó, anh khuyên Mono hãy hát như đang hát cho cái người con gái đấy, hãy quên hết khán giả đi, tập trung vào cảm xúc của mình. Và khi Mono nhìn vào camera hát, từng biểu cảm, từng cảm xúc trên khuôn mặt cậu ta đã khiến anh nổi da gà.

Còn với Chi Pu, đó là khoảnh khắc mà chị ấy suýt không kịp thời gian cho ca khúc tiếp theo. Set diễn của Chi Pu vốn được thiết kế theo concept siêu dàn dựng, nghĩa là có nhiều thay đổi về bối cảnh, trang phục, không gian…được diễn ra liên tiếp trên sân khấu. Và cho một ca khúc, anh đã thiết kế cho chị ấy một chiếc vỏ sò khổng lồ, lấy cảm hứng từ bức họa The Birth of Venus.

Từ khu vực FOH, anh nhìn thấy rõ Chi Pu vẫn chưa thay xong trang phục biểu diễn mới, và chỉ còn 3 giây nữa là nhạc sẽ nổi lên. Thế nhưng, như một vận động viên quần vợt cố cứu lấy một pha bóng khó, chị ấy phi từ trong backstage lên chiếc vỏ sò, và từ trạng thái hớt hải, lập tức nhập lại vai để biểu diễn. Cũng lúc đó, âm thanh ánh sáng được bật lên, hệt như có ai vừa gạt một chiếc công tắc vậy.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục