Đặt cho mỗi đồng tiết kiệm một mục đích

Vì sao bạn không thể tiết kiệm được lâu dài? Câu trả lời nằm ở việc bạn thường không đặt ra một mục tiêu cụ thể cho việc tiết kiệm.

Chi Nguyễn (The Present Writer)
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Từ nhỏ tới lớn, ắt hẳn ai cũng từng nghe lời khuyên: “Cần phải tiết kiệm tiền!” từ cha mẹ, thầy cô, họ hàng, anh chị em thân thiết. 

Tuy nhiên, lời khuyên này thường đi kèm với lời giải thích và hướng dẫn rất chung chung như: 

  • “Tiết kiệm tiền để sau này đỡ khổ” 
  • “Bỏ tiền vào con lợn tiết kiệm bao giờ nó béo thì đập ra” 
  • “Cứ để ra một khoản, biết đâu sau này lại cần” 

Tất nhiên, tiết kiệm thì vẫn hơn không tiết kiệm. Nhưng thiếu đi một lý do, một mục đích cụ thể thì rất khó để có thể tiết kiệm được triệt để, liên tục và hiệu quả trong dài hạn. Đây cũng chính là lý do phần lớn chúng ta dù lớn lên với lời khuyên tiết kiệm nhưng không duy trì được thói quen này khi trưởng thành. 

Ngoài ra, vì mỗi mục đích tiết kiệm tiền sẽ cần một phương pháp riêng. Vì vậy, nếu không bắt đầu với một mục đích cụ thể, ta không thể nào đặt từng đồng tiền tiết kiệm vào đúng giá trị nó xứng đáng.

Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu 7 mục đích tiết kiệm tiền thường gặp và các phương pháp tiết kiệm hợp lý cho từng mục đích.

1. Tiết kiệm tiền cho trường hợp khẩn cấp

Tiền cho trường hợp khẩn cấp (Emergency Fund) là khoản tiền mà ai cũng cần phải có, ước tính bằng 3 - 6 tháng chi phí tiêu dùng thiết yếu (ví dụ: tiền nhà, điện nước, ăn uống, xăng xe…). Tùy vào chi phí cá nhân hoặc gia đình của bạn, mỗi người sẽ tự định mức được khoản phù hợp. 

Đúng như tên gọi của nó, khoản tiền này rất cần để ra một chỗ riêng, không dùng đến, trừ khi gặp trường hợp thực sự khẩn cấp.

Vậy như thế nào thì được coi là khẩn cấp? 

Những trường hợp không thể đoán trước được như mất việc, tai nạn, nằm viện, hỏng xe, biến cố gia đình… được coi là khẩn cấp. Trong những tình huống đột ngột và căng thẳng như vậy, khoản tiền tiết kiệm này như một cái lưới giang ra đỡ ta khỏi ngã và “mua” cho ta thêm thời gian lấy lại thăng bằng. 

Khi mọi việc đã trở về quỹ đạo ổn định, ta cần lập tức tiết kiệm để làm đầy lại khoản tiền khẩn cấp này.

Phương pháp tiết kiệm 

Bạn cần trích ra một phần thu nhập (bao nhiêu phần trăm tùy vào thời gian bạn muốn được “cứu trợ”) để vào tài khoản tiết kiệm. 

Tài khoản tiết kiệm này nên dễ lấy (có thể là tiền mặt, tiền trong ngân hàng dưới tên mình) không nên dùng đầu tư hay gửi ở đâu khó lấy, vì khi gặp khó khăn, ta có thể rút được tiền ra nhanh nhất có thể mà không phải chịu thêm hậu quả nào về kinh tế.

Tuy nhiên, cũng không nên... dễ lấy tới mức mà bất cứ khi nào hứng lên muốn mua một món gì đó, là ta lại có thể tặc lưỡi rút ra ngay. Hãy cân nhắc cất riêng ra một chỗ, chuyển khoản hẳn sang ngân hàng khác...

2. Tiết kiệm tiền để trả nợ

Nếu bạn hiện không có một khoản nợ nào trong tay, bạn thực sự rất may mắn! Ngoài ra, nếu sinh ra mà không có khoản nợ nào phải trả, hãy biết ơn những gì mình đang có, cũng như những ai đã cho bạn cuộc sống này và cố gắng hết sức để không vướng vào nợ nần (debt-free). 

Nếu bạn đang đối mặt với khoản nợ nào đó, đừng sợ! Hãy bắt đầu đối mặt trực diện và lập kế hoạch giải quyết chúng một cách triệt để ngay hôm nay.

Hầu hết những tài liệu về tài chính cá nhân đều khẳng định rằng: tiết kiệm tiền để trả nợ là một trong những điều khó nhất. Vì để trả được dứt nợ, người tiết kiệm phải có cam kết lâu dài và chấp nhận hy sinh những thú vui tạm thời. 

Như vậy, tiết kiệm tiền để trả nợ không chỉ là cuộc đấu trí về con số, mà còn là cuộc đấu tranh về tâm lý, hành vi và kỷ luật cá nhân. 

Phương pháp tiết kiệm 

Về cơ bản, có 2 phương pháp để trả nợ:

Trả nợ từ khoản nhỏ nhất tới lớn nhất, không kể mức lãi (“Debt Snowball”): Phương pháp này mặc dù về mặt tính toán mà nói chưa chắc đã hiệu quả (vì khoản nợ nhỏ, ít lo ngại nhất lại có thể được trả trước còn khoản nợ lớn, nặng lãi lại trả sau). Nhưng nó đã được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu là hiệu quả về mặt hành vi và tâm lý cho người trả nợ. 

Như đã nêu, việc trả nợ khó bởi vì ta phải kiên trì, thiết quân luật với bản thân và chấp nhận hy sinh những thú vui trước mắt. Bởi vậy, nếu trả khoản nợ lớn trước, ta dễ cảm thấy “ngợp” và mệt mỏi vì mãi mà không dứt được một khoản. Từ đó nảy ra tâm trạng buông bỏ, chán chường, không muốn tiếp tục trả nợ. 

Việc trả các khoản nợ từ nhỏ đến lớn giúp ta củng cố niềm tin. Mỗi khi trả được một khoản nhỏ ta sẽ cảm thấy mình như thắng được một mặt trận và có thêm động lực để tiếp tục những mặt trận sau.

Trả nợ từ khoản nợ có mức lãi lớn nhất đến khoản có mức lãi nhỏ nhất (“Debt Avalanche”): Đây là cách làm về mặt toán học mà nói là hiệu quả hơn cả, tức bạn tấn công khoản nợ nhiều lãi nhất, cắt càng nhanh lãi thì tiền mình có để trả nợ gốc càng nhiều. 

Sau khi trả được khoản lớn nhất (có thể tốn nhiều thời gian và năng lượng nhất) thì các khoản nhỏ sau cũng sẽ được trả một cách dễ dàng. Đây là cách làm rất tốt cho những ai có ý chí cao, kiểm soát tốt được bản thân và vốn đã có thói quen quản lý tiền hiệu quả.

Video sau đây của The Financial Diet có giải thích cụ thể hai phương pháp trên:

 

3. Tiết kiệm tiền cho những khoản chi tiêu nhỏ có định trước

Những khoản chi tiêu nhỏ này, có thể là một bộ quần áo mình rất thích mà chưa có đủ tiền mua, một cặp vé xem ca nhạc phải để dành tiền mới có được, một cái máy tính cá nhân hay một chuyến du lịch ngắn ngày với bạn bè. Đây cũng là những khoản mà chúng ta dễ “vung tay quá trán” nhất. 

Bởi thế, việc chủ động tiết kiệm tiền cũng là một cách để có thêm thời gian suy nghĩ xem khoản chi tiêu đó có thực sự xứng đáng không. Có thói quen tiết kiệm tiền cho những khoản chi tiêu nhỏ sẽ tạo được hành vi tốt để kiểm soát đồng tiền.

Phương pháp tiết kiệm

Để bắt đầu tiết kiệm tiền cho những khoản chi tiêu nhỏ này, bạn cần phải đưa khoản này vào “budget” (ngân sách) hàng tháng. Nếu ngân sách đã cân đối, có đủ tiền mặt để tiêu, thì việc gì không dùng đến nó?Nhưnng ếu chưa đủ, hãy để ra một khoản riêng và tiết kiệm cho đến khi đủ thì thôi. 

Đối với những khoản khó định giá (ví dụ: chuyến du lịch), hãy cố gắng nghiên cứu kỹ, thu thập đủ thông tin để áng chừng khoản cần tiêu là bao nhiêu. Ngoài ra để an toàn, bạn có thể đặt ra ngân sách cao hơn một chút để đề phòng.

4. Tiết kiệm tiền cho những khoản chi tiêu lớn có định trước

Những khoản chi tiêu lớn này thường là nhà cửa, phương tiện đi lại (xe máy, ô tô), tiền học của con, chi phí du học, du lịch dài ngày… hay tất cả những khoản cần tiết kiệm tương đối lâu dài, có thể phải trả góp để sở hữu. 

Vấn đề là không phải lúc nào ta cũng có đủ tiền vào đúng thời điểm. Ngoài ra việc chờ đợi quá lâu để có đủ khoản này đôi khi có thể khiến ta mất cơ hội tốt và phải trả nhiều hơn để có được những thứ mình cần (đặc biệt với nhà đất). 

Phương pháp tiết kiệm

Để tiết kiệm được cho những khoản này, trước hết ta cần cố gắng phân định rõ ràng giữa cái “cần” và cái “muốn”. Như chuyên gia tài chính, Suze Orman thường nói: “Live below your means, but within your needs” (tạm dịch: sống dưới khả năng có thể, nhưng trong phạm vi cần thiết). 

Có nghĩa là, nếu khả năng tài chính của bạn vừa đủ để mua một căn nhà 1,000 mét vuông, nhưng nhu cầu sử dụng thiết yếu chỉ khoảng 700 mét vuông thì bạn chỉ nên mua căn nhà 700 mét. Số tiền còn lại sẽ giúp bạn chi trả những chi phí phát sinh của khoản chi tiêu lớn và đảm bảo mình không “vung tay quá trán” chỉ vì một phút bốc đồng.

Sau khi đã xác định được số tiền hợp lý, cần thiết cho những khoản chi lớn này, ta bắt đầu tiết kiệm bằng cách chẻ nhỏ tiền vào ngân sách từng tháng và tiết kiệm cho đến khi đủ tiền.

5. Tiết kiệm tiền để đầu tư

Đầu tư là cách để tiền có thể tiếp tục đẻ ra tiền. Hai chữ “đầu tư” có vẻ rất hoành tráng và mất sức, nhưng thực chất, đầu tư ngày nay không thực sự khó đến thế. 

Bạn có thể đầu tư dài hạn bằng cách mua các loại cổ phiếu, trái phiếu ổn định (chú ý ở điểm “dài hạn” chứ không phải là “lướt sóng” mua nhanh, bán vội theo thị trường). Việc tích cực và thường xuyên đầu tư nhỏ vào những nguồn này sẽ cho bạn khoản lợi tức khá lớn. 

Bạn cũng có thể đầu tư bằng cách góp vốn vào những mô hình kinh doanh của người khác hoặc mở doanh nghiệp riêng cho mình. “Doanh nghiệp” nghe cũng rất hoành tráng nhưng thực tế, bạn có thể bắt đầu rất nhỏ qua các hình thức như bán hàng online, dạy Tiếng Anh tại nhà, nhận bài dịch, làm tư vấn…. 

Khi bắt đầu có vốn, có sự tự tin, có thêm ý tưởng, bạn có thể kinh doanh lớn hơn hoặc góp vốn kinh doanh nhiều mảng hơn.

Phương pháp tiết kiệm

Đầu tư và kinh doanh là một lĩnh vực rất cần phải có kiến thức tốt để làm được hiệu quả. Do vậy, bài viết này sẽ không đi sâu vào những hình thức đầu tư cụ thể. Nhưng một trong những cách đầu tư tốt nhất cho mảng này chính là đầu tư vào bản thân. 

Đọc thêm nhiều sách về đầu tư, quản lý tài chính cá nhân, học hỏi thêm từ những người đi trước, áp dụng kiến thức vào thực tế nơi mình đang sống, không ngừng tìm tòi cơ hội để đặt đồng tiền mình làm ra đúng nơi, đúng chỗ… là cách tốt nhất để tự chủ, bảo vệ bản thân, và thịnh vượng về tài chính. 

6. Tiết kiệm tiền để “về hưu” 

Sở dĩ “về hưu” được đặt trong ngoặc kép là vì khái niệm nghỉ hưu ngày nay đã rất khác.

Làn sóng “nghỉ hưu non” (early retirement) ở những người trẻ đang nổi lên mạnh mẽ từ vài năm nay ở các nước phát triển, thu hút hàng ngàn người tham gia. Và chuyện người trẻ bắt đầu các quỹ tiết kiệm cho chi phí sinh hoạt lúc về già hay tính toán cho một tương lai không phải làm những công việc mình không còn hứng thú, đã trở nên khá phổ biến.

Nhưng dù bạn là người lớn tuổi hay trẻ tuổi, có mong muốn làm đến tuổi về hưu hay về hưu sớm, thì việc tiết kiệm cho hưu trí là điều vô cùng cần thiết. 

Hệ thống hưu trí ở Việt Nam hiện mang tính “bao cấp”, tức là khi về hưu, bạn sẽ được nhận lương hàng tháng bằng một phần trăm nào đó của mức thu nhập trước đây. Cách làm này dù có thể đảm bảo được nhu cầu tối thiểu, nhưng nó không tính toán được mức độ lạm phát, chậm thay đổi theo thị trường và rất dễ gây sốc cho những người mới về hưu khi số tiền bình thường kiếm được chênh lệch quá lớn so với khoản lương hưu.

Ở Mỹ, nơi tôi đang sống, rất nhiều cơ quan và tổ chức có quỹ lương hưu dưới dạng đầu tư (401K hay IRA) để nhân viên trích tiền lương hàng tháng vào. Từ đó các quỹ này sẽ tự động đầu tư cho những dòng trái phiếu, cổ phiếu ổn định để nhân viên được hưởng ở tuổi về hưu.

Đây là một cách rất tốt để thúc đẩy người còn trong độ tuổi đi làm tiết kiệm cho tương lai của mình và nắm bắt được số tiền mình sẽ có khi nghỉ làm, thay vì đợi đến khi về hưu mới ngỡ ngàng khi nhận đồng lương hưu hàng tháng.

Phương pháp tiết kiệm

Bạn không cần phải chờ đợi hệ thống hưu trí nước nhà cải tiến để thay đổi tương lai của mình. Hãy bắt đầu ngay khi có thể, bằng cách trích ra ít nhất 10% thu nhập vào khoản đầu tư cho hưu trí.

Điều quan trọng hơn là bạn hãy bắt đầu tìm hiểu về chế độ hưu trí và lập ra kế hoạch cho riêng mình ngay tại thời điểm này.

7. Tiết kiệm tiền để biếu, tặng, làm từ thiện

Trong cuộc đời, chúng ta cần phải cho đi rất nhiều, từ thăm hỏi, quà cáp hàng ngày đến cưới xin, ma chay hàng tháng rồi phụng dưỡng cha mẹ tuổi già, giúp đỡ anh em họ hàng khi gặp khó khăn và đặc biệt là làm từ thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh thiếu may mắn hơn. 

Nếu bạn luôn thiếu thốn, bạn dễ nghĩ rằng mình chẳng bao giờ có đủ tiền để cho ai cả. Nếu phải cho đi, bạn cũng sẽ luôn cảm thấy khó chịu.

Nhưng rất nhiều nguồn tài liệu về tự chủ tài chính đều chỉ ra rằng: hào phóng sẽ giúp bạn có thêm cơ hội kiếm tiền. Khi cho đi một cách vui vẻ, bạn sẽ tự tin hơn, cảm thấy cuộc sống của mình đầy đủ, tích cực hơn. Từ đó, bạn dễ thu hút được mọi người, dễ tìm đến được những cơ hội tốt và lập được nhiều mối quan hệ hiệu quả hơn. 

Vì cho đi là một cách để nhận lại. 

Phương pháp tiết kiệm

Rất nhiều chuyên gia tài chính khuyên nên để ra 10% thu nhập hàng tháng dành riêng cho biếu, tặng, làm từ thiện. Hãy xem đây là một khoản luôn cần có, không phải chỉ để cho người khác, mà còn cho cả chính mình.

Kết

Trên đây là 7 mục đích tiết kiệm tiền mà tôi thấy phổ biến nhất. Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu, mục đích và hoàn cảnh cá nhân, bạn có thể linh hoạt thay đổi các phương pháp trên để ứng dụng tốt nhất vào tình huống của mình. 

Ngoài ra, một điều tôi đoán sẽ nhiều người băn khoăn là: Liệu có thể tiết kiệm tiền với nhiều mục đích cùng lúc được không? Đây thực ra cũng là câu hỏi còn khá nhiều tranh cãi vì mỗi người có một quan điểm và điều kiện kinh tế, cũng như nhu cầu tiết kiệm khác nhau. 

Nếu bạn hỏi quan điểm của riêng tôi, câu trả lời sẽ là “Không” và “Có”. 

Nếu bạn chưa có đủ 3 - 6 tháng tiền khẩn cấp và chưa trả dứt nợ, theo tôi, bạn không nên ôm đồm quá nhiều mục đích mà chỉ nên tập trung vào hai mục đích khó nhằn nhất là: tích trữ đủ tiền cho trường hợp khẩn cấp và sau đó, tập trung trả dứt nợ. Sau đó, khi đã tạo ra được thói quen sử dụng và tiết kiệm tiền hiệu quả, bạn có thể tiếp tục đến những mục tiêu mới. 

Trong trường hợp bạn đã có đủ tiền khẩn cấp và không còn khoản nợ nào, tôi nghĩ bạn có thể hướng đến các mục đích khác nhau cùng lúc. Hãy dành tiền để đầu tư làm giàu, tiết kiệm cho hưu trí và tiết kiệm cho những khoản chi tiêu lớn…

Tuy nhiên, luôn suy nghĩ cẩn thận và tính toán kỹ lưỡng trước khi kết hợp các mục đích này để không xảy ra xung đột lợi ích và có thể duy trì lâu dài việc tiết kiệm.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục