Đến Nơi Rồi - Phần 8: Một cái miệng để ăn

“Ở đất nước này, ba có cái miệng để ăn chứ không phải để nói. Con là tiếng nói của ba.”
Cát Thảo Nguyễn
Minh hoạ bởi Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Minh hoạ bởi Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Bài viết là đoạn trích từ cuốn hồi ký Đến Nơi Rồi của nhà văn, luật sư, chuyên gia huấn luyện cấp cao và nữ doanh nhân Cát Thảo. Đến Nơi Rồi là chuyến hành trình đi tìm ánh sáng tại nơi đất khách của cô và gia đình.

Bạn có thể đặt mua tác phẩm tại:
- Tiki
- Shopee
- TikTok Shop

Còn hai năm nữa là được nhận Bằng Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, tôi cần tối đa hóa cơ hội thành công của mình. Ngoài lý do đó, còn vì một thực tế là tiền học phí và đồng phục trường Công giáo buộc mẹ tôi phải ngồi may nhiều giờ hơn dưới ánh đèn mờ, tôi quyết định sẽ cạnh tranh giành suất vào học trường tuyển. Học phí sẽ rẻ hơn nhiều. Lượng tuyển sinh lớn nhất sau năm lớp Bảy là năm lớp Mười Một.

Một ngày cuối tuần, tôi đến trường Trung học Nữ sinh St George để tham dự kỳ thi môn Toán và Tiếng Anh. Tôi đã làm bài vừa đủ tốt để được nhận suất nhập học. Các giáo viên ở trường Bethany rất buồn khi thấy tôi chuyển trường.

Tôi biết rằng ở trường công lập mới, tôi sẽ không còn được nhận sự giáo dưỡng cho đời sống tâm linh, nhưng theo cách thức cấp Bằng Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, điểm số của tôi khi học tại một trường tuyển sẽ được đánh giá tốt hơn so với các học sinh khác trong tiểu bang, nhờ đó kết quả sẽ theo hướng có lợi cho tôi hơn khi xét điểm cuối cấp để vào đại học.

Một buổi chiều, ngay trước khi chạng vạng, tôi đang ở nhà học bài thì nghe thấy tiếng xe tấp vào lề đường. Tôi biết âm thanh ấy có nghĩa là ba tôi đã về. Thông thường, ông ấy sẽ cởi đôi bốt có mũi bọc thép trong nhà để xe và cởi đôi tất dày ra trước khi vào nhà. Nhưng đã một lúc lâu mà không thấy ba vào, tôi đi ra chỗ nhà để xe. Ba tôi đang ngồi trên thùng sữa. Ba dùng lại chiếc cặp học sinh cũ của tôi làm cặp đi làm. Mẹ tôi sẽ gói bữa tối ngày hôm trước làm bữa trưa cho ba, xếp thức ăn chồng lên nhau trong những khay nhôm tròn khớp vào nhau và được giữ bằng một tay cầm dài. Chiếc cặp, bốt và hộp đựng đồ ăn trưa đặt ngay ngắn xung quanh ba tôi. Tôi nhìn ba. Ông có vẻ gì đó khác khác. Giống như một sinh vật héo hon ra đời với khuôn mặt buồn bã bẩm sinh. Trông ông có vẻ suy sụp và đổ gục trong trạng thái u sầu mà trước đó tôi đã từng nghe các chú các bác kể lại, một trạng thái tác động mạnh mẽ đến mức làm thay đổi những đường chỉ tay điều hướng vận mệnh cuộc đời.

Tôi hỏi ba, có chuyện gì vậy. Ba tôi bắt đầu diễn tả sự ngược đãi, giày vò, phân biệt chủng tộc mà ông phải chịu đựng tại nơi làm việc, và chiếc mặt nạ bình thản mà ông buộc phải đeo hàng ngày. Ngày hôm đó, một đồng nghiệp đã rắp tâm phá hoại chiếc máy trị giá hàng triệu đô-la mà ba tôi đang vận hành trong ca làm việc. Người công nhân ấy đã lấy một nắm ốc vít nhỏ xíu và ném vào máy. Dây chuyền sản xuất bị ngừng lại. Mất thời gian là mất tiền bạc. Mất tiền bạc là mất việc. Mà công việc là cần câu cơm nuôi sống gia đình.

Ba tôi không bao giờ kể cho tôi nghe những gì đã xảy ra với ông ở Việt Nam. Và bây giờ ở Úc, ba tôi chỉ là một người di cư câm lặng. Giận dữ, sợ hãi, phẫn uất, tủi thân, thất kinh và buồn bã cuộn trào phủ qua ông như những con sóng.

Cuối cùng, vượt quá sức chịu đựng, ngày hôm đó ba tôi đã bùng nổ. Giống như một con thú điên dại, ba tôi đã vơ lấy một thanh kim loại và tiến đến chỗ thủ phạm để tấn công anh ta. Nhưng trước khi xuống tay vung cú đánh vào mục tiêu, lý trí đã giữ ông lại. Điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi nếu ba tôi phải vào tù? Ông buông rơi cây gậy cùng với tất cả những phần kiêu hãnh còn sót lại.

Trái tim thiếu niên của tôi vỡ tan thành những mảnh vụn nát khi nghe ba kể lại câu chuyện. Sau đó ông nhìn tôi và nói, “Ở đất nước này, ba có cái miệng để ăn chứ không phải để nói. Con là tiếng nói của ba.”

Ngày hôm đó đánh dấu một bước ngoặt trong đời tôi: Tôi đã nhìn thấy tương lai của mình. Sẽ có nhiều người khác giống như ba tôi, những người cần một tiếng nói thay cho họ. Họ cần được đại diện và tiếp cận với công lý. Và tôi nhận ra rằng ba tôi là người dũng cảm nhất mà tôi biết. Phải rất can đảm mới có thể quay đi. Cần rất nhiều kiên cường và kỷ cương để mang một gương mặt bình thản cho dù đang phải chịu đựng những tổn thương trong lòng.

Trong nhà, mẹ tôi đã dừng may và sửa soạn bữa tối xong xuôi. Tôi đã thấy mẹ rơi những giọt nước mắt lặng lẽ. Tôi đã thấy mẹ mất tất cả những gì mình từng sở hữu và làm lại tất cả từ đầu mà không hề buông một lời than thân trách phận hay phàn nàn. Khi tôi nhìn mẹ, với những sợi tóc lòa xòa, tay cầm chai nước mắm giơ trên chiếc nồi đang nấu, tôi biết tôi đang được thấy một người phụ nữ duyên dáng và nhân hậu nhất mà mình
từng biết.

Ngày hôm đó, tôi thề rằng mình sẽ làm bất cứ điều gì có thể để xứng đáng là con gái của ba mẹ tôi, người con gái của gia đình này - một gia đình đã và đang sống sót.

Đọc các đoạn trích khác tại đây .


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục