Đi ngủ phải đắp chăn là “nghi thức” gì của não bộ?

Nhiều người phải đắp chăn thì mới ngủ ngon, dù có phải trả giá bằng tiền điện vì bật quạt/máy lạnh suốt đêm. "Nghi thức" đắp chăn lúc ngủ này bắt nguồn từ đâu?

Rossie Nguyen
đi ngủ phải đắp chăn

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Đồng ý rằng công dụng của tấm chăn thường gắn liền với những ngày lạnh, nhưng với một số người, giấc ngủ sẽ chẳng còn êm ả nếu thiếu đi tấm chăn đắp kín bất kể thời tiết.

Dù mùa hè hay mùa đông, dù bạn biết nửa đêm sẽ toát mồ hôi, hoặc sáng ra sẽ bị bố mẹ mắng “Đắp chăn mà còn bật quạt!” thì bạn cũng xin chấp nhận trả giá để có được tấm chăn phủ lên người trong lúc ngủ. Nỗi nhớ chăn đến mức “ám ảnh” này bắt nguồn từ đâu?

Tấm chăn giúp báo hiệu giờ đi ngủ

Giống như việc nghe nhạc lúc học bài, ra ngoài phải mang theo sách, nhiều người không thể ngủ ngon nếu thiếu hơi ấm của chăn. Khoa học đã gọi tên sợi dây kết nối này là mối liên hệ khởi phát giấc ngủ (Sleep onset association). Đây là một dạng thói quen có điều kiện đối với giấc ngủ của bạn. 
 
Vì vậy, chăn được xem như chiếc đồng hồ hẹn giờ không chuông. Chỉ cần nhìn thấy hoặc liên tưởng đến nó thôi cũng đủ nhắc nhở não bộ “đã đến giờ đi ngủ”, và cơ thể biết rằng nó sắp được nghỉ ngơi. Ngược lại, nếu không có sự hiện diện của nó, não bộ sẽ cảm thấy có gì đó “sai sai” và khó mà chìm sâu vào giấc ngủ. 

Giảm áp lực tinh thần

Khác với các phương pháp chữa lành bằng âm nhạc hay mùi hương vô hình, trọng lượng của chăn cho ta cảm giác cơ thể được ôm ấp bởi một vật có thể sờ nắm và cảm nhận được. Nó tạo ra “điểm chạm áp lực sâu” (Deep pressure touch) có tác dụng làm dịu tâm hồn. 

Sự kích thích này sản sinh ra các serotonin - hormone làm tăng cảm giác hạnh phúc, và giảm bớt cortisol - hormone gây ra căng thẳng. Nhờ đó, chăn đưa chúng ta vào giấc ngủ sâu và thư thái hơn. Cũng dựa theo tác dụng này mà loại chăn mỏng nhẹ nhưng có trọng lượng nặng (weighted blanket) ra đời. 

Các nghiên cứu phát hiện ra những người thường xuyên ngủ dưới chăn có trải nghiệm giấc ngủ êm đềm và yên bình hơn. Cảm giác này khiến chúng ta chỉ muốn đắp chăn và quay lại thế giới trong mơ vì thức dậy đồng nghĩa rằng ta phải đối mặt với nhiều lo âu thực tại. 

Cảm giác che chở

Chăn mang đến cảm giác an toàn và thoải mái là nhờ sự mềm mại từ bề mặt. Nghiên cứu chỉ ra nó đánh thức một số phần trong hệ thống limbic - bộ não cảm xúc chịu trách nhiệm làm dịu nỗi sợ hãi và sự giận dữ. 

Với nhiều đứa trẻ, tấm chăn đã từng là cả thế giới. Bạn từng trốn trong chăn khóc mỗi khi bị bố mắng? Hay rủ bạn bè cùng dựng lều cắm trại trong những tấm chăn dày? 

Giáo sư tâm lý Tovah Klein lý giải rằng hành động này bắt nguồn từ ý niệm thu hẹp thế giới của trẻ con. Có quá nhiều thứ phải nghe, phải học và tiếp nhận có thể khiến những đứa trẻ bị mất kiểm soát. Vì vậy, chúng lựa chọn tạo ra một thế giới nhỏ trong chăn để được vỗ về và cảm thấy an toàn hơn.

Đôi khi ý niệm ấy không tan biến đi dù chúng ta đã trưởng thành. Vào những lúc căng thẳng kéo dài, não bộ thường gây ra ảo giác và nỗi sợ khi ngủ. Có bao giờ bạn mơ thấy mình bị tấn công bởi binh đoàn người ngoài hành tinh? Hay bỗng nhiên ớn lạnh vì rơi vào hố sâu đen tối? Chính lúc này bạn sẽ có xu hướng bám víu vào tấm chăn và núp mình trong sự bảo vệ của nó. 

Cảm giác ấm áp

Khả năng tự làm ấm cơ thể giảm dần trong quá trình chúng ta chìm vào giấc ngủ. Công tắc điều chỉnh nhiệt độ bên trong bị “vô hiệu hoá” gây ra các cơn rùng mình và khiến chúng ta co rúm người lại. Đặc biệt, giai đoạn chúng ta đang say ngủ nhất là REM thường diễn ra vào tờ mờ sáng – thời điểm không khí trong phòng chuyển lạnh nhất. 

Đây chính là lúc tấm chăn phát ra công dụng sưởi ấm của mình. Với những ai không muốn phải bật dậy giữa đêm để tìm chăn, họ lựa chọn đắp sẵn từ trước khi vào giấc ngủ và hình thành luôn thói quen từ đó.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục