Dịch phim cho Netflix? Chỉ người trong ngành hiểu!

Hai biên dịch của Hometown Cha-Cha-Cha (bộ phim được bản địa hóa xuất sắc của Netflix) cùng nhiều phim hot khác năm 2021 nói gì về nghề?
Mai Nguyễn (Hoài)
Nguồn: Lê Diệu Linh, Nguyễn Thanh Huyền

Nguồn: Lê Diệu Linh, Nguyễn Thanh Huyền

“Chỉ cần vượt qua bức tường 1 inch của dòng phụ đề, bạn sẽ biết đến vô vàn tác phẩm tuyệt vời” (Bong Joon Ho). Sự tồn tại của các biên dịch là vô cùng quan trọng. Họ nối ý nghĩa tác phẩm đến người không hiểu ngôn ngữ gốc, và nối cả nền văn hóa của đất nước này đến đất nước khác.

Sau khi các nhóm dịch phim kỳ cựu như KST, Kites và 360Kpop dần lui về ở ẩn, người xem phim tại Việt Nam rất ít lựa chọn xem được những bản dịch thực sự chất lượng. Cho đến khi Netflix bước vào cuộc chơi và tạo ra nhiều câu thoại dịch viral.

Mùa cuối năm, chúng tôi có cuộc nói chuyện với hai biên dịch phim Hàn tại Netflix từng dịch các phim hot trong năm 2021 mà Hometown Cha-Cha-Cha (bộ phim được bản địa hóa xuất sắc) là một trong số đó.

Đó là Lê Diệu Linh tỏa sáng với các câu thoại hài hước từ Hometown Cha-Cha-Cha cùng Hospital Playlist và Nguyễn Thanh Huyền - biên dịch “cứng” từng tham gia khóa đào tạo biên dịch phim điện ảnh và webtoon của Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc. Họ có điều gì để nói về nghề biên dịch của mình?

“Đừng dịch chữ. Hãy dịch ý tưởng”

“Ý tại ngôn ngoại” - thoại phim không chỉ là trên mặt chữ, nó còn phần nào thể hiện tâm trạng, suy nghĩ, tính cách của nhân vật.

Không chỉ biên dịch phim, mà các phiên dịch nói chung vẫn hay gặp phải lỗi “dịch sát gốc”. Điều này không khó để lý giải, bởi với một ngôn ngữ xa lạ, việc diễn giải chữ nghĩa 1-1, tức nhân vật nói gì thì dịch nghĩa đen y hệt thế là tốt nhất.

Nhưng việc “dịch sát gốc” không phải lúc nào cũng là tốt. Nhiều khi chỉ vì dịch giả cố “dịch sát gốc” mà không nắm được nội dung bao quát mà tác giả hay nhân vật muốn thể hiện thì rất dễ khiến bản dịch trở nên tối nghĩa, sai ngữ pháp... Việc này sẽ làm người đọc không hiểu. Và khi người đọc không hiểu được bản dịch thì nghĩa là biên dịch đã thất bại trong việc dịch thuật.

Trong tiếng Hàn có từ 대박 (daebak) có thể dịch là xuất sắc, tuyệt vời. Nhưng nhiều lúc nhân vật cũng nói câu này với hàm ý mỉa mai. Nếu không để ý, biên dịch rất dễ đi theo lối mòn và không làm bật lên kiểu nói kháy này.

Nhân vật Hong Du Sik trong Hometown Cha-Cha-Cha là một người con làng chài, tính cách cũng phần nào “cục súc”. Việc dịch thoại cho nhân vật này, ngoài việc để người đọc nắm được nội dung cuộc nói chuyện, còn phải tô đậm kiểu tính cách này. Anh ta không nói dạ, hay ạ. Những pha “chọc ngoáy” cũng phải vừa “thẳng tuột”, vừa thể hiện hình ảnh một anh chàng hiện đại và sắc sảo.

Vậy nên, thay vì cố “dịch sát gốc” theo mặt chữ thì hãy cần hiểu trước khi dịch. Khi thực sự hiểu được “cái gốc” mình cần dịch là gì thì sẽ dịch được “sát gốc”.

Không chỉ đúng mà còn phải “ngắn”

Với dịch sách, bạn có nhiều trang giấy để diễn tả nội dung cuộc trò chuyện giữa các nhân vật. Nhưng khi dịch phim, yếu tố ngắn gọn phải đặt lên hàng đầu. Ví dụ, trên nền tảng Netflix, số ký tự giới hạn là 42 trên một câu thoại. Nhưng ở Liên hoan phim Quốc tế Busan, số ký tự được giới hạn chỉ có 36. Câu thoại nào dịch thừa sẽ không đủ tiêu chuẩn phát sóng.

Có những câu thoại tiếng Hàn rất ngắn nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại dài, đến mức không thể cắt bớt được. Chẳng hạn tiếng Hàn có câu 너나 잘해 chỉ có bốn ký tự, nhưng khi dịch ra thì khá nhiều chữ “Bạn nên lo làm việc của bạn trước đi”.

Đặc biệt, “ngắn” ở đây không chỉ là về việc dịch thuật. Bước vào thế giới dịch phim còn là bước vào cuộc đua thời gian để mang đến tập phim mới nhất một cách nhanh nhất cho khán giả. Rất nhiều bộ phim Hàn Quốc được sản xuất và trình chiếu song song, nên thời gian dành cho khâu việt hóa khó lường trước.

Để đối phó với việc này, không còn cách nào khác ngoài việc tập dịch thật nhiều. Có dịch nhiều, biên dịch mới rút được kinh nghiệm bằng cách hạn chế đưa vào những từ ngữ thường dùng trong giao tiếp cũng như từ thừa thãi trong câu. Đồng thời tích lũy được kho từ vựng lớn cho bản thân để áp dụng vào những tình huống khó nhằn.

Ngoài ra, một biên dịch cũng cần có khả năng học hỏi và tra cứu nhanh. Những bộ phim rom-com với hội thoại bình thường thông thường khá dễ thở. Nhưng biên dịch phải luôn chuẩn bị tinh thần để nhận những thể loại phim với chủ đề vô cùng phức tạp như y khoa, pháp lý… Lúc này, việc dành thêm thời gian để tiến hành nghiên cứu nhằm cung cấp các bản dịch chính xác là rất quan trọng.

Người dịch sẽ không biết trước nội dung mình sẽ được giao là gì. Vì vậy bạn cần chuẩn bị kiến thức nền ở càng nhiều lĩnh vực càng tốt và luôn sẵn sàng đón nhận những thử thách mới.

Hãy thông thạo tiếng mẹ đẻ trước

Dù là dịch phim nào đi nữa, yếu tố “mượt” cũng luôn phải nằm trong top quan trọng mà biên dịch cần ghi nhớ. Nhưng để dịch mượt, thì bạn không thể chỉ hiểu tường tận ngôn ngữ nước ngoài. Hiểu chỉ là bước một, truyền tải để tất cả mọi người cùng hiểu và thích thú mới là bước “tối thượng” của một biên dịch.

Nghiên cứu chỉ ra rằng bạn có thể quên đi một phần của ngôn ngữ thứ nhất bạn nếu bạn sử dụng nhiều một ngôn ngữ mới. Khi đó các ngôn ngữ bắt đầu cạnh tranh trong não bộ và gây lẫn lộn. Với các biên dịch thông thạo tiếng Hàn, “cái khó” là họ hay vô thức sử dụng biểu hiện tiếng Hàn thay cho tiếng Việt mà không nhận ra.

Ví dụ, tiếng Hàn có từ 결혼하다 /kyeol-hon/ có nghĩa là kết hôn, từ này phát âm cũng gần giống kết hôn nên mình dùng luôn từ kết hôn trong khi tiếng Việt có rất nhiều biểu hiện đa dạng như cưới, dựng vợ gả chồng, lập gia đình, ra ở riêng.

Ngoài ra, cấu trúc câu tiếng Hàn ngược so với tiếng Việt. Người Hàn có xu hướng nói câu bị động trong khi người Việt thường nói câu chủ động. Nếu không để ý, biên dịch rất dễ dịch một câu thoại mà người đọc thấy xa lạ.

Bởi ngày càng có nhiều tiếng lóng mới trong giới trẻ, nên biên dịch cũng luôn phải cập nhật tin tức để bản dịch mang hơi thở thời đại. Dịch giả Thanh Huyền thường giải quyết bài toán này bằng cách tham gia các nhóm chia sẻ thông tin trên facebook và đọc sách văn học bằng tiếng Việt.

Biên dịch là một chiếc cầu nối văn hóa

Dịch phim không chỉ để khán giả đơn thuần xem phim. Dịch phim còn là cơ hội truyền tải nét đẹp của văn hóa Hàn đến với người Việt, cũng như giúp bản thân người Việt hiểu thêm về văn hóa nước nhà.

Văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng. Ví dụ tiêu biểu là nhiều câu thành ngữ, tục ngữ trong tiếng Hàn có câu tương đương trong tiếng Việt. Nếu người dịch biết nhiều thành ngữ, tục ngữ thì có thể diễn đạt câu một cách thú vị, đảm bảo đủ nghĩa mà câu vẫn ngắn gọn.

Chẳng hạn trong Hometown Cha-Cha-Cha có một cảnh đọc thơ, biên dịch Lê Diệu Linh đã cố gắng “sáng tác” một bài thơ tiếng Việt với ngữ nghĩa tương đồng để đưa vào bản dịch.

Một biểu hiện cũng thường xuất hiện trong phim Hàn là 콩밥을 먹다, nghĩa đen là ăn cơm đậu nhưng nghĩa bóng là đi tù. Khi dịch sang tiếng Việt, biên dịch có thể chọn các từ như đi tù, bóc lịch, ngồi nhà đá, ăn cơm tù… tùy vào ngữ cảnh và thái độ trong thoại của nhân vật.

Biết đến tác phẩm mình dịch thôi là không đủ. Bởi văn hóa là một phạm trù rất rộng lớn. Cả Diệu Linh lẫn Thanh Huyền đều đã có rất nhiều năm “đu” idol Hàn, dịch music video, dịch phim và tìm hiểu vô cùng nhiều về văn hóa Hàn Quốc để có thể không chỉ dịch phim, mà còn bản địa hóa bộ phim các bạn đang dịch.

Diệu Linh cho rằng để bản dịch sát với bản gốc nhất và không bị “Tây hóa” thì dịch “thẳng”, từ ngôn ngữ gốc đến ngôn ngữ cần được thể hiện, là con đường nên làm nhất. Để làm được điều này, các biên dịch cần tự trau dồi nhiều để không cần phải tham khảo bản dịch tiếng Anh.

Để vượt qua những rào cản về văn hóa, biên dịch Thanh Huyền cho rằng càng xem nhiều chương trình giải trí của Hàn Quốc càng tốt. Theo lời thầy giáo đầu tiên dạy bạn trong bộ môn Biên phiên dịch, các chương trình giải trí là nơi cập nhật từ lóng nhanh nhất và hay chơi chữ nhất. Ngoài ra, Thanh Huyền còn theo dõi diễn đàn sinh viên của trường, nơi các bạn sinh viên Hàn chia sẻ thông tin hàng ngày để cập nhật những thông tin mới nhất.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục