Djokovic bị từ chối nhập cảnh: Việc thi đấu thể thao sẽ ra sao vào năm 2022?
1. Chuyện gì vừa xảy ra?
Ngày 10/01, Toà án Liên bang tuyên Novak Djokovic thắng kiện chính phủ Úc. Tay vợt số 1 thế giới trước đó kháng cáo quyết định trục xuất anh, khi lực lượng biên phòng nước này cho rằng Djokovic không có thị thực hợp lệ để nhập cảnh.
Theo phán quyết của Thẩm phán Anthony Kelly, thị thực của Djokovic phải được khôi phục, do lực lượng biên phòng đã không cho anh đủ thời gian để chứng minh quyền miễn trừ hợp lệ.
Việc thắng kiện mang lại cơ hội tham dự Úc Mở rộng - giải Grand Slam đầu tiên của năm cho Djokovic. Tuy vậy, quá trình điều tra Djokovic vẫn tiếp tục. Anh hiện phải chạy đua với thời gian, khi giải chỉ còn chưa đầy 1 tuần trước ngày khởi tranh.
2. Tại sao Djokovic được bay sang Úc, nhưng lại không được nhập cảnh?
Luật pháp của Úc cho phép các tiểu bang và vùng lãnh thổ quyết định miễn trừ y tế với người nước ngoài. Tuy nhiên, chính phủ mới là bên kiểm soát cửa khẩu và sân bay. Lực lượng biên phòng nước này do đó có quyền không cho các cá nhân nhập cảnh, kể cả khi họ đã được chính quyền bang miễn trừ y tế.
Trong trường hợp của Djokovic, anh được cho là chưa tiêm vaccine, nhưng đưa ra bằng chứng từng nhiễm Covid-19 trong vòng 6 tháng trước đó lên chính quyền bang Victoria, do đó đủ điều kiện để nhập cảnh và thi đấu.Tuy nhiên, chính phủ Úc lại cho rằng Djokovic không cung cấp đủ bằng chứng về miễn trừ y tế, nên đã cấm nhập cảnh và yêu cầu rời khỏi nước này.
3. Ngoài Djokovic, có những trường hợp nào tương tự?
Djokovic không phải là tay vợt duy nhất bị từ chối tham dự giải quần vợt Úc mở rộng vì vaccine.
Tay vợt người Séc Renata Voracova cũng có hoàn cảnh tương tự Djokovic. Cô đã xin miễn trừ y tế với lý do đã mắc Covid ngay trước Giáng sinh nhưng vẫn bị chính phủ từ chối đề nghị và hủy visa, dù đã được nhập cảnh. Do lo ngại về việc không có đủ thời gian tập luyện vì quá trình xử lý thủ tục mất thời gian, Renata đã quyết định rời giải.
Trường hợp của vận động viên người Nga Natalia Vikhlyantseva thậm chí còn hy hữu hơn: cô đã tiêm đủ 2 mũi, nhưng loại vaccine Sputnik V mà cô tiêm lại không được chính phủ Úc công nhận. Tay vợt này cuối cùng đã chọn chia tay Úc Mở rộng.
Tay vợt người Pháp Pierre Hugues-Herbert cũng quyết định không tham gia Úc Mở rộng ngay từ đầu và gọi đó là một “sự lựa chọn cá nhân”. Nhưng khác với những người đồng nghiệp trên khi mang đầy tâm lý tiếc nuối vì bị từ chối tham gia thi đấu, Pierre lại cho rằng việc bỏ lỡ giải Grand Slam này không phải là điều cần bận tâm. Với anh, việc cân nhắc sử dụng vaccine mới là đáng lo hơn hết.
4. Quan điểm của Djokovic về vaccine là gì?
Djokovic nằm trong nhóm những vận động viên thể thao không ủng hộ việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Anh cho rằng việc tiêm chủng là quyền tự do của mỗi người, ai cũng nên được lựa chọn đưa vào cơ thể chỉ thứ gì họ muốn.
Djokovic cũng cho rằng việc tiêm chủng là vấn đề cá nhân nên không cần công khai. Tay vợt này cũng luôn né tránh khi được hỏi đã tiêm phòng vaccine Covid-19 hay chưa.
Giải đấu Úc Mở rộng yêu cầu tất cả các tay vợt tham dự phải đã được tiêm ít nhất 2 liều vaccine. Nếu chưa tiêm vaccine nhưng muốn tham dự giải, các tay vợt sẽ phải làm thủ tục xin miễn trừ y tế.
5. Sự việc nhận phản ứng như thế nào?
Quyết định cấm Djokovic nhập cảnh nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đa số người dân Úc, và đặc biệt là người dân bang Victoria - nơi từng giữ vị trí thành phố bị phong tỏa lâu nhất thế giới. Điều này là dễ hiểu, khi 90% dân số nước này đã tiêm đủ 2 liều với mục tiêu đẩy lùi đại dịch và quay lại cuộc sống bình thường.
Nhiều đồng nghiệp cũng không ủng hộ Djokovic tham dự giải nếu chưa tiêm vaccine. Tay vợt nữ số 3 thế giới Garbine Muguruza chỉ trích: “Những gì xảy ra với Djokovic như một buổi diễn xiếc. Tôi không hiểu nó có tốt cho quần vợt không".
Tay vợt huyền thoại Martina Navratilova cũng cho rằng bà không bảo vệ quyết định của Djokovic, và nhấn mạnh việc tiêm chủng là vì cộng đồng.
Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ Djokovic phản đối quyết định trục xuất anh của chính phủ Úc. Tại Serbia - quê nhà của tay vợt, người hâm mộ Djokovic đã ném bóng tennis vào Đại sứ quán Úc ở thủ đô Belgrade để phản đối. Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić cũng bênh vực Djokovic và chỉ trích cách chính quyền Úc đối xử với ngôi sao thể thao lớn nhất nước này.
6. Điều gì chờ đợi Djokovic sắp tới?
Djokovic luôn nuôi hy vọng tham dự Úc Mở rộng, nơi anh nắm giữ kỷ lục 9 lần vô địch. Dù đã thắng kiện chính phủ, để được tham dự giải, anh phải hy vọng Bộ trưởng Nhập cư Úc Alex Hawke không dùng quyền cá nhân để hủy thị thực của mình. Bộ trưởng Hawke được cho là sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày hôm nay.
Theo luật pháp nước này, Bộ trưởng Di trú có quyền ra quyết định hủy thị thực của một người dù trái với phán quyết của tòa án, nếu đánh giá việc này là vì lợi ích cộng đồng. Trong trường hợp bị hủy visa, Djokovic vẫn có thể kháng cáo nhưng gần như không có cơ hội chiến thắng. Nếu kháng cáo không thành công, anh có thể bị cấm nhập cảnh vào Úc trong vòng 3 năm.
Djokovic hiện là 1 trong 3 tay vợt duy nhất trong lịch sử giành được 20 Grand Slam, cùng với Rafael Nadal và Roger Federer. Anh cũng giữ kỷ lục là tay vợt giữ ngôi vị số 1 thế giới trong thời gian lâu nhất, với con số ở thời điểm hiện tại là 381 tuần.
7. Việc thi đấu thể thao sẽ ra sao vào năm 2022?
Sau 2 năm vật lộn với dịch bệnh, việc tiêm vaccine được cho là giải pháp hàng đầu để đưa toàn thế giới trở lại trạng thái bình thường mới. Các quốc gia, cùng với các giải đấu thể thao lớn vì thế cũng áp đặt các quy định nghiêm ngặt với những vận động viên nhập cảnh để tham gia.
Với bộ môn tennis, 4 giải Grand Slam quan trọng nhất trong năm tại Úc, Pháp, Anh và Mỹ đều khuyến khích các tay vợt tiêm vaccine để thi đấu. Đây là điều dễ hiểu, vì chính phủ các nước này đều yêu cầu người nước ngoài phải tiêm đủ liều vaccine để được nhập cảnh.
Với bóng đá, Qatar - nước chủ nhà World Cup 2022 đang thúc đẩy quy định bắt buộc tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với các cầu thủ nếu muốn tham gia thi đấu. Nước Anh - nơi có giải bóng đá Ngoại hạng Anh hàng đầu thế giới cũng yêu cầu mọi cá nhân tham gia vào các trận đấu đều phải xuất trình thẻ xác nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19.
Giới bóng rổ cũng có những quy định để khuyến khích vận động viên tiêm vaccine. Đơn cử như NBA (Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ), khi yêu cầu các cầu thủ chưa tiêm vaccine phải có tủ đồ cách xa các đồng đội đã tiêm chủng. Những người này cũng phải ăn, di chuyển bằng máy bay và xe bus ở các khu vực khác so với các đồng đội đã tiêm.
Những quy định này cho thấy một nhận thức chung của thế giới trong năm 2022. Theo đó, những vận động viên được quyền không tiêm vaccine, nhưng cùng với đó sẽ phải chấp nhận quyền lợi bị hạn chế.
Bởi vì với đa số các chính phủ và người dân, việc tiêm vaccine là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.