Đọc gì để hiểu về cách bộ não “đánh lừa” chúng ta?
Nếu bước chậm lại, đánh giá, phân tích vấn đề trên nhiều góc độ, ta có thể bất ngờ trước những gì mình từng một mực tin tưởng.
Một trong những câu thoại kinh điển nhất trong phim ảnh là: “Hãy lắng nghe con tim mách bảo”. Tin vào trực giác được khuyến khích rất nhiều trên phim, nhưng ngoài đời, có lẽ bạn cần lý trí hơn một chút, nhất là trong thời đại mọi thứ đang thay đổi đến chóng mặt.
Điều ta luôn ủng hộ có thể không đúng như ta vẫn nghĩ. Thứ ta phản đối chưa chắc đã sai. Nếu bước chậm lại, đánh giá, phân tích vấn đề trên nhiều góc độ, ta có thể bất ngờ trước những điều mình đã biết và chưa biết.
Dưới đây là 5 tựa sách giúp rèn luyện kỹ năng tư duy. Hy vọng những đầu sách này có thể giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống.
1. Tư duy nhanh và chậm - Daniel Kahneman
Tư duy nhanh và chậm, viết bởi nhà tâm lý học đạt giải Nobel Kinh tế Daniel Kahneman, dẫn bạn bước vào thế giới của tâm trí và gặp gỡ hai con người đối lập bên trong. Một người vội vã, cảm tính và phản ứng theo bản năng. Người kia lại chậm rãi, từ tốn và có tư duy chặt chẽ hơn.
Vì sao ta tư duy cảm tính? Trong quá khứ, nhờ trực giác nhạy bén, tổ tiên của chúng ta nhiều lần thoát khỏi nanh vuốt của thú dữ, và chúng ta lại là hậu duệ của họ. Daniel Kahneman kết luận, khi con người tiến hóa, bộ não đã tạo ra những lối tắt để ta quyết định nhanh hơn.
Mặc dù “anh chàng nhanh nhảu” trong não đôi khi xúi ta đưa ra nhiều quyết định sai lầm, nhưng không có nghĩa là ta nên gạt bỏ anh ấy mà chọn người bạn chín chắn kia. Trên thực tế, con người không thể loại bỏ hết những suy nghĩ tiềm thức đã theo ta hàng ngàn năm qua. Việc tập luyện đồng thời 2 kiểu tư duy nhanh và chậm được cho là cần thiết để giúp ta đưa ra quyết định phù hợp.
Ví dụ, tư duy nhanh giúp bạn tạo ra một phản xạ có điều kiện, bạn có thể lái xe trên con đường quen thuộc mà không cần nỗ lực quá nhiều. Tư duy chậm sẽ cảnh báo bạn, ngăn bạn hành động liều lĩnh (như vừa lái xe vừa nói chuyện, tạt đầu xe, uống rượu trước khi lái xe).
Sự hợp lý và mâu thuẫn trong tư duy của chúng ta đều có nguyên nhân. Bằng các thí nghiệm trực quan và các ví dụ minh họa được diễn giải dễ hiểu, Daniel Kahneman “bắt mạch” rất nhiều lỗi tư duy điển hình. Từ đó giúp độc giả nhìn nhận vấn đề một cách lý trí, thận trọng hơn.
2. Nghệ thuật tư duy rành mạch - Rolf Dobelli
Rất nhiều những việc ta làm hay nhìn nhận hằng ngày đều bắt nguồn từ một lỗi tư duy nào đó. Ví dụ cách chúng ta hành xử theo đám đông trong vô thức (tư duy tập thể), cách chúng ta dùng thành tựu của một số cá nhân làm thước đo cho bản thân (thành kiến sống sót), hay đôi khi chúng ta chỉ đánh giá kết quả mà bỏ qua quá trình dẫn đến kết quả đó (thành kiến kết quả).
Nghệ thuật tư duy rành mạch tổng hợp những lỗi tư duy trên thành 99 thiên kiến nhận thức thường gặp. Con số 99 có thể khiến bạn hơi choáng ngợp một chút, nhưng thật ra mỗi hiệu ứng chỉ gói gọn trong 3-4 trang giấy, phù hợp với những người mới bắt đầu đọc sách về tâm lý học, tư duy phản biện.
Ngoài ra, tác giả cũng thường so sánh, liên kết các hiệu ứng khác nhau trong cùng 1 chương. Nhờ vậy, độc giả có thể nhìn kỹ mối quan hệ của các loại hình tư duy và cách chúng ảnh hưởng lẫn nhau.
Tuy nhiên, cũng vì sách ôm đến 99 chủ đề nên mỗi chủ đề chỉ cung cấp cho bạn kiến thức tổng quan chứ chưa thực sự đi sâu vào chủ đề chính. Hiểu được điều đó, tác giả Rolf Dobelli cũng đính kèm các nguồn tham khảo ở cuối sách để độc giả tự tìm hiểu thêm.
3. Bạn không thông minh lắm đâu - David McRaney
Giống với cuốn Nghệ thuật tư duy rành mạch, cuốn sách đề cập tới nhiều hiệu ứng tâm lý chúng ta gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Các hiệu ứng này cũng được chia thành các chương ngắn, tiện để độc giả tra cứu.
Hai cuốn sách có nhiều điểm tương đồng, thậm chí còn cùng nhắc đến một số hiệu ứng tâm lý. Tuy nhiên, cách diễn giải và ví dụ minh họa của hai cuốn sách đều mang một màu sắc riêng, các hiệu ứng cũng được đặt trong bối cảnh khác nhau. Ví dụ, cùng một lỗi tư duy, nếu Nghệ thuật tư duy rành mạch dùng các ví dụ trong ngành tài chính thì Bạn không thông minh lắm đâu lại mượn ngành marketing để minh họa.
Có lẽ phần thú vị nhất của cuốn sách nằm ở những lỗi ngụy biện trong các cuộc tranh luận. Nhiều lỗi ngụy biện phổ biến như tấn công cá nhân, đổ lỗi cho nạn nhân hay ngụy biện bù nhìn rơm đều được đề cập và giải thích cặn kẽ. Vì vậy, cuốn sách phù hợp với những bạn ưa thích phản biện. Có thể khi gập trang cuối lại, bạn sẽ bật cười, gật gù công nhận: “Ồ, thì ra có lúc mình cũng kém logic thật đó!”
4. Tâm lý học hài hước - Richard Wiseman
Richard Wiseman được tờ Scientific American miêu tả là “nhà tâm lý học thực hành thú vị nhất thế giới hiện nay”. Sự đặc biệt của Richard không chỉ nằm ở việc ông lựa chọn chủ đề mà còn ở cách ông mổ xẻ, phân tích chúng.
Tựa gốc của sách có tên Quirkology, dịch sát nghĩa là: Khoa học nghiên cứu về những điều dị thường. Mặc dù hơi dài, nhưng có lẽ, đây mới là cái tên đủ sức nặng để lột tả nội dung sách.
Khác với những đầu sách tâm lý học thông thường, trong cuốn sách này, Richard lựa chọn tiếp cận những chủ đề như lời cầu nguyện, chiêm tinh, niềm tin về sự may mắn, hay tâm lý của những người tham gia lễ cầu hồn. Thông qua tình huống đơn giản nhưng lạ lùng, các hiện tượng từng khiến bạn nửa tin nửa ngờ lần lượt được vén màn dưới góc nhìn khoa học.
Tâm lý học hài hước có 6 chương chính. Mỗi chương xoay quanh một chủ đề lớn, như tâm lý học thời gian hay tâm lý học về sự lừa dối. Sách tràn ngập các thí nghiệm khoa học nhưng được diễn đạt một cách hóm hỉnh, thông thái, làm độc giả bị cuốn vào mạch kể và quên rằng mình đang đọc một nghiên cứu khoa học.
Vậy nhưng, Richard Wiseman có thể làm tốt hơn nữa nếu đính kèm một đoạn tóm tắt, kết luận ở cuối mỗi chương để độc giả “ôn tập” lại ý chính, giống như cách Rolf Dobelli đã làm trong cuốn Nghệ thuật tư duy rành mạch.
5. Phải trái đúng sai - Michael Sandel
Tác giả cuốn sách – giáo sư triết học đại học Havard, Michael Sandel cung cấp cho ta góc nhìn một cách khách quan đầy đủ về các chủ đề công lý, tự do, hạnh phúc thông qua tư tưởng của triết gia nổi tiếng như Aristotle, Immanuel Kant, hay John Stuart Mill.
Nhìn chung, Phải trái đúng sai điểm mặt những vấn đề còn gây tranh cãi trong xã hội và phân tích chúng dưới góc độ triết học phương Tây. Một số vấn đề nổi cộm như tiêm vaccine, mang thai hộ, chính sách chống kỳ thị tưởng chừng như đã rất rõ ràng nhưng nhờ khả năng phân tích bao quát của Michael Sandel, bạn đọc lại được mở mang thêm những góc nhìn mới.
Thuộc thể loại triết học phương Tây hiện tại, nội dung cuốn sách không quá lý thuyết, trừu tượng nhưng vẫn đòi hỏi sự tập trung cao độ để có thể hiểu và phân biệt được các tư tưởng.
Từng khái niệm tác giả đưa ra có thể sẽ khiến bạn phải nghĩ lại về những triết lý, niềm tin của bản thân và quy ước trong xã hội. Có chuẩn mực chung về công lý cho tất cả mọi sự việc trong cuộc sống hay không? Liệu điều bạn từng tin tưởng có luôn đúng? Điều bạn ra sức tẩy chay là sai?
Dưới đây là một bài giảng về công lý nổi tiếng của giáo sư Michael Sandel tại giảng đường đại học Havard, bạn có thể xem thử trước khi quyết định đọc cuốn sách này.