Độc quyền: Sendo tăng trưởng trước sự bùng nổ thương mại điện tử của Việt Nam
Theo một nguồn tin nội bộ giấu tên, quyết định sáp nhập có được đưa ra hay không dựa vào khả năng duy trì tăng trưởng thị trường trực tuyến và những kênh thu nhập khác của Sendo.
Đại dịch coronavirus đã gây ra suy thoái kinh tế, khiến hàng loạt hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Tuy nhiên, việc mọi người phải ở nhà do giãn cách xã hội đã tạo điều kiện cho các kênh bán lẻ trực tuyến.
Do đó, mua sắm trực tuyến, vốn đang trên đà phát triển trước đại dịch, đã bùng nổ. Các nhà bán lẻ điện tử của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng 20% trong mua sắm trực tuyến dựa trên số liệu đến tháng 03/2020. Mức tăng trưởng đặc biệt rõ rệt ở các loại sản phẩm chính như thực phẩm, đồ gia dụng và may mặc.
Nhu cầu tiêu dùng tăng cao đã mang lại lợi ích cho Sendo - một trong những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam. Nhiều khả năng, 63,6 triệu người dùng internet Việt Nam sẽ tiếp tục giữ thói quen mua hàng trực tuyến ngay cả sau đợt cách ly kết thúc, thúc đẩy các doanh nghiệp thương mại điện tử hơn nữa.
Tăng tốc gây vốn
Không để COVID-19 ảnh hưởng đến đà phát triển mạnh mẽ của mình sau khi khép lại vòng Series C trị giá 61 triệu USD vào năm 2019, Sendo được dự đoán đang trong quá trình gọi vốn Series D. Là một trong những startups huy động được nhiều vốn nhất trong nước, Sendo sẽ trở thành một trong những công ty công nghệ có giá trị nhất Việt Nam sau khi hoàn thành Series D lần này.
Chỉ tiêu gọi vốn lần này của công ty rơi vào hàng trăm triệu USD, trong đó đã đạt được một phần nhờ đóng góp của các nhà đầu tư lâu năm và các nhà đầu tư mới. Theo một nguồn tin thân cận, Sendo đang trên đường huy động thành công 100 triệu USD. Tổng giá trị đầu tư dự kiến sẽ còn tăng trước khi vòng gọi vốn kết thúc.
Tư duy tăng trưởng
Sau đại dịch, hành vi khách hàng cũng thay đổi, mở ra những cơ hội mới cho ngành thương mại điện tử. Thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng có khả năng "chín" sớm hơn một đến hai năm, giúp Sendo tăng tốc trên con đường đến lợi nhuận.
Ra mắt vào năm 2012, startup này đã tập trung vào tăng trưởng bền vững - một chiến thuật giúp cải thiện chi phí và hiệu quả hoạt động từ khi thành lập đến nay.
Đại dịch đã củng cố chiến lược của Sendo là tập trung vào C2C (Consumer to Consumer) và các thành phố loại II, cũng như tạo nền tảng để mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử xã hội (social e-commerce).
Trên đà phát triển của nền kinh tế chia sẻ, mô hình C2C của Sendo vừa đưa ra nhiều lựa chọn cho khách hàng, vừa tạo sân chơi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Trong khi vốn từ Series C được công ty đầu tư vào AI và Machine Learning thì một phần đáng kể từ Series D sẽ được dùng để mở rộng mảng thương mại điện tử xã hội.
Đi tìm đối tác phù hợp?
Thông báo về vòng đầu tư của Sendo được đưa ra giữa những tin tức về cuộc sáp nhập với Tiki, một đối thủ cạnh tranh. Tuy chưa được xác nhận, cuộc sáp nhập này là đề tài nóng trong ngành công nghiệp thương mại điện tử.
Theo một nguồn tin nội bộ, quyết định cuối cùng dựa vào khả năng duy trì tăng trưởng và những kênh thu nhập khác của Sendo.
Là công ty thương mại điện tử độc lập lớn duy nhất tại Việt Nam, bước đi tiếp theo của Sendo sẽ ảnh hưởng đến cục diện ngành thương mại điện tử và bán lẻ.
Hội đồng quản trị cho hay Sendo luôn sẵn sàng hợp tác với các đối tác chiến lược phù hợp để thúc đẩy hệ sinh thái thương mại điện tử và phát triển nền tảng trong tương lai.