Duy Văn: “Mình gọi Thần Chết là deadline!”
“Cứ làm hết mình cho hiện tại, đó sẽ là tác phẩm đẹp nhất để hối lộ deadline.”
Duy Văn (tên thật là Duy) có nghệ danh là Diwan, sinh ra ở Long An và hiện đang hoạt động tại Sài Gòn. Duy Văn thừa hưởng niềm yêu thích với hội hoạ từ ba — một giáo viên ngày xưa phải thường xuyên vẽ tay bản đồ để dạy học. Tác phẩm của Duy hướng tới văn hoá dân gian kết hợp tạo hình nhân vật đáng yêu, được thể hiện qua hình thức line art.
Khoảng hai năm gần đây, Duy bén duyên với văn hoá tâm linh thông qua các câu chuyện ma trên Internet. Anh bắt đầu hình tượng hoá các loài ma quỷ qua tranh dân gian, doodle, line art, và sắp tới có thể là phim hoạt hình ngắn.
Một trong những dự án nổi bật nhất của Duy là Ma Quỷ Dân Gian Ký, nhằm tạo cảm hứng tìm hiểu văn hoá tâm linh cũng như lưu giữ đời sống tinh thần của ông cha từ cổ chí kim.
1. Ngày nào trong tuần là ngày đáng sợ nhất?
Chắc chắn là thứ hai. Mấy đứa “2 mang” như mình thường xài cuối tuần để vẽ cho đã cái nư, sang thứ hai lại phải “bật mood” làm đồ hoạ máy tính nên thấy rất hụt hẫng sao ấy.
Nhưng may mắn là hai lĩnh vực đều là làm sáng tạo nên đôi lúc bổ trợ nhau nhiều. Cơ mà mình vẫn thích làm minh hoạ nhất, vì chỉ khi vẽ mới được làm chính mình, đơn giản, thuần tuý, tự do thể hiện.
2. Nếu được chọn, bạn sẽ muốn ăn tối cùng nghệ sĩ nào?
Từ lúc mới làm nghề mình chưa tìm được phong cách riêng nên cứ coi tranh rồi ảnh hưởng hết từ hoạ sĩ ta tới tây, mỗi người một tí vào “nồi lẩu style” mình nấu cho tới khi có thể tách ra tìm dấu ấn riêng. Một buổi ăn tối nghe hơi khiêm tốn. Chắc mình mở luôn cái party cho đông rồi mời hết anh chị thần tượng.
Một trong số đó có lẽ là James Jean — một hoạ sĩ Mỹ gốc Đài Loan chuyên vẽ line art, cũng đến từ LA nhưng là LA của Mỹ. Phải nói xem tranh idol là không bao giờ chán bởi lối đi nét và màu rất mê hoặc. Có nhiều thứ mà mình cần học hỏi để hoàn thiện tác phẩm tốt hơn.
3. Bạn sẽ dùng tác phẩm nào để thuyết phục thần chết tha mạng?
Ai gọi Thần Chết chứ mình gọi ổng là deadline, ai rồi cũng chạy deadline, làm không xong thì chết như chơi.
Thường để xin khách hàng xí xoá, mình sẽ làm thật tốt công việc để khẳng định bản thân xứng đáng cho nhây thêm chút nữa. Với tư cách là người chơi hệ tâm linh, mình không thực sự sợ cái chết vì chết để sang kiếp sống khác. Khi bạn làm tốt hành trình “chạy deadline”, lúc bước qua bên kia bạn sẽ đổi lấy sự an yên.
Cứ làm hết mình cho hiện tại, đó sẽ là tác phẩm đẹp nhất để hối lộ deadline.
4. Đã có ai khóc vì (sợ) tác phẩm của bạn chưa?
Mình thường vẽ tranh hơi trễ rồi tiện tay đăng luôn trong đêm, cũng tầm 1-2 giờ sáng. Tầm giờ đó là nhiều bạn đã đắp chăn rồi nằm lướt điện thoại, coi cái gì đó nhẹ nhàng để dỗ giấc ngủ. Nhưng rồi cái gì cần thấy cũng thấy.
Phản ứng thường thấy là bạn đó nhẹ nhàng tag tên bạn khác vào xem chung cho đỡ sợ. Lâu lâu vài người cũng bảo ám ảnh không ngủ được, kêu mình đổi sang đăng ảnh ban ngày, chứ gọi là khóc thì chưa thấy. Mà mình vẽ theo style chibi quen rồi nên vẽ ma không đáng sợ đâu, sao mà khóc được!
5. Nơi nào vừa an toàn, vừa nguy hiểm?
Mình nghĩ ở nhà là vậy, nhưng không phải vì nó có ma nha. (cười) Cuối tuần mình hay chạy về Long An, nhà vẫn an toàn cho tới khi mẹ mình làm đủ thứ món ngon, bù cho cả tuần mình hì hục đến phòng tập.
Thân làm sáng tạo không sợ khách hỏi khó, nhưng mình luôn phải động não đến kiệt sức để trả lời câu ”bao giờ lấy vợ.” Nói vui vậy thôi, mình có thể sợ bất kỳ ai ngoài kia, nhưng nhà là chốn yên bình nhất.
6. Nếu được vẽ lại một cảnh phim ma hoặc phim kinh dị, bạn sẽ vẽ gì?
Mình chưa rõ, nhưng chắc chắn mình sẽ tập trung vào không gian trước. Nếu bạn tạo ra một con quỷ mặt cháy, da nhăn, răng nanh dài tới rốn nhưng lại cho nó vào một bối cảnh tươi sáng thì cũng bằng thừa. Đây là mình ví dụ cho tầm quan trọng của không gian nhằm tôn lên sự huyền bí của chủ thể.
7. Theo bạn, nỗi sợ là tốt hay xấu?
Mình thích những bộ phim khai thác về chủ đề nỗi sợ vô hình như IT. Khi càng sợ thứ gì bạn sẽ càng dễ gặp thứ ấy. Tuy không có thật, những hình tượng này ám ảnh trẻ con suốt tuổi thơ cốt để chúng ngoan hơn.
Nỗi sợ là thứ ai cũng có và nó luôn hiện hữu; ta không thể nói mình không sợ thứ gì. Mình có thể không sợ rắn rết, gián chuột, nhưng mình vẫn rất sợ sâu, và còn sợ ma nữa. Mấy tháng nghỉ dịch ở nhà giờ sợ luôn con người. (cười)
Một thứ tốt hay xấu là do cách nhìn nhận của tuỳ người. Việc răng đe về nỗi sợ như địa ngục, quả báo sẽ giúp ta nhìn nhận và sống tốt hơn khi còn tồn tại. Nhưng nỗi sợ sẽ xấu khi người ta lợi dụng nó để bày trò cúng bái, hại người vì mục đích mê tín, muốn sống lâu...
8. Trong quá trình thực hiện một tác phẩm, bước nào là bước bạn sợ nhất?
Chắc có lẽ là bước lên màu; nỗi sợ này vô hình cũng như nỗi sợ ma vậy. Đôi lúc mình may mắn vẽ được những tác phẩm với bộ màu ổn, nhưng mình sẽ rất ngại khi ai đó nhờ tư vấn về màu trong khi mình chưa kịp nghiên cứu.
Nhưng mình nghĩ để vượt qua nỗi sợ thì phải đối mặt với nó. Nghĩa là mỗi lần chơi với màu thì mình phải làm ngay và luôn, để “tới công chuyện” với nó. Mong rằng tương lai có nhiều dự án thú vị để mình có cơ hội chơi với màu nhiều hơn, chứ chơi với màu đơn hoài cũng chán lắm.
9. Bệnh nghề nghiệp đáng sợ nhất của nghề vẽ là gì?
Mình từng mắc chứng tỉ mỉ thái quá, bắt nguồn từ những ngày mình còn ngồi vẽ tỉa tóc từng sợi. Mình đã bê nguyên tác phong này sang làm thiết kế.
Hệ quả là mình đã khốn đốn chạy deadline trong một thời gian dài. Có cái thiết kế nhỏ xíu mà mình lật qua lật lại cả ngày trời, tới lúc xuất ra lại thấy không vừa ý rồi ngồi sửa tiếp, trong khi khách hàng chỉ cần 5 giây để duyệt thôi.
10. Lời khuyên sự nghiệp đáng sợ nhất bạn từng nghe?
Mình chưa nghe lời nào đáng sợ cả, vì cũng may mắn gặp được những người sếp, anh chị, bạn bè khá tử tế. Một khi đã khuyên thì người ta đã khá chân thành với mình rồi, cho dù đó là lời cảnh báo, cảnh tỉnh nhưng quyết định vẫn là ở bản thân mình.
Trước khi bắt tay vào làm gì đó mà bạn được hỏi “Sợ không?” thì hãy thẳng thắn trả lời: “Sợ thì làm cho hết sợ!”