Game NFT có thể là "cánh cổng đến với bình đẳng tài chính" không?

Trong thời điểm Covid, nhiều người dân ở Philippines đã kiếm tiền bằng cách chơi game NFT. Vậy câu chuyện ở Việt Nam thì sao?
Yui
Nguồn: Trung Nguyễn cho Vietcetera.

Nguồn: Trung Nguyễn cho Vietcetera.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Cũng như âm nhạc và phim ảnh, game là một ngành công nghiệp giải trí dành-cho-tất-cả-mọi-người. Trong thời điểm NFT xuất hiện nhiều hơn trong câu chuyện của giới trẻ, đã có những studio sử dụng nền tảng blockchain để phát triển game.

Những game này thừa hưởng lợi thế về mặt tài chính của blockchain. Tuy vậy, đi kèm với đó là những nghi hoặc từ phía công chúng. Game NFT có tác động thế nào đến đời sống và tài chính của người chơi?

Sky Mavis là startup thứ 3 của Việt Nam trở thành kì lân công nghệ, bên cạnh những cái tên như VNG, VN Pay. Nguyễn Thành Trung (Trung Nguyễn), CEO và đồng sáng lập của Sky Mavis, cũng là người đứng sau game NFT đắt nhất thế giới - Axie Infinity, có những chia sẻ để giải thích cho “con voi trong phòng” này.

Game NFT đắt nhất thế giới

Axie Infinity là một trò chơi được xây dựng trên nền tảng blockchain, nơi người chơi có thể trao đổi, sở hữu nhân vật trong game. Với lối chơi tương tự như Pokémon, người chơi sẽ thu thập, nuôi dưỡng và cho các thú cưng Axies chiến đấu với nhau để từ đó xây dựng lên một vương quốc cho thú cưng của mình. Token (đồng tiền ảo) sẽ được tích luỹ nhờ kỹ năng chơi game của mỗi người.

Vốn theo học ngành kỹ thuật, suy nghĩ làm về game hay blockchain chưa bao giờ xuất hiện trong đầu Trung Nguyễn. Thế nhưng từ đầu 2018, những “không tưởng” này đã thành hiện thực. Với sự tò mò, Trung quyết định thử một game NFT phát triển bởi các nhân tài ở Philippines cho cộng đồng quốc tế. Và ở đó, anh đã gặp 2 người bạn, Alek từ Na-uy và Jeff từ Mỹ, không hề biết sẽ cùng đồng hành sáng lập Sky Mavis và Axie sau này.

Khi làm việc với startup, mong muốn của Trung là tạo ra sản phẩm mang đến sự thay đổi cho cuộc sống của mọi người bằng cách giải quyết một vấn đề trong cuộc sống. Sau khi chia tay dự án khởi nghiệp đầu đời là Lozi, Trung hoàn thành chương trình học ở FPT. Dù ở vị trí lãnh đạo hay nhân viên, Trung đều hài lòng vì anh luôn hướng đến cải thiện xã hội.

Là một trong 4 đồng sáng lập Axie Infinity và Sky Mavis, Trung tìm thấy niềm đam mê chung về game ở hai người bạn quốc tế. Trước đây, game không được xem là một nghề nghiệp ổn định. Những tập đoàn về game có nhiều lợi thế được tích luỹ từ con người, cộng đồng trong giới game và codebase (mã lập trình được viết riêng cho một chương trình) được tích luỹ qua nhiều phiên bản. “Chân ướt chân ráo” bước vào ngành game, Trung không sở hữu bất cứ lợi thế nào kể trên.

Dù vậy, Trung không bất ngờ với những cột mốc của Axie. Anh bất ngờ với đa dạng những phản ứng đến từ công chúng. Đối với những ai chưa quen với sản phẩm và cách vận hành của blockchain, họ ngạc nhiên khi thấy Axie nổi lên “sau một đêm”. Nhưng đối với đội ngũ của Trung, đây là điều mọi người đã thấy trước.

Việc nhận đầu tư từ những quỹ khổng lồ của thế giới không chỉ là điều đáng mừng với đội ngũ, mà còn củng cố và kích thích tìm hiểu từ cộng đồng. Với nhận định khách quan và chia sẻ từ những nhà đầu tư uy tín, Axie dần được cộng đồng nghiêm túc tìm hiểu và trải nghiệm với tinh thần cởi mở. Đối với Trung, phản ứng này là tín hiệu đáng mừng đầu tiên trên hành trình phát triển game NFT.

1 phần làm game, 2 phần đưa game “lên sàn”

Định nghĩa của Trung về blockchain game được đúc kết từ những trao đổi cùng bạn bè quốc tế với đa dạng góc nhìn. Đội ngũ Axie biết về NFT từ khi nó chỉ được định nghĩa là một chuẩn kỹ thuật về thể hiện dữ liệu. Tất cả những dự án làm việc dựa trên chuẩn NFT có thể dễ dàng tích hợp hai đối tượng. Đây cũng là vai trò cốt lõi của NFT.

NFT cho phép người dùng trao đổi và sở hữu những vật phẩm trên nền tảng ảo. Cùng với đó, người dùng biết được thông tin chi tiết về lịch sử “cuộc đời” của chúng. Phát triển game NFT khác biệt hoàn toàn với game truyền thống, nhất là về mặt kỹ thuật. Nếu chia ra 3 phần, 2 phần sẽ dành cho việc xây dựng game trên nền tảng NFT, 1 phần còn lại dành cho việc xây dựng nội dung game.

Sau gần 4 năm, thị trường đã có thể xây dựng game NFT dễ dàng hơn so với buổi bình minh của Axie. Lúc đầu, Axie được xây dựng trên một nền tảng tên là Etherium. Khi thực hiện bất kỳ thao tác nào trên game, người chơi đều phải trả một khoản không nhỏ. Khi nghẽn mạng, một thao tác có khi phải tốn từ 10 đến 50 đô la. Thậm chí là 150 đô la. Bài toán đầu tiên của Axie là làm thế nào để giảm chi phí thực hiện thao tác cho người chơi.

Lời giải của đội ngũ Axie chính là xây dựng một blockchain riêng tên là Ronin dựa trên nền Etherium. Nhờ đó, thao tác trên game nhỏ đi nhiều lần, thậm chí miễn phí trong thời điểm hiện tại. Đây chính là bí quyết tăng trưởng thần kỳ của Axie.

Hiện giờ, Ronin phục vụ riêng cho Axie và một vài dịch vụ riêng của Sky Mavis. Sau thời gian thử nghiệm, Ronin có thể mở rộng sang những hoạt động liên đới khác.

Cánh cổng đến với bình đẳng tài chính

Trong thời điểm Covid, nhiều người dân ở Philippines đã kiếm tiền bằng cách chơi game của Axie. Mục đích đầu tiên là để trang trải cuộc sống. Thứ hai, người chơi cần một cơ hội mới thay thế cho công việc chính vốn đang tê liệt của họ. Và đó cũng là sứ mệnh của Axie ngay từ đầu - giúp xã hội tiếp cận công nghệ để củng cố tài chính trong cuộc sống.

Theo chia sẻ của anh Trung, 25% người chơi Axie bắt đầu mà không có tài khoản ngân hàng. Thông qua game, mọi người được tiếp xúc với các khái niệm tài chính một cách tự nhiên. Quá trình người chơi tiếp cận, thiết lập và sử dụng những dịch vụ tài chính như ví điện tử,... chỉ tính theo ngày và giờ.

Trong quá trình làm game trên blockchain, Trung gặp gỡ một người bạn Philippines tên là Gabby. Gabby vận hành một “học bổng” - giúp cho những người sở hữu nhiều Axie và không quản lý được có thể cho thuê miễn phí. Trong quá trình chơi game, những phần thưởng sẽ được chia cho cả hai. Mô hình đó đã mở màn cho sự bùng nổ tại Philippines.

Lý do khiến mô hình của Axie bùng nổ ở Philippines, thay vì ở Việt Nam là vì Axie chọn thị trường quốc tế để có thể thu thập được nhiều phản hồi từ người chơi. Từ đó, đội ngũ tiến tới hoàn thiện game ở những phiên bản sau.

Bên cạnh đó, khái niệm game NFT chưa được định nghĩa là “ăn chắc mặc bền”. Đây vốn là tiêu chí tiên quyết khiến người Việt Nam lựa chọn đầu tư. Và sau những thử nghiệm và đánh giá Axie giờ đây đang vươn lên tại “sân nhà”. Sau gần 4 năm khởi động, Axie đã mở rộng từ 6.000 đến khoảng 2 triệu người chơi.

Axie tham gia vào thị trường mở. Đặc tính của thị trường mở là sự biến động chỉ tuân theo quy luật cung cầu, thay vì định kế tài chính. Sự biến đổi liên tục khiến cho Axie có 2 điểm khác biệt với những mô hình tài chính truyền thống:

  • Người chơi quyết định thị trường, không bị thao túng bới người tạo ra
  • Giá trị giải trí và biến thiên cảm xúc trong trải nghiệm chơi và khi đối diện kết quả thắng - thua.

Theo nhận định của Trung, ngành game NFT còn trẻ. Nội dung của game còn thiếu chiều sâu so với game truyền thống. Tương lai, Axie sẽ hướng đến việc hoàn thiện nội dung và đưa những game của Axie lên App Store.

Thông qua hình thái game, Axie có thể đem lại hỗ trợ về mặt công cụ để cộng đồng tiếp cận nhanh chóng với các khái niệm về tài chính. Và đó sẽ vẫn là kim chỉ nam của Trung, lẫn Axie trước những tiềm năng khổng lồ của ngành game NFT này.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục