Góc nhìn mới về những thời điểm lịch sử quan trọng qua tranh ký họa
Khi nhắc đến tranh ký hoạ, người ta thường liên tưởng đến bản phác thảo đầu tiên, được thực hiện nhanh để lưu lại cảnh sắc hoặc dòng ý tưởng của hoạ sĩ. Những bức ký hoạ sẽ là tiền đề cho các tác phẩm được thực hiện tại xưởng vẽ, khi hoạ sĩ có nhiều không gian, thời gian, phương tiện để làm việc với nguồn cảm hứng.
Tại Việt Nam, trong thời kì này, có hai cách thức dùng để ghi lại những hình ảnh thời sự: một là nhiếp ảnh (lúc bấy giờ còn đắt đỏ và chưa phổ biến), hai là thông qua những nét vẽ ký hoạ thật nhanh chóng nhưng vẫn tinh tế, sắc sảo.
Vì thế từ Bắc đến Nam, nhiều hoạ sĩ đã trang bị cho bản thân những kỹ năng như một người lính để có thể tác nghiệp vẽ ký hoạ ở những mặt trận ác chiến nhất.
Khi chiến tranh đã qua đi, những bức ký họa trở thành bằng chứng của một thời bom đạn, về lòng can đảm, ý chí quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, và đồng thời cũng chân thật ghi lại cuộc sống ở hầm hào, ở các bến phà bến sông, ở những nơi mà sống chết chỉ là trong gang tấc. Phong cách và xúc cảm của mỗi hoạ sĩ đã để lại những tư liệu quý báu cho lịch sử của một thời kỳ.
Hãy cùng quan sát 5 thời điểm quan trọng của đất nước thông qua những tác phẩm ký họa dưới đây
1. Điện Biên Phủ trong tranh Phạm Thanh Tâm
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến thắng quyết định, và cũng có rất nhiều tranh ký họa cũng như tác phẩm hội họa nói chung về sự kiện lịch sử này. Một trong số đó là bức tranh Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 của họa sĩ Phạm Thanh Tâm.
Bức tranh được thực hiện ở gần cầu Mường Thanh vào đúng thời điểm quân đội Pháp giăng cờ trắng, đầu hàng ở mọi mặt trận tại pháo đài Điện Biên Phủ. Điểm ấn tượng của bức ký họa này là cách họa sĩ Phạm Thanh Tâm sử dụng những đường chì để tái hiện lại những vụ nổ, những đám khói, từ đó cho thấy bối cảnh chiến trường.
Sau chiến thắng Điên Biên Phủ, họa sĩ Phạm Thanh Tâm chuyển đối tượng sang những khung cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân. Dù có nhiều tranh vẽ về sự kiện này, không có nhiều tác phẩm thể hiện cuộc sống ở Điện Biên trong giai đoạn giải phóng ngắn ngủi trước khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra.
Vì thế, bức tranh về chợ Điện Biên của họa sĩ Phạm Thanh Tâm là một lát cắt thú vị của lịch sử. Không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm ký họa chiến trường, ông còn có nhiều bức lấy cuộc sống của đại chúng làm đối tượng mô tả. Và có lẽ không có nơi nào thể hiện nhiều sức sống hơn một phiên chợ nơi núi rừng Tây Bắc.
Sự tấp nập và không khí nhộn nhịp được thể hiện rõ trong bức tranh. Các dáng vẻ và hình khối khác nhau được phác thảo bằng than, và màu nước làm chúng trở nên hữu hình và nổi bật hơn đối với người xem. Những màu sắc khác nhau cùng với những chi tiết trang phục đơn giản mà chính xác cho thấy đời sống của các dân tộc khác nhau tại nơi đây.
2. Chiến dịch Mậu Thân 1968 trong tranh Huỳnh Phương Đông
Chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 là một sự kiện bi tráng bởi quy mô của chiến dịch cũng như các trận đánh, và cả số lượng thương vong ở cả hai phía. Một chiến tích lịch sử như vậy ắt sẽ là đề tài của nhiều họa sĩ, trong đó có họa sĩ Huỳnh Phương Đông với tác phẩm ký họa Trận chiến phía Nam cầu chữ Y.
Toàn bộ không gian tác chiến và sự căng thẳng trận mạc được họa sĩ Huỳnh Phương Đông tái hiện khéo léo. Những chi tiết như các cột điện nghiêng, những bức tường đổ, những dáng người lố nhố qua lại, và đặc biệt là lá cờ đỏ-xanh với ngôi sao vàng ở phía xa bức tranh đã bắt trọn không khí hào hùng của một chiến dịch quân sự lịch sử.
3. Giao ban trong khói lửa Quảng Trị cùng tranh Phạm Ngọc Liệu
81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị vào năm 1972 là một chuỗi ngày bi thương. Đó là chiến trường ác liệt nhất, nơi người xưa đã không nhượng bộ và tử thủ trước bom đạn Mỹ để tạo điều kiện đàm phán Hiệp định Paris.
Giống như trường hợp của Điện Biên Phủ, khói lửa và sự chết chóc bao trùm lên những bức ký họa về sự kiện này. Chính vì thế, bức tranh Trao đổi tình hình chiến đấu ở Quảng Trị 1972 của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu có một vai trò quan trọng, bởi nó bắt được một khoảng lặng hiếm hoi nơi chiến trường.
Bức tranh vẽ những người chiến sĩ đang họp trong một căn hầm chữ A tại trận địa bên bờ sông Thạch Hãn. Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, thấy ấn tượng bởi bố cục và không gian trong căn hầm, đã ký nhanh bức họa này, rồi nhanh chóng rời sang tiểu đội khác.
Nhưng khi ông vừa rời đi, pháo kích dội thẳng vào hầm. Tất cả những người ông vừa gặp, những gương mặt ông vừa vẽ đã yên nghỉ. Lời ghi chú của ông tại triển lãm cũng như một lời đề từ với tác phẩm, hay một lời chào muộn màng tới những người đồng đội xưa.
4. Cuộc sống thường nhật tại miền trung - Hà Xuân Phong
Trong chiến tranh, các tỉnh thành miền Trung phải hứng chịu một lượng bom đạn khổng lồ. Các trận không kích, oanh tạc diễn ra mỗi ngày không thể ngăn cản tình quân dân đầm ấm trong những hoạt động chiến đấu, sản xuất cũng như sinh hoạt thường ngày.
Tình cảm ấy được thể hiện rõ qua tranh của họa sĩ Hà Xuân Phong - người vừa trực tiếp chiến đấu tại chiến trường khu V, vừa tái hiện chân thực và sâu sắc lịch sử hào hùng của dân tộc qua những bức ký họa. Ông hi sinh khi mới chỉ 37 tuổi, để lại hàng trăm tác phẩm làm kho di sản, tư liệu cho các thế hệ sau.
Bức vẽ cho thấy các bé gái đang giúp đỡ các chiến sĩ bộ đội giải phóng quân làm gạo, làm cơm để chuẩn bị sản xuất và chiến đấu. Khung cảnh sinh hoạt và tình quân dân hiện lên rõ nét với sự hiện diện của cả những em bé đang được địu trên lưng và những chiến sĩ bộ đội ở phía sau. Tác phẩm tạo ra cảm giác gắn bó, đầy sức sống với một bố cục rõ ràng và tông màu ấm áp.
5. Chiến trường miền Nam trong tranh của Cổ Tấn Long Châu
Họa sĩ Cổ Tấn Long Châu từng là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Ông cũng tham gia các phong trào đấu tranh chống Mỹ và chính quyền miền Nam của sinh viên tại Sài Gòn, Gia Định.
Những tác phẩm của ông đã được gửi ra miền Bắc tham dự triển lãm “Ký họa từ miền Nam gửi ra” vào năm 1966. Bác Hồ đã tới xem triển lãm và đưa ra nhận xét: “...chỉ có ở trong cuộc, mới có được bức tranh như thế.”
Tác phẩm Đánh đến cùng, vẽ bằng màu nước năm 1965 của ông, khắc họa một tay súng trên chiến trường miền Nam. Điểm ấn tượng của bức tranh nằm ở mức độ tỉ mỉ của các chi tiết: người xem vừa thấy rõ biểu cảm đanh thép của người chiến sĩ, vừa hình dung được trang phục, vũ khí, và các vật dụng trang bị khác.
Sự chi tiết này đưa người xem vào một không khí trận mạc thực thụ. Quan trọng hơn, nó tái hiện và in dấu gương mặt của một cá nhân, một chiến sĩ vào dòng lịch sử chung của dân tộc với triệu cái tên khác.
Được thành lập từ năm 1991, Lotus Gallery là một trong những phòng tranh nghệ thuật tư nhân đầu tiên của TP.HCM (Sài Gòn) với mục tiêu nuôi dưỡng, phát triển và mang hội họa Việt Nam vươn ra tầm thế giới. Trong hơn ba mươi năm qua, dưới sự dẫn dắt của người sáng lập, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, Lotus Gallery đã từng bước chuyển mình từ một cửa hàng tranh địa phương trở thành đơn vị tổ chức triển lãm cho họa sĩ và nghệ sĩ Việt Nam tại nhiều quốc gia ở Châu Á, Châu Âu, Châu Úc và Châu Mỹ.