Hãy thấu hiểu hơn về một thế hệ “vượt sướng”
Nếu như những bậc sinh thành quá quen thuộc với khái niệm nghèo vượt khó, thì giàu vượt sướng là cách nói ở cực đối lập còn lại.
Nó dành cho những cậu ấm cô chiêu khi được sinh ra trong một môi trường gần như đầy đủ mọi điều kiện vật chất để giúp các bạn đạt được mọi điều mình muốn.
“Nghèo vượt khó” và “giàu vượt sướng”, cái nào dễ hơn?
Khi được hỏi: "Điều gì khiến ông nỗ lực làm giàu để có được cơ ngơi ngày hôm nay?", ông Đoàn Nguyên Đức (hay thường được biết đến dưới tên Bầu Đức) Chủ tịch của Hoàng Anh Gia Lai đã trả lời: "Vì nhà tôi nghèo quá, không thể không cố gắng làm giàu được."
Trong tiếng Anh có một thuật ngữ để nói về điều này - Adversity Quotient. Viết tắt là AQ hay còn gọi là chỉ số vượt khó, nhằm đo lường khả năng của một người đối phó với nghịch cảnh trong cuộc sống của mình.
Bên cạnh việc gây ra nhiều bất lợi cho một người, thì những khó khăn bất hạnh ở góc nhìn tích cực, lại thúc đẩy con người ta tiến lên phía trước. Các cuộc cách mạng công nghiệp, đặc biệt là lần thứ nhất và thứ hai, đều là những minh chứng rõ ràng nhất cho lợi ích của khó khăn được đặt trong tiến trình phát triển chung của nhân loại.
Nhưng còn vượt sướng thì sao? Con người luôn có xu hướng ưa thích các trải nghiệm mang tới cảm giác thoải mái, dễ chịu và thường tránh né những việc gây cảm giác bứt rứt, hằn học trong người.
Chính vì vậy, nếu bạn quan sát một người được sinh vào khoảng những năm 30, 40 của thế kỷ trước, khi nhu cầu thiết yếu vẫn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của họ, rất dễ để họ biết mình phải làm điều gì đó để thoát khỏi hoàn cảnh này. Bản năng sinh tồn, trực giác khi ấy phát triển rất mạnh.
Ngược lại, thế hệ trẻ ngày nay, các bạn được trang bị rất nhiều điều kiện sinh hoạt, lẫn kiến thức từ kỹ năng mềm. Khả năng hùng biện, khả năng thuyết trình đều tốt hơn thế hệ cha mẹ rất nhiều. Ngoại ngữ của các bạn dù năm nay mới chỉ 15, 16 tuổi nhưng đã vượt trội hoàn toàn so với một người của thế hệ trước khi họ ở tuổi 25.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đã chia sẻ trong chương trình EduStation (Trạm Giáo Dục): "Hệ thống giáo dục truyền thống dành quá nhiều thời gian vào việc xây dựng hệ thống kiến thức, mà quên dạy cho trẻ kỹ năng để có công việc tốt, lương cao, hiểu biết về thế giới bên ngoài."
Trong khi đó, có một thế giới khác quan trọng không kém là nội tâm bên trong của mỗi người lại không được quan tâm tương xứng. Hệ quả là các bạn lớn lên mà không có kinh nghiệm tự nhiên trong chuyện đối mặt với những thử thách khiến cho họ dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn.
Điều này không phải lỗi của bất kì ai. Bởi vì đây là sự xoay chuyển tất yếu của thời đại, xã hội và cách nền kinh tế đang vận hành. Lợi thế của việc này là khi các bạn không còn phải lo nghĩ quá nhiều về cơm áo gạo tiền, những câu hỏi về hiện sinh như: "Tôi là ai", hay "Tôi có điểm mạnh điểm yếu gì",... có xu hướng xuất hiện sớm hơn so với thế hệ trước.
Trên thực tế, thế giới bên trong và thế giới bên ngoài giống như hai mặt của một đồng xu. Tiến bộ về văn minh, thế giới ngoài tự nhiên; hay kiến thức về thế giới bên trong mỗi người - cả hai đều cần thiết cho sự phát triển toàn diện, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu trong Trạm Giáo Dục, một điểm quan trọng trong sự phát triển của trẻ là giúp bé - song song với việc được sống với tính cách thực của mình, còn cần rèn luyện các kỹ năng khác để hoà nhập với xã hội, cộng đồng nơi mình đang sinh sống.
Ví dụ như một cậu bé có xu hướng hướng nội (tính cách), nhưng khi cần thuyết trình một đề tài trước đám đông (kĩ năng), thì hoàn toàn có thể làm được mà không gặp phải rào cản gì quá lớn.
Chính việc thông qua thử thách, công việc của thế giới bên ngoài, đứa trẻ biết đâu là mình, đâu không phải là mình. Từ đó quay lại khám phá gốc rễ của mình một cách sâu sắc nhất. Thế giới bên trong và thế giới bên ngoài là không thể tách rời.
Vậy làm sao để vượt sướng?
Sự tập trung là một trong những kỹ năng khó rèn luyện nhất ở những thập niên đầu thế kỉ 21 (và có lẽ sẽ kéo dài trong nhiều thập niên tiếp theo). Nhất là khi chúng ta có Google, Facebook, Instagram,...
Không biết nghe gì? Đã có Spotify. Không biết ăn gì? Chỉ cần dạo quanh một vòng trên Grab Food là có hàng tá gợi ý cho bữa trưa của bạn. Muốn “vượt sướng” trước hết phải nhận thức được, việc mình có đang bị công nghệ thông tin làm thui chột đi tự do ý chí, khả năng ra quyết định, tầm nhìn tạo ra sự đột phá hay không?
Việc kiểm soát bản thân để thoát ra khỏi sức cám dỗ, đòi hỏi một quyết tâm rất lớn và bắt đầu từ sự tự nhận thức về bản thân.
Thứ hai, theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, kiên trì là đức tính cần thiết cho các bạn trẻ ngày nay. Không phải việc mục tiêu bạn đặt ra to lớn hay vĩ đại bao nhiêu. Quan trọng hơn là, bạn kiên trì, bền bỉ hành động, theo đuổi và chiến đấu cho mục tiêu đó như thế nào.
Thứ ba, đó là trang bị cho mình một tinh thần lạc quan và tích cực. Đây là một đức tính khá đặc thù trong xã hội ngày nay, bởi thế giới hiện đại đang phát triển quá nhanh. Khi mà kinh nghiệm cũ chỉ mang tính chất tham khảo hơn việc có thể làm theo, để kỳ vọng đạt được kết quả tương tự (chưa nói đến một kết quả mới). Đại dịch Covid 19 là một minh chứng rõ ràng nhất.
Bởi vậy trong một thế giới đầy biến động được tổng kết bằng 4 từ khoá (Biến động – Volatility; Không chắc chắn – Uncertainty; Phức tạp – Complexity; Mơ hồ - Ambiguity) thì việc có một sức khỏe tinh thần tốt là điều vô cùng cần thiết. Điều này sẽ bổ trợ ngược lại cho tính bền bỉ, sức chịu đựng (resilient) của mỗi người.
Kết
Câu chuyện nghèo vượt khó là dễ hay giàu vượt sướng là gian nan, không phải để các thế hệ chỉ trích, hay lấy hệ quy chiếu của mình để mà áp đặt lên người khác. Thách thức của từng thời đại là khác nhau. Do đó chúng ta cũng cần những kỹ năng khác nhau để giải quyết bài toán đặt ra trong hiện thực của mình.
Tuy vậy, có một điều mà nhiều học giả, triết gia từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây đều luôn nhắc nhở học trò và nhắc nhở chính mình: Hãy biết bản thân mình (know thyself), tìm hiểu thế giới bên ngoài, để cuối cùng hiểu về thế giới bên trong của mỗi người.