Học ngành sáng tạo thế nào cho bền vững?
Sáng tạo nội dung, quảng cáo hay vẽ minh họa, thiết kế, nhiếp ảnh, làm phim,... ngành sáng tạo vẫn còn mới lạ và thường bị gắn với những định kiến “thiếu bền lâu” và “không ổn định.” Người trẻ thường lao đầu vào ngành sáng tạo với mặc cảm về sự hy sinh — hy sinh tuổi trẻ, sức lực và cuộc sống cá nhân cho sản phẩm và khán giả.
Nhưng ai bảo sáng tạo thì luôn phải “hy sinh”? Như mọi ngành nghề khác, ngành sáng tạo cũng có những phương pháp và quy trình để bảo toàn năng suất và chất lượng của thành phẩm.
Vậy, làm sao để thực hành sáng tạo bền vững hơn? Bài viết dưới đây là 5 điều bạn cần để bắt đầu.
1. Nghiên cứu và tham khảo đúng cách
Triết gia C.E.M Joad từng nói, “Sáng tạo là biết cách để giấu nguồn của bạn”. Không có một ý tưởng nào là hoàn toàn mới và độc nhất. Sáng tạo thường đến từ sự kết hợp các ý tưởng cũ, trong một hình hài, bối cảnh hoặc cách thể hiện mới. Đặc biệt với người mới vào nghề, việc nghiên cứu chuyên tâm sẽ giúp bạn có nền tảng văn hóa dày dặn và đạo đức nghề nghiệp vững vàng.
Hãy tìm hiểu lịch sử nghệ thuật và câu chuyện cuộc đời của nghệ sĩ, thay vì chú trọng vào những gì đang có sẵn trên thị trường. Nghiên cứu đa ngành (multidisciplinary) giúp bạn mở rộng khả năng liên kết, và đôi khi, giúp bạn tìm ra những sở thích và thị trường mới.
Đặc biệt, đừng chỉ tập hợp các ý tưởng ngẫu nhiên — hãy phân loại và chiêm nghiệm chúng. Thay vì chỉ thuần túy ghim ảnh trên Pinterest, hãy dành thời gian chiêm nghiệm và phân tích những yếu tố khiến các tác phẩm này thành công (từ thiết kế, bố cục, màu sắc, tính kể chuyện…). Bạn sẽ chiết lọc được những bài học để áp dụng vào tác phẩm của mình.
Trải nghiệm cá nhân chính là chất liệu sáng tạo dồi dào và không “đụng hàng”. Viết nhật ký hoặc chụp ảnh sẽ là một cách tốt để lưu trữ và tìm về trải nghiệm cá nhân cho các hoạt động sáng tác sau này.
2. Một chu trình sáng tạo phù hợp
Mỗi người sẽ có chu trình sáng tạo riêng, nhưng chu trình sáng tạo phổ biến là Tìm ý tưởng - Phác thảo - Hoàn thiện. Thông thường, ta dễ mắc sai lầm khi xem đây là một chu trình tuyến tính. Tùy vào từng đề bài và ý tưởng, chu trình có thể gồm nhiều vòng lặp, hoặc các bước cần diễn ra song song. Nhưng mục đích chung vẫn là để gạn lọc tìm ra những giải pháp tối ưu.
Những người làm nghề đủ lâu sẽ sẵn sàng “đập đi xây lại”, đi qua phép thử và sai nhiều lần, vì những giải pháp ban đầu chưa chắc đã là tốt nhất.
Bạn có thể tham khảo chu trình sáng tạo 5 bước, lần đầu giới thiệu bởi Graham Wallas, một nhà tâm lý học xã hội của Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE):
- Chuẩn bị: Chuẩn bị nguyên vật liệu và tiến hành nghiên cứu. Bạn có thể brainstorm, viết lách, hoặc để trí óc lang thang. Kiến thức có sẵn và trải nghiệm cũ nắm thế chủ đạo trong giai đoạn này.
- Ủ: Đây là giai đoạn bạn lùi bước khỏi ý tưởng. Bạn có thể thực hiện một dự án khác, hoặc dành thời gian nghỉ ngơi. Hãy để tiềm thức suy ngẫm về ý tưởng này.
- Lóe sáng: Đây là khi những liên kết bất ngờ được hình thành và tất cả các nguyên liệu ở giai đoạn 1 khớp lại một cách tự nhiên.
- Đánh giá: Đánh giá ý tưởng và so sánh với các phương án khác. Đây cũng là giai đoạn để xác định giải pháp có hiệu quả và hòa hợp với tầm nhìn chung không. Bạn hoàn toàn có thể trở lại các giai đoạn trước nếu ý tưởng chưa phù hợp.
- Thực thi và xác minh: Hoàn thiện sản phẩm, hiện thực hóa ý tưởng, và chia sẻ chúng.
Chính vì vậy, kỹ năng quản lý thời gian và lên kế hoạch càng quan trọng để bạn tạo ra sự chuyển tiếp giữa các giai đoạn.
3. Quản lý thời gian và quản lý dự án
Chúng ta thường biện minh mình là cú đêm khi công việc kéo dài đến muộn. Chúng ta tự tin thái quá vào khả năng ứng biến, hoặc chờ cảm hứng để rồi trì hoãn đến khi “nước đến chân mới nhảy.” Hoặc chúng ta lo ngại những bản kế hoạch phức tạp sẽ xóa tan những cảm hứng bất ngờ.
Nghiên cứu chỉ ra: sức sáng tạo của bạn vững chắc hơn khi bạn tự tin vào khả năng lên kế hoạch dài hơi và khả năng điều tiết thời gian, cường độ làm việc.
Hãy thử áp dụng các thủ thuật quản lý thời gian và rèn luyện cách quản lý tổng thể. Bên cạnh đó, hãy phân bổ thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
4. Sẵn sàng phơi bày tác phẩm của mình
Các bạn trẻ làm sáng tạo hay gặp áp lực ngầm trong việc giữ mình “ở ẩn” (low-key) để không trở thành một kẻ “thị trường”. Có thể do phần đông là người hướng nội, hoặc do họ thiếu tự tin, với suy nghĩ đeo đẳng: “Mình sẽ chia sẻ nhiều hơn khi đã sẵn sàng!”
Với mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến, không khó để bạn tìm được cộng đồng — miễn là bạn vượt qua nỗi sợ bị đánh giá. Sản phẩm của bạn có thể là những bản phác thảo, tác phẩm, cảm nhận về các tác phẩm khác, hoặc chia sẻ công cụ, kỹ thuật sáng tạo.
Hãy bắt đầu xây dựng quan hệ với những người bạn học, cộng sự trong các dự án, thầy cô giáo, hoặc những người cố vấn (mentor). Ngoài phương pháp và kỹ thuật, hãy trao đổi với họ về những đặc thù của ngành sáng tạo và những gì đang diễn ra trong ngành.
Mỗi người làm sáng tạo là một người nhà sản xuất độc lập, với mặt hàng là chất xám và tay nghề của chính họ. Đừng nghĩ nhiều về việc làm sao để tác phẩm của mình mang về lợi nhuận. Quan trọng là bạn giữ được sự chân thành. Chân thành trong sáng tác, và chân thành trong tương tác với khán giả/cộng đồng sáng tạo.
5. Khoan dung với bản thân
Tại sao sinh viên không tốt nghiệp từ trường học với những kỹ năng trên?
Vì chúng là những kiến thức ngầm được học từ quá trình sáng tạo liên tục và không thể truyền tải trong bối cảnh học thuật. Nó được đúc kết từ những thử thách, đề bài khác nhau, thử nghiệm nhiều phương pháp và công cụ (chưa kể deadline khắc nghiệt). Quá trình này dĩ nhiên mất nhiều năm.
Vậy nên, hãy kiên nhẫn với bản thân. Bạn cần thời gian để hình thành thực hành sáng tạo, và chắc chắn, va vấp là điều không thể tránh.
Hãy quan sát, nghiên cứu, lưu trữ và áp dụng bài học của người đi trước. Những tiền bối khác đã lãng phí thanh xuân cho những hiểu lầm trên. Còn bạn và tôi — hy vọng chúng ta có thể tiết kiệm thời gian bằng cách rút kinh nghiệm.