Manisha Shah, Giám đốc Tài chính MoMo

Phong cách quản lý của Manisha Shah, Giám đốc Tài chính (CFO) của MoMo.

Hao Tran
How I Manage: Manisha Shah, Giám đốc Tài chính MoMo

How I Manage: Manisha Shah, Giám đốc Tài chính MoMo

Sở hữu 19 triệu người dùng đã đăng ký, MoMo là một trong những ví điện tử hàng đầu Việt Nam được săn đón tích cực thời gian gần đây. Với việc chính phủ khuyến khích thanh toán không tiền mặt, một lượng lớn khách hàng mới đã sử dụng MoMo để chuyển khoản, chi tiêu và trả tiền dịch vụ, bao gồm cả Apple Store và bảo hiểm du lịch. Tuần trước, thêm một tin vui nữa đến với MoMo khi startup này được HR ASIA đã vinh danh là một trong những nơi làm việc tốt nhất châu Á.

Đạt được những thành tựu lớn trên đà phát triển, MoMo nắm bắt hành vi thanh toán truyền thống của người tiêu dùng và phổ biến ví điện tử tại một số nơi được ghé thăm hàng ngày hoặc hàng tuần như cửa hàng tiện lợi, trạm xăng, siêu thị, quán cafe,... Đóng một vai trò quan trọng trong đội ngũ dẫn dắt những hoạt động này là Manisha Shah, Giám đốc Tài chính (CFO) của MoMo.

“Người dùng không quá bận tâm về kích thước lượng tiền mặt mang bên mình vì các giao dịch này diễn ra đều đặn. Chúng tôi tin rằng MoMo có thể giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn nữa. Chúng tôi muốn việc thanh toán trên MoMo trở thành một thói quen hàng ngày như uống một ly cà phê buổi sáng ở Passio. Hiện nay, bạn có thể làm mọi thứ với MoMo, không chỉ là nạp thêm tiền vào ví hay thanh toán. Mua vé xem phim hay vé máy bay của Vietnam Airlines, mua hàng trên các trang thương mại điện tử như Tiki hay Lazada, trả tiền đồ uống tại The Coffee House hay ăn trưa tại BiaCraft, tại sao phải sử dụng tiền mặt?”, chị giải thích.

Đồng hành cùng MoMo, cựu sinh viên Harvard Business School chịu trách nhiệm về các vấn đề cấp cao của công ty, từ giám sát tài chính, nhân sự, gọi vốn cho tới quan hệ với nhà đầu tư. Vietcetera đã hỏi Manisha về trải nghiệm của chị trong ngành tài chính công nghệ (fintech) so với các vị trí lãnh đạo trong các lĩnh vực truyền thông, viễn thông và công nghệ ô tô. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được nghe Manisha chia sẻ về quá trình định hình phong cách lãnh đạo của mình kể từ những ngày đầu làm việc tại JP Morgan, Morgan Stanley, TVS & Sons, Vodafone và World Bank.

Fintech có phải một lĩnh vực mới đối với chị khi gia nhập MoMo hai năm trước không? Điều gì khiến chị lựa chọn công việc này và chuyển đến Việt Nam?

Đây là một sự tình cờ may mắn! Gia đình tôi đến Việt Nam vì chồng tôi luân chuyển công tác sang đây làm quản lý vùng cho công ty Bonfiglioli. Có con nhỏ, ít bạn bè và các mối quan hệ tại Việt Nam, tôi vừa đi tìm việc, vừa cố gắng xây dựng các mối quan hệ cá nhân và sự nghiệp.

Tôi bắt đầu cố gắng liên lạc với tất cả mọi người, bao gồm bạn học cũ thời đi học ở Harvard Business School. Một người bạn đã trả lời email và giới thiệu cho tôi một vài công ty, trong đó có công ty mà trước đây chị đã từng đầu tư từ rất sớm, MoMo.

Với nguồn đầu tư đổ về, MoMo lúc đó đang tìm kiếm CFO đầu tiên cho công ty. Là một công ty Việt Nam độc lập, không có các nhà đầu tư chiến lược quốc tế, MoMo muốn vị trí CFO phải là một người đã có kinh nghiệm làm việc và hiểu những nhà đầu tư khác nhau, công tác gọi vốn và có thể phát triển các vị trí tài chính và nhân sự khi quy mô công ty tăng lên. Vào lúc đó, những gì tôi biết về Việt Nam chỉ giới hạn trong khu vực Thảo Điền. Tôi thậm chí không biết MoMo là một nhân tố nổi trội trên thị trường, cũng như không thể kể tên bốn ngân hàng địa phương lớn nhất.

Sau khi gặp gỡ với chủ tịch hội đồng quản trị và đội ngũ lãnh đạo tại MoMo, tôi rất ấn tượng với tầm nhìn, định hướng tăng trưởng và tiềm năng tạo ảnh hưởng của công ty. Tôi nghĩ đây sẽ là những người có thể giúp đỡ và cho mình rất nhiều bài học. Ngay lập tức, tôi biết mình muốn là một phần của hành trình hứa hẹn này. Khi thư mời nhận việc tới, tôi không quá soi xét tỉ mỉ mà chỉ làm những gì mình cho là đúng. Tôi tin rằng, mọi quyết định về công việc phải bắt đầu từ con người, trước khi nói đến con đường sự nghiệp hay tiền tài danh vọng.

Công việc của chị với vai trò CFO bao gồm những gì?

Vị trí này là một sự tổng hợp của nhiều công việc khác nhau: tài chính - kế toán, quản lý nội bộ, thu mua và nhân sự. Khi tôi mới gia nhập MoMo, công ty đã có hàng chục triệu lượt giao dịch mỗi tháng với một đội ngũ tài chính mạnh mẽ. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là tạo cầu nối giữa công ty và hội đồng quản trị bằng cách củng cố hoạt động giao tiếp và phân tích tài chính, đồng thời xây dựng một đội ngũ nhân sự.

Hiện nay, ngoài nhà đầu tư, tôi sẽ trao đổi cùng CEO và lãnh đạo cấp cao để xây dựng và đánh giá kế hoạch kinh doanh, ngân sách, tính khả thi của sản phẩm mới nhằm tối ưu hoá lợi nhuận và doanh thu. Thông qua làm việc với nhà đầu tư và hội đồng quản trị, tôi cũng sẽ theo sát quá trình gọi vốn. Ở mảng nhân sự, tôi tham gia vào gần như toàn bộ đầu việc, từ hỗ trợ các CEO phát triển văn hoá công ty và kết cấu tổ chức, cho tới tuyển chọn nhân sự cấp cao, chế độ đãi ngộ và chương trình cổ phiếu cho người lao động ESOP.

Chị tự nhìn nhận như thế nào về phong cách lãnh đạo của mình? Chị có phải thay đổi để thích nghi với môi trường Việt Nam không?

Tôi là người nước ngoài duy nhất tại công ty tham gia trực tiếp vào quá trình vận hành hàng ngày. Do đó, khi tôi gia nhập MoMo, mọi người đều chuyển sang sử dụng tiếng Anh. Về phía mình, tôi phải tập diễn đạt một cách đơn giản và súc tích hơn, ngược lại, các đồng nghiệp sẽ sử dụng tiếng Anh tại tất cả các buổi họp tôi tham gia. Đó là sự thay đổi lớn cho tất cả mọi người. Môi trường tại MoMo đã dạy tôi làm việc hiệu quả và tin tưởng hơn vào các thông tin và báo cáo trực tiếp.

Chị muốn chia sẻ với những người tìm việc điều gì về MoMo và văn hoá công ty?

Bốn giá trị cốt lõi của MoMo gồm tinh thần đồng đội, đổi mới sáng tạo, học hỏi không ngừng và thực thi xuất sắc. Chúng tôi không tập trung tuyển chọn những siêu sao khiến cả công ty dành toàn bộ sự chú ý cho họ. Chúng tôi tìm kiếm những nhân tố biết làm việc theo nhóm, mong muốn kiến tạo, có tài năng và đam mê hướng tới mục tiêu chung. Điều tiên quyết là bạn phải thoải mái với môi trường làm việc thay đổi liên tục để phát triển tại MoMo. Chúng tôi là một tổ chức chuyển động rất nhanh.

Tôi nghĩ rằng sự thành công của chúng tôi được tạo nên bởi văn hoá doanh nghiệp vững mạnh. Danh hiệu “Một trong những nơi làm việc tốt nhất châu Á” do HR ASIA bình chọn là thành tựu mà tôi hết sức tự hào.

Kế hoạch tương lai của MoMo là gì?

Trước hết, doanh nghiệp của chúng tôi hướng đến kiến tạo thay đổi trong phương thức giao dịch và đời sống người Việt Nam. Ở đây, tôi đang muốn nói đến một giải pháp tài chính toàn diện có thể chạm đến cuộc sống của hàng triệu người Việt. Sau COVID-19, chúng ta đã và đang thấy người tiêu dùng cởi mở hơn với giao dịch không tiền mặt bên cạnh sự ủng hộ tích cực từ chính phủ.

Khác với Hàn Quốc và Trung Quốc, lĩnh vực fintech tại Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khởi với rất nhiều cơ hội. Khó có thể đoán định được xem cuộc chơi này sẽ diễn ra như thế nào. Mặc dù vậy, vào thời điểm hiện tại, Việt Nam chắc chắn là một lựa chọn thú vị hơn bất cứ thị trường lân cận nào về khía cạnh phát triển mô hình kinh doanh.

Lúc tôi mới gia nhập công ty gần hai năm về trước, MoMo mới chỉ có 400 người trong một văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, chúng tôi đã có một văn phòng 4 tầng. Từ 10 triệu người dùng đã đăng ký, con số này tăng lên gấp đôi, cùng với đó là lượng giao dịch hàng tháng tăng gấp 4 lần. Đây là một sự tăng trưởng thần kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam còn có hơn 65 triệu người đủ tuổi dùng MoMo nhưng đa số các giao dịch hàng ngày vẫn bằng tiền mặt. Tôi nghĩ rằng chúng tôi còn một chặng đường dài để chinh phục phía trước.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục