Johnson & Johnson bồi thường 230 triệu đô và cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ

Ông lớn ngành dược vừa thỏa thuận chi trả 230 triệu đô cho chính quyền bang New York, nhằm ngăn chặn nguy cơ bị luận tội về vấn nạn opioid ở bang này.
An Bảo
Nguồn: Getty Images

Nguồn: Getty Images

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Johnson & Johnson (J&J) vừa đồng ý chi trả số tiền hòa giải 230 triệu đô cho bang New York, trước một số cáo buộc mà công ty này mắc phải liên quan đến opioid.

Thêm 33 triệu đô chi phí tố tụng, J&J sẽ nộp tổng cổng 263 triệu đô cho chính quyền, cũng như cam kết chấm dứt việc kinh doanh mọi mặt hàng thuốc opioid của hãng trên toàn nước Mỹ.

Mặc dù vậy, đại diện hãng dược cho biết, điều này không đồng nghĩa với việc J&J thừa nhận có trách nhiệm hay lỗi trong các vấn đề liên quan đến opioid ở Mỹ.

Việc hòa giải sẽ giúp rút Johnson & Johnson ra khỏi một phiên xét xử dự kiến được tổ chức vào thứ Ba này tại Long Island, nơi lần đầu tiên, cả một chuỗi cung ứng opioid từ nhà sản xuất đến nhà phân phối, đứng trước sự thẩm vấn của tòa án.

2. Bên cạnh J&J, còn những công ty nào phải hầu tòa?

Cùng với J&J trong danh sách bị cáo, còn có nhiều công ty dược lớn như AbbVie Inc., Teva Pharmaceutical Industries Ltd., Walgreens Boots Alliance Inc….

Các hãng này bị cáo buộc là “mồi lửa” làm bùng phát cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ. Ước tính hiện có hơn 3.000 quận, thành phố và bang khắp nước Mỹ đang đề đơn kiện các nhà sản xuất và phân phối chủng loại thuốc có thể gây nghiện này. (Theo wsj.com)

3. Opioid là gì?

Opioid là nhóm các loại thuốc có tác dụng giảm đau, gồm nhiều loại được sử dụng hợp pháp dưới sự kê đơn của bác sĩ như oxycodone (OxyContin®), hydrocodone (Vicodin®), codeine, morphine… lẫn phi pháp như heroin.

Với khả năng giảm phản ứng đau của cơ thể, opioid thường được kê cho các bệnh nhân gặp chấn thương, sau phẫu thuật, hoặc trong điều trị ung thư.

Ở liều nhẹ, opioid có thể gây buồn ngủ, ảo giác. Ở liều nặng hơn, opioid có thể làm chậm nhịp thở và nhịp tim, dẫn đến tử vong. Các khoái cảm đem lại từ việc sử dụng opioid khiến nhiều người dùng dần lạm dụng, dẫn đến nghiện các loại thuốc này.

4. Khủng hoảng opioid ở Mỹ xuất phát từ đâu?

Vào cuối những năm 90, với sự “củng cố” niềm tin từ các công ty dược phẩm rằng opioid không thể gây nghiện, các y bác sĩ bắt đầu tăng liều lượng các loại thuốc này cho bệnh nhân. Hậu quả là ngày càng có nhiều người sử dụng opioid bừa bãi, và số ca quá liều do nghiện tăng đột biến.

Bên cạnh đó, yếu tố chủng tộc và kinh tế-xã hội cũng được cho là góp phần gây nên cuộc khủng hoảng này.

Purdue Pharma, công ty dược phẩm chuyên kinh doanh OxyContin, đã nhắm vào các cộng đồng da trắng ở vùng nông thôn nước Mỹ để quảng bá loại thuốc này. Dựa vào niềm tin phổ biến rằng chỉ người Mỹ gốc Phi hay gốc Latin ở thành phố mới nghiện ngập, họ đã “qua mặt” người dân và các bác sĩ nơi đây về nguy cơ gây nghiện của loại thuốc này với bất cứ ai.

Nơi chịu tác động nặng nề nhất của nạn opioid ở Mỹ, cũng là các bang có tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao như West Virginia, Ohio, Kentucky và New Hampshire. Lúc này, cụm từ “deaths of despair” (chết bởi tuyệt vọng) trở nên phổ biến, nhằm miêu tả những ca tự tử vì suy thoái kinh tế, hoặc tử vong do sốc thuốc của nhiều người da trắng nơi đây.

5. Cuộc khủng hoảng opioid đã gây nên thiệt hại gì?

Từ năm 1999 đến 2019, có khoảng 500.000 người tử vong vì sử dụng opioid quá liều, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết. (Theo cdc.gov)

Năm 2017 ở Mỹ, số thương vong vì sử dụng opioid quá liều nhiều hơn vì mắc bệnh HIV/AIDS, dù nước này lúc đó đang ở đỉnh điểm của đại dịch AIDS.

Cùng với đó là một hiện tượng chưa từng xảy ra trong 100 năm trở lại: tuổi thọ trung bình của quốc gia này giảm từ 78,8 vào năm 2014 xuống còn 78,5 vào năm 2017. Không còn vì Chiến tranh Thế giới lần I hay đại dịch cúm influenza, lần này, nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng opioid.

6. Có cuộc khủng hoảng opioid nào ở các nước khác không?

Tương tự Hoa Kỳ, Canada cũng là một quốc gia “nhạy cảm” với opioid. Vào tháng 5/2019, nước này cũng diễn ra một vụ kiện trị giá 1,1 tỷ đô (CAN) tại Tòa án Ontario, nơi các hãng dược bị cáo buộc trước hành vi quảng bá opioid vô độ.

Quy mô của vụ kiện cho thấy, Canada cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng opioid. Cụ thể với 10.337 ca tử vong liên quan đến dùng thuốc, trong khoảng tháng 1/2016 đến tháng 9/2018.

Sau các cáo buộc ở Bắc Mỹ, nhiều hãng sản xuất opioid đã tìm thị trường nơi khác. Theo một cuộc điều tra của Los Angeles Times, Mundipharma International, một nhà sản xuất OxyContin ở Anh, đã dùng những thông điệp marketing như “không gây nghiện” để đưa loại thuốc giảm đau này tiến vào Úc, Brazil, Mexico, Colombia, Tây Ban Nha, Ai Cập, Trung Quốc, Philippines, Singapore, và Hàn Quốc.

7. Số tiền hòa giải từ Johnson & Johnson sẽ được dùng vào mục đích gì?

Theo người đứng đầu tòa án New York, Letitia James, 230 triệu đô từ Johnson & Johnson sẽ là nguồn vốn cho các hoạt động phòng chống, chữa trị và giáo dục về opioid tại bang này.

Trong khi toàn bộ số tiền sẽ được chi trả dần trong 9 năm tới, hơn một nửa sẽ phải đến tay chính quyền trước tháng 2/2022, nhằm bổ sung vào một quỹ đặc biệt chuyên dùng để giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng này.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục