Khi cầu thủ "sút bóng" vào khung thành thời trang
“Quên những chàng diễn viên đi, giờ cầu thủ mới là các icon thời trang” - Khi Vogue Business xuất hiện tiêu đề này vào đầu năm 2021, cả những fan bóng đá và thời trang đều cảm thấy phấn khích. Điều gì khiến cho sự hợp tác này trở nên thú vị đến vậy?
“Trend setting” từ các chân sút
Các cầu thủ đá bóng là những “trendsetter” không hề hiếm và cũng không phải mới xuất hiện. Để nói về icon làng bóng, chúng ta sẽ bắt đầu với George Best vào thập kỷ 1960s. Bằng phong cách Mod điển hình những năm 60s ở Anh, George Best chính là hình tượng gã trai hư tiệc tùng và lịch lãm gây ấn tượng mạnh bên ngoài sân bóng. Danh xưng “lãng tử thời trang” với anh lúc này cũng xứng đáng như “biểu tượng bóng đá” của anh vậy.
Thập niên 70s, Kevin Keegan và Graeme Souness, hai huyền thoại Liverpool đã đóng góp vào việc biến Perm - kiểu tóc xoăn bồng bềnh thành một trào lưu đặc trưng. Đến những năm 80s, Chris Waddle và Glenn Hoddle thuộc đội tuyển Anh cũng tạo được sức ảnh hưởng về thời trang với tóc Mullet.
Từ thập niên 90s trở đi, thời trang mới thật sự đón nhận những dấu chân của các cầu thủ trên sàn catwalk như David Ginola trong bộ sưu tập Cerruti, mẫu ảnh cho L’oreal; Fredrik Ljungberg trên sàn diễn của Calvin Klein,... Nói đến cầu thủ và thời trang, chúng ta không thể bỏ qua David Beckham, người liên tục có những kiểu tóc tạo trend như Buzz Cut, Faux Hawk, Spike,....
Đến hôm nay, những cái tên đương thời của "bóng đá x thời trang" không thể nào bỏ qua Cristiano Ronaldo, Neymar, Olivier Giroud. Họ là những siêu sao bóng đá với tủ đồ hiệu đồ sộ cũng như cách phối đồ sành điệu không thua kém bất kỳ tín đồ thời trang thượng thừa nào.
Cầu thủ và nghiệp kinh doanh thời trang
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành thời trang cũng chứng kiến khá nhiều thương hiệu ra đời dưới cái tên của những chân sút.
Nhắc đến cầu thủ kinh doanh thời trang, bạn không thể bỏ qua thương hiệu đình đám với 1,2 triệu follower trên Instagram - BALR.. Được thành lập năm 2013 bởi 3 danh thủ Demy de Zeeuw, Juul Manders và Ralph de Geus, BALR. hướng tới phong cách hiện đại nhưng không kém phần sang chảnh.
Với cái tên khá gọn ghẽ, The Messi Store được danh thủ Leo Messi ra mắt vào tháng 10/2016, với sự tham gia của Ginny Hilfiger - em gái nhà mốt Tommy Hilfiger trong vai trò Giám đốc Sáng tạo. Đây được coi là ”sự phản ánh trực tiếp những phẩm chất mà Leo Messi thể hiện ở trong và ngoài sân cỏ”. Tháng 10/2020, Memphis Depay ra mắt MDC. Thương hiệu này mang thông điệp rõ ràng và hình ảnh liên tưởng đến Memphis qua logo - hai ngón tay che lấy tai và mắt nhắm cụp lại sau mỗi lần ghi bàn.
David Beckham cũng sở hữu phần lớn cổ phần của thương hiệu thời trang nam cao cấp Kent & Curwen. Beckham đã đóng góp rất nhiều trong việc duy trì và phát triển danh tiếng thương hiệu này. Tuy nhiên hiện tại Beckham đã ngừng hợp tác cùng Kent & Curwen vì kinh doanh không hiệu quả.
Tại Việt Nam, một số cầu thủ đã nhen nhóm những thương hiệu cho riêng mình. Tiền thủ Nguyễn Văn Toàn là một điểm sáng với thương hiệu VATO9’s Zone. Công Phượng và Bùi Tiến Dũng cũng cho ra mắt những ý tưởng kinh doanh của riêng mình. Tuy vậy, trong khi Nguyễn Văn Toàn đang đối mặt với việc “cháy hàng”, nhờ vào sự tinh nghịch với chiếc áo thun “It’s Real”, thì Bùi Tiến Dũng vẫn còn loay hoay với sự nghiệp kinh doanh chưa mấy ấn tượng.
Sức hấp dẫn của cầu thủ trong mắt các thương hiệu thời trang
Các thương hiệu thời trang cũng không bỏ lỡ cơ hội chiêu mộ những gương mặt anh tài trong làng bóng để trở thành đại sứ của họ. Việc tiếp cận với đối tượng khách hàng liên quan đến thể thao khá phức tạp, giờ đã trở nên dễ dàng hơn thông qua khả năng tương tác và truyền đạt từ cầu thủ đến với người hâm mộ của họ.
Gần đây, Burberry đã chọn tiền đạo Marcus Rashford góp mặt vào bộ sưu tập SS21, với sáng kiến tham gia cùng anh trong những hoạt động chống đói nghèo cho trẻ em. Theo Marco Gobbetti - Giám đốc điều hành của Burberry, hình ảnh có sự xuất hiện của Marcus trở thành bài đăng Instagram được yêu thích nhất từ trước đến nay. Độ tương tác trên các bài đăng khác trong chiến dịch trên Instagram cũng cao hơn gấp đôi mức trung bình trong quý II. Nhờ đó, cổ phiếu của thương hiệu này cũng tăng lên 5%.
Theo Hookit đánh giá, các bài đăng cho Nike trên mạng xã hội của Ronaldo trong 12 tháng (từ tháng 5/2015 đến tháng 6/2016) đã tạo ra 176 triệu đô la giá trị truyền thông cho hãng.
Trong khi đó, năm 2020, PUMA đã trả cho siêu sao Neymar 23 triệu bảng/năm để mời anh về hợp tác lâu dài cùng thương hiệu. Ngay sau đó, PUMA và Neymar Jr. ra mắt thành công giày đá bóng FUTURE Z 1.1. Trong năm 2021, thương hiệu tiếp tục ghi nhận doanh số rất khả quan trong quý đầu tiên của năm 2021 và tiếp tục cho ra mắt nhiều BST kết hợp cùng Neymar trong thời gian tới.