Kiến trúc sư Hoàng Lê Hà - Phác họa không gian tổ chức sự kiện Serif
Không gian tổ chức sự kiện Serif, tọa lạc tại tầng thượng tòa nhà số 58 Phan Bội Châu, là dự án kết hợp giữa ShapeUs Studio, Vietcetera và Rice Creative với quầy bar nhìn bao quát chợ Bến Thành và phòng giải trí trang bị nội thất District Eight.
Sẽ có một chút thiên vị khi Vietcetera bàn về Serif – không gian tổ chức sự kiện tọa lạc tại tầng thượng tòa nhà số 58 Phan Bội Châu – một dự án kết hợp giữa chúng tôi cùng Rice Creative, ShapeUs Studio, và District Eight.
Trước khi trở thành Serif của hiện tại, từng có thời điểm, không gian này là nơi làm việc của Rice Creative. Ngày đội ngũ sáng tạo này chuyển về văn phòng mới, chúng tôi và ShapeUs Studio cùng nhau chuyển đến, tiếp đến là Robin & Cako, và đạo diễn hình ảnh Ray Lavers. Chúng tôi thường đùa với nhau rằng tòa nhà số 58 Phan Bội Châu này giống như nhà chung của những người làm sáng tạo vậy.
Đó là chưa kể, tòa nhà này còn sở hữu một kho báu vô giá. Đó là tầng thượng – nơi mà bạn có thể nhìn bao quát toàn bộ kiến trúc rộng 13,000 mét vuông của khu chợ Bến Thành và tận mắt chứng kiến sự thay đổi một cách nhanh chóng của Sài Gòn. Tại đây, chúng tôi đã từng tổ chức buổi ra mắt phim ngắn về nghệ sĩ xăm mình Danis Nguyễn, và buổi trò chuyện thân mật với nhà đồng sáng lập Behance, Matias Corea.
Theo thời gian, số thành viên của từng đội ngũ tăng lên, việc tìm cho mỗi đội một “ngôi nhà riêng” là điều tất yếu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn giữ lại không gian này. Nhớ lại câu nói của Matias ngày nào, rằng “đây là một địa điểm lý tưởng cho những buổi họp mặt, trao đổi gần gũi, thân mật,” chúng tôi quyết định biến tầng thượng này thành một không gian tổ chức sự kiện. Và người được chọn để thổi luồng gió mới vào kiến trúc ở đây, chắc chắn phải là anh Hoàng Lê Hà – kiến trúc sư của ShapeUs Studio – một trong những người đã có thời gian dài gắn bó với địa điểm này.
Đối với Lê Hà, mỗi dự án kiến trúc đều có bối cảnh, và câu chuyện riêng mà người làm thiết kế nên tìm cách tận dụng trong quá trình xây dựng và phát triển ý tưởng. “ShapeUs không đóng khung theo một phong cách hay triết lý duy nhất,” – anh khẳng định. “Đơn giản vì sẽ không có hai dự án nào là hoàn toàn như nhau. Từ bối cảnh đến mục đích sử dụng, chắc chắn sẽ luôn có sự khác biệt. Và đó chính là điểm khởi nguồn cho các cảm hứng thiết kế.”
“Khi thiết kế Serif, nguồn cảm hứng của tôi bắt nguồn từ chính vẻ đẹp vốn có của tòa nhà cũ này. Đó là sự chân thực, mộc mạc và thoáng đãng,” – Lê Hà chia sẻ. “Toàn bộ bức tranh khung cảnh Sài Gòn mà chúng ta đang chiêm ngưỡng cũng là một phần linh hồn ở đây.”
Tầng thượng của Serif gồm hai khu vực chính. Không gian đầu tiên là căn phòng họp rộng 85 mét vuông, thoáng đãng và luôn tràn ngập ánh sáng. Đối với căn phòng này, Lê Hà quyết định giữ lại nguyên trạng kiến trúc, và lắp đặt thêm chiếc bàn bóng bàn đa chức năng do District Eight thiết kế và sản xuất.
“Chiếc bàn này chính là điểm nhấn cho toàn bộ căn phòng. Thoạt nhìn thì nó giống như bao chiếc bàn họp đặt trong văn phòng khác. Tuy nhiên, khi có nhu cầu giải lao, chúng ta có thể lắp đặt tấm lưới da thủ công và bắt đầu một trận đấu bóng bàn ngay lập tức – ví dụ điển hình của sự cân bằng trong việc “làm và chơi”,” – Lê Hà hài hước chia sẻ.
Không gian thứ hai là khoảng sân thượng rộng 100 mét vuông. Vốn dĩ trước đây, ở chính giữa sân thượng này còn có một gian phòng nhỏ khác, được sử dụng như một quầy pha cà phê. “Điều đầu tiên mà chúng tôi làm là phá bỏ các bức tường để hợp nhất không gian bên trong phòng và không gian bên ngoài, tạo cảm giác thoáng đãng cho cả sân thượng,” – Lê Hà mô tả. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ lại các cột trụ để từ đó xây dựng một quầy bar với thiết kế mở.”
Để tạo sự liên kết giữa các không gian, giữa kiến trúc cũ và chi tiết thiết kế mới, Lê Hà áp dụng phong cách Industrial hiện đại. Khi tham quan Serif, bạn sẽ khó lòng phân biệt được các chi tiết như mảng tường loang lổ thạch cao, sàn gạch đất nung, hay khung cầu thang và dàn đèn bằng thép uốn lượn quanh các cột trụ… là cũ hay mới.
“Từng yếu tố của Serif đều được cân nhắc để làm nổi bật đặc tính riêng của chúng, nhưng đồng thời vẫn tương tác và hỗ trợ nhau để tạo nên một tổng thể hài hòa. Đó cũng là điều mà chúng tôi mong muốn với những ai có dịp ghé thăm không gian này có thể trải nghiệm, rằng họ vừa được là chính mình, vừa tương tác cùng nhau và trở thành một phần của cộng đồng,” – Lê Hà cắt nghĩa.
Và cuối cùng, chắc hẳn bạn cũng tò mò về ý nghĩa đằng sau tên gọi Serif. Lê Hà cho hay, nó được thống nhất sau những cuộc trao đổi giữa ShapeUs Studio, Vietcetera, và Rice Creative. “Trong thiết kế, serif dùng để chỉ những phông chữ có chân. Điều đó cũng tương tự như cách mà chúng tôi xây dựng lên Serif, tức là vận dụng những gì có sẵn và phát triển nó theo một góc nhìn mới và cảm nhận hoàn toàn khác biệt,” – anh kết lại với nụ cười trên môi.
Địa chỉ: Tầng thượng, toà nhà số 58 Phan Bội Châu, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Liên hệ: hello@serifspace.com
Facebook | Instagram
Một số sự kiện đã tổ chức tại Serif: Domdom Popup Pub, x Renkon Saigon, và buổi trò chuyện về nhạc rap với V.Silk.
Xem thêm:
[Bài viết] Không gian làm việc của Vietcetera: Nơi khởi nguồn của những câu chuyện
[Bài viết] Công ty Kiến trúc Việt HTAP và vai trò thực tiễn của thiết kế đẹp