Rice Creative - Thước đo chuẩn mực của thiết kế Việt | Vietcetera
Billboard banner

Rice Creative - Thước đo chuẩn mực của thiết kế Việt

Với việc xây dựng thành công hình ảnh cho các thương hiệu Việt, trong đó có Marou Chocolate cộng với rất nhiều giải thưởng quốc tế, studio thiết kế và ý tưởng sáng tạo Rice Creative đã thật sự tạo ra những chuẩn mực mới cho thiết kế Việt.

Rice Creative - Thước đo chuẩn mực của thiết kế Việt

Khi nhắc đến Marou Chocolate, người ta nghĩ ngay đến mùi vị chocolate được đánh giá là ngon hàng đầu thế giới. Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh thương hiệu của Marou cũng là điều khiến cả thế giới phải trầm trồ tán dương. Trước đó, hiếm khi người ta bắt gặp một thương hiệu nội địa nào có hình ảnh vừa hiện đại lại vừa đậm đà nét Việt như vậy. Sự nhất quán, chỉnh chu đó khiến chúng tôi tự hỏi liệu có ai đồng hành với Marou trong suốt quá trình xây dựng thương hiệu hay không? Và rồi tôi khám phá ra rằng, Marou là một trong số rất nhiều thương hiệu mà studio Rice Creative (Gạo sáng tạo) đã góp phần xây dựng thương hiệu thành công tại Việt Nam.

Rice Creative là một đội ngũ sáng tạo đến từ nhiều nơi trên thế giới, được dẫn dắt bởi giảm đốc thiết kế Chi-An De Leo, Joshua BreidenbachGregory Jewett. Thành lập từ năm 2011, khi cụm từ “xây dựng thương hiệu” còn rất xa lạ ở Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, Rice Creative là một trong số ít những studio Việt gặt hái được các giải thưởng quốc tế uy tín.

Hãy cùng trò chuyện với Rice Creative về những chuẩn mực thiết kế mà họ đang đóng góp cho ngành thiết kế tại Việt Nam.

Rice Creative Thước đo chuẩn mực của thiết kế Việt0

Liệu việc chú trọng vào xây dựng hình ảnh thương hiệu có phải là một tín hiệu cho thấy các thương hiệu Việt Nam đã bắt đầu hoà vào tiến trình toàn cầu hoá hay không?

Niềm vinh hạnh của Rice Creative là được hợp tác cùng với những thương hiệu Việt đang cố gắng khẳng định tên tuổi của mình ngang tầm với các thương hiệu huyền thoại đến từ khắp nơi trên thế giới. Đó thật sự là cả một quá trình tôi luyện. Thử hình dung làm sao người ta xây dựng được một nhà hàng Nhật Bản đậm chất đương đại nằm giữa New York mà vẫn khiến thực khách cảm giác như lạc giữa Tokyo? Tương tự như thế, hình ảnh nào đậm chất Việt Nam mà không mang lại cảm giác bị rập khuôn? Đâu là biểu tượng đại diện cho một Việt Nam tân tiến? Đó thật sự vẫn còn là một câu hỏi mở.

Trước mỗi dự án, chúng tôi luôn đặt vấn đề với các doanh nghiệp: “Sản phẩm và dịch vụ mà anh/chị muốn kinh doanh là gì?” Ví dụ như dự án mà chúng tôi đang thực hiện, đó là một nhà hàng kinh doanh ẩm thực và đồ uống Việt Nam. Thách thức nằm ở chỗ, làm sao để thể hiện được rằng nhà hàng này là cầu nối giữa New York và Việt Nam mà không phá vỡ nét đặc trưng của mỗi nơi. Là những người kỹ tính, chúng tôi cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tác. Bởi chúng tôi luôn muốn được làm việc với những thương hiệu có tầm nhìn xa, mang lại sản phẩm, dịch vụ tốt và phù hợp với thị trường.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án nào là quy mô và khiến Rice Creative tự hào nhất? Liệu dự án đó đã ảnh hưởng thế nào đến các chuẩn mực thiết kế của Rice Creative cũng như Việt Nam nói chung?

Thật sự mà nói, quy mô các dự án ngày càng lớn hơn đồng nghĩa với việc chúng tôi phải cố gắng không ngừng để tăng cường chuyên môn cũng như khả năng của mình. Trong số những dự án thú vị chúng tôi đã và đang thực hiện, có lẽ Marou Chocolate vẫn là dự án quy mô nhất. Khi mới bắt đầu, Marou cũng chỉ là một dự án nhỏ rồi lớn dần theo thời gian. Mới đó mà đã bước sang năm thứ 5 kể từ ngày chúng tôi bắt đầu cuộc gặp gỡ đầu tiên trong gian bếp nhỏ của Marou. Ở đó, chúng tôi đã có dịp nếm những mùi vị chocolate đầu tiên để định hình và xây dựng thương hiệu.

Một dự án khác mà chúng tôi giúp Marou gầy dựng từ con số không là cửa hàng cafe và bán lẻ chocolate đầu tiên trên đường Calmette, lấy tên là Maison Marou. Trong đó, Rice Creative hỗ trợ việc xác định vị trí chiến lượt cho thương hiệu Marou. Với sự cộng tác từ hai kiến trúc sư Hoành TrầnArchie Pizzani, chúng tôi đã tạo dựng được những nét rất riêng cho cửa hàng. Hiện tại, chúng tôi đang ấp ủ bước tiếp theo của hành trình, đó là mang Marou vươn ra thế giới. Qua dự án mang tính toàn cầu này, Rice Creative cũng có dịp để tạo ra cho mình những tiêu chuẩn xứng tầm thế giới hơn. Có thể nói, Marou là dự án mà chúng tôi đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết nhất.

Còn nếu nói về dự án đáng tự hào nhất, thì chắc hẳn đó là lần cộng tác với UNICEF ngay tại Việt Nam. Trong đó, chúng tôi đã phát triển thành công một nền tảng gây quỹ đặc biệt dành cho môi trường vốn có nhiều rào cản chính trị và kinh tế như Việt Nam. Việc đó phần nào đã giúp UNICEF quyên góp được gấp đôi mục tiêu đã đặt ra, từ khoảng 250,000 đô la Mỹ lên đến 500,000 đô la Mỹ với 100% số người quyên góp hoàn toàn đến từ Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào về điều này bởi nó là một minh chứng hùng hồn cho thấy sự sáng tác có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực như thế nào.

Rice Creative Thước đo chuẩn mực của thiết kế Việt2

Joshua BreidenbachVậy còn những dự án riêng của Rice Creative thì sao? Như một trụ sở riêng chẳng hạn.

Gần đây, chúng tôi mới phát hiện ra rằng mọi người xem Rice Creative như là một thương hiệu với sứ mệnh riêng. Thật sự mà nói, chúng tôi vẫn đang trên đường khám phá sứ mệnh đó.

Rice Creative có thể mô tả ngắn gọn triết lý sáng tạo của mình được không?

Những ngày đầu chỉ có hai thành viên, mọi thứ dường như chẳng có quy cũ. Nhưng sau vài năm không ngừng tranh luận, chúng tôi nhận ra cố gắng làm “ tốt” là mẫu số chung cho mọi vấn đề. “Tốt” trong từng chi tiết. “Tốt” là khi mọi thứ đều có tính liên kết và mang lại một ý nghĩa cụ thể. “Tốt” là kim chỉ nam để Rice trở nên chủ động và có trách nhiệm với những thứ mình làm. Đó cũng là nét văn hoá mà chúng tôi muốn xây dựng không phải chỉ riêng cho mình mà còn cho cả những đối tác, những dự án và cả cộng đồng xung quanh mình.

Rice Creative Thước đo chuẩn mực của thiết kế Việt3

Tại sao Rice Creative lại chọn thành phố Hồ Chí Minh là nhà của mình mà không phải là nơi khác?

Thành phố Hồ Chí Minh là cả một nguồn cảm hứng của Rice Creative. Ở đây, khái niệm xây dựng thương hiệu còn khá mới mẻ. Đó là động lực để Rice Creative đặt chân đến đây và thử thách bản thân mình nhằm tạo nên sự khác biệt.

Rice Creative Thước đo chuẩn mực của thiết kế Việt4

Điều gì ở Việt Nam khiến Rice Creative thích thú và ở lại lâu đến như vậy?

Có thể là do những ẩn số đang chờ đón mình phía trước! Một vài người trong chúng tôi đã ở đây hơn 10 năm nhưng vẫn không thể ngừng ghi lại những khoảnh khắc mỗi khi đang dạo phố. Ở một nơi chúng tôi không sinh ra và lớn lên như Việt Nam, luôn có một nét đặc biệt trong văn hoá và con người ở đây khiến cuộc sống thường nhật của chúng tôi trở nên thú vị hơn. Không những vậy, tốc độ phát triển bùng nổ còn khiến chúng tôi trở nên cầu tiến hơn.

Tạm gác lại câu chuyện về Rice Creative, chúng tôi còn rất nhiều điều muốn biết về cuộc sống của các bạn ở Việt Nam cũng như những xu hướng nổi bật mà các bạn nhận thấy trong thời gian gần đây nữa…

Địa điểm yêu thích của team Rice Creative mỗi cuối tuần là ở đâu?

Chúng tôi ít khi bàn tính trước chỗ mình sẽ đi, cũng có thể vì chưa tìm được một địa điểm thật sự lý tưởng. Nhưng đó không phải là vấn đề. Thành phố này thay đổi nhanh đến chóng mặt và địa điểm mới mọc lên liên tục, chúng tôi sẽ tìm ra sớm thôi (nháy mắt).

Nhưng mà nếu bắt buộc phải trung thành với một nơi, thì chắc chắn đó là The First Bar, địa điểm cả team thường xuyên lui tới. Ở đây, không gian rất gần gũi và rất nhiều cá tính khác biệt tìm đến để giao lưu với nhau.

Rice Creative Thước đo chuẩn mực của thiết kế Việt6

Vậy địa điểm lý tưởng khiến các bạn muốn ghé thăm sẽ là nơi như thế nào?

Chi-An: Chắc chắn là một cửa hàng sách nơi mọi người có thể đọc sách thoải mái mà không bị quấy rầy.

Josh: Tôi thích đến những nơi được xây dựng một cách chỉnh chu, đặc biệt là những nơi sử dụng chất liệu có sẵn tại địa phương để làm nổi bật nét đặc trưng của vùng đó. Ví dụ như Opposite Mess Hall ở Bangkok và Pizza 4P’s ở Việt Nam. Pizza 4P’s là ví dụ điển hình của thương hiệu địa phương với đẳng cấp quốc tế. Giá mà có nhiều nơi ở Việt Nam như Pizza 4P’s thì thật tốt biết bao.

Chi An: Cá nhân tôi thích bảo tàng đương đại và những buổi hội thảo. Ở Việt Nam còn rất hiếm những buổi trò chuyện thân mật với các chuyên gia marketing, CEOs và nữ doanh nhân. Những buổi tiệc về đêm cũng vậy. Ở thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều các quán bar tầng thượng, nhưng hiếm quán nào thât sự có nét đặc trưng riêng, cũng không có những nơi chỉ đơn giản là địa điểm để người ta thư giãn, không bao gồm các dịch vụ trả phí. Khi còn ở Paris, tôi thường ghé qua các quán bar như Silencio và Le Baron. Tiếc là ở đây không có những nơi như thế!

Ước mơ ngày nhỏ của mọi người là gì?

Joshua: Trở thành nhà khảo cổ học. Tôi thích được du lịch vòng quanh thế giới và khám phá lịch sử. May mắn thay là sự nghiệp xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp cũng có những nét khá tương đồng.

Chi-An: Trở thành một phi công. Tôi có dịp du lịch đến nhiều quốc gia từ khi còn rất trẻ. Ở độ 5-7 tuổi, tôi đã cùng anh trai đi du lịch một mình đến các quốc gia châu Âu, châu Á.

Chúng tôi nên trò chuyện với nhân vật nào tiếp theo đây?

Chúng tôi đang nghĩ đến Trần Nhật Quang, người sáng lập Là Việt Coffee, Sonny Vũ của Misfit và đơn vị thiết kế kiến trúc HTAP+pizzini Architect.

Tìm hiểu thêm về quá trình hình thành ý tưởng thiết kế cho Maison Marou Saigon tại đây.

Vietcetera chân thành cảm ơn Rice Creative đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc Rice Creative luôn thành công với những dự định sắp tới!