Lai Sơn: Sáng tạo là cuộc thám hiểm mà ta không biết chính xác đích đến
Lai Sơn sinh ra tại Hà Nội và lớn lên ở Sài Gòn. Năm 2013, anh du học ngành Motion Graphic & Visual Effects tại trường Seattle, Mỹ. Hoàn thành 6 năm học tập và làm việc, Sơn trở về Việt Nam và làm quản lý phòng truyền thông & thiết kế cho một công ty nội thất.
Quy trình sáng tạo của Sơn thường đi qua 3 lớp: cảm hứng, chủ đề, và phong cách. Để tìm cảm hứng, anh thường dành thời gian khám phá thế giới xung quanh, chiêm nghiệm về một vấn đề ngẫu nhiên mình bắt gặp. Sau đó, anh hình dung một bức tranh sơ bộ trong đầu, lục lọi các nguồn tham khảo, thu thập các mảnh ghép để vẽ ra bản phác thảo đầy đặn hơn. Cuối cùng là lựa chọn phong cách thể hiện.
Nhờ kinh nghiệm trong ngành quảng cáo, Sơn biết cách vận dụng và xoay chuyển linh hoạt các phong cách thiết kế khác nhau: 2D, 3D, và cả animation.
Tác phẩm đầu ra của Sơn thường giống 50-60% anh suy nghĩ lúc đầu, dù không thể kiểm soát hoàn toàn artwork, nhưng anh thích tận hưởng cảm giác không biết điều gì sẽ xuất hiện sau cùng. Hành trình sáng tạo với anh là một chuyến thám hiểm mà ở đó, mọi thứ xảy ra trên đường đi đều là một cơ hội để học hỏi.
1. Bạn thích văn hóa phương Đông hay phương Tây hơn?
Mình thích cả hai, nhưng có lẽ nghiêng về văn hóa phương Đông nhiều hơn. Hồi bé, mình hay xem chương trình Kỹ Xảo Điện Ảnh trên HTV7, nhờ đó được tiếp cận với kỹ thuật CGI phương Tây. Đây là bước đệm để mình nuôi dưỡng đam mê và định hướng con đường sự nghiệp trong tương lai.
Càng về sau mình càng có xu hướng đem màu sắc phương Đông vào sáng tác, có lẽ vì nó gần gũi với mình và dễ tiếp cận khán giả hơn.
2. Bạn có hay cài cắm thông điệp, ẩn ý vào tác phẩm?
Hồi đầu mình thường sáng tác với mục đích rèn kỹ năng là chính. Dần dần mình mới chú trọng vào concept và góc nhìn cá nhân. Đôi lúc, mình chọn cài cắm “easter egg” vào tác phẩm để đánh giá mức độ quan tâm của người xem. Khi nhìn ngắm tác phẩm của mình, mỗi người đều “bật ra”những góc nhìn khác nhau, rất lạ và bất ngờ.
3. Tác phẩm 'Mũ Cối' có thuộc một dự án lớn hơn?
Có những nguồn cảm hứng đến với mình một cách ngẫu nhiên, rồi mình quyết định làm ngay, sợ để lâu mất lửa. Tác phẩm ‘Mũ Cối’ cũng ra đời như vậy. Lúc sáng tác, mình chưa có ý định xây dựng series riêng, nhưng nhờ câu hỏi này, chắc trong tương lai gần mình sẽ cho ra mắt thêm tác phẩm về Việt Nam (dưới góc nhìn mới của mình) ;p
4. Điều gì khiến bạn biết sản phẩm sẽ nhận được cái gật đầu của khách hàng?
Khi nhận brief, mình sẽ trao đổi kỹ với họ, hỏi những điều họ cần, giải thích về năng lực của bản thân để họ biết mình có phù hợp với yêu cầu công việc hay không. Sau đó, mình tiến tới các quy trình cụ thể như lên ý tưởng, tạo moodboard, chốt concept, và đưa ra ít nhất 2-3 phương án giải quyết khác nhau.
Đối với mình, tất cả các job đều được xem như là một portfolio piece, vì thế cần trau chuốt kỹ lưỡng hết mức. Nếu cảm thấy project còn có thể phát triển thêm nữa, mình sẽ cố gắng làm tốt hơn so với yêu cầu được đưa ra (tất nhiên, vẫn cần sự đồng ý của khách hàng).
Client với mình là một ẩn số. Mình không dám chắc về yếu tố “lấy lòng” khách hàng, mình chỉ có thể làm tăng tỷ lệ approve cao nhất nhờ vào quy trình làm việc cẩn thận, rõ ràng.
5. Đã bao giờ khách hàng rất ưng ý với thành quả của bạn, nhưng bạn lại không thực sự tâm đắc?
Điều này xảy ra khá nhiều. Mình từng làm việc với một số client lớn như Microsoft, Amazon, đôi khi, họ chỉ cần “play it safe”, còn mình chỉ cần hoàn thành sản phẩm tốt nhất theo yêu cầu. Quan trọng cả hai bên đều vui vẻ là được.
Về các dự án cá nhân, mình tạo ra để thỏa mãn bản thân, nên đa số tác phẩm mình công khai đều là tác phẩm mình tâm đắc.
6. Một sản phẩm bạn từng “đập đi xây lại” từ đầu?
Với mình, khả năng phải đập đi xây lại thường xảy ra khi khách hàng muốn đổi brief hoặc concept đã chốt lúc đầu. Người trong ngành có lẽ đã trải qua điều này ít nhất vài lần.
Tùy thuộc từng job khác nhau mà sẽ có lúc mình phải sửa ít, sửa nhiều, hoặc thậm chí đập đi xây lại. Mình từng tham gia thực hiện một số CG shots cho trailer của FIFA Online 4 - Vietnam Legends. Mọi công đoạn đều suôn sẻ, chỉ chờ nhấn nút render nữa thôi thì đột nhiên... client đổi ý. Thế là mình làm lại hết, nhưng hướng phát triển mới hóa ra đem lại kết quả tốt hơn nhiều. Mình rút ra bài học, không phải lúc nào đập đi xây lại cũng tệ.
7. Khi mới học thiết kế, bạn có cần dựng theo hình mẫu có sẵn?
Thời gian đầu tìm hiểu về 3D, mình học cách dựng lại scene của các artist khác để tìm hiểu về cách đánh sáng, cách setup vật liệu, cách chỉnh sửa thông số render… Đó là những tháng ngày dài thật dài. Song song với luyện kỹ thuật, mình vẫn phải phát triển kỹ năng thẩm mỹ để sáng tạo một tác phẩm hoàn chỉnh, mang dấu ấn cá nhân.
8. Chọn một tác phẩm để gửi đến người cổ đại, đó sẽ là?
Mình sẽ chọn tác phẩm ‘Việt Nam Cố Lên’. Biết đâu khi gửi về thời cổ đại, tác phẩm của mình lại là cảm hứng cho Leonardo da Vinci. Just kidding ;p.
9. Một điều bạn muốn nói về phiên bản 10 tuổi của mình?
Cứ làm những gì mình thích và tin tưởng vào khả năng của bản thân!
10. Tác phẩm nào phản ánh vấn đề của thế hệ bạn?
Thỉnh thoảng lướt Facebook, mình bắt gặp người quen, bạn bè đổi ảnh đại diện sang màu đen, lý do thường là, gia đình họ gặp chuyện buồn. Lúc ấy, lòng mình nặng trĩu. Nên mình quyết định thực hiện một animation ngắn có tên Light On. Tác phẩm gửi đi thông điệp: hãy luôn vững lòng, xung quanh còn rất nhiều người bên cạnh chúng ta, tình yêu thương chưa bao giờ vụt tắt!
Facebook | Instagram | Website