Làm gì khi Việt Nam sắp "dư thừa" 1,5 triệu nam giới?

Bình đẳng giới không còn là vấn đề phụ hay bên lề, mà đã trở thành cốt lõi với những tiến bộ từ thành quả phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Thư Vũ
Nguồn: Mi Pham

Nguồn: Mi Pham

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 7/3 vừa qua, tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bô Y Tế) kết hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) và Đại sứ quán Na Uy đã tổ chức tọa đàm trực tiếp và trực tuyến mang tên “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh".

Theo công bố tại tọa đàm, dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 1,5 triệu nam giới ở độ tuổi từ 15-49. Đến năm 2059, con số này sẽ là 2,5 triệu (bằng 9,5% dân số nam) nếu chênh lệch về giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm.

2. Vì sao xảy ra mất cân bằng giới tính khi sinh?

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam, tuy nhiên, chủ yếu vẫn là đến từ 3 lý do sau.

Văn hóa trọng nam khinh nữ

Bà Hà Thị Quỳnh Anh - chuyên gia về giới và nhân quyền của Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho biết: Nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Những ảnh hưởng của nền văn hoá châu Á dẫn đến quan niệm nam giới là trụ cột gia đình. Chính vì thế, mọi người thường mong có con trai để sau này có chỗ dựa dẫm hoặc nối dõi tông đường,... Văn hoá truyền thống này được kéo dài qua nhiều thế hệ người Việt Nam, trở thành nguyên nhân gốc rễ cho vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh tại nước ta.

An sinh xã hội chưa phát triển

Ở nhiều vùng nông thôn, các công việc nặng nhọc đều đòi hỏi sức lao động cơ bắp của nam giới (cày bừa, xây dựng, khuân vác…). Vì vậy, con trai vừa là trụ cột tinh thần, vừa là trụ cột kinh tế cho cả gia đình.

Ngoài ra, chính sách an sinh xã hội cho người già ở Việt Nam chưa phát triển, đặc biệt là ở nông thôn. Họ luôn cần sự chăm sóc về y tế, sức khỏe và tinh thần. Điều này lại phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái. Vì thế trong mỗi gia đình, cha mẹ luôn cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai.

Chính sách giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới hiện nay cũng chưa thật sự thỏa đáng, góp phần thúc đẩy một số phụ nữ chủ động tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh. Họ tin rằng khi có con trai, sẽ khẳng định được vị trí của mình đối với chồng, gia đình chồng.

3. Khoa học công nghệ tác động đến lựa chọn giới tính khi sinh như thế nào?

Ngày nay, những kỹ thuật sinh sản đã cho phép các cặp vợ chồng có thể lựa chọn giới tính thai với độ tin cậy cao hơn dựa trên cơ sở khoa học khi csac bác sĩ đã xác định được phôi nam và nữ. Nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ ra hàng chục nghìn đô để lựa chọn giới tính cho thai nhi của mình.

Ở Việt Nam, không ít người nổi tiếng hay giới nhà giàu đã áp dụng phương pháp này để sinh con trai hay gái theo ý muốn và tỷ lệ thành công đạt đến 75%, (một số nghiên cứu còn cho rằng tỷ lệ thành công lên đến 90%). Phương pháp này đòi hỏi phải xác định ngày rụng trứng, khuyến cáo tư thế và thời điểm “quan hệ” có khả năng tăng xác suất có con theo giới tính mong muốn.

Đạo lý của việc lựa chọn giới tính thai đến nay vẫn là vấn đề chưa được giải quyết thống nhất, nhất là mỗi nền văn hóa, mỗi chủng tộc, tôn giáo... lại có sở thích riêng về giới tính.

Ở Việt Nam, Pháp lệnh Dân số đã có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm.

4. Chênh lệch giới tính đang diễn ra ở các quốc gia khác như nào, và họ đối mặt ra sao?

Trung Quốc - đất nước láng giềng của Việt Nam là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về việc chênh lệch giới tính khi sinh trầm trọng. Chính sách “Mỗi gia đình chỉ có một con” của họ đã dẫn đến hệ lụy nam nhiều hơn nữ, khiến nam giới khó lấy vợ, nhiều trường hợp cố ý gây sẩy thai con gái, thậm chí cả tội ác giết trẻ sơ sinh gái.

Để giải quyết tình trạng này, Trung Quốc đã dần nới lỏng chính sách kế hoạch hoá gia đình. Các nhà hoạch định chính sách nên đi xa hơn và đưa ra các khuyến khích tài chính cho các bậc cha mẹ sinh con gái.

Một ví dụ khác là Hàn Quốc - đất nước đã và đang rất thành công trong việc cân bằng tỉ lệ giới tính khi sinh. Xứ sở kim chi đã đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa trong thập niên 80s-90s làm tăng số lượng phụ nữ tham gia thị trường lao động, giúp loại bỏ các ràng buộc truyền thống đối với phụ nữ, thay đổi cuộc sống tình dục người phụ nữ.

Ngoài ra, họ cũng phân công lao động làm giải phóng phụ nữ. Công nghiệp hoá mạnh làm tăng di cư lao động trẻ vào đô thị, góp phần nâng cao vị thế phụ nữ, phá bỏ truyền thống và cấu trúc gia đình gia trưởng. Đô thị hoá cũng giúp người dân không còn bị bao quanh bởi quan hệ thân tộc phụ hệ, làm thay đổi mối quan hệ cha mẹ và con cái, làm giảm sự ưa thích con trai.

Đây là những chính sách và hướng đi Việt Nam có thể áp dụng trong thời gian tới để hạn chế và kìm hãm sự chênh lệch về tỉ lệ giới tính khi sinh giữa nam và nữ.

5. Phong trào nữ quyền tác động tích cực như nào đến chênh lệch giới tính?

Phụ nữ thường chịu nhiều áp lực từ gia đình về việc phải sinh con trai, vì thế, sự thấu hiểu của nam giới có thể hỗ trợ cho phụ nữ có nhiều sự thay đổi. Nam giới cũng cần tham gia nhiều hơn và đóng góp tiếng nói cho việc chấm dứt lựa chọn giới tính khi sinh.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu hiện nay cho thấy hệ thống gia đình lưỡng hệ có thể giúp phụ nữ nâng cao năng lực và tăng giá trị của con gái trong mắt cha mẹ và những người khác. Chính vì thế, xã hội cần thay đổi quan niệm cả hai hình thức cư trú sau hôn nhân (ở dâu, ở rể), đảm bảo sự bình đẳng trong thực hiện quyền thừa kế của con gái.

Ngoài ra, các phong trào nữ quyền cũng đang đóng góp một tiếng nói quan trọng cho việc nâng cao vị trí và vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các chính sách gia tăng giáo dục cho phụ nữ, thực thi luật bình đẳng giới, trao quyền năng, nâng cao vị thế, tạo nhiều cơ hội cho họ thông qua rất nhiều các chương trình, phong trào phụ nữ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục