Làm sao để thoát khỏi cảm giác phải chiều lòng, đoán ý người khác?
Từng là một “people pleaser” (tuýp người luôn cố gắng làm người khác hài lòng) trong hàng chục năm liền, mình hiểu cảm giác lo lắng phập phồng khi từ chối một ai đó, sợ hãi khi nghĩ người ta sẽ nói điều gì đó không hay về mình, lúng túng trong giao tiếp vì không đoán được ẩn ý từ đối phương để chiều lòng họ và bị chê là “không khéo léo”...
Thế nhưng hành trình phát triển bản thân, tìm lại về với bản thể gốc và an yên trong tâm hồn đã dạy cho mình rằng: Cuộc đời của cá nhân là quan trọng hơn tất cả, không ai nên sống chỉ để chiều lòng, đón ý người khác – đặc biệt là những người không coi trọng mình.
Bài viết này chia sẻ suy nghĩ của mình về people pleaser và kể lại hành trình của mình để thoát khỏi những “gông cùm” đến từ quá khứ của một people pleaser.
Tại sao mình cố gắng ngừng việc chiều lòng, đoán ý người khác?
Có lẽ là cũng giống như nhiều bạn, đặc biệt là các bạn nữ trưởng thành tại miền Bắc Việt Nam, mình được dạy từ bé là phải “nói một hiểu mười”, đón ý của người khác, đặc biệt là với những người có địa vị, quyền lực hơn, như thầy cô, bố mẹ, ông bà, họ hàng, v.v
Chẳng hạn, tới bữa ăn phải để ý gắp cho bác ngồi cạnh miếng này, gắp cho cô nọ miếng kia. Chưa cần đợi mọi người ăn xong hết, mẹ mình đã nháy mắt nhắc mình chuẩn bị đi rửa bát. Tất nhiên việc đón trước mọi thứ như vậy có điểm tốt của nó. Mình hiểu bản thân cần lịch sự và đối xử tốt với mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, mình cảm thấy việc này ở Việt Nam có phần bị thái quá hoá. Nó dẫn đến những hệ luỵ mà mình thấy rằng rất nhiều bạn trẻ Việt Nam gặp phải, và tất nhiên cũng từng có mình. Chẳng hạn như thiếu tư duy phản biện, thiếu tư duy độc lập, thiếu tự tin. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hành vi, mà còn là khí chất và tư duy của mình.
Sau này làm các nghiên cứu giáo dục, mình quan sát thấy rằng lối giáo dục này có gắn kết rất lớn đối với sự phân cấp giai tầng - điều không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn ở các quốc gia khác. Cụ thể, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những ngôi trường dành cho học sinh thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình thường dạy cho trò luôn luôn phải lắng nghe, nhắc lại ý của giáo viên.
Trong khi đó, những ngôi trường dành cho các giai tầng cao hơn thường giáo dục cho học sinh có tư duy độc lập, phản biện, lịch sự mà không nhất thiết phải làm theo lời của giáo viên 100% hay phải chiều lòng họ. Vì chính việc các học sinh này có xuất thân giàu có cũng phần nào khiến các giáo viên khiêm nhường hơn.
Còn những đứa trẻ ở giữa như mình lúc nào cũng cảm thấy bị mâu thuẫn. Mình biết mình cần phải làm một số hành động nhất định thì mới được lòng người khác, Tuy nhiên mình cũng không muốn trở nên quá “thảo mai”. Mình dằn xé bởi hai luồng suy nghĩ như vậy, cho tới lúc trưởng thành hơn và mình nhận ra rằng: dù mình có khéo đến đâu thì cũng có những người không bao giờ hài lòng. Thậm chí khi bạn càng chiều lòng họ, họ lại càng xem thường bạn.
Mình học được bài học này một cách rất cay đắng. Khi còn nhỏ, mình nghĩ rằng cứ làm người tốt thì sẽ được mọi người yêu quý. Nhưng có những người lại xem việc mình đối xử tốt với họ lại là một điều hiển nhiên. Đến một ngày khi mình không còn nhiệt tình với họ nữa thì họ lại tỏ ra khó chịu với mình. Nhưng lúc này mình đã chọn một cuộc đời nhẹ nhàng hơn.
Vậy bước đầu tiên để ngừng việc chiều lòng người khác là gì?
Nếu bạn sống theo chủ nghĩa tối giản thì có lẽ bạn cũng biết rằng tối giản nghĩa là buông bỏ những thứ thừa thãi, không có nhiều ý nghĩa, hoặc mang tới năng lượng tiêu cực trong cuộc sống. Điều này không chỉ áp dụng với đồ đạc, mà còn là với các mối quan hệ.
Cụ thể hơn, mình áp dụng nguyên tắc 80/20 cho việc “thanh lọc” các mối quan hệ. Ví dụ, bạn có thể xem lại 80% thời gian trong một tuần mình đang dành cho những ai. Họ có mang đến tỷ lệ phần trăm hạnh phúc tương ứng hay không. Nếu họ là người đang gây ra năng lượng tiêu cực cho mình, mình sẽ cân nhắc việc ngưng liên lạc với họ.
Ở năm 27 tuổi, mình nhận ra xung quanh có những người thường xuyên liên hệ với mình chỉ để nhờ vả, bòn rút mình. Trước mặt mình họ vẫn có thể vui vẻ nhưng sau lưng lại nói xấu mình. Khi biết được, mình đã dần buông bỏ các mối quan hệ đó. Mình nói bận khi họ gọi điện. Mình chỉ nhắn đơn giản, hoặc không trả lời khi họ nhắn tin. Khi mình không còn nhiệt tình với họ thì họ cũng buông bỏ mình.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp khó hơn. Chẳng hạn như họ là đồng nghiệp, là bạn cùng lớp. Bạn gặp họ thường xuyên và họ mang đến cho bạn cảm xúc không thoải mái, nhưng bạn không thể cứ thế mà dứt bỏ mối quan hệ. Hoặc họ là một người quen biết mà bạn đã từng gắn bó một thời gian. Nhưng qua một vài sự kiện, bạn cảm thấy hai người không còn chung hệ giá trị cá nhân nữa. Khi ở trong trường hợp này, mình sẽ chọn cách hạn chế thời gian mình dành cho họ và cố gắng chỉ giữ các mối quan hệ này ở mức xã giao.
Ví dụ, khi họ ở xa và muốn hẹn sang chỗ mình chơi trong khoảng 1 tháng, mình sẽ gợi ý rằng tốt nhất là tụi mình đi chơi với nhau khoảng 1 tuần, thời gian còn lại họ có thể đi du lịch tự do cho thoải mái. Nghĩa là mình vẫn có thể chiều lòng họ trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng áp lực đã nằm trong mức mình có chấp nhận được.
Nếu trường hợp là họ hàng xa đến chơi mà mình đối xử như vậy, có lẽ mình lại càng dễ bị quy cho là người lạnh lùng, không thân thiện. Nhưng mình biết mình không thể chiều lòng tất cả.
Trong hành trình phát triển bản thân mình đã học được rằng: ưu tiên và đối xử tốt với bản thân không đồng nghĩa với ích kỷ. Chính nhờ biết thương mình, mình mới có thể thương người khác. Mình phải chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình thì mới có được những mối quan hệ chất lượng trong đời.
Ngoài ra, một trong những hành động thương mình là biết tạo giới hạn cho bản thân. Khi đi làm, chắc có lẽ bạn đã từng (hoặc sẽ) rơi vào hoàn cảnh đứng trong một nhóm mà mọi người đang nói xấu về một người A nào đó. Dù bạn chưa từng tiếp xúc với A hay có hiểu biết gì về A, bạn cũng được kỳ vọng là phải đồng ý với cả nhóm rằng A không phải là người tốt. Theo phản xạ rất dễ để chúng ta cứ gật đầu “ừ ừ” cho qua chuyện.
Đó là điều mà ngày trẻ mình cũng rơi vào, nhưng dần mình nhận ra rằng nếu mình không liên quan gì đến A thì tốt nhất, mình nên đi chỗ khác khi cuộc trò chuyện của mọi người rẽ hướng sang nói xấu ai đó. Nếu khó để rời đi ngay thì mình sẽ chọn giữ yên lặng, không bình luận gì thêm.
Để có mối quan hệ hoà hảo với mọi người song vẫn giữ được phẩm chất của bản thân, mình tin đó là một hành trình dài của việc nâng cấp bản thân trong kỹ năng giao tiếp cũng như tìm cho mình một cộng đồng có chung hệ giá trị.
Kết
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm tự tin để dừng việc luôn chạy theo sự hài lòng của người khác. Với mình, thoát khỏi cảm giác luôn chiều lòng, đón ý người khác là bước đầu tiên để có được một tư duy phát triển theo hướng hoàn thiện hơn, cũng như có một cuộc sống độc lập và nhiều niềm vui hơn.