Mài Apartment — Ngôi nhà của "Kẻ mơ mộng thực tiễn"

"Đối với tôi, đá mài là một hiện thân của Sài Gòn", Arlette chia sẻ khi nói về cảm hứng kiến trúc khi thiết kế căn hộ 2 tầng của mình ở Quận 2.

Valeria Mertsalova
Mai Apartment Feature Image

Mài Apartment | Source: Whale Design Lab.

Đá mài lấm tấm (hay còn gọi là terrazzo) — chất liệu chủ chốt của giai đoạn giữa thế kỷ — đang hồi sinh. Từng là loại mặt sàn chuyên dùng cho sân bay, trường học và siêu thị nhờ độ bền của nó, ngày nay đá mài được ca ngợi vì các chứng nhận sinh thái của nó. Và đối với những ai từng lớn lên ở Sài Gòn giống như nghệ sĩ kiêm curator (giám tuyển) Arlette Quỳnh-Anh Trần, chất liệu này còn nhuốm một chút hoài niệm.

Tại gian bếp, phần vách ngăn, mặt bếp, đảo nấu và sàn làm bằng đá mài cẩm thạch trắng.| Nguồn ảnh: Whale Design Lab

"Đối với tôi, đá mài là một hiện thân của Sài Gòn", Arlette chia sẻ khi nói về cảm hứng kiến trúc hiện đại trước năm 1975 ở Sài Gòn, khi thiết kế căn hộ 2 tầng của mình ở Quận 2. 

Cô giải thích: "Nếu ta quan sát kỹ những tòa nhà xưa ở thành phố này, đá mài nổi bật khác biệt hẳn với những họa tiết art deco và phong cách tân cổ điển thịnh hành dưới thời Pháp thuộc trước đó. Đá mài là vật liệu du nhập vào Việt Nam nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch của đất nước này sang chủ nghĩa hiện đại."

Trong quá trình xây dựng đất nước vào thập niên 1950, chính phủ Ngô Đình Diệm xem kiến trúc là một công cụ giúp xác lập bản sắc mới cho Việt Nam. Trong khi một làn sóng các kiến trúc sư đào tạo từ Pháp quay trở lại quê hương và mang theo những ý tưởng mới mẻ, các tòa nhà theo chủ nghĩa hiện đại được xây dựng bằng viện trợ kỹ thuật lẫn tài chính của Mỹ bắt đầu mọc lên khắp Sài Gòn.

Song, thành phố khiến cô quan tâm đến dấu ấn kiến trúc hiện đại độc đáo này lại không phải Sài Gòn mà là Pittsburgh, một thành phố ở Hoa Kỳ. "Ở Pittsburgh, bạn sẽ bắt gặp đá mài ở khắp mọi nơi: từ sân bay cho đến các cửa hàng kem. Không khác gì Sài Gòn giữa thế kỷ trước".

Tuy nhiên, không giống như Pittsburgh, Sài Gòn có vẻ dành ít tình cảm gắn bó với các tòa nhà theo chủ nghĩa hiện đại, Arlette nhận xét. Thế nên, chúng đang dần biến mất khỏi cấu trúc của thành phố, để nhường chỗ cho những dự án phát triển mới. Nhìn lại mối quan hệ của bản thân với thành phố và mong muốn ổn định với gia đình trẻ của mình ở Sài Gòn (cô từng có lối sống du mục, cứ xách vali đi thuê nhà để ở), Arlette nảy ra ý tưởng về một ngôi nhà sẽ lưu giữ tinh thần của thời đại — tựa một cái bao nang trữ thời gian.

Và như vậy, từ những bản phác thảo của Arlette, hình ảnh Căn hộ Mài đã ra đời.

Arlette nói: "Vẻ lãng mạn nhiệt đới của Sài Gòn đạt được thông qua hình khối cơ bản trong bố cục không gian chứ không phải từ nét trang trí bóng bẩy." Việc sử dụng hình khối là một sự nghiêng mình trước kiến trúc sư người Mỹ Louis Kahn, người vẽ lên các tòa nhà thường có các lỗ mở hình học. Thực vậy, chính tại Tòa nhà Quốc hội Bangladesh do ông Kahn thiết kế, Arlette đã có "khoảnh khắc eureka" và xác lập ý tưởng cho ngôi nhà mơ ước của mình.

Thư viện tầng trên nhìn ra phòng khách, với nhà bếp ngay bên dưới. | Nguồn: Whale Design Lab

Căn hộ Mài phải mất ba năm mới thành hình. Do sự phức tạp của dự án, Arlette phải nhờ cậy chuyên môn của các kiến trúc sư Lê Hạnh từ Whale Design Lab và Nguyễn Anh Cường từ Nhabe Scholae, những người đã lần lượt giúp cô tìm ra giải pháp kỹ thuật và sáng tạo, cũng như giám sát công trình.

"Mài" có nghĩa là đánh bóng, tương tự như cách chà bóng đá mài terrazzo sau khi được khảm bằng đá cẩm thạch, thủy tinh, hoặc granite vụn. | Nguồn: Whale Design Lab

Trớ trêu thay khi một thành phố từng nổi tiếng về việc sử dụng đá mài trên quy mô công nghiệp, Arlette đã vất vả tìm một nhà thầu có thể thi công chất lượng mà không tính giá quá trên trời.

"Tôi tìm thấy công ty giải pháp bề mặt có tên Thanh An trên mạng và năn nỉ anh giám đốc nhận công trình này, vì công ty của anh chỉ đảm nhận các dự án quy mô lớn như khách sạn hay bệnh viện." May mắn thay, Arlette đã thuyết phục thành công. Kết quả là phần đá mài toàn bộ căn nhà với chất lượng tầm bảo tàng đã tạo lập nên căn tính cho Căn hộ Mài.

Bài viết được dịch bởi Tuấn Vũ.




Arlette Quỳnh Anh Trần là Giám đốc và giám tuyển của bộ sưu tập Post Vidai, và là thành viên của nhóm nghệ sĩ Art Labor tại Sài Gòn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục