“Mất cân bằng” để có điều bạn muốn

Bài viết này mình sẽ phá lệ một chút. Mình vẫn nói về sự tập trung, nhưng là loại tập trung có thể khiến cuộc sống bạn mất cân bằng.
Chi Nguyễn (The Present Writer)
Chi Nguyễn - The Present Writer

Chi Nguyễn - The Present Writer

Nếu bạn theo dõi hành trình của mình thì có lẽ bạn cũng biết rằng, mình luôn kêu gọi sự cân bằng trong cuộc sống, thậm chí còn có riêng một kênh YouTube thứ hai là Balance with Chi.

Thế nhưng, có lẽ hơi khác với cách hiểu thông thường, với mình, cân bằng không phải là cố gắng duy trì trạng thái 50:50, cào bằng mọi thứ. Thay vào đó, cân bằng là biết cách tắt một, hoặc hai, trong số 4 “lò lửa” gia đình - bạn bè - công việc - bản thân để có thể tối ưu hoá khả năng tập trung.

Hôm nay mình sẽ phá lệ một chút. Mình vẫn sẽ nói về sự tập trung, nhưng là loại tập trung có thể khiến bạn mất cảm giác “cân bằng.” Nó không áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng nếu bạn đang thực sự có điều gì đó muốn đạt được thì nó có thể là chiếc chìa khoá bạn đang tìm.

Việc tập trung cao độ, đôi khi đến mức ám ảnh để thành công là điều mà bản thân mình đã trải qua, và cũng là ý tưởng được xác nhận bởi doanh nhân - tác giả Grant Cardone trong cuốn sách Sell or Be Sold.

Mình đã rất ấn tượng khi ông nói: đừng chỉ cân bằng, bởi cân bằng sẽ chỉ dẫn đến cuộc sống bình thường, làng nhàng, không có gì nổi trội. Cụ thể hơn, trong một chương sách, Grant Cardone đã nhắc đến khái niệm “hành động khủng” (massive action), tức là bạn phải dồn lực, “tổng tấn công” thì mới may ra có sự bứt phá.

Mình phần nào đồng cảm với điều này và cũng hiểu rằng nó có thể gây ra nhiều mặt trái, chẳng hạn như bạn sẽ bị kiệt sức sau đó. Nhưng trước hết, hãy thử cùng bàn luận “cuộc sống bình thường” mà tác giả nói đến ở đây là gì nhé.

Cuộc sống bình thường và bình yên có thể là hai thứ khác nhau

Trong cuộc sống, có người mang nhiều hoài bão, có người chỉ muốn đời mình trôi qua bình thường, đủ sống, không bon chen. Chẳng có gì sai nếu bạn chọn lối sống thứ hai. Khi đó bạn không cần phải tìm đến điểm “mất cân bằng.”

Tuy nhiên, qua trò chuyện mình nhận ra có nhiều người dường như nhầm lẫn giữa cuộc sống bình thường và cuộc sống bình yên. Họ nói rằng mình muốn cuộc sống nhẹ nhàng trôi qua ở quê thôi. Không cần có công việc hành chính ổn định nhưng lại cũng không muốn sống thiếu thốn, phải tỉ mỉ tính toán khi cần mua gì đó.

Đại khái là không được 10 phần thì cũng được 6, 7 phần như cuộc sống đồng quê tuyệt đẹp của Lý Tử Thất. Ở trong khuôn viên xinh xắn như thế, họ sẽ muốn dạy con học ở nhà với những kiến thức giáo dục ở nước ngoài.

Với mình, đây là một cuộc sống bình yên, nhưng không bình thường. Nó thường chỉ đến sau một sự nghiệp rực rỡ, khi bạn đã cố gắng đủ nhiều.

Ở các phần tiếp theo, mình sẽ chia sẻ với các bạn ba trường hợp mình đã cực kỳ ám ảnh với mục tiêu đặt ra. Mình đã chấp nhận sự khó chịu, vất vả của các giai đoạn đó để có những điều mình đang có trong hiện tại.

Đôi khi sức nặng của nỗi ám ảnh giúp bạn an toàn khi “ngồi trên bập bênh”

Mình có ước mơ đi du học từ khi mình còn rất nhỏ, vào khoảng đâu đó lớp Một, lớp Hai. Bây giờ nhìn lại, mình có thể nói rằng đây là nỗi ám ảnh đầu tiên trong hành trình trưởng thành của mình.

Mẹ mình là nhà báo và thường xuyên di chuyển. Mỗi khi đi đâu về bà đều kể cho mình những câu chuyện về thế giới rộng lớn. Thế nhưng mẹ cũng hay nói rằng, vì mẹ không biết tiếng Anh nên cảm giác chỉ như “khách du lịch” khi ra nước ngoài. Nếu sau này mình giỏi tiếng Anh và có cơ hội đi nước ngoài, hoà nhập tốt hơn thì sẽ thấy được nhiều điều thú vị hơn.

Đến một hôm nọ, buổi chiều đi làm về, mẹ đã nói với mình rằng “biết đâu sau này con có thể có đa quốc tịch.” Khi đấy thì mình chưa hiểu hết ý của mẹ, nhưng mình cũng đã dần hình thành được ý niệm rằng mình muốn sống và làm việc ở nước ngoài.

Người thứ hai truyền lửa cho mình về mong muốn đi du học là ông bà ngoại mình. Vào thời Pháp thuộc ở Việt Nam, bà ngoại mình nói tiếng Pháp rất giỏi và đã từng đại diện Đoàn thanh niên Việt Nam đi mít-tinh ở nước ngoài. Ông ngoại mình cũng đã từng được đi châu Âu và mang những món quà ở nước ngoài về. Dù không giỏi tiếng Anh nhưng ông bà là những người đầu tiên dạy tiếng Anh cho mình và cho mình biết rằng có một thứ trên đời gọi là đi du học.

Thế nhưng, lớn lên mình hiểu hơn về những hạn chế của bản thân. Gia đình mình không đủ tài chính để mình có thể du học tự túc. Khả năng tiếng Anh của mình đến cấp 3 vẫn còn rất hạn chế vì thiếu điều kiện để tiếp xúc với tiếng Anh bản ngữ. Tóm lại là, có rất ít cơ hội đi để mình được đi du học. Vì nhiều lý do khác nữa, ước mơ tiếp tục bị trì hoãn thêm cả chục năm.

Trong suốt thời gian đó, không ít người đã nói với mình rằng, đi du học thì đi thôi, nhưng mà về thì đầy người cũng chẳng làm được gì, thế thì đi làm gì? Rồi thì đi du học xa gia đình có chịu được không? Có theo kịp được bạn bè nước ngoài không?

Những lời nói ấy của mọi người thật lòng chỉ khiến mình khó chịu. Nó không làm tắt mong muốn đi du học của mình. Cho đến năm mình 25 tuổi, tức là mình đã tốt nghiệp đại học và thậm chí đi làm rồi, mình vẫn quyết tâm thực hiện cho bằng được. Mình đã không thể tưởng tượng được cảnh mình không làm được điều đó. Nó là thứ mà mình cảm thấy rằng, nếu một ngày nào đấy mình chết đi, mình nhìn lại mà bản thân chưa làm được thì sẽ vô cùng uất ức.

Con đường sự nghiệp của mình cũng gặp những điều tương tự như vậy. Rất nhiều người nói ra nói vào, dễ khiến mình lung lay. Nhưng khi chính mình biết tại sao bản thân muốn làm bằng được mục tiêu đã đặt ra thì mình có thể “cân” được hết những “tiếng ồn” bên ngoài.

Giống như khi ngồi trên chiếc bập bênh, bạn không thể cân cả hai đầu ghế ngồi để khiến nó cân bằng, nhưng bạn kiểm soát được sức nặng phía bên ghế ngồi của mình. Hay ngay cả khi bạn có thể ngồi ở thế cân bằng, nhưng không có “sức nặng” của riêng mình thì khi những thử thách, biến cố của cuộc đời ập tới liên tục, chắc chắn rằng bạn sẽ bị “lật” ngay.

Giấc mơ to luôn cần hành động lớn.

Biết rõ điều bạn không muốn làm để tự tin “mất cân bằng”

Nỗi ám ảnh và sự kiên trì có thể độc hại và phản tác dụng nếu bạn chưa tìm hiểu rõ vì sao bạn chọn mục tiêu hiện tại, hay nói cách khác, vì sao bạn không lựa chọn những con đường khác. Quan trọng không kém so với việc nắm rõ ước mơ của bản thân, là việc bạn biết được mình không muốn làm gì. Chúng là những điều mà bạn chắc chắn mình không thể làm được, mà có làm thì cũng không giỏi.

Mình đã từng làm công việc hành chính và mình cảm thấy cực kỳ bất hạnh. Điều này có thể hơi nhạy cảm, vì mình biết nhiều bạn theo dõi mình đang làm công việc văn phòng và thích công việc văn phòng. Mình không đánh giá lựa chọn này của bạn. Chỉ là với mình, có điều gì đó không đúng khi mình làm một công việc sáng đi chiều về, đều đặn 5 ngày trong tuần.

Mình chỉ có thể phù hợp với những công việc có tính linh hoạt cao và cho phép mình làm việc ở nhà. Mình biết điều này ngay năm mình 22 tuổi, khi đi làm công việc đầu tiên là chuyên viên ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày nào đi làm cũng tắc đường, rồi quy trình công việc cứ lặp đi lặp lại đã khiến mình cảm thấy rất khổ sở.

Một buổi Chủ nhật nọ, khi cả gia đình đi ăn ngoài hàng, mình mới buột miệng nói rằng, mình không muốn đi làm vào thứ Hai. Bà mình mới cười và nói rằng, “Con bé này, mày đang nói chuyện với hai người mà đi làm như vậy ba mươi mấy năm nay!” Hai người đó là ba mẹ mình. Họ đã đi làm liên tục như vậy mà không chút than phiền nào. Lúc đấy, mình ngượng thật. Nhưng trên đường về nhà, mình đã nghĩ rằng, đây là sự khác biệt giữa mình với ba mẹ mình, cũng như với nhiều người khác.

Sự quy củ của công việc hành chính như sợi dây thít chặt vào da thịt mình. Cộng thêm với ước mơ du học luôn hiện diện trong đầu, mình cảm giác như mỗi lần dắt xe ra đường đi làm là mình lại đi ngược và đi xa khỏi điều mình thực sự muốn làm. Dần dần cảm giác đó khiến mình quyết định rằng, mình không thể như thế này nữa. Đây là thứ mà mình không thể làm cả đời.

Kết quả là mình đã nghỉ việc ngay cả trước khi mình có học bổng đi du học. Một năm sau khi nghỉ, mình đã chỉ học, ôn thi và làm hồ sơ đi du học. Ba mẹ mình ủng hộ quyết định có phần đột ngột này của mình vì họ đã thấy mình khổ sở thế nào vào mỗi sáng sửa soạn đi làm. Dù mình có thể làm tốt công việc đã có của mình, nhưng mình thực sự không hạnh phúc.

Mình đã nghĩ rằng, nếu ở một trường hợp khác, nếu mình là đứa trẻ khác thì ba mẹ mình có thể sẽ chỉ nói là “Thôi, cứ cố gắng cái việc mà người ta ai cũng làm. Vài năm nữa con sẽ quen thôi.” Thế nhưng, mình biết rõ điều mình muốn làm. Mình là đứa trẻ cực kỳ “mất cân bằng,” và bây giờ lại càng có lý do “mất cân bằng.”

Và cho tận ngày hôm nay mình nghĩ rằng, nhờ mình không thỏa hiệp với cái mà mình không thích làm, mà người thân của mình cũng mới cảm thấy rằng không có cách khác ngoài ủng hộ, giúp đỡ mình. Vì vậy, mình muốn thông qua câu chuyện này nói với các bạn rằng, nếu bạn có điều gì đó muốn nhất định phải làm trong đời thì hãy gọi tên nó ra, nói với những người thân xung quanh. Từ đó, bạn có thể phần nào tránh được những việc không muốn làm và tự tin hơn khi đi tới ước mơ của bản thân.

Hành động ngay khi có cảm giác “mất cân bằng” liên tục với điều gì đó

Mình đã rất hạnh phúc khi thực hiện được ước mơ du học, có được học bổng thạc sĩ ở một trường Ivy League, rồi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, nhưng cuộc sống của mình sau đó vẫn có gì đó thiếu thiếu. Trong bản “kế hoạch 3 năm” của mình vào khoảng 6 năm trước, mình đã bỏ trống mục “ảnh hưởng cộng đồng.”

Mình thấy bản thân có làm thêm điều gì đó thuộc về đam mê, sở thích hơn là công việc. Mình cứ suy nghĩ mãi nên bắt đầu với cái gì, thì đến một hôm mình quyết định sẽ tạo một trang blog. Mình thích viết lách từ trước và cũng rất mê đọc blog, nhưng có lẽ đến lúc này sở thích ấy mới phát huy tác dụng.

Ngay tối hôm đó, mình đã không thể nào ngủ được, cứ trăn trở nghĩ mãi về việc “Trang web của mình sẽ trông thế nào? Mình sẽ viết đề tài gì? Nó sẽ tên là gì?” Đã lâu rồi mình mới lại cảm thấy máu trong người “sôi sục” như vậy.

Vài hôm sau, mình đã mua ngay lập tức tên miền “thepresentwriter.com”. Chồng mình đã hốt hoảng bảo rằng “Em có muốn dành một chút thời gian để suy nghĩ thêm không?” – “Không. Đây thực sự là điều em muốn làm ngay.” Khi mình nói vậy thì chồng mình cũng hiểu không điều gì làm mình quay đầu lại nữa.

Cho đến tận hôm nay, trang The Present Writer vẫn còn dùng những dòng code mà 6 năm trước mình và chồng đã cặm cụi ngồi gõ. Trên đó vẫn còn những bài blog mà mình đã đều đặn ngồi viết mỗi tuần từ 6 năm trước dù không có lợi nhuận gì. Mình làm vậy vì nó có ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc sống của mình, cũng như với người khác.

Mình chỉ muốn nói với bạn rằng, nếu gặp được một điều gì đó gây xúc động, khiến bạn suy nghĩ liên tục thì hãy làm gì đó ngay với nó. Nếu bạn dừng lại thắc mắc “nếu làm nó bây giờ thì cuộc sống sẽ mất cân bằng, thôi để sau mới làm” thì bạn sẽ không bao giờ làm được điều mình muốn.

Kết

Như đã nói ở đầu bài viết, đây là đề tài nhạy cảm và có thể không phù hợp với nhiều người, nên mình hy vọng ít nhất qua bài viết này, mình có thể chia sẻ đến mọi người về một thực tế rằng, có những người chọn “mất cân bằng” để sống cuộc đời họ mong muốn, một cuộc đời rực rỡ và khiến họ tự hào.

Với mình, nếu bạn cứ hành động trong trạng thái bập bênh ở thế cân bằng thì khi người nào đấy nặng hơn ngồi xuống, bạn sẽ dễ bị lật lên ngay. Thành quả “rực rỡ” cần động lực rất lớn từ bên trong. Khi đã được chúng rồi, bạn hoàn toàn có thể trở về với khối hành động “cân bằng.”


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục