Method Acting: Khi diễn xuất trở thành đời thật
Dạo quanh mạng xã hội, thật sự không khó để bắt gặp những bài post mang nội dung tương tự như “Jared Leto gửi chuột chết cho bạn diễn để vào vai Joker”, “Nam chính The Pianist bán hết tài sản để nhập tâm vào nhân vật,”...
Tất cả những hành động kì lạ này đều phục vụ cho trường phái diễn xuất mang tên method acting, một trong những phương pháp diễn xuất gây tranh cãi nhất tại Hollywood vào thời điểm hiện tại.
1. Method acting là gì?
Method acting có thể được hiểu như một hệ thống những kĩ thuật diễn xuất giúp cho diễn viên thật sự cảm nhận được những cảm xúc mà nhân vật của họ phải trải qua.
Khi một diễn viên thực hành method acting, họ sẽ hướng tới việc trở thành nhân vật ngay cả khi camera đã tắt. Thậm chí những diễn viên theo đuổi trường phái này thường ép bản thân phải trải qua những gì mà nhân vật đã trải qua nhằm tái hiện lại chính xác cảm xúc của nhân vật.
2. Method Acting bắt nguồn từ đâu?
Cách tiếp cận diễn xuất này bắt nguồn từ Konstantin Stanislavski, một diễn viên/đạo diễn theo chủ nghĩa hiện thực có ảnh hưởng rất lớn đến sân khấu kịch của Nga vào đầu thế kỉ 20
Sau khoảng thời gian chỉ tồn tại trên các sân khấu kịch, method acting dần nhận được nhiều sự chú ý hơn đến từ cộng đồng diễn xuất trên toàn thế giới. Ba khía cạnh chính yếu nhất của method acting đã được tiếp tục phổ biến và đào sâu bởi: Lee Strasberg (tâm lí học), Stella Adler (xã hội học) và Sanford Meisner (tâm lí học hành vi).
Trong bộ ba, Lee Strasberg được xem là cha đẻ của method acting tại Hollywood. Từ năm 1951, ông đã truyền dạy kĩ thuật diễn xuất này cho những ngôi sao hàng đầu Hollywood như Jack Nicholson, Al Pacino, James Dean, Marilyn Monroe,...
3. Vì sao phương pháp diễn xuất này phổ biến?
Cứ mỗi một mùa Oscar trôi qua hay mỗi lần phim của Jared Leto ra rạp, cuộc nói chuyện về method acting lại được dịp bàn luận cực kì sôi nổi. Người khen ngợi sự quyết tâm và nỗ lực của những diễn viên, kẻ chê bai cho rằng kĩ thuật này là vô nghĩa và ảnh hưởng tiêu cực lên ngành điện ảnh.
Mới đây, diễn viên Mads Mikkelsen đã có những bình luận không mấy tốt đẹp về method acting. Ông gọi chúng là “nhảm nhí, giả tạo,” đồng thời cũng nói kháy những diễn viên đi theo phương pháp diễn xuất này.
Dù sự quyết tâm phi thường và những hi sinh cực kì lớn của các diễn viên đi theo method acting là không thể chối cãi, chúng không thật sự đảm bảo tạo ra những màn trình diễn hay trên màn ảnh.
Một ví dụ điển hình cho điều này chắc chắn là vai diễn Joker của Jared Leto trong Suicide Squad (2016). Tiếp bước sau màn trình diễn huyền thoại của Heath Ledger, Jared Leto đứng trước một áp lực khổng lồ để khiến phiên bản Joker của anh thật khác biệt trong cả bộ phim lẫn báo chí.
Để có thể vào vai Joker, Jared Leto đã tạo ra một môi trường làm việc kinh khủng cho dàn diễn viên của Suicide Squad. Anh nhập tâm vào nhân vật này bằng cách tặng các bạn diễn của mình những chiếc bao cao su đã qua sử dụng, một con heo chết và một con chuột còn sống. Trên phim trường, Jared Leto cư xử như Joker, liên tục xem đi xem lại các video giết người dã man để "thoải mái với bạo lực."
Tất cả những nỗ lực ấy gặt hái về cho Suicide Squad những số điểm thảm hại trên các trang đánh giá phim. Về phần Jared Leto, dù chỉ đóng một phần rất nhỏ cho bộ phim, nhân vật Joker trở thành một vết nhơ khó gột rửa trong sự nghiệp diễn xuất của anh.
Tuy vậy, khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, method acting vẫn liên tục đem về những giải thưởng diễn xuất cho những diễn viên đi theo phương pháp này. Tờ Atlantic bình luận, "Bằng cách đi theo method acting, một người diễn viên có thể khiến cho những nỗ lực của họ dễ nhìn thấy và dễ được công nhận hơn."
Hay theo cách nói bình dân hơn của Mads Mikkelsen: “Truyền thông và báo chí sẽ phản ứng với những diễn viên method acting theo kiểu, 'Trời ơi, anh ấy nghiêm túc với vai diễn đến vậy nghĩa là màn trình diễn của anh ấy thật sự tuyệt vời, hãy trao thưởng cho ảnh.'"
Nhận định này không phải là không có cơ sở. Kể từ năm 1980, khi Robert De Niro nhận giải nam chính xuất sắc nhất cho Raging Bull, phương pháp method acting đã trở thành một bàn đạp vững chắc để các diễn viên tìm kiếm các giải thưởng diễn xuất.
Sự nghiệp của Leonardo DiCaprio là minh chứng khá rõ cho sự đề cao mà Viện Hàn lâm có cho method acting. Chiến dịch Oscar của DiCaprio trong The Revenant chú trọng khá nhiều đến những hi sinh mà anh dành cho vai diễn. Để nhập vai, DiCaprio đã suýt chết vì cố gắng tắm trong sông băng, ăn gan bò mộng sống mặc dù anh là người ăn chay và ngủ bên trong xác động vật.
Bắt đầu sự nghiệp vào năm 1979 và cho ra đời hàng chục màn trình diễn cực kì xuất sắc, Leonardo DiCaprio chỉ nhận được giải Oscar đầu tiên khi truyền thông và báo chí có thể dễ dàng chỉ ra những hi sinh mà anh có cho vai diễn.
“(Bằng việc chú trọng vào method acting) Chúng ta sẽ vô tình tin vào việc là nếu bạn không giảm cân, tăng cân, thay đổi ngoại hình... hay đơn giản là không thể hiện được những hi sinh của bạn ra cho báo chí thì bạn không thật sự đang diễn xuất.”
4. Ví dụ
Những diễn viên thuộc trường phái Method Acting
Robert De Niro
- Tăng hơn 27kg, tập luyện boxing và tham gia vào những trận đánh boxing thật (Raging Bull)
- Trở thành tài xế taxi và làm việc theo ca 12 tiếng trong thời gian phim không bấm máy (Taxi Driver)
Min-sik Choi
- Tự đốt chính mình bằng dây điện nóng thay vì hóa trang và sử dụng kĩ xảo hình ảnh (Oldboy)
- Giết chết và ăn bạch tuộc sống vài lần trước camera mặc dù anh là một người theo đạo Phật (Oldboy)
Hilary Swank
- Sống như một người đàn ông suốt 1 tháng trước khi quay phim (Boys Don't Cry)
- Tăng hơn 8kg cơ và suýt chết vì một vết phồng rộp bị nhiễm trùng (Million Dollar Baby)