Mình học được gì từ hành trình chinh phục Everest Base Camp?
“Tôi không muốn sống tốt hơn, tôi muốn sống nhiều hơn.” Câu nói này đã trở thành phương châm sống của mình. Trong đó “tốt hơn” được hiểu là nghiên về ý đời sống vật chất hơn, còn “nhiều hơn” là nghiên về thu thập những trải nghiệm sống khác nhau.
Mình tự đặt ra một quy chuẩn trải nghiệm, tạm gọi là Expensive Experience (EE), hay còn gọi là Những trải nghiệm “đắt đỏ.”
Chúng phải hội đủ 3 yếu tố:
- Trước EE: chuẩn bị kỹ về tiền bạc, thời gian, thể trạng.
- Trong EE: toàn tâm toàn ý tập trung thực hiện.
- Sau EE: nghiệm ra các bài học, và những câu chuyện thú vị.
Nghĩa là nếu một trải nghiệm tiêu tốn nhiều tiền, nhưng khi làm không cần quá tập trung và sau đó cũng mang lại bài học gì, thì với mình đó sẽ là một trải nghiệm bình thường. Mục tiêu là mỗi năm mình phải ít nhất hai lần có loại trải nghiệm đắt đỏ.
Cuối cùng, để những trải nghiệm này trở nên “giá trị hơn,” xin chia sẻ những bài học từ góc nhìn cá nhân cho bạn đọc, vì cuộc sống là người thầy vĩ đại – cùng bài học nhưng bài giảng lại khác nhau.
Đây là những bài học từ hành trình trekking lên Everest Base Camp trong năm 2022 của mình.
1. Chúng ta chẳng bao giờ đủ sẵn sàng
Chuyến đi diễn ra vào tháng 5 năm 2022. Mình đã có hơn 3 tháng để chuẩn bị với sự giúp đỡ của huấn luyện viên cá nhân. Bạn ấy lên kế hoạch tập luyện cho các nhóm cơ phù hợp, kết hợp với ăn uống và bổ sung vitamin, thuốc hỗ trợ máu lưu thông tốt hơn để tránh bị say độ cao khi trên núi.
Chi phí cho khâu trang bị cũng tương đối cao, nhưng may mắn là mình mượn được nhiều từ đồng nghiệp cũ có cùng size, nên đã tiết kiệm được kha khá.
Dù đã dành ra nhiều thời gian, tiền bạc và cả tâm tư cẩn thận hỏi han kinh nghiệm của những người đã từng hoàn thành chuyến đi, nhưng càng gần tới ngày lên đường, nỗi sợ “mình chưa chuẩn bị đủ” vẫn cứ một nặng nề hơn.
Bây giờ nhìn lại, mình thấy nỗi sợ này thật vô lý, vì bản thân đã hoàn thành được trọn vẹn hành trình mà không có biến cố nghiêm trọng nào xảy ra.
Bài học: Ta chẳng bao giờ đủ sẵn sàng cho những mục tiêu lớn, hoặc là ta sẽ chờ mãi mãi, hoặc là cứ làm rồi ta sẽ sẵn sàng.
2. Mục tiêu là núi lớn, hành trình là bước nhỏ
Thành thật là khi còn ở Việt nam, mình chẳng mở file hành trình ra xem một lần nào, ngoại trừ vài lần kiểm tra lại checklist đồ đạc cần thiết. Phần là vì nỗi sợ mình chưa đủ sẵn sàng, phần là vì lười tra địa danh…
Thứ mình tự nhắc nhở trong nhiều tháng chuẩn bị là hình ảnh của Everest, nơi có những ngọn núi tuyết cao vời vợi và sự mong hòa vào thiên nhiên sau hai năm cách ly ở nhà. Điều này giúp mình kiên trì tập luyện và dành tâm tư trước khi bắt đầu.
Rồi khi tới Nepal, nhìn kế hoạch chi tiết, và bắt đầu những bước chân đầu tiên trên hành trình này, mình không còn nghĩ nhiều tới điểm kết thúc nữa. Thay vào đó, mình tập trung vào số km phải đi mỗi ngày, xem đâu là địa điểm kế tiếp, và quan sát khung cảnh mới hiện ra theo mỗi bước chân.
Bài học: Đặt mục tiêu lớn đi kèm với ý nghĩa, ta có sự kiên trì. Thực hiện và tận hưởng với từng bước nhỏ, ta có thêm niềm vui.
3. Nhìn lên khi bắt đầu, nhìn xuống khi đang đi, và nhìn lại khi nghỉ ngơi
Mỗi buổi sáng bắt đầu hành trình, mình luôn nhìn tới những ngọn núi cao nhất trong tầm mắt. Thỉnh thoảng mình hỏi bạn dẫn đoàn tên nó là gì, có cao hơn nơi cả đoàn sẽ đến, để tự nhắc nhở dù hôm nay, ngày mai hay ngày mốt nếu mình chưa tới đích, thì núi vẫn ở đó. Còn mình thì mỗi ngày lại gần núi hơn.
Đường ở khu người ở, thì nhiều… phân của bò Yak (được thuần hóa để thồ hàng). Còn đường ở đoạn chỉ có thiên nhiên, thì nhiều đá và bấp bênh. Mỗi bước chân đặt lên phải thật cẩn trọng, để không làm mình bị chấn thương, cũng như để không biến mình thành gánh nặng cho người khác.
Mỗi lần nghỉ chân, điều đầu tiên mình làm là xem đồng hồ đã đi được bao xa, rồi thầm nghĩ “Chà, đi được chừng này rồi mà chưa thấy mệt lắm, vẫn còn xịn.” Việc làm này vừa là để “động viên” bản thân, vừa là để nhắc rằng nếu bây giờ bỏ cuộc thì mình phải đi về mà cảnh vật chẳng có gì mới.
Bài học: Trên hành trình thực hiện mục tiêu lớn, hãy nhìn lên khi bắt đầu, để nhắc nhở ta đang cố gắng vì điều gì.
Nhìn xuống khi đang đi, để tránh những thị phi và tổn thương không đáng có.
Nhìn lại khi nghỉ ngơi, để thấy rằng ta đã làm được nhiều điều.
4. Đi nhanh chấp nhận tổn thương, đi chậm chấp nhận sốt ruột
Đoàn của mình thường chia thành 3 tốp: nhanh – vừa – chốt đoàn.
Ngày mình đi với tốp nhanh, tuy có cảm giác dẫn đầu nhưng luôn thấy cơ thể dường như bị nhiều loại áp lực. Áp lực vì duy trì phải ở trong “tốp nhanh,” áp lực vì phải căng mình lên cố gắng, và cũng chẳng thưởng thức được trọn vẹn cung đường.
Ngày đi với tốp vừa thì cứ lấp lửng cảm giác mình vẫn còn sức, có thể đi nhanh hơn để tốp đầu không phải chờ, mà đứng lại chụp ảnh thì cũng sẽ vướng tốp đầu, hoặc tốp sau.
Ngày đi với chốt đoàn, chụp cả đống ảnh, ăn hết cả kẹo ngậm nhưng vẫn chưa đi được bao xa. Ngồi nghỉ lâu thì sợ cơ thể nguội lạnh. Cái cảm giác sốt ruột chẳng dễ chịu hơn áp lực ở tốp nhanh chút nào.
Tốc độ nào thì cũng sẽ có điều khó chịu, nhưng mình sẽ chẳng đi xa được đến thế, nếu không đi cùng với một tốp trong đoàn.
Bài học: Đi nhanh chấp nhận tổn thương. Đi chậm chấp nhận sốt ruột.
5. Dù cùng mục tiêu, nhưng quỹ đạo có thể khác
Khi nói chuyện nhiều hơn với những người trong đoàn, mình nhận ra tuy mục tiêu là đến được Everest Base Camp nhưng mỗi người lại có những mối quan tâm khác nhau.
Điều đó làm mình liên tưởng tới việc có những người dù đang đi cùng nhau trên một con đường, nhưng lại có quỹ đạo sống khác nhau. Người thì quan tâm tới những ngọn núi, người thì yêu thích những con sông. Người quan tâm núi, không cần biết con sông có chảy xiết. Người yêu sông, chẳng cần hay ngọn núi lớn bao nhiêu.
Cùng mục tiêu không có nghĩa là giống nhau trong tất cả mọi thứ. Mình ý thức điều đó để tôn trọng sự khác biệt ở mỗi người trong đoàn, cũng như tạo nên sự thú vị cho hành trình.
Bài học: Dẫu cùng hướng đến một mục tiêu, mỗi người lại có thể có quỹ đạo sống khác nhau.
6. Cho đi sẽ sớm được nhận lại
Khi dừng chân ở điểm nghỉ ngơi, mọi người lại chia sẻ với nhau thực phẩm, nước hoặc đồ y tế. Mỗi lần như vậy, mình lại thấy biết ơn vì được bao quanh bởi năng lượng của những sự tử tế.
Ban đầu mình luôn nghĩ bản thân đã chuẩn bị rất kỹ càng, nên sẽ thừa chứ không thiếu. Lúc giúp đỡ người khác cũng vì thế mà mình thấy thoải mái hơn. Nhưng tới gần cuối hành trình, mình lại là người nhận nhiều từ người khác hơn là cho đi.
Bài học: Ta chẳng thể nào lường trước lúc nào ta sẽ cần người khác giúp đỡ, nên bây giờ nếu có thể hãy giúp đỡ người khác. Cho đi sẽ sớm được nhận lại.
7. Và tử tế còn là…
Có người nói “Tử tế không phải là ăn cơm không rơi vãi, mà là khi thấy người khác rơi vãi thì không nhìn.”
Từ khi lên núi cao, mình bắt đầu ngủ ngáy, nhưng bạn cùng phòng chỉ vui vẻ trách móc bông đùa. Dù mình hiểu rằng ngủ cùng người ngáy to không dễ dàng gì nếu không quen. Đã vậy hành trình này nếu không nghỉ ngơi kỹ lưỡng, sẽ mau mệt và rất nguy hiểm. Mình đã tìm cách khắc phục và từng nghĩ tới việc hay ở riêng một phòng.
Thế nhưng điều mình muốn nhấn mạnh ở đây là sự tử tế mình nhận được, sự cảm thông của người bạn cùng phòng. Nó nhắc nhở mình thêm một bài học nữa về sự tử tế.
Bài học: Ai rồi cũng sẽ có lúc làm điều khiến ta khó chịu. Tử tế là tự mình nhắc nhớ rằng điều đó có thể xuất phát từ lý do bất khả kháng. Thử tìm hiểu trước khi ra quyết định làm gì với điều khó chịu này.
8. Mạo hiểm trong sự tính toán
Trước chuyến đi, mình đã thật sự chuẩn bị “cho sự ra đi” của mình theo cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng. Mình đã gặp vài người cần gặp, giải quyết vài việc cần làm, soạn một bức thư có nội dung về: lời nhắn, tài sản, ai nợ, mật mã,… và hẹn ngày giờ gửi cho mẹ.
Mọi chuyện chỉ thật sự nghiêm trọng khi nồng độ oxy trong máu (SPO2) của mình bắt đầu tụt dưới 50% ở độ cao hơn 4400m. Lo lắng bị bắt phải dừng lại, ban đầu mình đã giấu hầu hết mọi người về tình trạng của mình.
Còn nhớ 2 ngày cuối, đã có lúc chỉ số SPO2 chỉ còn 37%, cả hành trình của mình chỉ còn nghe tiếng tim đập. (Khi nồng độ oxy thấp, tim buộc phải đập nhanh hơn để tuần hoàn máu nhiều hơn mới đủ oxy cho các cơ quan. Có thể dẫn đến suy tim.)
Đương nhiên, một trải nghiệm có thể khiến mình không còn khả năng trải nghiệm thêm những thứ khác thì sẽ chẳng đáng chút nào. Nên từ khi có biểu hiện không ổn, mình đã gợi ý và hỏi thêm về các phương pháp di chuyển nhanh hơn nếu có lỡ xảy ra điều bất trắc.
Kết quả, mình hoàn thành được hành trình lên Everest Base Camp bằng đôi chân của mình, và trở về bằng trực thăng để ngắm nhìn phong cảnh từ trên cao.
Bài học: Mạo hiểm mới có thể hoàn thành được các mục tiêu lớn. Nhưng mạo hiểm mà không có danh sách và cách xử lý các rủi ro có thể xảy ra thì ta gọi đó là liều mạng.
9. Mục tiêu của ta có thể là bước đầu của người khác
Khi thấy được hòn đá có dòng chữ “EVEREST BASE CAMP 5364m” hiện ra trước mắt, cảm giác đầu tiên là sự vui sướng vì niềm tin vào bản thân đã được xác nhận. Mình làm được, trái tim này đã dũng cảm, bền bỉ duy trì được nhịp đập để cùng nhau đi được tới đây.
Nhưng cảm giác tự hào này không thật kéo dài. Khi mình đứng trên hòn đá phóng mắt nhìn, hóa ra phía trước là một bãi lều chi chít hàng trăm người leo núi chuyên nghiệp. Họ có thể đã tới đó bằng hành trình như mình, cũng có thể đã bay bằng trực thăng, nhưng đối với họ đó chỉ là điểm xuất phát cho hành trình tiếp theo cao hơn nhiều.
Cảm giác ngay khi mình vừa mạo hiểm thành công đạt được một thứ, thì hóa ra nó chỉ là bước đầu tiên của người khác là như vậy. Nó giống như những lời thì thầm: “mình chẳng bao giờ đủ giỏi”, “thành tích này cũng bình thường thôi”,…
Bây giờ khi ngồi viết những dòng này thì mình thực sự tự hào với những gì đã trải qua, đã đi được rất xa với những gì mình có và đã học được những bài học có thể sẻ chia.
Bài học: Khi có thành tựu, ta thắng khi so sánh nó với mục tiêu đã tự đặt ra cho bản thân, nhưng sẽ luôn thua khi so sánh chúng với người khác.