Muốn biết một cặp đôi có bền hay không, hãy nhìn vào cách họ cãi nhau
Làm gì có ai yêu nhau mà không cãi nhau bao giờ? Nhưng mà cãi thế nào mới là chuyện quyết định rằng, sau tất cả, người ta ở hay đi.
Nhà tâm lý học Vikki Stark, Giám đốc của Trung tâm Tư vấn Sedona of Montreal đã trả lời phỏng vấn của tờ Huffington Post rằng, “Thay vì chơi trò công kích cá nhân, những cặp hạnh phúc thiết lập sẵn những quy tắc và hành xử dựa theo đó. Họ biết cách thể hiện cảm xúc của mình. “Giờ em đang rất giận anh đấy” thì được, chứ không nên nói, “Anh là đồ rác rưởi!””
Các cặp đôi hạnh phúc còn bí mật gì để mối quan hệ của mình vẫn yên ấm sau những cuộc cãi vã hay không?
Yên tâm, Stark và những chuyên gia xử lý quan hệ khác đã nghiên cứu giúp chúng ta rồi đây.
8. Không lảng tránh các cuộc tranh cãi
Muốn đi đường dài thì phải trải bài với nhau.
Những cặp đôi lâu bền thẳng thắn trao đổi với nhau những vấn đề mà người khác thường lơ đi. Họ ngồi xuống cùng nhau đối mặt với những chuyện khó nói như, “Nếu em đi ra nước ngoài thì mình tính sao? Anh không muốn yêu xa!”, hay “Nè, khi nào thì mình tính chuyện có con?”
“Họ không những vấn đề đó không dồn cục lại rồi ngày một nặng nề thêm”, chuyên gia tư vấn tình cảm Diane Sawaya Cloutier khẳng định.
Cô cũng nói thêm, “Tuy những chủ đề đó nhạy cảm, chúng ta nên nói với nhau luôn thay vì để mối quan hệ của mình bị hủy hoại vì những thứ đáng lẽ được giải quyết ngay từ đầu. Những cặp đôi nào chịu ngồi lại và thảo luận sẽ xử lý được những mối tai họa ngầm này.”
7. Nói chuyện từ tốn và không “cướp lời” nhau
Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Bonnie Ray Kennan quan sát thấy rằng các cuộc tranh cãi nổ ra thế nào thì cũng kết thúc thế ấy. Tranh cãi là một nghệ thuật, và người cãi là một nghệ sĩ.
Những cặp đôi lâu bền biết cách định hướng cuộc hội thoại sao cho công bằng, văn minh. Họ nói chuyện với một tông giọng nhẹ nhàng và vững vàng. Họ biết cách để làm dịu đi tình hình nếu thấy mọi chuyện bắt đầu căng thẳng.
“Biết vận dụng chiến thuật lạt mềm buộc chặt có thể cho ra một kết quả ngoạn mục”, cô nói thêm. “Càng khơi mào gay gắt thì càng khó dàn xếp, đặc biệt là với cánh đàn ông.”
Những đôi tình nhân đã lên đẳng thượng thừa bộ môn tranh cãi hiểu rất rõ giá trị của việc cho và nhận, “Khi một người nói, người còn lại phải thật sự lắng nghe.”
6. Không thể hiện sự khinh bỉ
Những người đã yêu nhau lâu bền hiếm khi nào rơi vào những cuộc tranh đấu máu chảy đầu rơi vì họ không dùng đến những chiêu con nít: bất kể mọi chuyện có ban căng đến mức nào, họ cũng sẽ không gằn tên nhau, không trợn mắt bĩu môi và không cà khịa nhau.
“Cả hai đều biết rằng những hành động thể hiện sự khinh thường nhau như vậy một khi đã nhỡ làm trong phút nóng giận là không rút lại được”, cô Kennan tư vấn. “Càng chín chắn thì họ càng nhận ra tác hại của những hành động đó, để biết mà tránh không mắc phải chúng.”
5. “Hạ nhiệt” cũng là một nghệ thuật
Mọi chuyện có thể vượt tầm kiểm soát, nhưng cảm xúc tiêu cực thì không nên. Những người tranh luận lão luyện rất coi trọng việc dành ra một khoảng lặng, có thể là chỉ để đếm từ 1 đến 10 rồi hít vào thở ra, hoặc đơn giản là nói với nửa kia, “Nè em, sáng mai mình nói chuyện này sau ha?”
“Họ biết nắm bắt và trân trọng những tâm tư tình cảm của chính mình, nhưng không để chúng chỉ huy họ. Nếu nổi nóng thì rửa mặt bằng nước lạnh để giữ cho mình luôn bình tĩnh. Khi cả hai đều biết cách làm nguội đầu mình thì sẽ đạt tới một thỏa thuận trong hòa bình”, nhà trị liệu hôn nhân Amy Kipp tư vấn.
4. Cãi nhau… theo quy định
Không cặp đôi nào thần thánh đến mức chưa từng lỡ lời hay móc đểu nhau khi cáu, kể cả những đôi đã yêu nhau lâu rồi. Sự khác biệt nằm ở chỗ, họ học được từ những sai lầm đó.
Theo chuyên gia Mario P. Cloutier, sau một cuộc cãi vã quá khích đầy tính bản năng, những người sáng suốt sẽ thiết đặt ra một vài luật lệ để tránh trường hợp điều tương tự xảy ra lần nữa.
Những luật này có thể rất cụ thể, ví dụ, “Lần sau không ai được ngắt lời ai nữa nhé,” hoặc tổng quan hơn, “Đây không phải là chuyện ai đúng ai sai, mình cần thống nhất với nhau để giải quyết vấn đề thôi.”
3. Cố gắng hiểu cho người kia trước khi phán xét
Cô Kipp cho rằng, bất đồng quan điểm là bình thường, nhưng quan trọng là biết cách nhìn được nhiều mặt của vấn đề.
“Chẳng hạn như, ‘Em biết anh không đồng ý với em, nhưng anh vẫn chịu lắng nghe lời em nói. Điều đó làm em rất cảm động’. Những lời tích cực thế này sẽ khiến người kia hạ bớt lớp rào chắn để mở lòng cho những cuộc nói chuyện mang tính xây dựng hơn.”
2. Ai cũng có quyền hoài nghi
Những người sống healthy và balance sẽ không vội vã kết luận khi đang nói chuyện. Họ không ngay lập tức lên án kiểu, “Anh chán tôi rồi chứ gì?”, “Cô thích thì tìm thằng khác mà yêu” chỉ vì người kia mới nêu lên một vấn đề. Họ kìm nỗi bất an của mình lại để lắng nghe người kia giãi bày điều nghi vấn trong lòng họ.
Kipp giải thích thêm, “Những mối quan hệ lành mạnh là khi người ta biết chấp nhận rằng người kia đã làm hết sức mình rồi. Trong một cuộc tranh cãi, cả hai cần nhớ rằng họ có chung một mục đích: muốn điều tốt đẹp cho đôi bên. Và cuộc tranh cãi sẽ có mục tiêu là cùng chung tay giải quyết vấn đề thay vì dành cho được phần thắng.”
1. Một đôi = một đội
Kể cả những khi gay gắt nhất, những cặp đôi lâu năm vẫn hiểu rằng họ chung một đội, dù là lúc thịnh vượng hay gian nan, dù khi bệnh hoạn hay mạnh khỏe. Khi cuộc cãi vã lên đến đỉnh điểm, cả hai đều thống nhất rằng sẽ tạm nghỉ và kiếm cái gì đó để ăn.
Nhà tâm lý học Stark chỉ ra, “Những cặp đôi có một mối quan hệ viên mãn là vì họ luôn biết rằng, dù cãi cọ đến thế nào đi nữa, thì cuộc đời vẫn cứ tiếp diễn. Vì thế nên họ không muốn truyền thương tổn nào của hôm nay lại cho ngày mai. Ngay cả khi đang kích động, họ vẫn suy nghĩ cho giá trị lâu dài của mối quan hệ và tương lai của hai người.”
, được chuyển ngữ bởi Anastasia.
Xem thêm:
[Bài viết] Muốn ngăn đứa bạn hay than ế, hãy giúp bạn có bồ
[Bài viết] Cứ yêu đơn phương đi, không “lỗ” đâu