Năm 14 tuổi anh quyết định “dạt nhà”

Đó cũng là lúc anh hiểu được, một đứa trẻ đường phố nghĩa là như thế nào?
Phan Chung
Anh Đỗ Duy Vị (trái) và Michael.

Anh Đỗ Duy Vị (trái) và Michael.

Đa số câu chuyện của những đứa trẻ đường phố đều có chung một motif thế này: Gia đình nghèo, không hạnh phúc (hoặc cả hai), sống trong môi trường bị bạo hành thể xác, tâm hồn từ nhỏ. Chúng cảm thấy bất ổn. Ngôi nhà không còn là nơi nương náu an toàn với chúng nữa.

Rồi chúng quyết định dạt nhà. Thành phố lớn là "miền đất hứa". Kiểu gì thì cũng sống được thôi, tặc lưỡi, rồi chân bước đi.

Anh biết câu trả lời cho câu hỏi đó vì năm 14 tuổi anh quyết định dạt nhà. Lý do thì nhiều lắm. Nhà anh nghèo. Bố anh thường xuyên đi làm việc ở xa, mẹ cũng bận bịu để nuôi cả gia đình. Từ Nam Định lên Hà Nội, anh kiếm sống bằng nghề đánh giày.

Hồi đó, anh cứ lang thang trên đường phố thế thôi. Gặp khách nào thì xin đánh giày cho khách đó. Họ trả tiền thì mình có tiền ăn và trả tiền thuê trọ, có người thì quỵt và còn bị ăn… bạt tai.

Khi đã có đồ ăn thì đến lượt lo đến chỗ ngủ. May mắn thì tìm được chỗ trọ rẻ tiền để ngủ qua đêm. Nhiều trẻ đường phố không có tiền thuê trọ, vẫn phải ngủ dưới gầm cầu.

Nhưng mọi câu chuyện đều có một nút thắt hoặc một cao trào nào đó. Câu chuyện của anh cũng vậy. Với anh, đó là lúc gặp Michael. Rồi anh cùng "đồng bọn" có chỗ để học, và trên hết, cảm thấy được an toàn.

Anh cũng bắt đầu học và cũng xây dựng ước mơ riêng. Anh học thêm về lữ hành - khách sạn, rồi cũng mày mò công nghệ - tin học cơ bản. Rồi anh tìm được công việc tại một quán bar. Mọi thứ tốt dần lên và anh thích công việc đó lắm.

Nhưng đi một vòng rồi một ngày nọ anh lại quay về với… đường phố. Ban đầu anh cũng không có định hướng gì nhiều, nhưng càng tiếp xúc trẻ đường phố, anh lại nghĩ về chính câu chuyện của mình.

Hơn ai hết anh biết thành phố đầy rẫy những điều không lường trước được. Một đứa trẻ đường phố là như thế nào và chúng có thể đối diện với những rủi ro gì? Chúng có thể đói, khát, ngủ gầm cầu, bị đánh đập, bị kẻ biến thái lạm dụng, đi vào con đường ma túy, phạm tội…

Mà trẻ đường phố đâu phải lúc nào là bạn bè của nhau. Chúng có hội, có nhóm, cũng lao vào tệ nạn, từ đánh nhau hay ăn cắp vặt… Trên tất cả, trẻ em chẳng có gì để làm động lực, tạo ra một sự thay đổi lớn lao. Tương lai phía trước mặt là gì chúng không biết được?

Anh đến với Blue Dragon Children's Foundation với câu chuyện như thế. Anh nghĩ là mình có thể giúp đỡ được điều gì đó. Trẻ em đường phố, trẻ em, phụ nữ bị làm việc cưỡng bức, rồi buôn người… Cứ mỗi trường hợp mình có thể giúp đỡ, là một niềm ước mơ và hạnh phúc được thắp lên trong mình.

Thực ra anh chẳng xem đó là công việc (dù anh biết rất rõ trách nhiệm của mình). Anh bắt đầu mỗi ngày bằng niềm hạnh phúc.

Nó có thể đến từ đêm trước mình đã “giải cứu” hay hỗ trợ được những người nào trên đường phố. Và sáng nay, trung tâm đã trở thành nơi an toàn cho bao nhiêu người.

(Câu chuyện được chia sẻ bởi anh Đỗ Duy Vị, Co-CEO của Blue Dragon Children's Foundation)


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục