Nếu đang chênh vênh, thử tìm lại phương hướng bằng “la bàn cuộc đời”
Nhiều năm trước có một suy nghĩ cứ quẩn quanh trong đầu mình. Đó là việc được sinh ra trên đời giống như bị ném vào một khu rừng rộng lớn, đầy rủi ro chờ chực và mục tiêu của chúng ta là phải tiếp tục sinh tồn. Trong hành trình sinh tồn đó, ta được cho thêm bản năng tò mò và muốn nhiều hơn những thứ mình đang có.
Thứ bản năng này thôi thúc ta phải phát triển bản thân, bước ra khỏi khu vực quen thuộc, tìm xem có thứ trái cây nào ngon ngọt hơn hay có loại trải nghiệm nào vui thú hơn đang chờ.
Thế nhưng, làm thế nào để đưa ra lựa chọn khi bên trái của khu rừng đang có tiếng suối róc rách hứa hẹn những chú cá tươi béo, còn bên phải thì lại thoang thoảng mùi dâu rừng vừa chín mọng? Rồi phải làm thế nào khi ta cảm thấy lạc lõng mất phương hướng? Làm thế nào khi mọi thứ không diễn ra như cách ta muốn, hay khi cảm thấy mình mâu thuẫn với chính mình?
Nếu bạn đang muốn thử điều gì đó mới, có thể tham khảo cách xác định la bàn cuộc đời dựa trên các giá trị cá nhân được chia sẻ trong bài viết này. Tuy nhiên lưu ý đây chỉ là một khái niệm mình phát triển dựa trên những trải nghiệm của bản thân và những kiến thức đọc được ở những nơi khác.
Vậy nếu một chiếc la bàn bình thường có 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc thì “la bàn cuộc đời” gồm những gì?
La bàn của cuộc đời
“Life is a series of trade-offs.”
Tạm dịch: Cuộc sống là một chuỗi các đánh đổi.
Nếu có một nhà biên kịch cho cuộc sống của chúng ta, thì dường như người đó chỉ có một motif cho mọi tình huống. Có ba mẹ lo lắng, chăm sóc thì lại hay áp đặt quan điểm. Có cô người yêu quan tâm thì lại hay ghen. Có một anh sếp giỏi giang thì lại khó tính.
Điều này dẫn đến bản chất của mỗi quyết định mình đưa ra trong cuộc sống này đều là “sự đánh đổi”. Nghĩa là mỗi lần quyết định chọn hướng này là phải hy sinh hướng kia, với mong muốn sẽ có những kết quả mong muốn hoặc có một bản thể “tôi” tốt hơn.
Cái khó ở chỗ dựa vào đâu để xác định thế nào là tốt hơn trước khi đưa ra quyết định?
Ví dụ, nếu tốt hơn là ốm hơn, thước đo sẽ là cân nặng. Nếu tốt hơn là giàu hơn, thước đo sẽ là giá trị tài sản.
Nhưng cuộc sống này lại không đơn giản như thế, nó đòi hỏi chúng ta cần phải có một tập hợp các giá trị phức tạp khác nhau cho những quyết định liên tục phải đưa ra trong đời.
Và bởi vì hành trình của mỗi người là độc bản, nên những tập hợp này sẽ có sự khác nhau. Nếu là người coi trọng sự phiêu lưu, tốt hơn là khi bạn được đi nhiều nơi hơn. Nếu là người coi trọng sự tốt bụng, tốt hơn là khi bạn giúp được nhiều người hơn.
Dù là gì, những giá trị cá nhân này đóng vai trò rất quan trọng, bởi nó giúp việc đưa ra quyết định trở nên dễ dàng hơn, và khi đạt được những giá trị này, ta cũng sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều về mặt cảm xúc.
La bàn cuộc đời sẽ là tập hợp các giá trị cá nhân của một người, ảnh hưởng lên thang giá trị và thế giới quan của người đó.
Vẽ chiếc la bàn cuộc đời dựa trên các giá trị cá nhân
Vì la bàn có 4 hướng, nên có thể bắt đầu bằng 4 khía cạnh cơ bản:
- Hướng Bắc: Gia đình - Đây có lẽ là khía cạnh quan trọng nhất với mỗi người. La bàn của mình để ở hướng Bắc, như ngôi sao sáng nhất để hướng về, đặc biệt là khi cảm thấy lạc lối, mất niềm tin.
- Hướng Đông: Công việc - Hẳn là mục tiêu lớn của việc phát triển bản thân là để có một sự nghiệp vững vàng, công việc mong muốn.
- Hướng Nam: Bạn bè - Là những mối quan hệ mình muốn kết giao, duy trì trong cuộc sống.
- Hướng Tây: Tình yêu - Là người mà mình muốn gắn bó, trở thành một phần ảnh hưởng tới những quyết định quan trọng.
Nhìn vào 4 hướng này ta có thể nhìn thấy một vài điều thú vị. Khi những quyết định hướng về phía:
- Đông - Bắc: Ta củng cố sự nghiệp với mục tiêu có thể chăm lo cho gia đình.
- Đông - Nam: Ta kết giao với ai đó để có thêm những mối quan hệ hỗ trợ cho công việc.
- Tây - Nam: Ta có những tình yêu là phiên bản nâng cấp từ một tình bạn trước đó.
- Tây - Bắc: Và khi tình yêu đủ sâu đậm với những quyết định sáng suốt, nó sẽ trở thành gia đình.
Bắt đầu từ phía Bắc, ta bắt đầu xác định các giá trị cá nhân bằng một vài câu hỏi:
- Bạn mong muốn điều gì cho gia đình?
- Tại sao bạn muốn những điều này cho gia đình?
- Đâu là những lúc ở bên gia đình bạn thấy hạnh phúc nhất?
- Điều gì là lý do cho những nỗi buồn về gia đình bên trong bạn?
- Bạn đã thấy một gia đình khác có những điều mà bạn thầm ước gia đình mình cũng có? Đó là những điều gì?
Hãy cẩn thận trả lời những câu hỏi này, ghi ra danh sách từ khóa các giá trị tương ứng. (Đọc thêm về cách xác định các giá trị cá nhân từ Mark Manson.)
Bạn có thể tham khảo những giá trị mình đang hiện có:
- Gia đình: an toàn, bảo vệ, trách nhiệm, biết ơn, rộng lượng, kiên nhẫn, bên nhau.
- Công việc: sáng tạo, phiêu lưu, kiên trì, trách nhiệm, hứng thú, thử thách, thành tích.
- Bạn bè: đơn giản, thẳng thắn, tin tưởng, tôn trọng, trung thực, đồng cảm, vui vẻ.
- Tình yêu: được là chính mình, chân thành, chia sẻ, thân mật, độc lập, phát triển, thấu cảm.
Số lượng giá trị bao nhiêu là đủ? Cái này tuỳ vào mỗi người, nhưng càng nhiều sẽ càng khó đưa ra những quyết định đảm bảo được tất cả các giá trị đó.
Áp dụng các giá trị này như thế nào?
Khi đã có một danh sách những giá trị này, điều tiếp theo cần phải làm là sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên. Việc sắp xếp này đi theo 2 chiều.
Một là chiều hướng. Bạn phải chọn ưu tiên giữa gia đình, công việc, bạn bè và tình yêu.
Hai là chiều giá trị. Chẳng hạn trong gia đình thì thứ tự các giá trị sắp xếp như thế nào.
Khi đã xong, mỗi khi phải đưa ra những quyết định khó khăn, bạn hãy nhìn vào la bàn này, xem xét để đưa ra lựa chọn đánh đổi.
Giả sử bạn đang ở trong tình huống có bữa hẹn ăn tối với gia đình, nhưng một đối tác quan trọng cũng muốn gặp bạn để trao đổi và làm thân. Bạn sẽ dựa vào đâu để đưa ra quyết định mà không sợ phải hối tiếc?
Bây giờ thử nhìn vào la bàn, nếu bạn đang đi về hướng Đông - Bắc với những giá trị tương tự như của mình, thử đặt các câu hỏi:
- Liệu việc gặp gỡ đối tác này có nằm trong trách nhiệm với công việc mình buộc phải làm, và nó có hứng thú hay tạo ra thành tích gì hay không?
- Nếu mình dời lại giờ hẹn với gia đình, thì mình có được rộng lượng bỏ qua vì đã mất đi những khoảng thời gian ở bên nhau?
Chắc hẳn, trả lời xong những câu hỏi như vậy sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định, cũng như có cách giao tiếp phù hợp cho bên mà bạn đã không chọn.
Ngoài ra, có thể thử kết hợp với các giá trị này khi thiết lập các mục tiêu trong cuộc sống, bạn sẽ dễ có được các danh sách cụ thể cần làm để đạt được mục tiêu đó.
Làm gì khi xung đột giá trị?
Mình muốn lưu ý lại một lần nữa là: cuộc sống này không đơn giản đến mức chỉ cần ngồi hí hoáy viết ra một cái la bàn là có thể dễ dàng đưa ra mọi quyết định đúng đắn.
Chắc chắn ta sẽ phải đối mặt với những thời điểm mà giá trị của mình xung đột với người xung quanh. Chẳng hạn như mẹ mình từng không đánh giá cao những công việc liên quan tới sáng tạo. Vì thế mình buộc phải đánh đổi cảm giác an toàn cho mẹ để chọn giá trị sáng tạo trong công việc.
Mặt khác, những giá trị này cũng có thể tự xung đột lẫn nhau. Ví dụ, sự thẳng thắn của mình có thể làm tổn thương người bạn thân khi mình nói với họ sự thật.
Đây sẽ là lúc mình cần khéo léo hơn trong việc vận dụng các kỹ năng khác để giải quyết. Quan trọng là mình không vì một giá trị ít ưu tiên hơn là sự vui vẻ mà bỏ qua giá trị thẳng thắn, chỉ vì nó mang tới một tình huống tiêu cực tạm thời. Và với mình sự thiếu thẳng thắn, trung thực khi xảy ra các tình huống xung đột lợi ích cá nhân mới là thứ hủy hoại tình bạn ghê gớm nhất.
Bên cạnh đó, cũng sẽ có lúc các giá trị này cần phải thay đổi để thích nghi. Nó xảy ra ở 2 trường hợp:
- Khi thế giới quan của chúng ta thay đổi, thường là sau khi trải qua biến cố lớn hay học được một bài học sâu sắc nào đó.
- Khi ta thay đổi hoàn cảnh sống, trách nhiệm tăng lên, chẳng hạn như ta lập gia đình và có con cái.
Thế nên, tốt nhất hãy dành ra một khoảng thời gian ngồi nhìn lại những quyết định quan trọng đã đưa ra và xem thử liệu có cần thay đổi thứ tự ưu tiên, hoặc thêm bớt các giá trị mới hay không. Hay thậm chí đánh giá xem liệu có cần chiếc la bàn này nữa không, nếu nó không phải là một phương pháp hiệu quả dành cho bạn.
Những suy nghĩ cuối
Đây chỉ là một phương pháp khái niệm hóa các giá trị trừu tượng trong cuộc sống để giúp chúng ta hiểu bản thân mình hơn và đưa ra các quyết định dựa trên sự hiểu biết này.
Bạn có thể đọc cho vui, hoặc thử áp dụng nó vì dù sao cũng chả mất gì cả. Và bạn còn có thể sáng tạo 4 phương của la bàn cuộc đời theo những khía cạnh nhỏ hơn như:
- Bản thân: mind, soul, body, spirit
- Công việc: lương, kinh nghiệm, môi trường, niềm vui
Bản thân mình cũng không phải là người luôn có những quyết định tốt hay không mắc sai lầm, thậm chí có những sai lầm mắc đi mắc lại vì đa phần nó đi ngược các giá trị mình tin tưởng. Mình cũng nhiều lần quyết định theo cảm xúc nhất thời lúc đấy.
Nhưng dù gì, việc có sẵn một hệ giá trị để dựa vào khi phải đưa ra những lựa chọn khó khăn vẫn tốt hơn là quyết định trong mông lung rồi hối hận khi nhìn lại. Dù kết quả có thể nào, chỉ cần là bạn đã quyết định dựa trên những giá trị mà bản thân tin tưởng, thì ít nhất sau này nhìn lại cũng có thể nói: “Lúc đó mình cũng đã sống thật với chính mình rồi”.
Hy vọng bạn tìm thấy những giá trị từ bài viết này.