Câu chuyện đồ chơi của Ti Du

Ti Du bằng tất cả niềm đam mê đối với lĩnh vực tạo hình. Không dừng lại ở việc sản xuất các đạo cụ, cô bạn này còn tự thiết kế, cho ra mắt dòng art toy độc quyền.

Kỳ Thơ
Nguồn: Ti Du

Nguồn: Ti Du

Chúng tôi biết đến Tidu Workshop qua những lần theo dõi tác phẩm của Giám đốc sáng tạo Dzũng Yoko, nhiếp ảnh gia Monkey Minh và lời giới thiệu từ The Lab Saigon. Đây là một trong những xưởng thủ công nổi tiếng trong giới sáng tạo bởi vì độ hiếm và lạ của các sản phẩm do họ làm ra–đạo cụ được tạo hình bằng đất sét.

Tidu Workshop được thành lập bởi cô bạn Ti Du (tên thật là Nguyễn Tiểu Dung) bằng tất cả niềm đam mê, yêu thích đối với lĩnh vực tạo hình và thủ công. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất các đạo cụ hay sản phẩm phục vụ cho các dự án thương mại, cô bạn này còn tự thiết kế và cho ra mắt dòng art toy độc quyền.

Cùng Vietcetera lắng nghe Ti Du chia sẻ về nghề làm art toy thủ công.

Cơ duyên nào dẫn Ti Du đến với công việc tạo hình nhân vật và sáng tạo art toy?

Mình vốn say mê sưu tầm đồ chơi từ nhỏ. Thời còn đi học, mình thường nhịn ăn nhịn uống, dành tiền tiêu vặt để mua những bức tượng nhỏ làm bằng thạch cao và sứ. Đối với mình, cảm giác xếp chúng thành từng hàng và trưng bày quanh nhà để ngắm sung sướng đến khó tả.

Những năm Đại học là lúc mình bắt đầu biết đến đất sét Nhật và tập tành tạo hình những nhân vật hoạt hình yêu thích. Sau một năm, nhận thấy thị trường rộ lên phong trào móc khoá chibi handmade, mình đánh liều biến đam mê thành mô hình kinh doanh. May mắn là công việc này không những mang đến nguồn thu nhập ổn định mà còn có tiềm năng phát triển tốt, nên mình dồn cả tâm huyết để theo đuổi nó.

Không chỉ dừng lại ở những chiếc móc khoá hay hình nhân vật có sẵn, mình còn mong muốn được thiết kế và chế tác những nhân vật riêng. Vì vậy, song song với những dự án thương mại, Tidu Workshop còn là nơi mình nghiên cứu và thiết kế các nhân vật art toy. Tính đến nay, trong hành trình 9 năm sự nghiệp, đây là năm thứ 5 mình tập trung vào bộ môn này, và vẫn đang nỗ lực từng bước xây dựng chỗ đứng cho các sản phẩm art toy của Tidu Workshop.

Ở Việt Nam, art toy vẫn còn rất mới mẻ. Ti Du có thể chia sẻ một số điểm khác biệt của bộ môn này được không?

Tương tự như các loại đồ chơi khác trên thị trường–có nhân vật được thiết kế với câu chuyện và ý nghĩa cụ thể, nhưng art toy mang tính sưu tầm và giá trị tinh thần nhiều hơn bởi mỗi nhân vật chỉ sản xuất với số lượng giới hạn. Giá thành của art toy không nhất thiết dựa trên chất liệu và độ chi tiết mà quan trọng là người nghệ nhân làm ra nó. Đối tượng sưu tầm art toy thường là các bạn trẻ, có thu nhập tầm trung trở lên và ưa thích các sản phẩm đồ chơi được làm thủ công.

Theo bạn, đâu là những tố chất cần có để trở thành một nghệ nhân art toy?

Trước hết, bản thân bạn phải có tình yêu với các món đồ chơi tạo hình, không chỉ đơn giản là nhìn ngắm mà còn muốn tận tay chạm vào. Tiếp đến là niềm yêu thích với công việc thủ công, vì nó đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và sự tỉ mỉ. Nếu không thật sự yêu thích, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc. Theo mình, năng khiếu chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ của sự thành công, phần lớn là do công sức và thời gian mà bạn sẵn lòng bỏ ra để mài dũa tay nghề.

Thế mạnh nào ở bản thân giúp Ti Du có thể chinh phục công việc này?

Đó là sự kiên trì, cần cù bù thông minh. (Cười) Đến bây giờ mình vẫn không ngừng tự học và “nhúng tay” vào làm, dù đó là những bước cơ bản nhất. Nhờ đó mà mình có thể nắm rõ từng khâu triển khai và có sự thấu hiểu sâu sắc đối với từng sản phẩm.

Còn khuyết điểm thì sao?

Mình là người có tính khá bốc đồng. Có lần nhìn thấy sản phẩm mới ra lò đẹp quá nên mình vội vàng chụp rồi đăng lên trang. Không ngờ đơn đặt hàng nhiều đến nỗi cả đội phải gấp rút sản xuất. Từ đó dẫn đến việc số lượng và chất lượng của các sản phẩm bán ra thiếu hụt, không đồng đều.

Sự việc đó trở thành bài học kinh nghiệm cho mình và cả nhóm. Sau này, các bạn trong nhóm có thêm một ‘nhiệm vụ’, một ‘thói quen’ mới là nhắc nhở Ti Du ‘kiềm chế’ sự phấn khích lại. (Cười)

Quá trình thiết kế và sản xuất art toy tại Tidu Workshop thường diễn ra như thế nào?

Thời gian đầu, mình tự học và đảm đương tất cả các khâu từ thiết kế, tạo hình, nội dung cho đến kinh doanh. Đến năm 2017, xưởng bắt đầu chào đón các thành viên mới, và các bạn ấy giúp mình đảm đương các bộ phận khác nhau.

Mình sẽ là người lên ý tưởng, thiết kế và tạo mẫu nhân vật. Công việc này bao gồm cả việc xây dựng câu chuyện, ý nghĩa và chức năng của nhân vật. Tiếp đến sẽ chuyển giao cho nhóm sản xuất, trong khi đó, một nhóm khác sẽ bắt đầu nghiên cứu phần thiết kế bao bì, hộp đựng sao cho phù hợp với nhân vật. Thông thường chúng mình cần khoảng một tháng để hoàn thành một đợt sản phẩm đủ tiêu chuẩn về chất lượng lẫn số lượng.

Bạn có thể chia sẻ một vài lợi thế và trở ngại của người làm art toy thủ công được không?

Sản xuất thủ công bằng đất sét vừa là lợi thế vừa là trở ngại của Tidu Workshop. Tuy bị hạn chế về mặt số lượng, nhưng các sản phẩm thủ công quả thật đôi lúc lại có hồn và mang tính cá nhân hơn những sản phẩm được sản xuất đại trà. Nhiều khách hàng chia sẻ rằng tuy thiết kế của chúng mình đơn giản, nhưng bằng cách nào đó, chúng mang lại cảm giác gần gũi, đáng trân trọng hơn. Với mình, tạo được một mắt xích liên kết cảm xúc nho nhỏ như thế đã là một thành công.

Ti Du nhận thấy thị trường art toy Việt Nam có những thay đổi gì so với quá khứ? Và tiềm năng của nó trong tương lai?

Theo thời gian, tạo hình art toy từ chỗ sở thích thủ công cá nhân đang dần nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Ngành tạo dáng hiện đã được đào tạo chính quy, và các sản phẩm art toy đang được các bạn trẻ Việt sản xuất theo phương pháp công nghiệp hiện đại hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, art toy vẫn là một bộ môn mới, các thương hiệu art toy Việt vẫn còn rất ít và đang ở giai đoạn tạo dựng chỗ đứng cho mình.

Dự định sắp tới của Tidu Workshop là gì?

Sắp tới mình hợp tác với các đối tác nước ngoài để có thể cho ra mắt nhiều dòng art toy hơn. Ngoài các sản phẩm thủ công, mình còn áp dụng phương pháp sản xuất hàng loạt dưới hình thức đúc nhựa nhằm tiếp cận nhiều khách hàng trong nước và quốc tế hơn. Tuy nhiên, dù ở bằng phương pháp gì, tụi mình vẫn sẽ cố gắng để giữ nguyên cái hồn của từng nhân vật.

Xem thêm:

[Bài viết] Nghề Lạ: Fashionista Châu Bùi, “Sống là chính mình, và không ngừng biến hoá.”

[Bài viết] Nghề Lạ: Xây dựng thương hiệu phong cách sống cùng Quang Đại


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục