“Người tiêu dùng của tương lai sẽ không chờ đợi bạn”
Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Vietcetera Podcast | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.
Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Podcast Vietcetera | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.
Kể từ khi đại dịch bùng nổ, thương mại điện tử Đông Nam Á đón thêm hơn 70 triệu người dùng mới gia nhập, bất kể là người mua sắm hay bán hàng. Con số này lớn tương đương tổng số dân các nước thuộc UK cộng lại.
Chúng ta đang trải qua một trong những giai đoạn bất ổn nhất của thời đại. Dù đại dịch đã gần tới hồi kết, những mối hiểm họa khác vẫn tiếp tục hiện diện: Chiến tranh, lạm phát, dự đoán về suy thoái kinh tế, và vấn đề về chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo SYNC Đông Nam Á mới nhất, dù đứng trước những nguy cơ gia tăng trên toàn cầu, khu vực Đông Nam Á vẫn duy trì tốc độ phát triển và năng lực phục hồi tốt, đặc biệt là Việt Nam. Thời điểm bất ổn này có thể xem là một “gờ giảm tốc” cho tốc độ phát triển thương mại điện tử trong khu vực, những cũng là cơ hội để nhìn nhận lại và tìm ra hướng đi phù hợp cho năm tiếp theo.
Trong tập Vietnam Innovators lần này, host Hảo Trần đã có buổi trò chuyện trực tuyến với ông Dhruv Vohra – Giám đốc quản lý thị trường vừa và nhỏ tại Đông Nam Á của Meta, và ông Praneeth Yendamuri – Partner tại công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company. Đều làm việc tại Singapore, ông Dhruv và Praneeth là hai chuyên gia trong khu vực trong ngành thương mại điện tử, phân tích hành vi của người tiêu dùng số, và những vấn đề xoay quanh chuyển đổi số.
Trong buổi trò chuyện, cả hai đã chỉ ra những điểm nổi bật trong bản báo cáo SYNC Đông Nam Á 2022 và vị trí của Việt Nam trong khu vực. Ngoài ra, hai chuyên gia cũng đưa ra những đề xuất có ích cho các doanh nghiệp Việt, bất kể quy mô và lĩnh vực, để họ có thể nắm bắt được những xu hướng đang lên trong thị trường.
“Người tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á: Giai đoạn phát triển mới”
Đây là năm thứ 5 Meta phối hợp với Bain & Company cho ra mắt SYNC Đông Nam Á, loạt báo cáo chuyên phân tích hành vi của người dùng số - đối tượng có sự tăng trưởng mạnh trong khu vực.
Hiện nay, quá trình số hóa đã và đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, tạo ra tác động to lớn lên toàn cầu. Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của một công ty kỹ thuật số bất kỳ, đặc biệt là trong 5 đến 10 năm qua, sẽ dễ thấy rằng sự bùng nổ hiện tại của thương mại điện tử và kỹ thuật số là một kết quả tất yếu.
“Mười năm trước, không ai tưởng tượng được mình có thể ra đường mà không cần mang theo ví, chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể thanh toán mọi thứ. Cũng không ai nghĩ đến việc đăng ký ngủ nhờ trên ghế sô pha ở nhà người lạ khi đi du lịch bụi.” - Praneeth chia sẻ. Sự thay đổi mà số hóa mang lại là một hiện tượng và cũng là động lực thúc đẩy Meta cùng Bain bắt tay thực hiện khảo sát này.
“Thông qua khảo sát này, Dhruv và tôi muốn kể lại chính xác những thay đổi đang diễn ra ở Đông Nam Á nói chung và từng thị trường trong khu vực nói riêng.”
Họ đã phỏng vấn hơn 40 nhà lãnh đạo hàng đầu, gồm các nhà sáng lập của các doanh nghiệp và thương hiệu dẫn đầu trong cuộc đua số hóa ở mọi lĩnh vực và ngành nghề. Khảo sát cũng thu thập quan điểm của những nhà hoạch định chính sách về tình hình số hóa trong năm qua. Ngoài ra, ông Praneeth cũng cho biết thêm: “Cuộc khảo sát có quy mô sâu rộng, tiếp cận khoảng 20.000 người tiêu dùng khắp thị trường Đông Nam Á.”
Bảng câu hỏi do Meta và Bain & Company soạn đề cập đến hành vi của người tiêu dùng khi sử dụng phương tiện truyền thông, cách thức người tiêu dùng dùng phát hiện một thương hiệu hoặc trang web mới, điều gì khiến họ chuyển sang dùng thương mại điện tử, v.v.
Chia sẻ những điểm nổi bật chính trong báo cáo và vị trí của Việt Nam trong thị trường số hóa, ông Dhruv cho biết:
- Tại Việt Nam, giá trị trung bình của một đơn hàng trực tuyến đã tăng từ 45 lên 50 đô la Mỹ, nhưng tần suất mua sắm lại giảm.
Ông giải thích, điều này nghĩa là giá trị của sử dụng các kênh trực tuyến đã tăng thêm 5 đô la Mỹ. Tuy nhiên, khi cuộc sống quay trở lại bình thường và các cửa hàng dần mở cửa trở lại, tần suất mua sắm trực tuyến lại giảm đi.
- Trong khu vực có hai xu hướng đang diễn ra song song
(1) Ngày càng có nhiều người dùng số mới tham gia thương mại điện tử.
(2) Những người tiêu dùng số hiện tại có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Điều này cho thấy người tiêu dùng Đông Nam Á rất thích tìm kiếm những trải nghiệm mua sắm mới mẻ.
- 53% người tiêu dùng Đông Nam Á đã thay đổi thương hiệu sử dụng trong 3 tháng qua
Những lý do phổ biến nhất dẫn đến thay đổi thương hiệu ở người tiêu dùng là để tìm kiếm giá trị và chất lượng sản phẩm tốt hơn. Tương tự, 40% số người tham gia khảo sát cho biết họ cũng thay đổi kênh mua sắm trực tuyến trong ba tháng qua.
“Báo cáo này cho thấy tương lai mà công nghệ mang lại cũng như khả năng kiểm soát của khu vực trước những bất ổn đang gia tăng trên thế giới. Không có khu vực nào vẫn phát triển ổn định bất chấp các khó khăn toàn cầu như Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam nằm ở tuyến đầu thúc đẩy xu hướng mua sắm trực tuyến.” - Dhruv cho biết.
“Thương mại điện tử của Việt Nam được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) cao nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2027. Thậm chí, giá trị thương mại trực tuyến của Việt Nam có thể lớn bằng Thái Lan và lớn hơn Philippines.”
Dhruv cũng nhấn mạnh rằng năm vừa qua Việt Nam có số người dùng trực tuyến cao nhất trong khu vực. Điều này càng khẳng định vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng số ở Việt Nam vẫn duy trì ổn định, vì triển vọng và cơ hội mà thương mại điện tử mang lại đánh bật được những khó khăn của tình hình bất ổn hiện nay. Chúng tôi thấy người tiêu dùng đang khám phá, trải nghiệm các thương hiệu khác nhau và tìm kiếm nhiều giá trị hơn trên hành trình mua sắm, đồng thời muốn được tương tác nhiều hơn với thương hiệu.
Dhruv và Praneeth cũng nhấn mạnh sức tăng trưởng của Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng vọt về cả số lượng.
Như đã đề cập trong báo cáo, "người tiêu dùng của tương lai sẽ không chờ đợi bạn."
Để giúp các doanh nghiệp Việt nắm bắt được những yêu cầu của người tiêu dùng tương lai và vạch ra kế hoạch phát triển phù hợp, Praneeth và Dhruv có đưa ra những lời khuyên sau:
Praneeth: Các thương hiệu cần “đi đúng hướng”. Thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng chứa đựng rất nhiều cơ hội to lớn. Miễn là bạn bắt kịp với xu hướng, bạn sẽ gặt hái được thành quả xứng đáng trong những năm tới. Khi làm quảng cáo, hãy biết linh hoạt biến đổi để phù hợp với xu thế, vốn là thứ không bao giờ đứng yên. Và lời khuyên cuối cùng, áp dụng cho tất cả mọi người: Hãy tận dụng sức mạnh của kỹ thuật số.
Dhruv: Hãy nhìn vào tương lai rồi nhìn vào những gì bạn muốn làm. Đối với tôi, quan trọng là đừng bị ngợp trước những biến đổi nhất thời hay những sự kiện bất thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn (từ một năm đến 18 tháng). Hãy nhìn vào tương lai 10 năm sau và bắt tay chuẩn bị cho tương lai ấy. Chỉnh đốn lại mô hình hoạt động, nhân sự, cấu trúc doanh nghiệp, chiến lược kênh, và chiến lược marketing, bất cứ điều gì cần thiết. Tôi thấy rất vinh dự khi được là một phần của hệ sinh thái này, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Đọc toàn bộ bản báo cáo SYNC Đông Nam Á năm nay tại đây.
Xem lại toàn bộ tập Vietnam Innovators này dưới đây.
Chuyển ngữ bởi Bích Trâm