9 Điều về Cannes chỉ Bảo Nguyễn mới biết
Bảo Nguyễn nhận cuộc gọi của chúng tôi lúc 8:30 giờ sáng tại Lyon, Pháp. Trên tay là ly nước, anh nói mình cần tỉnh táo để sẵn sàng cho ngày mới tại Liên hoan phim Lumière, một người anh em của Liên hoan phim Cannes.
Bảo là một nhà làm phim người Mỹ gốc Việt với sự nghiệp trải dài từ Sài Gòn đến Los Angeles. Người Việt biết đến anh gần đây nhất là với Ròm, bộ phim được công chiếu quốc tế tại Liên hoan phim Busan.
Năm 2020, thế giới biết đến anh dưới cương vị là đạo diễn của Be Water, bộ phim tài liệu mới nhất về huyền thoại Lý Tiểu Long. Be Water được chọn chiếu tại Liên hoan phim Cannes, một trong những liên hoan phim danh giá nhất thế giới.
1. Đây là lần đầu Bảo tham dự Cannes, nếu không có COVID
Be Water đáng ra được công chiếu quốc tế vào tháng 5 tại Cannes. Nhưng vì dịch COVID-19, Cannes bị hủy. Thay vào đó, những bộ phim sẽ được gửi đi nhiều liên hoan phim khác nhau trên thế giới.
Thế là phim của Bảo đến dự Liên hoan phim Lumière tại Lyon. Liên hoan phim này được đặt tên theo hai kỹ sư người Pháp Auguste và Louis Lumière, vốn được coi là những nhà làm phim đầu tiên trên thế giới.
2. Trên chuyến bay đi Pháp, Bảo là người Mỹ duy nhất
Bảo tuy bình thường bay rất nhiều, cũng kẹt cứng ở Los Angeles 6 tháng. Di chuyển với tấm hộ chiếu Hoa Kỳ giữa dịch COVID là một điều khó khăn. Cannes phải gửi thư mời dự liên hoan phim tới Đại sứ quán Pháp, anh mới lên được chuyến bay này.
Cả chuyến bay tới Lyon có mỗi mình là người Mỹ, còn lại toàn là người châu Âu về quê trong dịch.
3. Khán giả châu Âu ngồi kín rạp để gặp Lý Tiểu Long một lần nữa
Khi công chiếu Be Water, Bảo cứ tưởng không ai đến xem, nhiều lắm là khoảng ¼ rạp. Nhưng lúc anh bước vào - 1 tiếng trước khi chiếu - khán giả đã ngồi kín! Chứng tỏ Lý Tiểu Long có độ phủ sóng rất mạnh mẽ, kể cả với khán giả phương Tây.
Trình chiếu xong, mọi người đến chỗ Bảo cùng ảnh của Lý Tiểu Long và xin chữ ký. Họ chia sẻ với mình người hùng châu Á này có ý nghĩa như nào với họ, rằng họ đã lặn lội từ khắp nơi trên nước Pháp chỉ để được xem bộ phim này. Bảo cảm động lắm.
4. Người Mỹ đang xem phim từ trong… xe hơi
Ở Mỹ, Be Water được chiếu dưới dạng drive-in screening, tức là bạn ngồi trong xe và xem phim chiếu ngoài trời - một cách an toàn để thưởng thức phim trong dịch. Đây là lần đầu tiên Bảo trải nghiệm kiểu xem này.
Với người Mỹ, Lý Tiểu Long là một truyền thuyết giữa nhiều thế hệ, nên họ xem Be Water như một bộ phim gia đình. Ông bà cụ đến các em nhỏ đều tới. Xem phim xong, có bạn nhắn cho mình rằng ông của bạn đã khóc.
Trải nghiệm này lại khiến mình xúc động theo một kiểu khác: nhìn thấy tác phẩm của mình làm cầu nối giữa các thế hệ và cộng đồng khác nhau.
5. Có một cuộc "Tây tiến" từ điện ảnh phương Đông
"Người Mỹ thường chỉ xem phim Tây, đến Cannes mình mới thực sự được chứng kiến điện ảnh thế giới," Bảo chia sẻ.
Năm nay không chỉ có những cái tên từ phương Tây như The French Dispatch từ Wes Anderson và Soul từ Pixar, mà còn có những đại diện từ châu Á như Peninsula - hậu truyện của Train To Busan và Aya and the Witch, phim hoạt hình CG đầu tiên của Studio Ghibli.
Be Water tái hiện một người hùng châu Á trên con đường lan tỏa sức mạnh phương Đông tới Hollywood. Theo một cách nào đó, Bảo chính là sự tiếp nối của Lý Tiểu Long - anh cũng là một nhà làm phim gốc Á được vinh danh tại Mỹ và châu Âu.
Trong khuôn khổ liên hoan phim, Bảo thích nhất Nomadland bởi Chloe Zhao, một nữ đạo diễn người Trung Quốc hiện đang sống tại Mỹ.
Zhao là một nhà làm phim đặc biệt: Nomadland đúng chất phim indie, nhưng dự án tiếp theo của cô ấy lại là một phim bom tấn sản xuất cùng Marvel và có cả Angelina Jolie.
6. Nếu Be Water đến được Oscar, đó sẽ là lần đầu tiên người Việt chạm đến giải thưởng này trong 27 năm trở lại đây
Anh Trần Anh Hùng với đề cử dành cho Mùi Đu Đủ Xanh năm 1993 là lần gần nhất một đạo diễn Việt chạm đến giải Oscar. Và Bảo hy vọng Be Water sẽ là lần tiếp theo. Nhưng vì COVID, chúng ta sẽ phải chờ đến khoảng tháng 3 năm 2021 để biết câu trả lời.
“Mình theo dõi Oscar từ nhỏ và đã chứng kiến nhiều phép màu diễn ra. Mình không dám đòi hỏi gì, chỉ được nhắc đến là mình vui lắm rồi,” anh chia sẻ.
Còn nếu không được thì sao?
"Mình sẽ tiếp tục mơ mộng," Bảo trả lời.
7. Bảo cho rằng văn hóa là yếu tố sống còn trong dịch bệnh
“Trong dịch bệnh, không chỉ phim mà các nội dung văn hóa như nhạc, sách, báo, là những cầu nối vô hình để con người không bị cô lập. Đôi khi nó cho ta một lối thoát tạm thời khỏi thực tại không mấy tươi sáng. Đôi khi nó lại tạo một không gian để chúng ta chiêm nghiệm sâu hơn về thực tại. Cứ như vậy, phim ảnh giúp chúng ta giữ hy vọng,” Bảo chia sẻ.
8. COVID đang thay đổi cách chúng ta làm phim
Nhìn cái cách mọi người bức bối khi không được ra rạp, rồi rục rịch đi xem phim ngay khi lệnh giãn cách được hạ, Bảo lại càng muốn làm phim.
Với Bảo, COVID là cơ hội tái sinh những niềm vui nhỏ trong cuộc sống, những khoảnh khắc bên gia đình, những việc tủn mủn như được nắm tay và ôm nhau. Càng xa nhau, chúng ta càng nhận ra mình cần nhau.
Anh mong dịch bệnh là chất xúc tác để các nhà làm phim đào sâu vào thực tại, hoặc nhìn cuộc sống khác đi - và cho ra những tác phẩm hay hơn nữa.
9. Khán giả Việt sẽ được xem Be Water
Bảo đang nói chuyện với một số nhà phân phối để mang Be Water về Việt Nam - một ngày sau dịch. Hy vọng là sớm thôi.
Khi được hỏi về bộ phim tiếp theo, Bảo nói lúc nào anh cũng đang viết. Nhưng viết xong anh mới nói - năm nay không nên nói trước điều gì.