14 Thg 07, 2022Âm NhạcBỏ

Nhạc của Trang: “Bỏ sự hồn nhiên năm 21 tuổi để nghĩ cho người khác nhiều hơn”

"Có lẽ chẳng ai đã hơn 25 tuổi mà vẫn còn sống như khi 21. Dù đôi lúc cũng ước gì mình được quay lại sự hồn nhiên năm ấy."
Mai Nguyễn (Hoài)
Nguồn: Nhạc của Trang

Nguồn: Nhạc của Trang

Nhạc của Trang đến với tôi từ những ngày còn học cấp Ba, với bài Thư cho anh dịu dàng như một lời thủ thỉ về tình yêu. Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi Nhạc của Trang chỉ là một tên tuổi mới chớm ở SoundCloud. Giờ đây, album thứ 2 Chỉ Có Thể Là Anh của cô đã ra lò, đánh dấu thêm nhiều bước ngoặc của Trang trong chặng đường âm nhạc.

Để là con người hiện tại, hẳn chúng ta cũng phải đánh đổi rất nhiều thứ của bản thân ở quá khứ. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi là về những thứ Trang đã bỏ lại, và những câu chuyện quá khứ mà Trang đã bước qua, để được là cô bây giờ.

Trong âm nhạc, Trang đã bỏ lại những gì ở quá khứ để được là Trang của hôm nay?

Bỏ đi tâm thế “cái gì cũng viết xuống” trong âm nhạc.

Năm 2016, Trang bắt đầu làm nhạc. Mọi thứ về nhạc, với Trang ở thời điểm ấy, rất hồn nhiên và bản năng. Sự đam mê của mình rất mạnh mẽ, thích viết về cái gì thì sẽ viết cái đó. Nhạc lúc ấy như một cánh cửa để mình khám phá, vừa là cảm nhận của bản thân, vừa là những câu chuyện xảy ra xung quanh mình.

Sau đó khi đi diễn và tiếp xúc với các bạn nghe nhạc, mình toàn nhận được lời tâm sự là “Nghe nhạc chị em đã khóc rất nhiều”, “Em đã thức tới sáng”, hay “Nhạc của chị làm em nhớ lại quá khứ và tủi thân”. Dần dần, mình nhận ra có vẻ là mọi người toàn nghe nhạc mình lúc buồn và nó làm mọi người buồn hơn nữa thì phải.

Mình nghĩ như thế là đủ rồi, nên bắt đầu viết những bài hát an ủi, vui vẻ, để mọi người cảm thấy tích cực hơn đi thôi. Mỗi một câu chữ, giai điệu hay tiết tấu được viết ra, Trang luôn nghĩ nó có làm người ta dễ chịu và thấy được đồng hành không, thay vì chỉ thấy toàn sự tiêu cực như trước.

Khoảnh khắc nào khiến Trang quyết định không buồn nữa?

Những năm đầu tiên viết nhạc, mình toàn viết lúc buồn. Bởi vì khi vui đã ra ngoài chơi với bạn bè, đâu còn thì giờ ngồi xuống viết nhạc nữa.

Năm ấy, mình rơi vào cái hố của nỗi buồn và không biết làm sao để vực dậy. Khi bước ra ngoài, bước vào trong câu chuyện của mọi người, mình cũng chấp nhận luôn việc hấp thụ mọi sự tiêu cực, và cũng bỏ quên cảm xúc của chính mình.

Mình quyết định ở nhà chăm sóc nhà cửa và tinh thần. Thời gian ấy mình hay nghe nhạc trên mạng, và quả thật có những bài hát khiến mình cảm nhận được những niềm vui bé nhỏ trong cuộc sống. Làm những điều bé nhỏ cho mình cũng khiến mình tự nhiên yêu luôn những thứ bé nhỏ. Rồi mình để nỗi buồn qua đi, và bắt đầu viết nhạc lại.

Album đầu tiên của mình là thứ đánh dấu sự chuyển đổi, khi mình tập làm người bạn của chính mình. Và mỗi bài hát cũng như một người bạn ở bên đang vỗ vào vai mình và nói “it’s okay”.

Thế còn trong cuộc sống, Trang bỏ lại điều gì?

Bỏ đi khá nhiều sự hồn nhiên.

Năm 21 tuổi, Trang mở tất cả cánh cửa của bản thân và đón nhận cũng như bày tỏ hết tất cả cảm xúc. Mọi thứ mình làm lúc ấy đều vì mình cả. Nhưng sau 25 tuổi, càng trải nghiệm, mình càng biết suy nghĩ hơn. Mình bắt đầu tập hiểu suy nghĩ và cảm nhận của mọi người để biết cách hành xử và suy nghĩ cho người khác nhiều hơn.

Thật ra việc biết suy nghĩ hơn cũng cho mình mục tiêu viết nhiều hơn ngày xưa. Thời mới làm nhạc thì chỉ khi có hứng, có cảm xúc mạnh mẽ mới viết được. Còn giờ, mình tập viết chỉ từ một ý tưởng và làm việc có hệ thống hơn.

Có lẽ chẳng ai đã hơn 25 tuổi mà vẫn còn sống như khi 21. Dù đôi lúc cũng ước gì mình được quay lại sự hồn nhiên năm ấy.

Trang có từng nghi ngờ bản thân mình trong việc làm nhạc không?

Có buổi tối đi chơi cùng một người bạn, mình hát vu vơ một bài của người khác. Thế là bạn quay sang hỏi: “Sao em cứ lẩm bẩm bài của người khác hoài, sao em không bao giờ lẩm bẩm bài hát của chính em?”

Lúc mới tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi hát, mình chưa thực sự có niềm tin vào âm nhạc của bản thân đâu. Mình luôn nghĩ giai điệu của mình không hay và sẽ chẳng đọng lại gì cho người ta cả, mình cũng chẳng biết mình là ai trong âm nhạc.

Nhưng câu nói của người bạn kia làm mình suy nghĩ rất nhiều.

Mình thành thật với mọi cảm xúc của bản thân, cả phần tốt lẫn xấu. Mình chấp nhận tất cả cảm xúc mà trước đó bản thân không dám chấp nhận, như là sự ghen tị, như là suy nghĩ xấu về người khác. Rồi mình bắt đầu đặt ra những câu hỏi, rằng tại sao lại cảm thấy như thế.

Càng trả lời được, sự nghi ngờ dành cho bản thân dần nhỏ lại, và sự nghi ngờ dành cho âm nhạc của chính mình cũng thế.

Thời điểm đó, mình viết Bài hát của em, và đã tập ngân nga bài hát của mình.

Trang nghĩ để thành một nhạc sĩ, hay một ca sĩ hay, thì cần điều gì?

Sáng tác hay hát cũng là một công cuộc giao tiếp. Mình phải hiểu rõ thứ mình đang muốn nói. Khi truyền tải một thông điệp, mình phải biết thông điệp ấy là gì, ảnh hưởng đến mọi người thế nào.

Ngày xưa, mình cảm thấy thế nào thì viết nhạc hệt như thế, nên nó lan man lắm. Sau này mình hiểu phải làm cho người khác hiểu ý của mình, thì bài hát mới hoàn thiện.

Khi hát, mình tin vào lời mình hát thì lúc ấy mọi người mới cảm nhận được ý nghĩa. Mình đang thể hiện suy nghĩ của mình qua bài hát mà. Vì thế nên mỗi nghệ sĩ với một tính cách khác nhau sẽ có cách thể hiện bài hát khác nhau.

Làm nghệ thuật, cần nhất là trải nghiệm. Làm sao để Trang trải nghiệm được nhiều cuộc đời khác nhau?

Mình lắng nghe trải nghiệm và bước vào trải nghiệm đó.

Chẳng hạn, từng có người bạn nói thích ra bờ hồ uống bia lúc 2h sáng để cảm thấy được chữa lành, và mình cũng thử làm theo cô ấy. Mình luôn thử trải nghiệm thứ người khác đã làm, để hiểu cảm xúc của họ, hoặc cảm nhận được cảm xúc ngay lúc ấy của mình.

Trang khi viết nhạc về tình yêu hiện tại với Trang khi viết nhạc tình yêu ngày xưa có gì khác?

Mỗi lần viết về tình yêu, mình luôn nhớ đến những câu chuyện tình nhỏ diễn ra ở Hà Nội. Những thứ nhỏ bé thôi, như là cứ 4h chiều hai đứa sẽ ngồi uống trà đào ở ngay góc phố ấy, ngay cái bàn ấy. Những ký ức cứ trở đi trở lại, dù là khi mình viết nhạc năm xưa hay bây giờ.

Nhưng thời xưa lúc viết về tình yêu, mình chỉ hay viết về khoảnh khắc bị bỏ rơi, cô đơn thôi. Giờ thì viết về tình yêu còn là viết cho người khác. Mình luôn muốn cảm xúc rồi sẽ trôi qua, nhưng người nghe nhạc của mình luôn có một người hát cho nghe, và vỗ về họ.

Có một đỉnh núi nào trong sự nghiệp Trang vẫn chưa đạt được không?

Ngày xưa mình có rất nhiều đỉnh núi. Viết 1 bài hát phải có thật nhiều người nghe này, show phải có thật nhiều người tham gia này. Nhưng đến giờ, mình không có mong muốn gì quá lớn lao. Nếu viết ra được 1 bài hát mà kết nối được với mọi người, họ bảo thấy thoải mái khi nghe nhạc của mình là thấy “đã” rồi. Khi ấy, mỗi lần tập hát, mình biết mình vẫn có ích.

Nên có lẽ Trang không đặt cho mình đỉnh núi nào cao để trèo nữa, chỉ có những… đỉnh đồi mà thôi.

Đỉnh đồi tiếp theo của Trang trong âm nhạc là gì?

Trang không muốn cố định bản thân trong một từ khóa nào cụ thể, dù mọi người luôn dùng những tính từ như dịu dàng, nhẹ nhàng khi nói về nhạc của mình. Nhưng ở album mới này, vì nó có nhiều sự khác biệt, nên hẳn mọi người cũng sẽ cảm nhận được những điều mới mẻ.

Mình có nhiều ý tưởng lắm, cứ xong album này đã có ý tưởng cho những sản phẩm khác. Mỗi năm, mình đều nghĩ nên có một dự án gì đó mới.

Hiện tại, Trang vẫn vừa hát vừa sáng tác cho người khác hát. Mình cũng nghĩ là khi có nhiều nếp nhăn hơn thì sẽ lui về sáng tác nhiều hơn. Sau này, nếu mệt, mình sẽ tập chậm lại, bây giờ thì mình cứ nhanh trước đã.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục