Nhận biết 4 “bẫy” mua sắm cuối năm để tiêu dùng tỉnh táo 

Mùa mua sắm cuối năm sẽ là thời điểm mà hầu bao của bạn bị “tấn công” nhiều nhất. Dưới đây là những chiếc bẫy có thể bạn sẽ “sập”.
Diệp Khoa
Những bí kíp giúp bạn không rơi vào bẫy mua sắm cuối năm | Nguồn: Cottonbro

Những bí kíp giúp bạn không rơi vào bẫy mua sắm cuối năm | Nguồn: Cottonbro

Cuối năm là khoảng thời gian vàng để các thương hiệu thời trang, làm đẹp “hốt bạc”. Đồng thời, đây cũng là lúc khách hàng có nhu cầu mua sắm cho năm mới cũng như tự thưởng cho mình sau một năm vất vả.

Điều hiển nhiên là vào mùa sôi động này, các nhãn hàng luôn có sự cạnh tranh khốc liệt để tăng doanh số. Vì lẽ đó, có không ít chiến lược bán hàng được tung ra để khiến khách hàng dễ dàng rút hầu bao hơn.

Dưới đây là một vài kinh nghiệm để bạn có thể tỉnh táo hơn khi mua sắm trong một thế giới đầy mời gọi.

Bẫy 1: Tâm lý đam mê “limited edition”

Phiên bản giới hạn là một chiến lược tiếp thị tuyệt vời để các doanh nghiệp thu hút khách hàng. Nếu quan sát, bạn sẽ thấy thời điểm này các nhãn hàng đều tung ra mẫu sản phẩm giới hạn, đặc biệt dành riêng cho mùa lễ hội. Hầu hết phần “ruột” chẳng có gì thay đổi, nhưng phần bao bì thì sẽ luôn bắt mắt và cực kì mời gọi.

Theo MBAKnol.com, “chiến lược tiếp thị phiên bản giới hạn mang lại cảm giác độc quyền vì các sản phẩm có số lượng ít và chỉ được bày bán thời gian ngắn.”

Chiếc “bẫy” này giăng lấy tâm lý người tiêu dùng có nhu cầu ngầm về sự độc đáo. Việc mua và sử dụng hàng hóa giới hạn khiến bạn nổi bật hơn những người khác. Vậy nên thứ gì khiến bạn tự hào khi mang ra khỏi tiệm, bạn sẽ mua chúng!

Chiếc bẫy thứ hai của limited edition là giá cả. Không phải lúc nào phiên bản đặc biệt cũng đắt tiền hơn. Chẳng hạn, các dòng son của CHANEL, Dior, YSL luôn có phiên bản mùa lễ hội.

Tuy nhiên giá của chúng lại không mấy chênh lệch so với phiên bản thường (ví dụ son Chanel Limited No.5 giá 45 đô, nhưng dòng thường đã 42 đô). Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã kích thích bạn “chốt đơn” nhanh hơn.

Ngoài ra, một bẫy khác để “kéo bạn lại gần” thương hiệu hơn là những thiết kế giới hạn cho phân khúc cao cấp. Bạn có thể không đủ tiền để mua chiếc lịch advent calendar của CHANEL hay Dior. Nhưng bạn sẽ muốn đến cửa hàng để nhìn ngắm chúng. Đó là lúc bạn dễ sa vào những “cám dỗ” khác (với giá hời) ở ngay bên cạnh.

Bẫy 2: Cám dỗ “Foot-in-the-door” từ pop-up event

Những gian hàng pop-up cuối năm được đầu tư hết sức đẹp mắt và mời gọi. Chúng lại thường đặt ở vị trí cửa ra vào để thu hút tối đa sự chú ý của khách hàng. Điều khiến bạn dễ “mắc bẫy” nhất ở pop-up event chính là sự nhiệt tình của các nhân viên tư vấn với kỹ năng chăm sóc tuyệt vời.

Bên cạnh bày trí đẹp, việc nhân viên tư vấn hồ hởi xịt nước hoa, thoa kem mẫu thử… và nhiều thứ khác khiến bạn cảm thấy như người quan trọng. Và khi ấy, tâm lý của chúng ta là cần làm gì đó để… hồi đáp lại. Đây chính là lúc chiếc bẫy dịch vụ khách hàng hoàn thành nốt việc còn lại.

Ban đầu nhân viên có thể giới thiệu bạn những sản phẩm với giá tiền rất nhỏ, gọi là tuyệt chiêu “foot in the door” - Đặt một chân vào cửa.

Khi bạn chịu lắng nghe lời đường mật sẽ là một danh sách dài về những offer nghe rất hời về giá và lại thêm quà tặng. Không phải ai cũng dám “dũng cảm” rời đi trước sự nhiệt tình và hàng tá ưu đãi như thế!

Cách để tránh mắc chiếc bẫy này là lịch sự nhận hàng dùng thử hay nghe tư vấn. Nếu muốn rời đi, hãy cảm ơn cho dịch vụ tốt, đồng thời cho biết bạn còn rất nhiều gian hàng khác phải ghé và muốn thử những lựa chọn khác.

Lúc này, bạn thật sự trở lại vị trí khách hàng đang đi lượn mua sắm chứ không còn “nợ nần” nhân viên tư vấn vì sự hồ hởi của họ nữa.

Bẫy 3: Ảo giá qua Flash sales/Bundle deal cuối năm

Cuối năm là dịp các trang thương mại điện tử tích cực đẩy chiến lược flash sale hay bundle deal (mua gộp) một cách rầm rộ. Chiếc bẫy giăng ra ở đây rất rõ về giá.

Hiệu ứng tâm lý FOMO khiến bạn bước vào một flash sale qua việc tập trung vào săn và trả giá chứ không phải vào sản phẩm mình thật sự cần. Và bạn cũng không thể biết liệu giá của flash sale cuối năm đã tốt nhất hay chưa.

Sau một vài lần quan sát, tôi thấy không ít kì giảm giá giữa năm (30/4, 1/5 hoặc 9/9) lại có giá tốt hơn hẳn dịp cuối năm. Lý do vì cuối năm cạnh tranh cao, theo quy luật thị trường thì chi phí cho những thứ liên quan như marketing, chạy quảng cáo sẽ lên. Từ đó, bạn khó mà mua sản phẩm với giá giảm tốt nhất được.

Ngoài ra, theo flash sales cuối năm chưa chắc là “deal” hời bởi những hệ lụy kèm theo như chi phí vận chuyển có thể đắt hơn, chính sách đổi trả nhiều bất lợi vì giới hạn thời gian... Vậy nên, những kỳ sale sắp tới như 11/11, Black Friday (26/11), bạn hãy tỉnh táo trước cuộc đổ bộ của Flash sale nhé.

Bẫy 4: Mất tập trung với “hỏa mù” influencers/KOL

Mặc dù các nhãn hàng vẫn dùng influencers trong suốt cả năm, vào mùa lễ hội, bạn sẽ thấy quảng cáo có phần dày đặt và thông điệp rõ ràng hơn.

Theo Forbes dự đoán, năm nay, người dùng sẽ trải nghiệm một mùa cuối năm cùng với các vô vàn nội dung từ influencer như: cách trang trí, làm những món đồ thủ công hay những câu chuyện liên quan đến nghỉ ngơi, trải nghiệm quà tặng độc đáo từ các nhãn hàng, gửi quà tặng dành riêng cho cộng đồng.

“Chiếc bẫy” này được giăng ra với nhiều yếu tố tổng hợp khiến bạn phải chú ý: sự xuất hiện liên tục của những bao bì phiên bản lễ hội tuyệt đẹp, cuộc sống lung linh đầy ao ước mùa cuối năm…

Ngoài ra, các nhãn hàng còn áp dụng hình thức tiếp thị liên kết (Affiliate marketing) cùng các KOL/Influencers với các link đặt mua tức thì, deal hời dành riêng khiến cảm giác mua sắm càng hối hả, mời gọi hơn.

Một khi bạn nhìn thấy một sản phẩm xuất hiện dày đặc, sẽ rất khó để ngồi yên. Từ đó, hiệu ứng đám đông khiến chúng ta lao vào ma trận mua sắm và ra về với rất nhiều đồ đạc.

Mặc dù chi tiêu trả thù có khả năng diễn ra trong dịp holiday season năm nay, chúng ta vẫn nên tỉnh táo để chi tiêu hợp lý. Thay vì đổ quá nhiều tiền vào tiêu pha, hãy hoạch định tài chính cá nhân kĩ hơn để chuẩn bị cho một năm 2022 với không ít thử thách.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục